Tỷ lệ trích tiền xử phạt vi phạm giao thông của Bộ Công an và địa phương hiện là 85-15.
Sáng 11/6, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ sáng 11/6, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh Lê Tấn Tới cho hay nhiều ý kiến nhất trí với quy định trích một phần tiền xử phạt vi phạm giao thông tại dự thảo luật.
Theo ông Tới, việc trích lại kinh phí xử phạt vi phạm cho cảnh sát giao thông không mới. Theo quy định hiện hành, hàng năm Bộ Công an được Quốc hội phân bổ ngân sách theo hướng bố trí dự toán chi ngân sách từ nguồn thu xử phạt vi phạm hành chính để tăng cường bảo đảm an toàn giao thông. Tỷ lệ phần trăm trích lại tùy thuộc vào nhu cầu từng năm của Bộ Công an.
Bộ Công an lập dự toán kinh phí gửi Bộ Tài chính; căn cứ vào số thu xử phạt hành chính của năm trước liền kề do Kho bạc Nhà nước Trung ương cung cấp, Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội phê duyệt cấp dự toán kinh phí xử phạt hành chính cho Bộ Công an.
Tỷ lệ phần trăm trích lại của Bộ Công an trong giai đoạn 2018 – 2020 là 70%; năm 2021 trích lại 70%; năm 2022 và 2023 trích lại 79%; từ năm 2024, trích lại cho Bộ Công an 85%, các địa phương 15%.
Trước tỷ lệ trích cao, theo ông Tới, “quá trình thực hiện cũng còn có khó khăn, vướng mắc, do chưa được quy định trong luật”.
“Đến nay, nguồn kinh phí xử phạt vi phạm hành chính năm 2024 trích cho Bộ Công an vẫn chưa được cấp do chưa có văn bản hướng dẫn về chi thường xuyên có tính chất đầu tư”, ông Tới nói.
Nguồn trích từ kinh phí xử phạt được cho là sẽ chi vào dự án về chuyển đổi số, đầu tư hệ thống giám sát, trang thiết bị chỉ huy, điều hành giao thông, xử lý vi phạm giao thông, xây dựng các Trung tâm dữ liệu, ông Tới cung cấp thông tin.
Bên cạnh các ý kiến đồng tình với dự thảo luật, có quan điểm đề nghị cân nhắc lại quy định này hoặc quy định rõ trích lại bao nhiêu phần trăm, có ý kiến đề nghị bổ sung quy định trích lại tiền thu được từ đấu giá biển số xe.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng đây là vấn đề không mới, Bộ Công an thời gian qua đã trích để nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng cảnh sát giao thông. Ông Mẫn đề nghị cơ quan soạn thảo, thẩm tra cần có giải trình cụ thể, kỹ lưỡng để thuyết phục các đại biểu Quốc hội.
Trong phần thảo luận sau đó, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nói ủng hộ việc trích tiền xử phạt vi phạm giao thông để phục vụ công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, song cần viết từ ngữ cho chuẩn để không mâu thuẫn, xung đột với luật khác.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cũng đồng tình với quy định trích lại một phần tiền xử phạt, để hỗ trợ lực lượng cảnh sát “ngày nắng, đêm mưa rất vất vả”. Tuy nhiên, ông Thanh đề nghị cơ quan soạn thảo, thẩm tra báo cáo Quốc hội nguyên tắc, tiêu chí bố trí phần trăm.
“Cảnh sát giao thông phải tăng cường hệ thống camera xử phạt nguội, hạn chế dư luận xã hội việc lực lượng cảnh sát làm việc trực tiếp với người vi phạm có việc này, việc kia”, ông Thanh nói.
Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long tuyên bố việc trích tỷ lệ không phải để bồi dưỡng cho lực lượng cảnh sát giao thông, “không lấy một đồng nào trong tiền xử phạt”.
Theo Thứ trưởng Bộ Công an, khoản tiền trích lại được chi hoàn toàn vào công tác trang bị phương tiện, phương tiện nghiệp vụ, phương tiện kỹ thuật để phục vụ tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm giao thông.
Đến năm 2030, tầm nhìn 2050, cả nước có thêm 41 tuyến cao tốc, chiều dài 10.000 km; khoảng 30.000 km đường quốc lộ mới và hàng chục nghìn km tỉnh lộ. Trong khi đó, lực lượng CSGT không được tăng biên chế.
Theo ông Long, với tốc độ trên, ngành công an phải khẩn trương hiện đại hóa lực lượng, từ nguồn tiền trích phần trăm nói trên.
Tại dự thảo luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ được trình vào đầu tháng 3, Bộ Công an đề xuất cảnh sát giao thông được trích tiền xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Tỷ lệ này không thấp hơn 70% khoản tiền xử phạt vi phạm sau khi nộp vào ngân sách nhà nước và không thấp hơn 30% tiền thu được từ đấu giá biển số xe sau khi nộp vào ngân sách trung ương.
Sau khi xin ý kiến tại phiên họp đại biểu Quốc hội chuyên trách cuối tháng 3, nội dung trên được đưa ra khỏi dự luật. Đến ngày 22/5, Chính phủ đề xuất đưa nội dung này vào dự thảo.
Dự kiến dự luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ sẽ được xem xét thông qua vào ngày 26/6 tới.
Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Mike Rounds đại diện tiểu bang Nam Dakota đã…
Bộ Tài chính Mỹ cho biết họ đã áp đặt các lệnh trừng phạt mới…
Với mức thu từ 18.000-20.000 đồng/tháng, số tiền thu hộ, chi hộ "nước uống của…
Tổng thống Ukraine Zelensky đã thừa nhận rằng Kiev không có khả năng thực hiện…
Moskva đã bổ sung căn cứ phòng thủ tên lửa mới mở của Hoa Kỳ…
Cảnh sát Nhật Bản cho biết đã nộp đơn xin lệnh bắt giữ một thiếu…