Giả danh nhân viên ngân hàng, nhóm người lừa đảo qua mạng chiếm đoạt hơn 30 tỷ đồng
- Thạch Lam
- •
Một nhóm nghi phạm có độ tuổi rất trẻ (dưới 25 tuổi) giả danh nhân viên ngân hàng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng số tiền hơn 30 tỷ đồng của hàng nghìn nạn nhân.
Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao – Công an tỉnh Bắc Giang vừa phát hiện một nhóm người có hành vi giả danh nhân viên ngân hàng lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.
Lãnh đạo Công an Tỉnh Bắc Giang đã chỉ đạo xác lập chuyên án để điều tra.
Theo đó, khoảng 7h ngày 4/8, hơn 100 cán bộ, chiến sĩ Công an TP. Bắc Giang, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Phòng Cảnh sát cơ động và một số đơn vị nghiệp vụ khác thuộc Công an tỉnh, chia thành 9 mũi công tác đồng loạt kiểm tra 7 căn hộ của một khu chung cư cao cấp thuộc huyện Gia Lâm và 2 địa điểm ở huyện Mỹ Đức (Hà Nội), phát hiện, kiểm soát 37 nghi phạm có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.
Khám xét khẩn cấp nơi ở của những nghi phạm này, Ban chuyên án đã thu giữ 28 bộ máy vi tính, 31 thiết bị phát sóng Internet, 43 điện thoại di động các loại, 18 thẻ ngân hàng, 61 thẻ sim điện thoại và nhiều đồ vật, tài liệu có liên quan đến vụ án.
Theo xác định ban đầu, Trần Văn Mạnh (SN 2002, ngụ An Tiến, Mỹ Đức, Hà Nội) là người có vai trò chủ mưu trong vụ việc. Trần Văn Sỹ (SN 2002); Trần Long Vũ (SN 2002); Trần Văn Đạt (SN 1998); Nguyễn Bá Tuấn (SN 2004, cùng ngụ An Tiến, Mỹ Đức, Hà Nội), là những người có vai trò giúp sức tích cực cho Mạnh.
Những người còn lại được các nghi phạm trên tuyển vào làm nhân viên, nuôi ăn, ở, trả lương hàng tháng để thực hiện các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Nhóm người này đã dùng thủ đoạn thu mua các tài khoản Facebook ảo rồi dùng các ứng dụng trên nền tảng internet để chạy quảng cáo nhằm tăng tương tác trên Facebook; tập trung gửi đăng quảng cáo vào các hội nhóm cho vay tiền; giả thông tin của các ngân hàng, tổ chức tín dụng trong việc hỗ trợ các gói vay với mức lãi suất ưu đãi, giải ngân nhanh trong ngày.
Những người này đóng rất nhiều vai, khi là nhân viên tư vấn, chăm sóc khách hàng, khi là nhân viên thẩm định hồ sơ… để tư vấn, lập hồ sơ cho vay tiền. Sau đó, yêu cầu người cần vay tiền phải chuyển tới các tài khoản ngân hàng do chúng chỉ định những khoản phí giải ngân, phí bảo hiểm cho khoản vay… Nhóm lừa đảo có kịch bản tinh vi để người bị hại chuyển tiền nhiều lần, số lượng lớn rồi chiếm đoạt, sau đó chặn liên lạc.
Điển hình như yêu cầu bị hại nộp phí bảo hiểm khoản vay là 950.000 đồng, sau đó tạo ra nhiều lý do như nội dung chuyển sai, khoản tiền có nợ xấu, yêu cầu người vay phải chuyển nhiều lần, có nhiều trường hợp chuyển nhiều lần lên tới trên 200 triệu đồng. Với thủ đoạn tinh vi, nhóm này đã lừa đảo chiếm đoạt trên 30 tỷ đồng của hàng nghìn người.
Nhóm lừa đảo này đã luân chuyển dòng tiền chiếm đoạt được và thường xuyên trao đổi kinh nghiệm với nhau để phòng tránh sự phát hiện của lực lượng chức năng và nhằm chiếm đoạt trót lọt số tiền đã lừa đảo được.
Để thực hiện các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, người cầm đầu đã thuê căn hộ chung cư cao cấp để ở, tuyển nhân viên làm việc, mua máy móc, phương tiện để phục vụ hành vi phạm tội.
Đáng nói, các nghi phạm trong vụ án có độ tuổi rất là trẻ, từ 17 đến 25 tuổi, có một số trường hợp ở độ tuổi vị thành niên đã bị lôi kéo tham gia tụ tập và tham gia vào hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Thậm chí, có học sinh đang nghỉ hè cũng bị lôi kéo.
Trong đó, nhiều nghi phạm có hoàn cảnh gia đình bố mẹ bỏ nhau, không hoà thuận, bố mẹ mất và nhiều gia đình không quan tâm đến con cái.
Cơ quan CSĐT Công an TP. Bắc Giang hiện đã ra quyết định tạm giữ nhóm nghi phạm trên và đang phối hợp với An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao tiếp tục điều tra mở rộng chuyên án.
Từ khóa lừa đảo chiếm đoạt tài sản lừa đảo vay tiền giả danh ngân hàng