Categories: Thời sựViệt Nam

Dự án điện mặt trời 14 triệu USD hứa ‘ổn định điện cho dân’ sắp thành phế liệu

Dự án “Cung cấp điện bằng năng lượng mặt trời tỉnh Quảng Bình” có tổng vốn đầu tư lên đến hơn 13,7 triệu USD từ nguồn vay ODA Hàn Quốc với nhiều hứa hẹn như: “cung cấp điện sinh hoạt ổn định cho dân”, “giúp xóa đói giảm nghèo”, ”đảm bảo an sinh xã hội”… Nhưng đến nay, dự án sắp trở thành “phế liệu”.

Dự án điện mặt trời tại Quảng Bình sắp thành phế liệu. (Ảnh: vietnamfinance.vn)

Dự án “hứa hẹn thật nhiều”

Với tổng vốn đầu tư lên đến hơn 13,7 triệu USD từ nguồn vay ODA Hàn Quốc, được triển khai từ năm 2012, dự án “Cung cấp điện bằng năng lượng mặt trời tỉnh Quảng Bình” (tư vấn bởi liên danh do nhà thầu Dohwa đứng đầu, nhà thầu KT Corpotation của Hàn Quốc trúng thầu xây lắp) được giới chức tỉnh hứa hẹn sẽ “cung cấp điện sinh hoạt ổn định” cho trên 1.294 gia đình thuộc 46 thôn, bản và 78 đơn vị dịch vụ công tại 9 xã của 4 huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh, Bố Trạch, Minh Hóa còn nhiều khó khăn mà điện lưới quốc gia chưa đến được.

Ngoài ra, việc được cung cấp điện năng lượng mặt trời sẽ góp phần nâng cao đời sống kinh tế, xã hội, góp phần xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, an ninh biên giới quốc gia cho các xã vùng hưởng lợi; Giảm thiểu các tác động tiêu cực đến môi trường; Cung cấp các dịch vụ công có chất lượng cao cho người dân sống ở vùng điện lưới quốc gia không đến được, đặc biệt là người nghèo và nhóm người có thu nhập thấp của tỉnh Quảng Bình; Đảm bảo cho người dân trong vùng dự án có cơ hội tiếp cận giáo dục tốt hơn, làm cơ sở cho triển vọng nâng cao thu nhập trong tương lai; góp phần tích cực vào chương trình chống biến đổi khí hậu của Việt Nam.

Ông Nguyễn Hữu Hoài, Chủ tịch tỉnh Quảng Bình còn khẳng định tại lễ khởi công dự án hồi năm 2015 rằng: “Đây là dự án đặc biệt quan trọng, đầy tính nhân văn vì mục đích phục vụ cho đồng bào nghèo, đồng bào vùng sâu vùng xa và đồng bào dân tộc thiểu số sống xa các trung tâm kinh tế của tỉnh. Đây là những nơi điện lưới quốc gia chưa thể kéo vào được vì quá xa, nằm sát biên giới Việt-Lào. Vì vậy, qua dự án này một lần nữa thể hiện sâu sắc tình cảm của Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hàn Quốc đối với đồng bào nghèo, đồng bào vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh Quảng Bình”.

Thực tế thì sao?

Được coi là dự án quan trọng, năm 2012, Quảng Bình đã thành lập Ban quản lý Dự án cấp điện bằng năng lượng mặt trời trực thuộc UBND tỉnh.

Trong quá trình bàn giao mặt bằng xây dựng, giới chức xã đã “vận động” người dân tham gia hưởng ứng tự nguyện hiến đất để xây dựng công trình và tạo điều kiện thuận lợi cho việc lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời…. để dự án có thể hoàn thành vào tháng 3/2015.

Tuy nhiên, đến cuối năm 2019, dự án mới được bàn giao và đưa vào sử dụng. Nguyên nhân của việc chậm tiến độ là do thông thầu phải đấu thầu lại, quản lý yếu kém và Quảng Bình muốn thay thế bằng dự án dùng điện lưới…

Điều đáng nói, hệ thống điện mặt trời hàng chục triệu USD này đã hỏng hóc chỉ sau 2 tháng đưa vào sử dụng, có nguy cơ thành phế liệu.

Tại huyện Lệ Thủy, Bí thư Chi bộ bản Ho Rum (xã Kim Thủy) Hồ Duy Vàng cho biết: “Bản chúng tôi có 65 bộ dùng cho 91 hộ dân trong bản, điện chỉ có được 2 tháng là mất cho đến nay. Nhà văn hóa thôn có một cụm điện pin mặt trời riêng, chưa sử dựng được lần nào cũng đã mất điện. Số tiền đầu tư điện mặt trời rất lớn, mỗi hộ dân tính ra là 250 triệu đồng, cụm pin mặt trời ở nhà văn hóa bản hơn 1 tỷ đồng, nhưng mất điện triền miên nên bà con dân bản rất chán nản”.

Tương tự, cụm điện mặt trời ở bản Ho Rum vào mùa đông không tích điện đã đành, mùa hè cũng mất điện. Theo ông Vàng: “Trong 65 cụm pin thì chỉ còn 4 nhà có điện thắp sáng, số còn lại không có dòng điện nào được tích trữ. Mùa hè điện chỉ đỏ đến 20 giờ là mất”. Tình trạng trên cũng diễn ra tương tự ở các xã tại các huyện khác.

“Bình ắc quy không tích được điện từ các tấm pin mặt trời nên người dân gỡ đi sạc ở bản khác rồi mang về dùng. Họ lắp đặt hình như cho có để giải ngân tiền, chứ vận hành như thế nào họ chẳng quan tâm, sửa chữa cũng không, nên chẳng hiệu quả”, ông Vàng nói.

Tại huyện Bố Trạch, Bí thư Đảng ủy xã Tân Trạch Nguyễn Văn Đại cho hay sau 2 năm đưa vào sử dụng, hệ thống điện mặt trời từ dự án triệu đô xuống cấp rõ rệt, nhất là hệ thống bình ắc quy. Có 200 bình ắc quy thì đã hỏng 100 bình, khiến điện có trong ngày nắng mùa hè ít hơn trước đây, còn mùa đông thì không có điện.

Tại huyện Minh Hóa, Phó Chủ tịch UBND xã Trọng Hóa ông Hồ Mi nói tại xã có 6 bản được sử dụng từ dự án điện năng lượng mặt trời này. Hiện 2 điểm cấp điện tập trung bị hư hỏng, 6 điểm cấp điện độc lập không thể cấp điện vì các lý do cháy tủ điện, hộp đấu pin, hỏng bộ chuyển đổi điện. Đặc biệt, hệ thống ắc quy bị hỏng và báo lỗi đến 239 cái. Địa phương đã đề nghị sửa chữa, thay mới nhưng sau nhiều tháng đề nghị, đến nay không thấy ai xuất hiện để sửa chữa.

Quan chức đùn đẩy trách nhiệm?

Nói về dự án sắp thành phế liệu, ông Phan Văn Thường, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Bình cho rằng Sở chỉ là một đơn vị tham mưu, ban quản lý dự án trực thuộc UBND tỉnh mới có thẩm quyền cung cấp thông tin cho báo chí. Hiện 1 Phó giám đốc Sở Công thương Quảng Bình phụ trách dự án đã về nghỉ hưu từ tháng 11/2020 nên không có quản lý trực tiếp.

Hiện UBND tỉnh Quảng Bình đang giao Trung tâm Khuyến công và xúc tiến thương mại Sở Công thương quản lý vật tư bảo hành của dự án, đảm bảo sửa chữa. Tuy nhiên, theo ông Thường, ban quản lý dự án đang chờ bổ nhiệm trưởng ban mới có thể trả lời báo chí và khảo sát hư hỏng hệ thống để sửa chữa.

Còn theo một cán bộ Phòng Năng lượng Sở Công Thương tỉnh Quảng Bình, việc sửa chữa sẽ tốn rất nhiều kinh phí ngân sách, vì hỏng hóc trên diện rộng. Giờ muốn sửa chữa thì cần phải khảo sát lại cả hệ thống, trong lúc đó, nhà thầu đã rời đi nên chưa chắc khôi phục lại được để đảm bảo hiệu quả toàn bộ dự án như cam kết ban đầu.

Một chuyên viên “bỏ chạy” khỏi ban quản lý dự án này cho biết, về nguyên tắc, tất cả các thiết bị từ tấm pin, ắc quy, hay bộ chuyển đổi điện đều có thời gian bảo hành theo hợp đồng, nhà thầu thi công phải chịu trách nhiệm về những hỏng hóc trong thời gian bảo hành.

Tuy nhiên, do dự án chậm tiến độ, kéo dài thời gian thi công, nhà thầu từ Hàn Quốc sang nên họ đã “bỏ của chạy lấy người”, khó có thể gọi họ quay trở lại sửa chữa.

Ngọc Long (t/h)

Ngọc Long

Published by
Ngọc Long

Recent Posts

Đức phát hiện trường hợp đầu tiên nhiễm biến thể mới của virus đậu mùa khỉ

Ca đầu tiên nhiễm biến thể mới clade 1b của virus đậu mùa khỉ (mpox)…

3 giờ ago

Ngoại trưởng Mỹ tới Trung Đông thúc đẩy đàm phán ngừng bắn

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken có mặt tại Israel ngày 22/10, điểm dừng chân đầu…

3 giờ ago

TP.HCM dự kiến xây 42 công viên dọc bờ sông Sài Gòn

TP.HCM dự kiến xây dựng 42 công viên dọc hành lang sông Sài Gòn để…

6 giờ ago

Bờ biển ở Thừa Thiên – Huế sạt lở bất thường hàng trăm mét

Đoạn bờ biển dài khoảng 300m ở xã Phú Thuận bị sạt lở nghiêm trọng,…

7 giờ ago

Bão Trà Mi hướng vào Việt Nam, giật cấp 15 khi vượt qua quần đảo Hoàng Sa

Bão Trà Mi mạnh lên từ áp thấp nhiệt đới ngoài khơi Philippines, sẽ vào…

7 giờ ago

Năm 2023, Quỹ Bảo hiểm y tế chi khám chữa bệnh 124.300 tỷ, phí quản lý hơn 3.900 tỷ

Trong năm 2023, tổng số chi của Quỹ Bảo hiểm y tế là hơn 140.000…

10 giờ ago