Hà Nội: Gần nửa số người xét nghiệm bị nhiễm thuốc trừ sâu trong máu
- Bảo Minh
- •
Trong số 67 người được xét nghiệm, có tới gần 50% số người tham gia có thuốc bảo vệ thực vật lưu tồn trong máu. Đáng ngại hơn là hầu hết các đối tượng không trực tiếp tham gia vào sản xuất trên ruộng đồng như nông dân.
Viện Sức khoẻ nghề nghiệp và môi trường (Bộ Y tế) mới đây đã tiến hành xét nghiệm ngẫu nhiên chỉ số nồng độ thuộc bảo vệ thực vật trong máu tại một lớp học thuộc Trung tâm học tập cộng đồng các xã, thị trấn đến từ 4 huyện ngoại thành Hà Nội gồm Sóc Sơn, Đông Anh, Mê Linh, Hoài Đức.
67 người tham gia xét nghiệm (32 nam, 35 nữ) lần lượt được chọc kim vào đầu ngón tay để lấy máu, giọt đầu tiên bỏ đi, những giọt tiếp theo được đem đi ly tâm, tách lấy huyết tương, sau đó nhỏ vào chất chỉ thị màu để kiểm tra nồng độ thuốc bảo vệ thực vật trong máu.
Sau 5-7 phút, nếu giấy thử giữ nguyên màu vàng là mức độ bình thường; chuyển màu vàng sậm là mức độ an toàn; chuyển màu xanh là mức độ nguy cơ; còn chuyển màu xanh thẫm là mức độ không an toàn (rủi ro).
Trong số 67 người xét nghiệm, có đến 31 người (chiếm gần 50%) ở mức nguy cơ, tức có chỉ số nồng độ thuốc bảo vệ thực vật trong máu; 1 người ở mức rủi ro (nguy hiểm hơn mức nguy cơ) và 35 người ở mức an toàn.
Đáng nói là, hầu hết là các đối tượng không trực tiếp tham gia vào sản xuất trên ruộng đồng như nông dân.
Trả lời phỏng vấn báo chí, PGS.TS Doãn Ngọc Hải – Viện trưởng Viện trưởng Viện Sức khoẻ nghề nghiệp và môi trường (Bộ Y tế) – cảnh báo: “Không ít trường hợp nhiễm thuốc bảo vệ thực vật không phải do tiếp xúc trực tiếp. Họ trực tiếp sử dụng các sản phẩm rau, hoa quả còn tồn dư lượng thuốc trừ sâu hoặc hít phải đều bị nhiễm.”
Nhiễm thuốc bảo vệ thực vật trong máu không chỉ với người làm nông, gia đình ở nông thôn mà những người ở thành phố cũng có nguy cơ nhiễm.
Viện Sức khoẻ nghề nghiệp và môi trường còn cho biết, các loại hoa tươi cũng là nguồn chứa rất nhiều thuốc trừ sâu nhưng ít người để ý nên vẫn thoải mái sờ, hít hoa. Viện đã từng làm thí nghiệm, lấy một bó hoa tươi cắm vào nước, sau đó lấy nước này để xét nghiệm, phát hiện có dư lượng thuốc trừ sâu rất lớn trong đó.
Liên quan đến thông tin kết quả xét nghiệm nói trên, Tiến sĩ vật lý Nguyễn Văn Khải cho rằng, nếu xét nghiệm kỹ không phải chỉ có 32 người mà phải là cả 67 người có tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong máu.
“Con số 32/67 gần tương đương 50% số người xét nghiệm trong máu có tồn dư thuốc bảo vệ thực vật. Theo tôi phải là 100% bởi thuốc bảo vệ thực vật dễ dàng đi vào cơ thể qua nhiều con đường. Với việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất, nuôi trồng như hiện nay con số kết quả xét nghiệm kia không có gì bất ngờ,” Tiến sỹ Khải nhận xét.
Theo ông Khải, có 3 đường để thuốc bảo vệ thực vật đi vào cơ thể: (1) qua hít thở không khí; (2) qua nguồn nước; và (3) qua việc ăn thực phẩm có tồn dư thuốc bảo vệ thực vật. Trong đó, đường thứ 3 là chủ yếu bởi việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong nuôi trồng với quy mô như hiện nay khiến cho cơ thể dễ dàng bị nhiễm thuốc bảo vệ thực vật.
Bảo Minh
Xem thêm:
Từ khóa An toàn thực phẩm nhiễm thuốc trừ sâu trong máu nguyên nhân gây ung thư