Việt Nam: Những vấn đề chính trị – xã hội nổi bật năm 2019 (Phần 1)
- Lê Xuân
- •
Cùng điểm lại những sự kiện chính trị – xã hội nổi bật tại Việt Nam trong năm 2019.
Ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng
Ô nhiễm môi trường, bao gồm ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước và ô nhiễm rác thải, là một trong những vấn đề xuyên suốt nổi cộm tại Việt Nam trong năm 2019.
Liên tiếp tại nhiều thời điểm trong năm, chỉ số chất lượng không khí (AQI) tại nhiều thành phố, đặc biệt là hai đô thị lớn Hà Nội và TP HCM đều vượt ngưỡng “rất xấu” lên mức “nguy hại.” Chỉ số bụi mịn PM2.5 cũng cao ở mức đáng báo động, tiềm ẩn nhiều tác hại cho sức khỏe.
Đặc biệt, ứng dụng AirVisual nhiều lần xếp Hà Nội đứng đầu danh sách các thành phố ô nhiễm nhất thế giới. Nguyên nhân gây ra tình trạng ô nhiễm không khí được cho là từ nhiều phương diện: khói bụi của các phương tiện giao thông dày đặc, nhiều công trình xây dựng, làm đường, ít cây xanh, thói quen đốt rơm rạ tại một số khu vực, hay hiện tượng nghịch nhiệt.
Liên quan đến tình trạng ô nhiễm nguồn nước, trong năm 2019, mức độ ô nhiễm trở nên ngày càng đáng báo động. Tình trạng chung là lượng nước thải đô thị lớn hầu như đều chưa được xử lý, mang theo rất nhiều chất độc hại gây ô nhiễm môi trường xả trực tiếp vào các kênh mương và chảy thẳng ra sông; một phần của số này lại ngấm xuống các mạch nước ngầm làm ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước sinh hoạt. Ngoài ra, tại nhiều tỉnh thành, nước thải công nghiệp, nước thải từ các làng nghề, rác thải sinh hoạt vứt bừa bãi cũng làm ô nhiễm nặng hệ thống sông ngòi.
Tại Hà Nội, điển hình của ô nhiễm nước là vụ nước sông Đà nhiễm dầu thải; nước ngầm tại Hà Nội nhiễm asen nặng; nguy cơ nước nhiễm thuỷ ngân sau vụ cháy nhà máy Rạng Đông; hay những vấn đề liên quan đến làm sạch sông Tô Lịch. Tại miền Nam, ô nhiễm nước mặt sông Đồng Nai ngày càng trở nên nghiêm trọng, không đủ tiêu chuẩn để cấp nước sinh hoạt cho người dân. Các sông khác như sông Thị Vải, Sài Gòn, Vàm Cỏ, Tiền – Hậu đều có mức độ ô nhiễm mở rộng.
Năm 2019 cũng xảy ra tình trạng “khủng hoảng rác” trên nhiều tỉnh thành, cụ thể là tình trạng quá tải, ô nhiễm môi trường tại các bãi chôn lấp rác và các nhà máy xử lý rác thải khi lượng rác thải ngày càng nhiều nhưng quỹ đất dành cho việc chôn lấp ngày càng hạn hẹp và công nghệ xử lý còn lạc hậu.
Điển hình là vụ người dân chặn không cho xe chở rác vào bãi chôn lấp ở bãi rác Nam Sơn (Sơn Tây) khiến rác ứ đọng, ngập ngụa; hàng chục ngàn tấn rác thải tồn đọng tại nhiều địa phương ở Quảng Nam; Đà Nẵng chi đến 12 tỷ chỉ để mua bạt che rác ở bãi rác Khánh Sơn v.v. Ngoài ra, vấn nạn rác thải cũng đang diễn ra ở nhiều huyện đảo du lịch như: Lý Sơn, Bình Ba, Côn Đảo, Phú Quốc, Nam Du…
Báo cáo của Bộ Xây dựng cho thấy, trong tổng số 660 bãi chôn lấp có quy mô lớn hơn 1 ha mới có 120 bãi chôn lấp hợp vệ sinh, trong đó Hà Nội có tới 85 – 90% số bãi chôn lấp rác không hợp vệ sinh. Nhiều bãi chôn lấp, nhà máy xử lý rác thải tại Việt Nam trong tình trạng quá tải, tồn đọng hàng chục đến hàng trăm nghìn tấn rác thải chưa được xử lý. Những “núi rác” này không được che chắn, không có chống thấm nền, không có hệ thống thu gom nước rỉ rác, không có biện pháp xử lý mùi hôi, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Trái ngược với tình trạng ô nhiễm môi trường ở mức rất đáng lo ngại, phản ứng của các cơ quan liên quan và chính quyền sở tại nhìn chung còn chậm, lúng túng với sự chồng chéo về vai trò, chức năng. Hơn thế nữa, những giải pháp đưa ra đa số dừng lại ở bề mặt, chưa có những biện pháp quyết liệt để giải quyết từ gốc rễ để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm.
Sức ảnh hưởng ngày càng rõ nét của Mạng xã hội
Năm 2019, Việt Nam có tới 62 triệu người sử dụng mạng xã hội (MXH), chiếm 64% dân số, tăng 7% so với năm 2018. Số người dùng MXH trên thiết bị di động là 58 triệu, tăng 8 triệu so với năm 2018. Trong đó, Facebook là MXH phổ biến nhất Việt Nam hiện nay với thời gian truy cập hàng ngày trung bình là 3.55 tiếng – cao nhất trong các MXH, tiếp sau đó là YouTube, Zalo, Instagram… (theo Vinaresearch).
Vượt cả báo giấy, truyền hình, radio, MXH dần trở thành kênh truyền thông có sức ảnh hưởng nhất tại Việt Nam, và cũng hình thành nên một thứ “quyền lực thứ 5” ở cả khía cạnh tích cực và tiêu cực.
Ở khía cạnh tích cực, những tiếng nói phản biện trên MXH đã góp phần giúp phanh phui nhiều vụ việc khuất tất, cũng như giúp giám sát những hành vi phi đạo đức và trái pháp luật, tạo sức ép buộc những cá nhân phải chịu trách nhiệm trước hành vi của mình. Những vụ việc điển hình có thể kể đến như vụ “cựu Viện phó VKSND Đà Nẵng Nguyễn Hữu Linh dâm ô“, “Đại uý Lê Thị Hiền náo loạn sân bay“, “Thượng uý Nguyễn Xô Việt hành hung nhân viên trạm nghỉ“; cùng nhiều vụ việc nhỏ lẻ về CSGT, công an có hành vi không đúng mực, xe lật biển, những công trình hay chi tiêu tiền tỷ gây lãng phí, xây dựng trái pháp luật, gian lận điểm thi v.v.
Đầu tháng 11, “sức mạnh” của MXH còn khiến Tổ chức Operation Smile Việt Nam phải rút tên diễn viên Thành Long khỏi chuỗi các sự kiện kỷ niệm 30 năm hoạt động tại Việt Nam bởi những cáo buộc liên quan đến việc nam diễn viên này từng ủng hộ ‘Đường lưỡi bò’ của Trung Quốc.
Tuy nhiên, việc thông tin dễ dàng được lan tỏa và việc đa số người dùng MXH ít có thói quen kiểm chứng thông tin đã khiến người đọc nhiều lần lan truyền thông tin sai lệch, thất thiệt, vô tình tiếp tay cho những hành vi xấu, mục đích xấu, có ảnh hưởng tiêu cực đến các cá nhân và xã hội. Vụ AirVisual bị “tấn công hội đồng” sau lời kêu gọi của 1 thầy giáo; hay vụ hành hung xảy ra ở Tiền Giang theo lời kích động của 1 ca sĩ là những ví dụ tiêu biểu về việc người dùng MXH dễ dàng bị dẫn dắt hành động theo ý đồ tiêu cực của người khác.
Các dịch vụ gắn liền với tâm linh nở rộ
Năm 2019, những ‘siêu dự án’ xây khu du lịch tâm linh tiếp tục được nghiên cứu và dự tính triển khai khi nhu cầu tâm linh của người dân được dự báo sẽ ngày càng tăng cao.
Các dự án khu tâm linh nổi bật có thể kể đến như dự án khu tâm linh tại đảo Cái Tráp (Hải Phòng) với diện tích khoảng 450ha, ngoài tượng Phật cao 150m còn có khách sạn 5 sao, khu biệt thự nghỉ dưỡng, casino. Dự án Khu du lịch tâm linh Hồ Núi Cốc (Thái Nguyên) rộng 18.940ha với tổng vốn đầu tư 15.000 tỷ đồng sẽ có bảo tháp lớn nhất thế giới với sức chứa lên tới 10 nghìn người. Dự án Chùa Tam Chúc (Hà Nam) có diện tích 5.000ha với tổng vốn đầu tư khoảng 11.000 tỷ đồng, mục tiêu khi hoàn thành sẽ trở thành ngôi chùa lớn nhất thế giới. Dự án khu du lịch tại chùa Hương đề xuất rộng 1.000ha, với vốn đầu tư 15.000 tỷ đồng. Dự án Tam Đảo II với diện tích quy hoạch 300ha, được Tập đoàn Sun Group đầu tư với số vốn khoảng 25.000 tỷ đồng. Ngoài ra mới đây còn có Dự án Khu du lịch sinh thái văn hóa tâm linh Lũng Cú và Dự án Thang máy ngắm cảnh, tham quan di tích Đồn Cao ở Đồng Văn (Hà Giang) đang gây tranh cãi về tính pháp lý.
Điều đáng nói, mặc dù các dự án gắn liền với tâm linh đều rộng từ vài trăm đến vài ngàn hecta, thì đa số chùa, tháp (khu vực tâm linh) chỉ chiếm một diện tích vô cùng khiêm tốn so với tổng thể dự án dành cho các khu dịch vụ nghỉ ngơi, giải trí. Các doanh nghiệp đầu tư được cho là đã biến tâm linh thành món hàng thương mại, tận thu mọi thứ ở chốn linh thiêng, dần dần làm méo mó nhận thức của người dân về việc tu hành và Phật Pháp. Hiện tượng sùng bái tín ngưỡng tăng nhanh nhưng dần bị chuyển theo hướng mê tín dị đoan.
- ‘BOT cửa chùa’: Khi ‘thương mại tâm linh’ trên đà nở rộ
- Thời mạt Pháp, chùa là sàn giao dịch kinh doanh, sư là nhà kinh tế?
Các bê bối cũng liên tiếp xảy ra ở những nơi thờ tự: cảnh tượng hỗn loạn, mặc cả nơi chùa Phúc Khánh (Hà Nội) dâng sao giải hạn đầu năm; chùa Ba Vàng (Quảng Ninh) truyền bá vong báo oán, làm lễ giải vong mỗi năm thu hàng trăm tỷ; trụ trì chùa Địa Ngục (Tam Đảo) gạ tình, xây chùa trái phép, sau đó xin hoàn tục và giữ khối tài sản 2-300 tỷ; sư thầy tại chùa Sắc Tứ Khải Đoan (tỉnh Đắk Lắk) với các hành vi hung hãn và ngôn từ thô tục, cầm gậy đập vỡ kính ôtô.
Trốn ở lại nước ngoài: Thực trạng báo động
Nếu như năm 2018 kết thúc bằng ồn ào “quốc thể” quanh việc 152 người Việt mua tour du lịch để bỏ trốn tại Đài Loan, thì năm 2019 bắt đầu bằng những tấm hình người Việt chui trong giường hộp, tủ lạnh trốn ở lại Đài Loan để tìm sinh kế.
Việc người Việt tìm cách trốn lại lao động ở các nước phát triển như Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Anh Quốc không phải là chuyện mới, nhưng những câu chuyện được ghi lại trên mặt báo trong năm 2019 đã cho thấy thực trạng báo động của tình trạng này, cũng như mở ra nhiều góc khuất của số phận những “di dân” bất hợp pháp từ Việt Nam.
Cuối tháng 9/2019, truyền thông Hàn Quốc loan tin về 9 người Việt đi theo chuyên cơ của đoàn Quốc hội Việt Nam đã bỏ trốn ở lại Hàn Quốc. Trong khi dư luận yêu cầu làm rõ danh tính của 9 người và trách nhiệm của các cơ quan liên quan, thì Quốc hội Việt Nam chỉ giải thích là “cho đi nhờ” và “lần sau không cho đi nhờ nữa”; còn Bộ KH&ĐT thì cho rằng “đã làm hết trách nhiệm nhưng bị lợi dụng.” Đến nay đã có 3 trong số 9 người nói trên về nước.
Trước đó, Tổng cục du lịch Hàn Quốc đã ra thông báo về việc số người Việt Nam lợi dụng chính sách ưu đãi visa Hàn Quốc 5 năm để cư trú bất hợp pháp tăng đột biến với hàng nghìn trường hợp, mỗi ngày ước tính có đến 100 người Việt đến Hàn Quốc bằng con đường du lịch rồi trốn ở lại.
Tuy nhiên, sự việc gây chấn động nhất của những di dân lậu người Việt là vụ 39 người tử vong trong container đông lạnh tại hạt Essex, Anh Quốc, xảy ra vào cuối tháng 10/2019. Ban đầu, các nạn nhân được xác định là người Trung Quốc, nhưng sau khi nhiều gia đình tại Việt Nam liên tiếp thông báo việc người thân mất tích trên đường đến Anh, cảnh sát đã điều tra và xác định toàn bộ 39 nạn nhân là người Việt.
Gia đình của các nạn nhân được cho là đã phải bỏ ra khoảng gần 1 tỷ đồng để trả cho “đường dây” đưa người lậu vào Anh. Tại Pháp và Hà Lan, vẫn còn hàng trăm người Việt khác sống chui nhủi để chờ cơ hội nhảy xe trốn vào Anh. Những người này cho biết cái kết bi thảm của 39 người trong thùng container sẽ không làm họ dừng bước bởi khoản nợ treo trên đầu và ước vọng đổi đời, cho dù phải làm những công việc bất hợp pháp.
Xem thêm:
- Ly hương ngay trên chính quê hương mình
- Không luật pháp nào đứng cao hơn đạo đức căn bản, lẽ công bằng và sự tử tế
- Điều còn lại sau một thảm kịch
Đường sắt đô thị: Sự chờ đợi chưa có hồi kết
Năm 2019, các dự án đường sắt đô thị ở Hà Nội và TP HCM vẫn liên tiếp lỡ hẹn và chưa xác định được thời điểm hoàn thành.
Đặc biệt, dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông (Hà Nội) gây bức xúc lớn cho dư luận không chỉ vì sự chậm trễ, mà còn vì hàng loạt sai phạm liên quan đến tổng thầu, đội vốn, hiệu quả đầu tư. Thậm chí, báo chí trong nước còn bình luận rằng đường sắt Cát Linh – Hà Đông là một ‘bảo tàng’ về kinh nghiệm thất bại.
Đường sắt Cát Linh – Hà Đông sử dụng vốn vay ODA Trung Quốc và đối ứng của Việt Nam có tổng vốn đầu tư ban đầu hơn 552 triệu USD sau đó bị đội lên 891,9 triệu USD. Tính trung bình, mỗi năm Việt Nam phải trả nợ cho Trung Quốc 650 tỷ đồng vốn vay (tương đương 1,8 tỷ đồng/ ngày). Nếu cộng cả 2 khoản vay (khoản vay ban đầu và khoản vay phát sinh do chậm tiến độ), mỗi ngày phía Việt Nam đang phải trả cả lãi, gốc khoảng 2,4 tỷ đồng.
> Số phận đường sắt Cát Linh – Hà Đông liệu có giống buýt nhanh BRT?
Dự án được khởi công từ tháng 10/2011; ban đầu dự kiến dự án hoàn thành và đưa vào khai thác thương mại từ tháng 6/2015, nhưng cho đến nay sau gần chục lần trì hoãn vẫn chưa thấy hẹn ngày về đích. Cuối tháng 9, Kiểm toán Nhà nước công bố hàng loạt sai phạm trong quá trình lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh tăng vốn và ký kết hợp đồng dự án này với số tiền chi sai lên tới gần 3.000 tỷ đồng.
Hiện tại, dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông đã hoàn thành về cơ bản nhưng chưa thể vận hành do chưa có đủ cơ sở đánh giá hệ thống an toàn của đoàn tàu.
Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông được coi là một “biểu tượng” cho rất nhiều thiếu sót, hạn chế trong việc quản lý và sử dụng vốn vay phát triển hạ tầng. Đặc biệt cho đến nay, chưa có ai phải chịu trách nhiệm về việc này.
Lê Xuân (t/h)
Từ khóa Những sự kiện chính trị - xã hội nổi bật năm 2019 ảnh hưởng của Mạng xã hội khu du lịch tâm linh bỏ trốn ở lại nước ngoài Ô nhiễm môi trường Đường sắt đô thị