Tình trạng nước thiếu và yếu đang diễn ra trên toàn địa bàn TP Đà Nẵng, trong đó quận Sơn Trà là nặng nhất. Nguyên nhân do nguồn nước thô cho nhà máy nước bị nhiễm mặn, trong khi lưu lượng xả từ các hồ thủy điện không đủ để đẩy mặn.
Chiều 19/8, Công ty cổ phần Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) thông báo về việc suy giảm áp lực, lưu lượng cấp nước trên địa bàn thành phố và xảy ra tình trạng nước yếu tại các khu vực ở cuối nguồn. Nguyên nhân do sông Cầu Đỏ bị nhiễm mặn nặng với độ mặn cao nhất lên đến 2.858 mg/l.
Ngay trong chiều 19/8, đã xuất hiện tình trạng nước yếu và thiếu tại các khu vực ở cuối nguồn nước của phường Hòa Quý, Khuê Mỹ (quận Ngũ Hành Sơn); phường An Hải Bắc, Mân Thái, Nại Hiên Đông, Thọ Quang, Phước Mỹ (quận Sơn Trà), phường Hòa Khánh Bắc (quận Liên Chiểu), phường Hòa Phát (quận Cẩm Lệ) và một số xã của huyện Hòa Vang… Xí nghiệp cấp nước Sơn Trà (Chi nhánh Công ty Dawaco) cho biết tình trạng nước thiếu và yếu diễn ra trên toàn địa bàn TP Đà Nẵng, trong đó quận Sơn Trà là nặng nhất.
Từ đêm 19, rạng sáng 20/8, Dawaco thực hiện điều tiết nước luân phiên. Cụ thể, từ sau 23h đến 5h sáng hàng ngày, Dawaco giảm áp lực và lưu lượng tại khu vực quận Hải Châu và một phần quận Thanh Khê để tăng áp lực cho quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn và Liên Chiểu; xí nghiệp chi nhánh tại Sơn Trà đặt 11 bồn nước dung tích 1,5-2 m3; xí nghiệp chi nhánh tại Ngũ Hành Sơn đặt 9 bồn nước để cung cấp nước sinh hoạt. Tuy nhiên, việc thiếu nước vẫn xảy ra trên diện rộng.
Dawaco đang đề nghị các đơn vị chức năng hỗ trợ phương tiện vận chuyển nước đến một số địa điểm có đông người sử dụng. Đặc biệt, Dawaco đề nghị Công an thành phố sử dụng xe chữa cháy vận chuyển nước đến cấp bổ sung cho Bệnh viện Đà Nẵng.
Ngày 21/8, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TP Đà Nẵng đã gửi văn bản đến UBND TP Đà Nẵng về việc thiếu nước sinh hoạt trên địa bàn và tình trạng xâm nhập mặn tại cửa thu nước Cầu Đỏ.
Ông Hồ Minh Nam, Phó Tổng Giám đốc Dawaco cho hay nguyên nhân khiến việc điều tiết luân phiên bị hạn chế vì nguồn nước thô không đủ, bị thiếu hụt nguồn nước thô từ 40.000-50.000 m3/ngày.
Phòng Khoáng sản và Tài nguyên nước (Sở TN-MT Đà Nẵng) cho biết so với cùng kỳ năm 2018, tình trạng xâm nhập mặn trong năm 2019 tại cửa thu nước Cầu Đỏ diễn ra sớm, kéo dài hơn và cường độ mặn gia tăng.
Tính đến ngày 19/8/2019, nguồn nước tại cửa thu Nhà máy nước Cầu Đỏ bị nhiễm mặn 164 ngày. Thời gian nhiễm mặn bắt đầu từ tháng 2 (sớm hơn so với thông lệ); số ngày nhiễm mặn trong tháng gia tăng, có tháng lên đến 30 ngày; độ mặn cao nhất 4.411 mg/l (lúc 9h30 ngày 2/7).
TP đang cần giải pháp khống chế độ mặn của sông Cầu Đỏ ở mức có thể khai thác được để lấy nước thô từ sông cho 2 nhà máy nước Cầu Đỏ và Sân Bay sản xuất. Hiện hồ thủy điện Sông Bung 4 (Quảng Nam) xả nước về sông Vu Gia từ 6-10 giờ/ngày theo lưu lượng nước về hồ (dù đã ở dưới mực nước chết; chiều 15/8, mực nước trong hồ thủy điện Sông Bung 4 là 203,86 m, thấp hơn mực nước chết 1,14 m). Hồ thủy điện A Vương (Quảng Nam) xả nước trung bình từ 10-14 giờ/ngày với lưu lượng trung bình ngày từ 34-37 m3/s.
Mặc dù vậy, do thiếu hụt trữ lượng nước lớn từ hồ thủy điện Sông Bung 4, mực nước sông Vu Gia hạ thấp xuống dưới mức 2,16 m từ ngày 16/8 đến nay, thấp hơn 0,5 m so với mực nước theo quy định tại Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn. Tình trạng này khiến việc giảm mặn tại sông Cầu Đỏ không khả thi.
Chiều tối ngày 20/8, Dawaco đưa ra đề xuất khẩn cấp xây dựng đập tạm ngăn mặn trên sông Cầu Đỏ để giữ nước ngọt cung cấp nguồn nước thô cho Nhà máy nước Cầu Đỏ.
Theo Dawaco, tại kế hoạch cấp nước an toàn theo kịch bản đã được UBND TP thống nhất ngày 31/5/2019, trong tình huống các hồ thủy điện không còn khả năng điều tiết để giảm mặn dưới hạ du, độ mặn >300 mg/l thì tiến hành họp khẩn Ban chỉ đạo cấp nước an toàn để đưa ra phương án xử lý. Phương án xử lý theo kịch bản số 1A4: “Xây dựng đập tạm ngăn mặn tại hạ lưu cửa thu Nhà máy nước Cầu Đỏ”.
Theo đó, Dawaco đề xuất phương án thi công đập tạm với giải pháp sử dụng 1 hàng cừ Lassen và hệ khung đỡ hai bên; vị trí cách cầu Đỏ 3,5 km về phía hạ lưu, chiều dài đập khoảng 200 m để ngăn mặn, cung cấp nguồn nước thô cho Nhà máy nước Cầu Đỏ. Thời gian thi công dự kiến 20 ngày; thời gian tháo dỡ, hoàn trả mặt bằng 15 ngày; kinh phí thực hiện khoảng 7,5 tỷ đồng từ nguồn vốn của Dawaco.
Đây không phải lần đầu tiên Đà Nẵng đối diện tình trạng thiếu nước do xâm mặn. Cuối tháng 10, đầu tháng 11/2018, các quận Liên Chiểu, Ngũ Hành Sơn, Hải Châu thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng, dù Đà Nẵng đang bước vào mùa mưa. Nguyên nhân do cửa thu nhà máy nước cầu Đỏ luôn ở tình trạng nhiễm mặn, độ mặn dao động từ 372 mg/l đến 4.374 mg/l (mức cao nhất tính từ đầu năm 2018). Trong đợt nhiễm mặn này, thủy điện A Vương không tham gia xả nước về hạ du để đẩy mặn; thủy điện Dak Mi 4 xả liên tục 12,6 m3/s về lưu vực sông Vu Gia nhưng tình trạng nhiễm mặn không có dấu hiệu giảm…
Nguyễn Sơn
Xem thêm:
Ngoại trưởng Andrey Sibiga cho biết Ukraine sẽ không chấp thuận nhượng bất kỳ lãnh…
Trong cuốn sách "Dũng tràng tiểu phẩm" của tác giả Chu Quốc Trinh đời nhà…
Đâu đó và ngay đây, vẫn có những người với người vẫn tin và thương…
Đề xuất của Bộ Tư pháp Mỹ yêu cầu Google phải bán trình duyệt Chrome…
Đội hình Phalanx gắn liền với những cuộc chinh phục của Alexander Đại Đế.
Phát biểu của bà Zakharova vào thứ Năm (21/11) mô tả Estonia và các quốc…