Dự kiến, sân bay tỉnh Ninh Bình sẽ đặt tại huyện Kim Sơn hoặc huyện Yên Khánh.
Truyền thông nhà nước vừa cho biết giới chức tỉnh Ninh Bình đã đề nghị bổ sung cảng hàng không vào Quy hoạch tổng thể phát triển cảng hàng không, sân bay 2021 – 2030, định hướng đến 2050.
Dự kiến, địa điểm đặt sân bay tại huyện Kim Sơn hoặc huyện Yên Khánh.
Theo lý giải từ Chủ tịch Ninh Bình Phạm Quang Ngọc, Ninh Bình là tỉnh cực Nam vùng Đồng bằng Bắc Bộ, có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch với truyền thống lịch sử – văn hóa, phong cảnh tự nhiên phong phú và đa dạng, tiêu biểu là di tích đặc biệt Cố đô Hoa Lư, Di sản hỗn hợp Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể Danh thắng Tràng An.
Hàng năm, tỉnh thu hút lượng lớn khách du lịch trong cả nước và trên thế giới. Năm 2019, Ninh Bình đã đón trên 7,6 triệu lượt khách.
“Số lượng người nước ngoài đến tỉnh công tác, làm việc sẽ tăng nhanh trong thời gian tới. Trong khi đó, hiện nay, các khách du lịch nước ngoài và các chuyên gia về Ninh Bình tham quan, công tác và làm việc chủ yếu di chuyển thông qua sân bay quốc tế Nội Bài, Hà Nội. Mạng lưới giao thông tỉnh chưa có phương thức vận tải tốc độ cao.
Việc di chuyển qua đường bộ, đường sắt hay trung chuyển qua sân bay của các tỉnh thành lân cận làm kéo dài thời gian, tăng áp lực vận tải lên hệ thống đường bộ hiện đang quá tải, làm hạn chế khả năng khai thác và phát triển của du lịch Ninh Bình nói riêng, cũng như phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh nói chung”, ông Ngọc nói.
Theo Dân Việt, việc đề xuất xây dựng sân bay của tỉnh Ninh Bình được đưa ra khi tỉnh này rất gần với hai sân bay là sân bay Nội Bài (Hà Nội) và sân bay Thọ Xuân (Thanh Hóa). Trong đó, sân bay Nội Bài cách trung tâm thành phố Ninh Bình khoảng 120km và sân bay Thọ Xuân cách thành phố Ninh Bình khoảng hơn 90 km.
Theo một chuyên gia logistics, với khoảng cách gần như vậy, đi cao tốc còn thuận tiện hơn nhiều và không mất thời gian chờ đợi như đi máy bay. Hơn nữa, việc quy hoạch cảng hàng không quá dày đặc sẽ gây lãng phí nguồn lực. Đặc biệt khi các sân bay quá gần nhau, vùng không lưu để điều phối máy bay lên xuống rất phức tạp.
Nhiều địa phương tại Việt Nam thời gian qua cũng đồng loạt đề xuất bổ sung thêm sân bay mới, gồm Cao Bằng, Hà Tĩnh, Ninh Thuận, Bạc Liêu và Quảng Trị.
Nếu sân bay Quảng Trị được duyệt, khu vực Bắc miền Trung sẽ đạt tỷ lệ 5 sân bay/6 tỉnh: Thọ Xuân (Thanh Hóa), Vinh (Nghệ An), Đồng Hới (Quảng Bình), Quảng Trị, Phú Bài (Thừa Thiên-Huế).
Trong khi đó, sân bay Quảng Trị chỉ cách sân bay Đồng Hới khoảng 93 km và cách sân bay Phú Bài khoảng 88 km.
Tại khu vực Nam Trung Bộ tính từ Đà Nẵng đến Phú Yên, gần như tỉnh nào cũng có sân bay, với tỷ lệ 5 sân bay/8 tỉnh, gồm sân bay Đà Nẵng, Chu Lai (Quảng Nam), Quy Nhơn (Bình Định), Tuy Hòa (Phú Yên), Cam Ranh (Khánh Hòa).
Theo PGS-TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên Chủ nhiệm bộ môn kỹ thuật hàng không, Đại học Bách khoa TP.HCM, quy hoạch sân bay cần đặt trong mối tương quan giữa dân số và thu nhập của các địa phương. “Khu vực miền Trung dân số thưa thớt, dù có thế mạnh về phát triển du lịch nhưng cũng chỉ tập trung tại một số địa phương. Nếu tỉnh nào cũng làm sân bay, mật độ dày đặc thì quá lãng phí, vì các tỉnh chỉ cách nhau trung bình 100 km”.
Theo TS Nguyễn Bách Tùng, chuyên gia hàng không, phần lớn cảng hàng không nội địa ở Việt Nam hiện nay vẫn chưa đạt công suất thiết kế, một số cảng hàng không thường vắng khách trong giai đoạn đầu như Vân Đồn (Quảng Ninh), Cần Thơ… Do đó, hiệu quả đầu tư cần tính toán kỹ, bởi ngày nay yếu tố kinh tế cần được đưa lên hàng đầu. Chưa hết, theo chủ trương xã hội hóa, nếu đầu tư không có lợi sẽ không thu hút doanh nghiệp tham gia, quy hoạch không khả thi.
Là người từng lập đề án quy hoạch phi trường đầu tiên ở Việt Nam, ông Trần Quang Châu, Chủ tịch Hội Khoa học và Công nghệ Hàng không Việt Nam cho biết: “Nếu làm quy hoạch sai thì gây lãng phí vô cùng và tai hại cho đất nước. Quy hoạch phải cân nhắc đầy đủ các yếu tố kinh tế xã hội, chứ không chỉ là ý kiến của các địa phương muốn có phi trường hay do ý chí của lãnh đạo.”
Tờ RFA dẫn lời TS kinh tế Đinh Trọng Thịnh nhìn nhận việc có nhiều sân bay như thế là do tính địa phương chủ nghĩa.
“Rất nhiều địa phương mang tính địa phương chủ nghĩa. Họ chỉ muốn cái gì mình cũng có để có vốn đầu tư vào tỉnh mình. Rõ ràng đã đến lúc cần phải thực hiện một cách nhất quán cái quy hoạch chung của cả nước, của từng vùng miền.
Ở Việt Nam nguồn vốn đang rất thiếu, rất hạn hẹp. Nếu cứ rải ra mỗi tỉnh một cái sân bay thì đều là những sân bay nhỏ cả. Chả có ý nghĩa gì. Nếu tập trung mỗi vùng một sân bay thôi thì lúc đó vừa đảm bảo tính kinh tế, vừa đáp ứng được nhu cầu cho những máy bay cỡ lớn, cũng như nó có đủ điều kiện logistic để phục vụ cho hoạt động vận chuyển hàng hóa và con người qua các cảng hàng không”.
Hiện tại Việt Nam có 9 sân bay quốc tế, 13 sân bay nội địa. Theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay cả nước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt, đến năm 2030, Việt Nam sẽ có 14 sân bay quốc tế, 12 sân bay nội địa. Đến năm 2050, Việt Nam sẽ có 15 sân bay quốc tế và 15 sân bay nội địa. Ước tính chi phí đầu tư giai đoạn 2020 – 2030 khoảng 16 tỷ USD, chi phí đầu tư giai đoạn 2030 – 2050 khoảng 37,7 tỷ USD được huy động từ nhiều nguồn như vốn vay ODA, nguồn vốn ngân sách, vốn vay thương mại từ các tổ chức tài chính, vốn từ xã hội hóa đầu tư theo hình thức đầu tư đối tác công tư (PPP). |
Kim Long (t/h)
HĐGSNN vừa công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm…
Ông Vương Đình Huệ có sai phạm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi…
Ông Musk và ông Ramaswamy đã cùng chấp bút một bài xã luận đăng trên…
Quân đội Ukraine thông báo trong sáng Thứ Năm Nga đã tiến hành không kích…
Hai nước Việt Nam-Malaysia vừa nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện,…
UBND TP.HCM vừa đề xuất dùng ngân sách địa phương để xử lý nợ quá…