Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Đồng Tháp vừa có kết quả phân tích nguyên nhân cá chết hàng loạt trên sông Cái Vừng trong hai ngày 5-6/2.
Qua kết quả phân tích mẫu cá chết và mẫu nước, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Đồng Tháp kết luận cá chết do thiếu oxy cục bộ.
Cụ thể, hàm lượng oxy hòa tan trong nước (gọi tắt là DO) nơi xảy ra tình trạng cá chết chỉ ở mức 1-2mg/l, trong khi yêu cầu oxy cần thiết theo quy định DO >= 4mg/l.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu oxy là do mực nước trên nhánh sông Cái Vừng, đoạn qua thủy phận thuộc huyện Hồng Ngự đang xuống thấp, kết hợp với dòng chảy yếu. Ngoài ra, mật độ thả nuôi dày cũng khiến tình trạng thiếu oxy trở nên nghiêm trọng hơn.
Tình trạng cá chết hàng loạt xảy ra trước đó, trong hai ngày 5-6/2, trên sông Cái Vừng – con sông giáp ranh tự nhiên giữa 2 tỉnh An Giang và Đồng Tháp.
Ông Phạm Văn Yển (xã Phú Thuận A, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp) cho biết ban đầu cá có dấu hiệu mệt, nổi lên mặt nước, sau đó chết ngày một nhiều. “Đem máy bơm xuống đạp nước, nhưng càng đạp (cá) càng nổi lên”, ông Yển nói.
Ông Trần Văn Luân (xã Long Hòa, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) cho hay 50% đầu cá thả nuôi của gia đình ông đã chết. Ông Luận cho biết tình trạng cá chết đã diễn ra lác đác từ ngày 25/12 âm lịch (tức ngày 19/1) nhưng sang ngày 5-6/2, số cá chết tăng mạnh.
Theo thống kê của địa phương, hơn 60 tấn cá nuôi bè trên sông Cái Vừng đã chết, trong đó tại huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp), tổng khối lượng cá chết hơn 39 tấn, tại huyện Phú Tân (An Giang) chết khoảng 20 tấn.
Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh khuyến cáo người nuôi giảm lượng thức ăn cho cá; tăng sục khí, đạp nước để tăng hàm lượng oxy trong nước; vệ sinh lồng bè. Đối với cá bị chết, tiến hành vớt và xử lý bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường.
Về lâu dài, Chi cục khuyến cáo các hộ nuôi di dời lồng, bè ra sông lớn có chất lượng nước tốt hơn, vì khu vực sông Cái Vừng đang có dấu hiệu bồi lắng, tốc độ dòng chảy kém.
Năm 2016, cùng thời điểm tháng 2, trên sông Cái Vừng có hơn 1.100 tấn cá nuôi bị chết, trong đó An Giang 650 tấn và Đồng Tháp 460 tấn.
Theo công bố của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, cá chết do thiếu oxy trong nước – vì mực nước thấp xuống thấp (từ 11 – 21cm) kết hợp ngày mực thủy triều xuống thấp, làm lòng sông bị thu hẹp lại, độ sâu mực nước giảm, lưu tốc dòng chảy chậm (chỉ còn 0,05 – 0,09 m/s); lòng sông ô nhiễm cục bộ do tích tụ chất thải; việc xử lý cá chết không triệt để khiến ô nhiễm trầm trọng hơn.
Nguyễn Sơn