Đồng Nai giữ được hơn 150.000 ha rừng liền mạch

Đồng Nai giữ được hơn 150.000 ha rừng liền mạch

Ngoài Vườn quốc gia Cát Tiên rộng hơn 70.000 ha, Đồng Nai còn ghi dấu ấn trên bản đồ sinh quyển thế giới bởi Khu bảo tồn thiên nhiên – văn hóa Đồng Nai, “lá phổi xanh” của Đông Nam bộ.

Khu bảo tồn thiên nhiên-văn hóa Đồng Nai có tổng diện tích hơn 100.000ha, bao gồm gần 68.000 ha đất rừng và hơn 32.000 ha mặt nước hồ Trị An. (Ảnh: Khu Bảo tồn thiên nhiên – Văn hóa Đồng Nai)

Sáng 28/11, tại Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Khu Bảo tồn thiên nhiên – văn hóa Đồng Nai (2004 – 2024), lãnh đạo tỉnh Đồng Nai cho hay qua nghiên cứu, đánh giá của các nhà khoa học trong, ngoài nước, vùng bảo tồn thiên nhiên rộng lớn và liền kề với diện tích hơn 150.000 ha rừng tự nhiên liền mạch nằm ở phía Bắc của tỉnh có giá trị đa dạng sinh học rất lớn và có vai trò đặc biệt quan trọng cho sự phát triển kinh tế bền vững của vùng Đông Nam bộ.

Đây là thành quả kể từ năm 1997, tỉnh Đồng Nai quyết định “đóng cửa rừng”, không cho khai thác rừng tự nhiên, tập trung bảo vệ và phát triển rừng.

Những cánh rừng bạt ngàn che lấp các con đường lớn trong khu bảo tồn. (Ảnh: Khu Bảo tồn thiên nhiên – Văn hóa Đồng Nai)

Khu Bảo tồn thiên nhiên – văn hóa Đồng Nai được thành lập năm 2024, với tổng diện tích hơn 100.000ha, bao gồm gần 68.000 ha đất rừng và hơn 32.000 ha mặt nước hồ Trị An.

TS. Nguyễn Hoàng Hảo – Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai – cho biết khu bảo tồn được thành lập nhằm bảo vệ nguyên vẹn diện tích rừng hiện còn, khôi phục và tiếp tục làm giàu rừng, bảo vệ môi trường và vùng nước đầu nguồn, phát huy giá trị vùng đất ngập nước nội địa hồ Trị An và hạ lưu sông Đồng Nai, phục vụ chiến lược phát triển bền vững kinh tế, bảo vệ môi trường của Đồng Nai và cả vùng Đông Nam bộ.

Với hơn 2.200 động vật, trong đó nhiều loài thuộc nhóm nguy cấp, quý, hiếm, khu bảo tồn được đánh giá là một trong những khu rừng đặc dụng có hệ sinh thái rừng đặc trưng nhất vùng Đông Nam bộ. Trong ảnh, đàn bò tót đi giữa đồng cỏ lau. (Ảnh: Tang A Pau)

Sau 27 năm đóng cửa rừng, nhiều loài động, thực vật đã được hồi sinh mạnh mẽ, trong đó có nhiều loài được xếp là quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng và được ghi vào sách Đỏ Việt Nam và danh mục đỏ IUCN thế giới.

Một đàn voi đi qua đường do du khách chụp lại. (Ảnh: Khu Bảo tồn thiên nhiên – Văn hóa Đồng Nai/Facebook)

Theo thống kê, nơi đây có hơn 1.500 loài thực vật, trong đó 147 loài thuộc nhóm nguy cấp, quý, hiếm; hơn 2.200 động vật, trong đó nhiều loài thuộc nhóm nguy cấp, quý, hiếm. Khu Bảo tồn thiên nhiên – văn hóa Đồng Nai được đánh giá là một trong những khu rừng đặc dụng có hệ sinh thái rừng đặc trưng nhất vùng Đông Nam Bộ.

Năm 2011, UNESCO công nhận Khu Bảo tồn thiên nhiên – văn hóa Đồng Nai là Khu dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai.

Hai con voi trưởng thành đi trên con đường lớn trong khu bảo tồn. (Ảnh: Khu Bảo tồn thiên nhiên – Văn hóa Đồng Nai)

Tại buổi lễ, ông Võ Văn Phi – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đề nghị trong thời gian tới, Khu Bảo tồn thiên nhiên – văn hóa Đồng Nai tiếp tục thực hiện tốt việc bảo vệ, bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển rừng theo hướng ngày càng bền vững.

Dấu chân thú trên đường do du khách chụp lại. (Ảnh: Khu Bảo tồn thiên nhiên – Văn hóa Đồng Nai)

Đối với phát triển du lịch, Ban quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên – văn hóa Đồng Nai cần triển khai thực hiện tốt Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí đến năm 2030 đã được UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt.

Một chùm nho rừng. (Ảnh: Khu Bảo tồn thiên nhiên – Văn hóa Đồng Nai)
Một con sóc lớn đen đang ăn quả dại trên cành cây. (Ảnh: Khu Bảo tồn thiên nhiên – Văn hóa Đồng Nai)

Theo bản đề án được công bố hồi tháng 1/2024, dự kiến có 51 điểm tổ chức các hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí và dịch vụ có khả năng liên kết theo tuyến, theo chủ đề, tiếp cận theo sản phẩm du lịch và các hệ sinh thái. Trong đó, 11 điểm du lịch ở khu hồ Bà Hào; 17 điểm du lịch tại khu ven hồ Trị An; 3 điểm tại khu ven sông Bé; 7 điểm tại các khu ngoài quy hoạch 3 loại rừng và 13 điểm tại các khu vực riêng biệt khác.

Vọoc chà vá chân xám là một trong những loài động vật nguy cấp quý hiếm được ưu tiên bảo vệ. (Ảnh: Khu Bảo tồn thiên nhiên – Văn hóa Đồng Nai)

UBND tỉnh Đồng Nai cho biết mục tiêu của đề án là khai thác lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, văn hoá, di tích lịch sử tại Khu Bảo tồn thiên nhiên – văn hóa Đồng Nai nhằm hướng đến bảo vệ phát triển rừng, bảo tồn thiên nhiên và phát triển du lịch.

Một cây kơ-nia cổ thụ. (Ảnh: Khu Bảo tồn thiên nhiên – Văn hóa Đồng Nai)
Chim sống trong môi trường tự nhiên của khu bảo tồn. (Ảnh: Lamjiang/Khu Bảo tồn thiên nhiên – Văn hóa Đồng Nai)
Nấm mùa dưới những tán cây. (Ảnh: Khu Bảo tồn thiên nhiên – Văn hóa Đồng Nai)

Đề án được kỳ vọng sẽ thu hút 120.000 lượt khách/năm, trong đó khách lưu trú đạt trên 12.400 lượt, 111.600 lượt khách tham quan, doanh thu đạt khoảng 40 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho trên 1.580 lao động.

Gà lôi hồng tía là loài quý hiếm, chỉ phân bố rộng ở vùng Đông Dương. Loài này đã được đưa vào Sách Đỏ IUCN, Sách Đỏ Việt Nam và Sách Đỏ Chim Châu Á. (Ảnh: Khu Bảo tồn thiên nhiên – Văn hóa Đồng Nai)

Báo Đồng Nai ngày 1/3/2024 cho hay trong quy hoạch tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, chính quyền tỉnh xác định sẽ giữ nguyên hiện trạng các hệ sinh thái đã đưa vào bảo tồn tại Vườn quốc gia Cát Tiên, Khu Bảo tồn thiên nhiên – văn hóa Đồng Nai, rừng phòng hộ 600, rừng phòng hộ Tân Phú và rừng phòng hộ Nhơn Trạch – Long Thành.

Mùa bướm trong khu bảo tồn thường bắt đầu vào khoảng tháng 5, 6 khi có mưa đầu mùa. (Ảnh: Khu Bảo tồn thiên nhiên – Văn hóa Đồng Nai)

Đồng thời, quy hoạch bổ sung thêm việc bảo vệ các hệ sinh thái tự nhiên không thuộc hệ sinh thái rừng gồm: hệ sinh thái trảng cỏ, cây bụi, hệ sinh thái thủy vực tại các hồ và hành lang sông, suối nhằm bảo vệ các hệ sinh thái này trước áp lực phát triển kinh tế – xã hội.

Khu bảo tồn ghi nhận 284 loài chim, với 21 loài chim quý hiếm, 12 loài ghi trong sách Đỏ Việt Nam; 11 loài ghi trong danh lục Đỏ IUCN. (Ảnh: Khu Bảo tồn thiên nhiên – Văn hóa Đồng Nai)

TS Nguyễn Mạnh Hà, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên và phát triển Việt Nam nhận định Đồng Nai đang làm tốt việc giữ rừng tự nhiên, bảo vệ đa dạng sinh học. Ông Hà cho hay tỉnh Đồng Nai cần khai thác các lợi thế từ đa dạng sinh học để phát triển du lịch sinh thái, bán tín chỉ carbon, nghiên cứu khoa học nhằm tái đầu tư cho bảo vệ và phát triển rừng, cải thiện một phần khó khăn cho đội ngũ làm kiểm lâm, bảo vệ rừng và đa dạng sinh học, đem lại lợi ích cho cộng đồng.

11 khu dự trữ sinh quyển thế giới của Việt Nam được UNESCO công nhận

1. Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ (2000).
2. Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai (2001).
3. Khu dự trữ sinh quyển Châu thổ sông Hồng (2004).
4. Khu dự trữ sinh quyển Cát Bà (2004).
5. Khu dự trữ sinh quyển Kiên Giang (2006).
6. Khu dự trữ sinh quyển Tây Nghệ An (2007).
7. Khu dự trữ sinh quyển Cù lao Chàm (2009).
8. Khu dự trữ sinh quyển Mũi Cà Mau (2009).
9. Khu dự trữ sinh quyển Lang Biang (Đà Lạt) (2015).
10. Khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa (Ninh Thuận) (2021)
11. Khu dự trữ sinh quyển Kon Hà Nừng (Gia Lai) (2021).

Vĩnh Long

Published by

Recent Posts

Chuyến lưu diễn toàn cầu Shen Yun 2025 trở lại với chương trình hoàn toàn mới

Trong thế giới nơi tự do bị hạn chế, đầy tuyệt vọng và bạo lực,…

2 giờ ago

Tổng thống Putin: Nga sẽ “tất tay” nếu Ukraine có vũ khí hạt nhân

Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố rằng Nga sẽ sử dụng mọi vũ khí có…

2 giờ ago

Hamas tuyên bố sẵn sàng ngừng bắn, Israel vẫn “cứng rắn”

Hamas đã tuyên bố với các nhà trung gian quốc tế rằng họ sẵn sàng…

2 giờ ago

Nghiên cứu: Hấp thụ calo sau 5 giờ chiều có thể gây hại cho cơ thể

Việc tiêu thụ hơn 45% lượng calo hàng ngày sau 5 giờ chiều có thể…

3 giờ ago

Tổng thống Nga Putin: Ông Trump ‘không được an toàn’

Tổng thống Nga Vladimir Putin tin rằng Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ Donald Trump…

3 giờ ago

Bệnh hen suyễn có thể gây suy giảm trí nhớ ở trẻ em

Mới đây, một nghiên cứu đã phát hiện ra rằng bệnh hen suyễn có liên…

3 giờ ago