Đỉnh Fansipan xuất hiện băng tuyết. (Ảnh: Tỉnh Lê/Facebook)
Cơ quan khí tượng dự báo từ ngày 12 – 16/2, khu vực nam Sơn La, Hòa Bình và Đông Bắc bộ sẽ chịu ảnh hưởng bởi đợt không khí lạnh mới khiến trời rét, vùng núi có nơi rét đậm, rét hại.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết từ chiều ngày 10/2 đến ngày 11/2, miền Bắc tiếp tục rét nhưng nền nhiệt tăng dần, trời hửng nắng vào trưa chiều. Nhiệt độ thấp nhất vùng đồng bằng từ 14-16 độ C, cao nhất 21-23 độ C, vùng núi từ 8-11 độ C, cao nhất 16-18 độ C.
Dự báo thời tiết từ ngày 13/2, do ảnh hưởng của không khí lạnh lệch đông mang theo nhiều hơi ẩm nên khu vực Lào Cai, Yên Bái, Nam Sơn La, Hòa Bình và phía Đông Bắc Bộ sẽ chuyển sang hình thái thời tiết mưa nhỏ, mưa phùn và sương mù. Trời rét, vùng núi có nơi rét đậm, rét hại. Đợt nồm ẩm này có thể kéo dài trong vài ngày.
Khu vực Hà Nội rét đậm vào đêm và sáng với nhiệt độ thấp nhất 11-13 độ C, trưa chiều trời hửng nắng với nhiệt độ cao nhất 18-20 độ C. Ngày 11/2, Hà Nội nhiều mây vào buổi sáng, trưa chiều hửng nắng, nhiệt độ trong ngày từ 14-21 độ C. Ngày 12/2, Hà Nội chuyển nhiều mây, có mưa rào, nhiệt độ trong ngày từ 16-22 độ C.
Khoảng ngày 13-16/2, Hà Nội sẽ chuyển sương mù, mưa phùn, mưa nhỏ, trời tiếp tục rét với nhiệt độ thấp nhất những ngày này khoảng 17-18 độ C, cao nhất 20-22 độ C.
Khu vực Thanh Hóa, Nghệ An ngày mai cũng rét đậm với nhiệt độ thấp nhất 11-13 độ, trưa chiều mai hửng nắng với nhiệt độ cao nhất 17-20 độ. Ngày 11-12/2, khu vực này tiếp tục rét nhưng nền nhiệt tăng dần 2-3 độ mỗi ngày, trưa chiều hửng nắng. Từ 13/2, khu vực này chỉ còn rét về đêm và sáng với hình thái thời tiết sáng nhiều mây, có sương mù, trưa chiều hửng nắng.
Khu vực từ Hà Tĩnh đến Bình Định trong hai ngày 10-11/2 vẫn tiếp tục có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa to, trời tiếp tục rét, từ khoảng 13/2, trời chỉ còn rét về đêm và sáng.
Do ảnh hưởng của khối không khí lạnh lấn sâu, khu vực miền Đông Nam Bộ trong hai ngày 10-11/2 tiếp tục se lạnh về đêm và sáng sớm với nhiệt độ thấp 19-21 độ C, ban ngày trời nắng với nhiệt độ cao nhất 30-33 độ C, có nơi trên 33 độ C.
Cơ quan khí tượng dự báo từ ngày 12 – 16/2, khu vực nam Sơn La, Hòa Bình và Đông Bắc Bộ sẽ chịu ảnh hưởng bởi đợt không khí lạnh mới khiến trời rét, vùng núi có nơi rét đậm, rét hại.
Trong tháng 1 vừa qua, miền Bắc đã trải qua 3 đợt không khí lạnh đáng chú ý vào các ngày 9/1, 14/1 và 26/1. Đợt không khí lạnh cuối tháng gây rét đậm, rét hại diện rộng, đặc biệt tại các tỉnh vùng núi như Hà Giang, Lào Cai – những nơi đã xuất hiện băng giá và mưa tuyết. Nhiệt độ nhiều nơi xuống dưới 10 độ C, vùng núi cao chỉ còn 2-4 độ C.
Khu vực Nam Biển Đông vừa hình thành một vùng áp thấp. Vùng áp thấp này nối với với rãnh áp thấp hoạt động trên khu vực Nam Biển Đông.
Do ảnh hưởng của hình thái thời tiết trên nên ở đảo Phú Quý (Bình Thuận) sáng nay có gió giật cấp 7-8, đảo Song Tử Tây (Khánh Hòa) có gió giật cấp 7, trạm Huyền Trân ( Bà Rịa – Vũng Tàu) có gió Đông Bắc mạnh cấp 7, giật cấp 8-10.
Dự báo trong ngày và đêm 10/2, khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa) có mưa rào và dông mạnh. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh.
Sang ngày và đêm 11/2, vùng biển phía Đông Bắc khu vực Bắc Biển Đông, vùng biển từ Bình Định đến Ninh Thuận và vùng biển phía Tây của khu vực Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển phía Tây quần đảo Trường Sa) có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7-8, biển động, sóng biển cao 2-4,5m.
Trên đất liền, do ảnh hưởng của rãnh áp thấp nối với vùng áp thấp ở Nam Biển Đông nên khu vực Phú Yên đến Bình Thuận từ chiều 10/2 có mưa, mưa rào rải rác và có nơi có dông. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.
Từ ngày 11-14/2, khu vực Phú Yên đến Bình Thuận tiếp tục thời tiết xấu, trời nhiều mây, có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa vừa đến mưa to. Khu vực từ Quảng Bình đến Bình Định trong các ngày 15-16/2 cũng có thể đón mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa vừa đến mưa to.
Khu vực Đông Nam Bộ trong khoảng thời gian từ 12-16/2 cũng có thể đón mưa trái mùa. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc sét, mưa đá và gió giật mạnh.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia, do ảnh hưởng của La Nina, trong những tháng đầu năm 2025, khu vực Thái Bình Dương gió tín phong sẽ mạnh hơn trung bình, hoạt động đối lưu sẽ suy giảm ở khu vực gần Trung tâm Thái Bình Dương và gia tăng trên phần phía Tây Thái Bình Dương.
Điều này khiến khu vực Đông Nam Á, trong đó có khu vực phía nam của Việt Nam có thể xuất hiện mưa trái mùa cục bộ trong những tháng mùa khô.
Tổng chưởng lý của 17 tiểu bang Hoa Kỳ đã gửi thư cảnh cáo tới…
FBI cho biết hôm thứ Ba (11/2), họ đã phát hiện 2400 hồ sơ mới…
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump quyết tâm bảo đảm đưa toàn bộ công dân…
NATO cần một cuộc đại cải tổ sâu rộng, theo quan điểm của tỷ phú…
Hôm thứ Tư (12/2) Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, ông muốn đóng cửa…
Trận mưa đêm 12 và rạng sáng 13/2 ghi nhận được tại một số trạm…