Với thủ đoạn tinh vi, thuê hàng trăm người làm “chim mồi” để dẫn dắt, một công ty bất động sản ở Đồng Nai đã lừa đảo nhiều nạn nhân, mỗi tháng thu lợi bất chính trên dưới 20 tỷ đồng.
Ngày 4/9, Công an tỉnh Đồng Nai cho biết đang điều tra một công ty có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản núp bóng kinh doanh bất động sản với thủ đoạn hết sức tinh vi.
Hiện, công an đang tạm giữ Nguyễn Văn An (SN 1996) – Tổng giám đốc Công ty Lộc Phúc (địa chỉ tại 34, đường Tiền Giang, phường 2, quận Tân Bình, TP.HCM) để điều tra về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản của khách hàng”.
Theo đó, gần đây Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Đồng Nai liên tiếp nhận được tin báo của các nạn nhân ở TP.HCM, Đồng Nai tố cáo Công ty Lộc Phúc lập dự án ảo trên đất nông nghiệp thuộc tỉnh Đồng Nai và ép nhiều khách hàng chi tiền mua đất, cọc đất.
Giá mỗi lô đất chỉ khoảng vài trăm triệu, nhưng công ty này đã vẽ thành dự án lớn rồi rao bán với giá 2 đến 3 tỷ đồng.
Ngày 31/8, Ban chuyên án phát hiện công ty này đang tổ chức sự kiện mở “sàn giao dịch” để lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại một “dự án ma” thuộc xã An Viễn, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai.
Ngay lập tức, hàng trăm người thuộc Phòng Cảnh sát hình sự, Phòng Cảnh sát giao thông, Phòng Cảnh sát Cơ động, Công an huyện Trảng Bom… đã ập vào bắt quả tang đối tượng Nguyễn Văn An cùng 185 người liên quan (trong đó có 122 nhân viên, 20 người được thuê đóng giả khách hàng, 43 khách hàng là nạn nhân của Công ty).
Khám xét trụ sở Công ty Lộc Phúc tại TP.HCM, công an thu giữ tang vật gồm: 50 thùng tài liệu, máy tính, thiết bị điện tử, hơn 2,4 tỷ đồng, 18.000 yên Nhật; 3.500 USD; 24,3 lượng vàng và nhiều ô tô các loại.
Qua điều tra xét hỏi, các nghi phạm khai vào khoảng tháng 6/2022, Công ty Lộc Phúc bắt đầu tổ chức hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng một số dự án tại tỉnh Đồng Nai.
Theo đó, để đưa nạn nhân vào tròng, công ty này đã tuyển cả trăm sinh viên làm thêm, sinh viên thực tập làm nhân viên cấp dưới.
Sau đó, những người cầm đầu sẽ hướng dẫn các nhân viên mới vào các trang mạng xã hội tìm những căn nhà đẹp ở TP.HCM rồi chụp ảnh, đăng trên website của công ty và trang web Chợ Tốt để giới thiệu bán.
Khi khách hàng yêu cầu được đi xem mua nhà ở TP.HCM thì các nghi phạm hẹn họ đến một quán cà phê đã định trước, rồi đưa họ lên xe ô tô 52 chỗ ngồi, kéo rèm che kín xe và tổ chức trò chơi có thưởng để nạn nhân yên tâm đang được chở đi xem nhà nhưng thực chất bị các ép buộc phải đi xem đất tại các “dự án ma”.
Lúc này, trên xe ô tô chúng đã thuê và bố trí sẵn những người thất nghiệp, lớn tuổi và những người chuyên đóng vai quần chúng để làm “chim mồi”.
Các nghi phạm này chi tiền cho các nhân vật “mồi” giả làm người mua bất động sản để tạo sự gần gũi, đồng cảm, rồi lôi kéo, dụ dỗ khách hàng cùng tham gia giao dịch. Khi đến dự án do chúng tự dựng ra và tự lên bản vẽ, nhân viên “chim mồi” luôn áp sát tiếp cận để đồng hành với khách hàng.
Đồng thời, nhóm này bố trí hàng chục nhân viên vây quanh khách hàng giới thiệu sản phẩm với giá trị cao gấp nhiều lần giá trị thực tế của lô đất, liên tục thúc ép nạn nhân đặt cọc và tác động tâm lý làm cho khách hoang mang không có sự lựa chọn nào khác.
Cùng với đó, các “chim mồi” diễn vai góp tiền với khách hàng đặt cọc các lô đất để được hưởng “chiết khấu giả”. Khi khách hàng đồng ý đặt cọc (thông thường khoảng 100 triệu đồng), “chim mồi” sẽ đặt cọc theo nhằm kích thích, động viên khách hàng mua đất bằng được.
Sau khi đặt cọc và viết biên nhận, khách hàng được đưa lên một xe ô tô loại 7 chỗ và đi cùng “chim mồi”, trưởng phòng kinh doanh, nhân viên tư vấn… về lại công ty để tiếp tục tác động khách hàng đặt thêm tiền cọc từ 60% – 70% giá trị giao dịch trên lô đất.
Trường hợp khách hàng phát hiện ra lô đất đó cao hơn giá trị thực tế, yêu cầu trả lại cọc, sẽ bị nhân viên từ chối.
Tiếp đó, khách hàng muốn được nhận Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì buộc phải thanh toán hết số tiền còn lại mới được làm hợp đồng công chứng và chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Tuy nhiên, khách hàng nếu nhận được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì cũng không phải ở vị trí đã được công ty đưa đến xem và đặt cọc mà là ở vị trí khác.
Còn khách hàng khiếu nại, tố cáo thì nhân viên trực tiếp giao dịch với khách hàng đó sẽ hủy sim rác và chặn liên lạc.
Chị N.M (ngụ tại quận 8, TP.HCM) là một trong những nạn nhân cho biết chị có nhu cầu mua nhà khoảng 1 tỷ đồng nên đã vào Chợ Tốt để tìm kiếm. Sau đó, chị M. liên hệ với công ty thì gặp một người tự giới thiệu tên Ly gửi hình ảnh căn nhà và hẹn chị hôm sau có mặt để đi coi nhà.
Đến ngày hẹn, sau khi gặp gỡ, Ly giao chị M. cho một nhóm khác đưa lên xe ô tô 52 chỗ đi quận 7 xem nhà.
“Trên xe họ bịt rèm che kín nên chúng tôi không nhìn thấy đường. Thấy đi xa đi lâu họ bảo bị kẹt xe và khi tới nơi thấy mình ở huyện Trảng Bom, Đồng Nai mới biết mình bị lừa. Tôi tìm mọi cách để xin về mà không được, họ vẫn ép bắt tôi cọc 15 triệu, nhưng chỉ có ghi tên và số tiền, không ghi phiếu thu”, chị M. bức xúc kể.
Qua điều tra ban đầu, công an cho biết hàng tháng, công ty này thu lợi bất chính trên dưới 20 tỷ đồng.
Ngoài dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản, công ty này còn có dấu hiệu của các tội danh khác, công an đang tiếp tục mở rộng điều tra.
Bảo Khánh
Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Tiểu bang Iowa đã phát hiện ra rằng,…
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Năm (21/11) tuyên bố Moskva có quyền tấn…
Tổng thống đắc cử Donald Trump vào tối thứ Năm (21/11) đã công bố rằng…
Việc hiệu trưởng trường THCS Lê Văn Tám (xã Ia Piơr, huyện Chư Prông, tỉnh…
Một tiệm vàng ở huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) huy động tiền gửi tiết…