Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink nhận định tình trạng ô nhiễm không khí của Việt Nam rất nghiêm trọng và cần được giải quyết.
“Chỉ số chất lượng không khí của Việt Nam thường ở mức không tốt cho sức khỏe và đây là vấn đề đáng lo ngại”, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink nói tại Tọa đàm “Giải quyết vấn đề khủng hoảng chất lượng không khí: Từ Hoa Kỳ đến Việt Nam”, chiều 25/1 tại Hà Nội.
Nhiều ngày gần đây, chất lượng không khí ở Hà Nội ở mức “rất xấu”, như trong ngày 21/1, 5 điểm quan trắc của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội ở Hoàn Kiếm, Bắc Từ Liêm, Sóc Sơn ghi nhận chỉ số chất lượng không khí AQI trên 200. Hơn 30 điểm quan trắc của Hà Nội không có điểm nào AQI trung bình, đa phần là “xấu” (tập trung ở nội thành) và “kém” (ở ngoại thành).
Đại sứ Kritenbrink cho biết phái đoàn Mỹ đã thiết lập những hệ thống giám sát chất lượng không khí ở Hà Nội và TP.HCM, nhằm cung cấp các chỉ số chất lượng không khí cho nhân viên, công dân Mỹ ở Việt Nam cũng như tất cả ai quan tâm.
“Chúng tôi là một trong những cơ quan đầu tiên công bố dữ liệu về chất lượng không khí trực tuyến cho Việt Nam và tôi hy vọng nỗ lực này sẽ cổ vũ các cơ quan khác làm điều tương tự”, ông Kritenbrink nói. “Đôi khi rất dễ dàng để mọi người nghĩ rằng ô nhiễm không khí là không thể tránh được, nhưng sự thực là chúng ta có thể đưa ra các lựa chọn về chính sách để có thể xử lý được vấn đề này”.
Theo ông Kritenbrink, những năm 1970, rất nhiều thành phố tại Mỹ phải đối diện với vấn đề ô nhiễm không khí rất nghiêm trọng. Năm 1970, Mỹ đã thông qua Đạo luật Không khí sạch và Đạo luật Nước sạch. Từ thời điểm đó đến năm 2017, nền kinh tế Mỹ tăng trưởng đến 324% trong khi việc phát thải gây ô nhiễm không khí đã giảm 73%. “Kết quả này đã cho thấy việc thông qua các bộ luật và quy định một cách thận trọng và quyết liệt thực thi có thể giúp giảm ô nhiễm môi trường”, ông Kritenbrink nói.
Ông Kritenbrink cho rằng để giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí, Chính phủ Việt Nam cần đầu tư nhiều hơn vào việc giám sát môi trường và thực thi các quy định, xử lý chất thải phù hợp, thay thế năng lượng hóa thạch bằng các nguồn năng lượng sạch.
TS Lý Bích Thủy, giảng viên Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường (Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội) cho hay hoạt động con người và các quá trình tự nhiên có thể dẫn đến ô nhiễm không khí trong nhà, giảm chất lượng không khí đô thị, được coi là 2 nhân tố quan trọng trong số những ô nhiễm độc hại.
Đầu tháng 1/2021, Bộ TN&MT Việt Nam cho rằng vấn đề ô nhiễm không khí tại Hà Nội, TP.HCM và các đô thị khác chủ yếu tập trung vào ô nhiễm bụi, đặc biệt là bụi mịn PM2.5, PM10 và mang tính cục bộ tại một số khu vực, một số thời điểm nhất định; các thông số khác vẫn nằm trong ngưỡng quy chuẩn cho phép.
Bụi PM2.5 và chỉ số AQI ở mức xấu hơn trong thời gian đêm và sáng sớm, do điều kiện thời tiết khí hậu (hiện tượng nghịch nhiệt) kết hợp với các nguồn ô nhiễm từ các hoạt động dân sinh, sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, giao thông vận tải…. Các thông số sẽ thay đổi trong ngày khi có thay đổi về điều kiện thời tiết.
Nguyễn Quân
Xem thêm:
Bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh - Giám đốc kiêm Chủ tịch Công ty Xuyên…
Các cuộc biểu tình chống NATO và ủng hộ Palestine đã nhanh chóng bùng phát…
35 trẻ mẫu giáo và tiểu học hiện phải quay về điểm trường cũ đã…
Iran đã hiện thực cam kết mở rộng chương trình hạt nhân nhằm đáp trả…
Mưa lớn khiến một số nơi ở hai tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định bị…
Y học cổ truyền Trung Hoa thường nói rằng “nuôi thận là nuôi dưỡng sự…