Trong khoảng 300 tấn vỏ chai, bao bì thuốc bảo vệ thực vật bị thải bỏ hàng năm tại Lâm Đồng, tỷ lệ được thu gom, xử lý chỉ khoảng 8-9%.
Sở TN-MT tỉnh Lâm Đồng cho biết sau 5 năm (2017-2022), tỉnh này đã thu gom, xử lý được 130,5 tấn vỏ, bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng. Trong đó, số lượng thu gom, xử lý được tại các vùng chuyên sản xuất rau, hoa, trái cây như TP Đà Lạt là 24,9 tấn, Đam Rông 21,8 tấn, Đơn Dương 21,1 tấn, Đạ Huoai 25,7 tấn…
Mặc dù vậy, tại báo cáo do Sở NN-PTNT Lâm Đồng kiến nghị UBND tỉnh vào cuối tháng 3/2022 về việc chỉ đạo UBND các huyện, thành phố bố trí kinh phí thực hiện thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật, Sở này cho hay từ năm 2017 – 2021, lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng tại tỉnh Lâm Đồng là từ 3.500 – 4.000 tấn/năm. Với lượng thuốc trên, lượng bao gói thuốc bảo vệ thực vật thải ra môi trường lên đến khoảng 185 – 300 tấn/năm.
Con số này đã được báo địa phương phản ánh từ cuối năm 2020, khi cho hay trung bình mỗi năm nông dân Lâm Đồng sử dụng khoảng 4.000 tấn hóa chất bảo vệ thực vật, tương ứng khối lượng bao bì thải bỏ vào khoảng 300 tấn/năm, chủ yếu là chai nhựa (chiếm 70%), gói và loại khác (chiếm 30%).
Với tỷ lệ thu gom, xử lý chỉ khoảng 8-9%, lượng bao bì được thu gom và tiêu hủy đúng quy định chỉ từ 24-27 tấn/năm. Điều này có nghĩa khoảng 276-273 tấn rác thải độc hại này bị thải thẳng ra môi trường, bị người dân bỏ lại trên ruộng đồng, sông suối, kênh, mương hoặc bỏ chung vào rác thải sinh hoạt.
Theo ước tính, lượng thuốc bảo vệ thực vật còn sót lại trong các bao bì, chai lọ chiếm khoảng 2% thể tích. Đây là loại chất thải độc hại rất khó phân hủy, ngấm vào đất, nước gây ô nhiễm nguồn nước mặt và nước ngầm (Trong khi đó, nông dân có xu hướng sử dụng phân bón nhiều hơn mức được khuyến nghị, dù cây trồng chỉ hấp thụ khoảng 60% đối với đạm, 40% đối với lân và 50% đối với kali, lượng phân bón dư thừa còn lại ngấm vào đất và nước).
Hiện giải pháp mà tỉnh Lâm Đồng áp dụng là xây bể chứa, khu vực lưu chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật (2.881 bể chứa, 22 khu vực lưu chứa tính đến giữa năm 2022, theo Sở TN-MT tỉnh Lâm Đồng) tại 12 huyện, thành phố để nông dân gom bỏ. Tuy nhiên, với tỷ lệ bao bì được thu gom và tiêu hủy đúng quy định chỉ khoảng 8-9%/năm cho thấy phương án này chưa được người dân chú ý thực hiện.
Sở TN-MT tỉnh Lâm Đồng cho hay sẽ tiếp tục đầu tư trang thiết bị thu gom, vận động nông dân thải bỏ vỏ, bao bì thuốc bảo vệ thực vật đúng quy định và áp dụng các chế tài mạnh đối với cá nhân, tổ chức vi phạm.
Minh Sơn
HĐGSNN vừa công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm…
Ông Vương Đình Huệ có sai phạm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi…
Ông Musk và ông Ramaswamy đã cùng chấp bút một bài xã luận đăng trên…
Quân đội Ukraine thông báo trong sáng Thứ Năm Nga đã tiến hành không kích…
Hai nước Việt Nam-Malaysia vừa nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện,…
UBND TP.HCM vừa đề xuất dùng ngân sách địa phương để xử lý nợ quá…