Ô nhiễm môi trường – vấn đề nổi cộm của Việt Nam trong năm 2019
- Lê Xuân
- •
Ô nhiễm môi trường, bao gồm ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước và ô nhiễm rác thải, là một trong những vấn đề xuyên suốt nổi cộm tại Việt Nam trong năm 2019.
Liên tiếp tại nhiều thời điểm trong năm, chỉ số chất lượng không khí (AQI) tại nhiều thành phố, đặc biệt là hai đô thị lớn Hà Nội và TP HCM đều vượt ngưỡng “rất xấu” lên mức “nguy hại.” Chỉ số bụi mịn PM2.5 cũng cao ở mức đáng báo động, tiềm ẩn nhiều tác hại cho sức khỏe.
Đặc biệt, ứng dụng AirVisual nhiều lần xếp Hà Nội đứng đầu danh sách các thành phố ô nhiễm nhất thế giới. Sự việc đã gây nên luồng tranh luận mạnh mẽ trên Mạng xã hội (MXH) vào đầu tháng 10, khiến AirVisual nhận được hàng loạt bình luận tiêu cực, có tính chất đe dọa trên Facebook, đồng thời bị “tấn công hội đồng” bằng những đánh giá 1 sao trên nhiều nền tảng.
Nguyên nhân gây ra tình trạng ô nhiễm không khí được các chuyên gia cho rằng từ nhiều phương diện: khói bụi của các phương tiện giao thông dày đặc, nhiều công trình xây dựng, làm đường, ít cây xanh, thói quen đốt rơm rạ tại một số khu vực, hay hiện tượng nghịch nhiệt.
> Hà Nội ô nhiễm không khí nhất thế giới, AQI ở mức “Nguy hiểm”
Liên quan đến tình trạng ô nhiễm nguồn nước, trong năm 2019, mức độ ô nhiễm trở nên ngày càng đáng báo động. Tình trạng chung là lượng nước thải đô thị lớn hầu như đều chưa được xử lý, mang theo rất nhiều chất độc hại gây ô nhiễm môi trường xả trực tiếp vào các kênh mương và chảy thẳng ra sông; một phần của số này lại ngấm xuống các mạch nước ngầm làm ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước sinh hoạt. Ngoài ra, tại nhiều tỉnh thành, nước thải công nghiệp, nước thải từ các làng nghề, rác thải sinh hoạt vứt bừa bãi cũng làm ô nhiễm nặng hệ thống sông ngòi.
Tại Hà Nội, điển hình của ô nhiễm nước là vụ nước sông Đà nhiễm dầu thải; nước ngầm tại Hà Nội nhiễm asen nặng; nguy cơ nước nhiễm thuỷ ngân sau vụ cháy nhà máy Rạng Đông; hay những vấn đề liên quan đến làm sạch sông Tô Lịch. Tại miền Nam, ô nhiễm nước mặt sông Đồng Nai ngày càng trở nên nghiêm trọng, không đủ tiêu chuẩn để cấp nước sinh hoạt cho người dân. Các sông khác như sông Thị Vải, Sài Gòn, Vàm Cỏ, Tiền – Hậu đều có mức độ ô nhiễm mở rộng.
> Việt Nam: Khi nước ‘quá ít, quá nhiều và quá bẩn’
Năm 2019 cũng xảy ra tình trạng “khủng hoảng rác” trên nhiều tỉnh thành, cụ thể là tình trạng quá tải, ô nhiễm môi trường tại các bãi chôn lấp rác và các nhà máy xử lý rác thải khi lượng rác thải ngày càng nhiều nhưng quỹ đất dành cho việc chôn lấp ngày càng hạn hẹp và công nghệ xử lý còn lạc hậu.
Điển hình là vụ người dân chặn không cho xe chở rác vào bãi chôn lấp ở bãi rác Nam Sơn (Sơn Tây) khiến rác ứ đọng, ngập ngụa; hàng chục ngàn tấn rác thải tồn đọng tại nhiều địa phương ở Quảng Nam; Đà Nẵng chi đến 12 tỷ chỉ để mua bạt che rác ở bãi rác Khánh Sơn v.v. Ngoài ra, vấn nạn rác thải cũng đang diễn ra ở nhiều huyện đảo du lịch như: Lý Sơn, Bình Ba, Côn Đảo, Phú Quốc, Nam Du…
Báo cáo của Bộ Xây dựng cho thấy, trong tổng số 660 bãi chôn lấp có quy mô lớn hơn 1 ha mới có 120 bãi chôn lấp hợp vệ sinh, trong đó Hà Nội có tới 85 – 90% số bãi chôn lấp rác không hợp vệ sinh. Nhiều bãi chôn lấp, nhà máy xử lý rác thải tại Việt Nam trong tình trạng quá tải, tồn đọng hàng chục đến hàng trăm nghìn tấn rác thải chưa được xử lý. Những “núi rác” này không được che chắn, không có chống thấm nền, không có hệ thống thu gom nước rỉ rác, không có biện pháp xử lý mùi hôi, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
> Thảm họa ô nhiễm tại Việt Nam: Chúng ta còn quay lưng đến khi nào?
Trái ngược với tình trạng ô nhiễm môi trường ở mức rất đáng lo ngại, phản ứng của các cơ quan liên quan và chính quyền sở tại nhìn chung còn chậm, lúng túng với sự chồng chéo về vai trò, chức năng. Hơn thế nữa, những giải pháp đưa ra đa số dừng lại ở bề mặt, chưa có những biện pháp quyết liệt để giải quyết từ gốc rễ để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm. Năng lực quản lý môi trường ở Việt Nam, đặc biệt về mặt hành pháp, cần được xem xét và cải thiện một cách nghiêm túc, nhất là khi ô nhiễm môi trường ở Việt Nam đã tới giới hạn nguy hiểm.
Lê Xuân
Xem thêm:
Từ khóa ô nhiễm nguồn nước ô nhiễm rác thải Ô nhiễm môi trường ô nhiễm không khí