Categories: Thời sựViệt Nam

Metro Nhổn – Ga Hà Nội lại đội vốn, lùi tiến độ 7 năm

Sau hơn 1 năm dừng thi công toàn bộ các ga ngầm, chiều 19/5, Ban Quản lý Đường sắt Đô thị Hà Nội (MRB) cho biết đang đề xuất điều chỉnh vốn đầu tư dự án tăng thêm khoảng 4.905,24 tỷ đồng, lùi thời gian hoàn thành thêm 7 năm.

Ngày 1/7/2021, các đoàn tàu của dự án tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn Nhổn – Ga Hà Nội được đưa vào thử nghiệm liên động tuyến đoạn trên cao dài 8,5km, từ ga Depot – Nhổn đến ga S8 – Đại học GTVT và ngược lại. (Ảnh: mrb.hanoi.gov.vn)

Chiều 19/5, cung cấp thông tin với báo chí, Ban Quản lý Đường sắt Đô thị Hà Nội (MRB) – chủ đầu tư dự án Metro Nhổn – ga Hà Nội cho biết vừa có văn bản UBND TP Hà Nội cùng Sở Kế hoạch và Đầu tư xem xét, báo cáo Chính phủ chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án.

Ông Lê Trung Hiếu, Phó trưởng Ban MRB cho biết dự án đang thực hiện 10/10 gói thầu chính, đến nay đã hoàn thành 74,36% tiến độ tổng thể (trong đó tiến độ thi công đoạn trên cao đạt 95,1%).

Tuy nhiên, 9/10 gói thầu cần phải ký kết các phụ lục gia hạn thời gian thi công; bổ sung các chi phí đầu tư, do kéo dài thời gian thực hiện hợp đồng.

MRB đề xuất điều chỉnh tổng mức đầu tư cho dự án lên 34.532 tỷ đồng, tăng thêm khoảng 4.905,24 tỷ đồng so với mức đầu tư trước đó, đồng thời điều chỉnh thời gian hoàn thành dự án metro Nhổn – ga Hà Nội giai đoạn 2009-2022 thành 2009-2029 (lùi 7 năm).

Về lý do điều chỉnh tổng mức đầu tư, MRB lý giải là do sự biến động khách quan của tỷ giá quy đổi (tiền Euro sang tiền Việt Nam đồng) trong quá trình thanh toán khối lượng thực hiện dự án; do điều chỉnh thiết kế và các yêu cầu kỹ thuật để phù hợp với thực tế thi công và phù hợp với phương án vận hành hai giai đoạn; cập nhật các chi phí trong tổng mức đầu tư.

Ngoài ra là phải bổ sung các phần việc còn thiếu do không lường trước được bởi đây là dự án có quy mô lớn, phức tạp, lần đầu tiên được thực hiện tại Việt Nam trong khi các quy định pháp luật hiện hành, các quy chuẩn, tiêu chuẩn chưa đồng bộ, kinh nghiệm thực tiễn triển khai chưa có…

9/10 gói thầu phải gia hạn thời gian, tăng chi phí

Đề xuất lùi thời hạn hoàn thành dự án tới 7 năm, tăng tới 16,5% so với tổng vốn đầu tư, MRB đưa ra 5 nguyên nhân chính.

Thứ nhất là chậm trễ, vướng mắc về giải phóng mặt bằng (GPMB) và di dời hạ tầng kỹ thuật; đây được xác định là nguyên nhân chính. Dù việc GPMB của đoạn trên cao đã hoàn thành và bàn giao cho các nhà thầu, vẫn tồn tại khiếu nại kéo dài của 177 hộ dân tại Depot và đường dẫn vào Depot đối với các chính sách bồi thường, hỗ trợ.

Có những gói thầu chậm bàn giao mặt bằng đến 5 – 6 năm so với kế hoạch. Có 50 toà nhà (không trong diện thu hồi đất) bị ảnh hưởng trong quá trình thi công tuyến hầm, song quy trình thực hiện bồi thường cho các hộ dân này rất khó khăn bởi chưa có tiền lệ và chưa được hướng dẫn theo các quy định.

Thứ hai, các gói thầu của Dự án được ký theo mẫu Hợp đồng quốc tế FIDIC có nhiều điểm khác biệt với quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành. Điều này ảnh hưởng trực tiếp tới việc gia hạn thời gian hợp đồng và bổ sung chi phí do việc kéo dài thời gian, dẫn đến các tranh chấp với nhà thầu quốc tế, gây khó khăn cho cơ quan quản lý của Việt Nam trong việc lựa chọn áp dụng quy định để giải quyết tranh chấp. Trong quá trình đàm phán điều chỉnh, gia hạn hợp đồng, một số nhà thầu quốc tế lợi dụng tính cấp bách và phức tạp của án để gây sức ép lên chủ đầu tư, đề xuất giá trị phát sinh lớn và thiếu hợp tác để giải trình, cung cấp hồ sơ chứnh minh cụ thể theo yêu cầu của chủ đầu tư.

Thứ ba là vướng mắc liên quan đến điều chỉnh Hợp đồng Tư vấn Systra (Hợp đồng trọn gói). Tư vấn dự án Systra được chỉ định thông qua Nghị định thư giữa Chính phủ Pháp và Chính phủ Việt Nam ngay từ đầu dự án nên việc quản lý thực hiện và thương thảo, điều chỉnh hợp đồng của chủ đầu tư với tư vấn luôn gặp khó khăn. Đơn vị tư vấn chưa cung cấp đầy đủ, hiệu quả cho chủ đầu tư các giải pháp giải quyết các vấn đề trong quá trình triển khai để bảo đảm tiến độ dự án.

Thứ tư, các vướng mắc liên quan đến Hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn, các quy định về định mức, đơn giá, giá vật tư, thiết bị chuyên ngành về lĩnh vực đường sắt đô thị ở Việt Nam đang chưa đồng bộ và đầy đủ, có nhiều điều chỉnh trong quá trình thực hiện dự án, dẫn đến vướng mắc trong quá trình thẩm định, phê duyệt hồ sơ thiết kế, dự toán chi phí và nghiệm thu các công trình chuyên biệt của các cơ quan quản lý nhà nước. Một số thay đổi về quy chuẩn, tiêu chuẩn dẫn đến phải điều chỉnh thiết kế của dự án.

Thứ năm, ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 kéo dài trên toàn thế giới hơn 2 năm qua đã làm chậm trễ, đứt gãy, gián đoạn sản xuất, nhập khẩu thiết bị và huy động chuyên gia từ châu Âu, dẫn đến các gói thầu thiết bị kéo dài và tăng chi phí.

“Các vướng mắc trên khiến đến nay 9/10 gói thầu cần phải ký kết các phụ lục gia hạn thời gian thực hiện và bổ sung các chi phí do kéo dài thời gian thực hiện hợp đồng” – MRB nêu.

Vẫn theo MRB, trong 5 nhóm vướng mắc trên, có 2 nhóm thuộc trách nhiệm của UBND TP Hà Nội. Trong đó, về vướng mắc mặt bằng khu vực công trình phụ trợ ga ngầm S9 Ngọc Khánh, UBND TP Hà Nội đã giao UBND quận Ba Đình xử lý dứt điểm trong tháng 6/2022.

Với 50 tòa nhà bị ảnh hưởng trong quá trình thi công tuyến hầm, MRB đang tiếp tục phối hợp với các quận Đống Đa và Ba Đình tổ chức bồi thường, hỗ trợ, tạm cư cho các hộ dân, hoàn thành trước ngày 30/9/2022 theo yêu cầu của thành phố.

Với 3 nhóm vướng mắc vượt thẩm quyền của TP (gồm vướng mắc Hợp đồng FIDIC; vướng mắc liên quan đến quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức, đơn giá; điều chỉnh hợp đồng Tư vấn Systra): từ năm 2021, UBND TP Hà Nội đã thành lập Tổ công tác liên ngành, Thủ tướng Chính phủ thành lập Tổ công tác đặc biệt để rà soát, tháo gỡ các khó khăn để thúc đẩy tiến độ dự án.

Dự án Metro Nhổn – ga Hà Nội được khởi công vào tháng 9/2010, dài 12,5 km (gồm 8,5 km trên cao và 4 km đi ngầm), đi qua các quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm. Tổng mức đầu tư phê duyệt là 784 triệu Euro (tương đương 18.408 tỷ đồng), dự kiến hoàn thành vào năm 2015.

Sau đó, qua nhiều lần điều chỉnh vào các 2016, 2017 và 2018, tổng mức đầu tư của dự án tăng lên trên 30.000 tỷ đồng, thời hạn hoàn thành dự kiến sau năm 2021. Đến nay, dự án dự kiến không đạt kế hoạch vận hành vào cuối năm 2022, đề xuất lùi đến năm 2029 đồng thời điều chỉnh tổng vốn đầu tư lên 34.532 tỷ đồng.

Nguyễn Quân

Nguyễn Quân

Published by
Nguyễn Quân

Recent Posts

Hiện tượng hiếm: Nước biển dâng cao tràn vào nội thành tại nhiều tỉnh thành ở Trung Quốc

Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…

3 phút ago

Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM bị khởi tố

Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM - ông Huỳnh Nguyễn Lộc bị…

12 phút ago

Vụ án UFO lớn nhất Trung Quốc: 3 lần mất tích bí ẩn

Vào ngày 28/7, mẹ của Hoàng Diên Thu phát hiện con trai mất tích, cả…

22 phút ago

Ông Kim Jong Un cáo buộc Hoa Kỳ gây căng thẳng, cảnh báo về chiến tranh hạt nhân

Ông Kim Jong Un đã cáo buộc Hoa Kỳ gia tăng căng thẳng và khiêu…

27 phút ago

Thượng nghị sĩ Mike Rounds giới thiệu dự luật xóa bỏ Bộ Giáo dục Hoa Kỳ

Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Mike Rounds đại diện tiểu bang Nam Dakota đã…

1 giờ ago

Bộ Tài chính Mỹ nhắm mục tiêu vào Gazprombank của Nga với các lệnh trừng phạt mới

Bộ Tài chính Mỹ cho biết họ đã áp đặt các lệnh trừng phạt mới…

1 giờ ago