Hàng loạt gia đình tại Việt Nam đang ồ ạt làm “điện mặt trời mái nhà” vì lợi ích “tiêu dùng điện tại chỗ, phần dư thừa bán lại cho EVN”. Tuy nhiên, các chính sách liên quan đến loại điện mặt trời này vẫn chưa được “sáng tỏ”. Hiện EVN đã có thông báo dừng tiếp nhận, giải quyết các yêu cầu về đấu nối và ký hợp đồng mua bán điện từ các hệ thống điện mặt trời mái nhà phát triển sau ngày 31/12/2020.

dien mat troi mai nha
Dự án Điện mặt trời mái nhà. (Ảnh: baochinhphu.vn)

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa phát đi thông cáo cho biết tính từ 0h ngày 1/1/2021, loại hình và giá mua bán điện đối với “điện mặt trời mái nhà” chưa được xác định.

Hệ thống điện mặt trời mái nhà là hệ thống điện mặt trời có các tấm quang điện được lắp đặt trên mái nhà của công trình xây dựng và có công suất không quá 01 MW, đấu nối trực tiếp hoặc gián tiếp vào lưới điện có cấp điện áp từ 35 KV trở xuống của Bên mua điện.

Lý do, EVN cho biết mô hình, quy mô và giá mua bán điện tương ứng cho từng loại hình điện mặt trời mái nhà vẫn đang được Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) nghiên cứu. Dự kiến đến quý I/2021, báo cáo mới được gửi đến Bộ Công Thương xem xét, trình Thủ tướng về chính sách khuyến khích điện mặt trời mái nhà cho giai đoạn tiếp theo.

“Đối với các hệ thống điện mặt trời mái nhà đưa vào vận hành một phần hệ thống đến thời điểm 24h ngày 31/12/2020, các công ty điện lực sẽ lập biên bản xác nhận với chủ đầu tư về quy mô công suất của phần hệ thống đã vào vận hành.

Các công ty điện lực sẽ dừng tiếp nhận, giải quyết các yêu cầu về đấu nối và ký hợp đồng mua bán điện từ các hệ thống điện mặt trời mái nhà phát triển sau ngày 31/12/2020 cho đến khi có hướng dẫn mới của cơ quan có thẩm quyền.

Đối với các công trình điện mặt trời mái nhà phát triển sau ngày 31/12/2020, các đơn vị điện lực sẽ không ghi nhận điện năng phát lên lưới và không mua điện khi chưa có quyết định mới”, EVN cho biết.

Cẩn trọng với điện mặt trời mái nhà

Trước đó, Chính phủ Việt Nam có quyết định số 13 về “Cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà”.

Theo đó, giá mua điện từ dự án điện mặt trời mái nhà là 8,38 cent một kWh (tương đương 1.943 VNĐ/kWh), kéo dài trong 20 năm với các dự án đấu nối, vận hành thương mại trước 31/12/2020. Đây là mức giá cao nhất trong các loại hình đầu tư điện mặt trời (gồm điện mặt trời mặt đất, điện mặt trời nổi).

Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo thừa nhận, giá mua điện mặt trời mái nhà cao nên nhu cầu lắp đặt hệ thống này tăng vọt, dẫn đến số lượng các nhà thầu cung cấp thiết bị, thi công lắp đặt hệ thống điện mặt trời cũng nở rộ.

Trong khi đó người dân lại thiếu thông tin về nhà thầu, về chất lượng vật tư thiết bị, chế độ bảo hành, dẫn đến những bức xúc trong thời gian qua.

EVN thống kê đến hết tháng 7/2020 đã có 19.810 dự án điện mặt trời mái nhà được lắp đặt với tổng công suất gần 542 MW. Riêng trong 7 tháng đầu năm, số dự án lắp đặt đã chiếm hơn một nửa công suất của các dự án điện mặt trời mái nhà từ trước đến nay.

Tính đến ngày 25/12, có 83.000 dự án điện mặt trời mái nhà được đấu nối vào hệ thống điện với tổng công suất lắp đặt lên tới gần 4.700 MW.

Ông Trần Viết Nguyên, Phó trưởng Ban Kinh doanh của EVN thừa nhận do sự phát triển nóng điện mặt trời mái nhà trong thời gian qua tại một số khu vực đã vượt khả năng giải tỏa công suất lưới điện, vì thế có nơi chưa thể tiếp nhận hết sản lượng điện mà người dân có nhu cầu đăng ký và bán cho EVN.

“Hiện nay Việt Nam chưa ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các thiết bị, hệ thống điện mặt trời mái nhà. Những quy định về cấp phép xây dựng, về tải trọng kết cấu mái khi lắp đặt các tấm pin cũng chưa được ban hành. Bởi vậy chưa có cơ sở nào đảm bảo nguồn điện này ổn định khi hòa vào lưới điện quốc gia”, ông Nguyên nói.

TS Lê Hải Hưng, Đại học Bách khoa Hà Nội nhận định trên tờ Đầu Tư Tài Chính Việt Nam (VietnamFinance) rằng: “… Nếu giả sử nhà nhà đua nhau làm điện mặt trời áp mái, trong khi lưới điện sinh hoạt vốn đã ít được chăm chút, lại sẽ rơi vào tình trạng quá tải, nghĩa là sẽ xuất hiện cuộc “khủng hoảng” điện mặt trời lần thứ hai.

Sự cố quá tải lưới điện sinh hoạt có thể khó kiểm soát và tiềm tàng nhiều nguy cơ hơn trường hợp khủng hoảng ở lưới điện quốc gia 2019.

Khó khăn ở chỗ, lúc đó ai sẽ chỉ huy, điều phối hàng triệu nhà máy điện mặt trời mini này?

Khung cảnh cuộc khủng hoảng mới này có thể hình dung là từng hộ gia đình sẽ phải “xếp hàng chờ đợi” được bán điện cho EVN trong khi đã bỏ hàng trăm triệu để xây dựng hệ thống điện mặt trời áp mái.

Khi đó, nhiều khổ chủ vì “tiếc của giời” mà mua bình ắc quy để trữ điện. Và nếu như vậy, môi trường sẽ có thể bị đầu độc do rác thải ắc quy của hàng triệu gia đình”.

Cuối tháng 7 và nửa đầu tháng 8 vừa qua, EVN đã phải liên tục có 2 văn bản gửi Bộ Công Thương, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo kiến nghị tháo gỡ hàng loạt vướng mắc cho dự án điện mặt trời mái nhà.

EVN cho biết đang gặp nhiều khó khăn trong việc phân biệt dự án điện mặt trời mái nhà và điện mặt trời nối lưới do chưa rõ định nghĩa về công trình xây dựng và cơ sở để xác định loại hình điện mặt trời mái nhà.

Hiện nay có nhiều dự án điện mặt trời có công suất dưới 1 MW thực hiện theo mô hình trang trại nông nghiệp, cơ sở để xác định là điện mặt trời mái nhà chưa rõ ràng và chưa có hướng dẫn cụ thể từ các cơ quan chức năng.

Bên cạnh đó, EVN cũng kiến nghị Bộ Công Thương hướng dẫn việc kinh doanh bán điện mặt trời có phải thuộc danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện và cần phải làm thủ tục bổ sung đăng ký ngành nghề kinh doanh theo quy định Luật Đầu tư hiện hành.

Do còn nhiều vướng mắc chưa được tháo gỡ nên hàng loạt dự án điện mặt trời của người dân vẫn chưa được đấu nối, chưa thanh toán tiền điện hay vướng thủ tục ở nhiều địa phương.

EVN thông kê có 4.850 dự án điện mặt trời mái nhà (công suất 2.860 MW) đăng ký thực hiện trong năm 2020. Trong số này, EVN cho biết không thỏa thuận đấu nối với gần 760 hệ thống (công suất 640 MW) do vượt khả năng giải toả lưới điện.

Quý Bình