Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội chọn Công ty TNHH Vận hành Tàu điện ngầm Bắc Kinh (Trung Quốc) làm tư vấn, hỗ trợ quản lý vận hành khai thác tuyến đường sắt đô thị Cát Linh- Hà Đông, thời gian thực hiện hợp đồng trong 12 tháng.
Báo chí nhà nước hôm 22/1 loan tin công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro) đã chọn một công ty Trung Quốc làm “Tư vấn hỗ trợ quản lý, vận hành khai thác tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông”.
Giá trúng thầu hơn 120 tỷ đồng (hơn 5,1 triệu USD), thấp hơn giá chào thầu 6 tỷ đồng. Thời gian thực hiện hợp đồng là 12 tháng.
Khi được hỏi về việc này, lãnh đạo Bộ GTVT Việt Nam khẳng định: “Việc tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà thầu là do phía Hà Nội tổ chức, Bộ GTVT không tham gia vào việc này. Việc đấu thầu, lựa chọn thầu gói thầu trên diễn ra như thế nào thì phải hỏi bên phía Metro Hà Nội”, theo Dân Việt.
Trước đó, hồi tháng 9/2020, Hanoi Metro đã phát hành hồ sơ mời thầu quốc tế gói thầu “Tư vấn hỗ trợ quản lý, vận hành khai thác tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông”.
Được biết, có 4 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, vận hành đường sắt nộp hồ sơ dự thầu, trong đó có 1 doanh nghiệp Việt Nam và 3 doanh nghiệp Trung Quốc.
Sau khi thực hiện chấm thầu, ngày 12/1/2021, Hanoi Metro đã phê duyệt kết quả đấu thầu, doanh nghiệp trúng thầu là Công ty TNHH Vận hành Tàu điện ngầm Bắc Kinh.
Mới đây, lãnh đạo Bộ GTVT Việt Nam thông báo dự án Cát Linh – Hà Đông chưa thể bàn giao, khai thác trong tháng 1/2021 – tức là chưa thể vận hành thương mại trước Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII với lý do “chưa hoàn tất thủ tục”, mặc dù trước đó không lâu (tháng 12/2020), Bộ trưởng GTVT Việt Nam Nguyễn Văn Thể cam kết sẽ đưa tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông vào khai thác trong tháng 1/2021.
Bộ này cho biết dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông được điều chỉnh lùi tiến độ thực hiện hoàn thành đến 31/3/2021.
Trước lần hứa hẹn trên, giới chức Bộ GTVT còn hứa hẹn, cam kết hàng chục lần khác nhưng vẫn thất hứa khiến người dân bức xúc.
Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông có chiều dài 13,05 km gồm 12 ga và 1 khu Depot, đi qua các quận Đống Đa, Thanh Xuân, Từ Liêm và Hà Đông của thành phố Hà Nội.
Tổng mức đầu tư ban đầu 8.770 tỷ đồng (gần 553 triệu USD), sau đó điều chỉnh lên 18.002 tỷ đồng (hơn 868 triệu USD).
Trong số này, vốn vay ODA Trung Quốc là 13.867 tỷ đồng, vốn đối ứng 4.134 tỷ.
Kim Long
Nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml dự kiến phải chịu thuế tiêu…
Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…
Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…
Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM - ông Huỳnh Nguyễn Lộc bị…
Vào ngày 28/7, mẹ của Hoàng Diên Thu phát hiện con trai mất tích, cả…
Ông Kim Jong Un đã cáo buộc Hoa Kỳ gia tăng căng thẳng và khiêu…