‘Phận những con vịt chờ bị vặt lông’

Nếu chấp nhận làm vịt thì cũng đừng băn khoăn khi bị người khác vặt lông.

Mấy ngày qua, dư luận nước ta lại ồn ào vì đề xuất của Bộ Tài Chính, là đánh thuế lên căn nhà trị từ 700 triệu và phương tiện là ô tô từ 1,5 tỷ đồng. Đề xuất thu thuế mới này, cộng với tuyên bố gần đây là “tăng thuế môi trường vào giá xăng được đa phần người dân đồng ý”, khiến câu nói đầy tranh cãi của một vị tiến sĩ kinh tế về chuyện thu thuế người dân giống như “vặt lông vịt” có giá trị hình tượng vừa sâu sắc vừa cay đắng.

Số là trong một cuộc thảo luận về thuế và nền kinh tế năm 2017, trong khi bày bỏ sự ủng hộ đối với cơ cấu thuế của Việt Nam, TS Vũ Đình Ánh nói: “… Thu thuế cũng như vặt lông vịt, vặt làm sao cho sạch nhưng đừng quá vội để con vịt nó kêu toáng lên”.

Câu nói này khi đó của ông Ánh đã nhận được vô số gạch đá của cư dân mạng, những người cảm thấy mình có đủ lý do và tư cách để thấy bị xúc phạm vì bị so sánh với một con vịt ngu ngốc, bất lực trước hành động bị vặt lông. Nhưng ta không nên trách tiến sĩ Ánh, vì đây không phải là câu nói do ông nghĩ ra, mà là một đúc kết từ hàng trăm năm trước của một vị quan dưới thời vua Pháp.

Ông Jean-Baptiste Colbert, Bộ trưởng Tài chính Pháp (1665-1683) dưới triều Vua Louis XIV đã nói:

“Nghệ thuật đánh thuế cũng như nhổ lông ngỗng, nhổ được càng nhiều lông mà ngỗng càng ít kêu càng tốt”.

Người làm hương (nhang) thủ công tại làng nghề Cao Thôn, Hưng Yên, Việt Nam, 2012.

Rõ ràng là cái gì đó sai sai và tủi nhục khi một câu nói của một vị quan từ cách đây gần 400 năm, dưới thời đại mà vua quan sở hữu quyền lực tuyệt đối đối với thứ dân – lại vận vào không thể chính xác hơn đối với chúng ta, những người đang sống dưới một nhà nước “của dân, do dân, vì dân”. Vua Louis XIV của Pháp, giống như Tần Thủy Hoàng ở Trung Quốc, là một vị vua chuyên quyền khét tiếng, người xây dựng một đế chế hùng mạnh ở nước Pháp. Ông ta đã xây lên cung điện Versailles to đẹp nhất thế giới bằng cách dẫm đạp lên sinh mạng và công sức của hàng vạn nông phu. Nhưng trong khi xã hội nước Pháp đã phát triển bỏ xa tư duy “Quân xử thần tử” này lắm lắm rồi, thì tại sao chúng ta vẫn đang loay hoay trong cái chuồng vịt?

Chúng ta là vịt?

Câu nói của một vị tiến sĩ kinh tế, dù chỉ là nhắc lại theo phiên bản thuần Việt của vị quan thời phong kiến Pháp và đã làm kích động đến lòng tự trọng của không ít người, lại tiết lộ nhiều điều về tư duy méo mó của người Việt chúng ta.

Chúng ta có phải là vịt hay không? Vì nếu chấp nhận làm phận con vịt thì chuyện phải chịu vặt lông, bị lấy trứng, thậm chí là cắt tiết là chuyện đương nhiên, dù có kêu toáng lên cũng có ích gì?

Người vặt lông vịt cũng không thèm để ý đến “đời sống” của con vịt, lông vịt vặt rồi cũng chẳng phải để lót ổ giúp vịt thêm ấm áp, hay làm mái nhà che năng mưa cho chúng. Nó được dùng chỉ để phục vụ cho kẻ vặt lông. Sự kiềm chế duy nhất khiến kẻ vặt lông không vặt trụi lông con vịt ngay lập tức là vấn đề hiệu quả và năng suất: vặt đến mức nào để vừa được nhiều lông nhất, vừa để cho con vịt còn sống được để nó tiếp tục cho lông trong thời gian dài.

Một điều mà chúng ta khó nhận ra (hay cố tình không chịu nhận ra?) là đa phần chúng ta đã chấp nhận làm vịt từ lâu rồi, và nguy hiểm hơn là không hề băn khoăn về điều đó. Xã hội Việt Nam đi lên từ phong kiến, qua một giai đoạn bao cấp dài đằng đẵng, vừa đau thương vừa khủng bố đã phát triển thành một bộ gen sợ hãi, an phận và không dám đặt câu hỏi về sự chính đáng của quyền lực. Nền giáo dục của chúng ta, kể cả nhiều lần đổi mới, cũng chỉ giống như “nhồi vịt”, nhồi nhét kiến thức mà không khuyến kích tự chủ, tư duy phản biện và xét lại. Chúng ta cứ thế mặc nhiên chấp nhận lối tư duy phó mặc tất cả cho chính quyền. “Miệng nhà quan có gang có thép”, ta vừa kép nép sợ hãi người có chức quyền, vừa ngưỡng mộ và mong ước được bước vào giai cấp đặc ân đó. Câu nói “quan chức nhà nước là công bộc của nhân dân” chỉ là câu lý thuyết suông cửa miệng. Trên thực tế, hầu như ai cũng ngấm ngầm hiểu rằng “một người làm quan thì cả họ được nhờ”, và đã có những vụ phanh phui chạy chức “bạc tỷ” để được đứng vào hàng ngũ “công bộc của nhân dân”, dù chỉ là phần nổi của tảng băng khổng lồ.

Những cá nhân nhỏ bé dám không xuôi theo tư duy “đàn vịt” (hay có người gọi là đàn cừu) này bị coi là những kẻ ngược dòng. Đa phần họ bị dìm chết bởi chính đàn cừu mà họ đang cố gắng tìm cách dẫn thoát khỏi con đường đi tới lò mổ. Những cá nhân cô đơn này, trong xã hội nào, họ cũng là động lực của tiến bộ và là ngọn hải đăng của lịch sử. Cô-péc-ních bị phê phán vì tìm ra thuyết nhật tâm, Galileo bị giáo hội ép buộc phải từ bỏ phát hiện trái đất hình cầu và quay quanh mặt trời. Trong suốt lịch sử lừa dối và giết chóc của Đảng Cộng Sản Trung Quốc, họ là “những kẻ xét lại”, “cánh hữu”, là những sinh viên và học sinh phải bỏ xác dưới xích xe tăng tại quảng trường Thiên An Môn năm 1989. 

Quyền lực tồn tại để làm gì?

Đây là câu hỏi ít được đặt ra, nhưng phải được đặt ra nếu chúng ta muốn thoát kiếp vịt. Từ lâu chúng ta chấp nhận sự tồn tại của một chính phủ với quyền lực dường như tuyệt đối không thể xâm phạm, không thể thách thức.

Xét về bản chất, chính phủ, cảnh sát, quân đội tồn tại là để phục vụ lợi ích của người dân, để tạo ra một môi trường an toàn và công bằng cần có để người dân yên tâm lao động sản xuất. Đổi lại người dân nộp thuế để nuôi bộ máy chính phủ hoạt động. Hiểu biết căn bản này giải thích cụm từ “nhà nước của dân, do dân, vì dân” xuất hiện trong Hiến Pháp. Đồng thời, nó cũng tôn người dân lên vị thế mới: là ông chủ của quyền lực chứ không phải là kẻ chịu sự khống chế của quyền lực.

Nhưng bản chất của kẻ cầm quyền và những người bị quyền lực kiểm soát lại luôn luôn đối nghịch. Nhà sử học Anh John Dalberg-Acton (Lord Acton) nhận định: “Quyền lực làm con người tha hóa, quyền lực tuyệt đối dẫn đến tha hóa tuyệt đối”; do đó, cần có công cụ để người dân kiểm soát và kiềm chế quyền lực tránh nó bị tha hóa quá mức. Hệ thống tam quyền phân lập là một phát minh lớn với hệ thống cân bằng và kiểm tra (check and balance) để phân tán quyền lực một cách hợp lý. Tổng thống Mỹ Donald Trump được coi là người đàn ông quyền lực nhất thế giới, nhưng quyết định của ông ta có thể dễ dàng bị một thẩm phán liên bang chặn lại và thực sự ông đã nhiều lần bị “quay như dế” và chỉ có thể tiếp tục nghị trình chính trị của mình sau khi chiến thắng những trận chiến pháp lý khốc liệt tại tòa án tối cao.

Thu thuế như thế nào là hợp lý?

Quay lại bài toán thu thuế, Benjamin Franklin, một khai quốc công thần của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ đã từng nói:Trong thế giới này không điều gì là chắc chắn, ngoài cái chết và việc bị đánh thuế”. Rõ ràng là trong xã hội hiện nay, gần như bạn chắc chắn phải nộp thuế nếu bạn tồn tại. Tại Việt Nam, mua hàng hóa trong siêu thị, bạn nộp ít nhất 10% thuế VAT, đổ một lít xăng, bạn nộp ít nhất 8.000 tiền thuế phí. Nếu việc nộp thuế là điều chắc chắn như cái chết vậy, thì câu hỏi không phải là có thu thuế hay không, mà là thu như thế nào là hợp lý.

Theo World Bank, tỷ lệ thu thuế trên GDP của nước ta đã ở hàng cao nhất thế giới, chiếm khoảng 20% GDP, cao hơn ba nước giàu hơn ta nhiều lần trong khu vực là Thái Lan (16,1%), Indonesia (13,5%) và Malaysia (14,3%). Trong khu vực, tỷ lệ thu ngân sách trên GDP của ta chỉ thua Trung Quốc và Nhật Bản. Nhưng nếu xét cả những nước phát triển phương Tây thì tỷ lệ của ta vẫn thấp hơn so với Mỹ, và Châu Âu. Liệu rằng việc thua kém này đã làm “phiền lòng” các vị hoạch định chính sách? Và cái cớ “thông lệ quốc tế” về thuế nhà đất được ra như lời giải thích hợp lý cho giải pháp thu thuế để bổ sung cho khoản ngân sách quốc gia đang ngày càng rỗng tuếch?

Tuy nhiên, các chuyên gia của Bộ Tài chính đã đưa ra một lý giải không hoàn thiện của giải pháp thu thuế. Vì người dân là chủ của nhà nước, người dân phải có quyền được biết tiền thuế mình nộp có đúng là đang được dùng để phục vụ lợi ích của họ hay không. Đây là quyền lợi hết sức chính đáng và được hiện thực hóa rõ ràng trong đời sống chính trị lẫn xã hội bình thường của phương Tây. Chẳng hạn tại Mỹ, chính phủ của ông Trump là người soạn ra ngân sách chi tiêu hằng năm, trong đó từng khoản chi được liệt kê rõ ràng. Quốc hội là cơ quan bỏ phiếu thông qua gói ngân sách này và thường là họ sẽ yêu cầu chỉnh sửa nhiều mục để phù hợp với mục tiêu của cả 2 đảng. Các khoảng chi cũng liên tục được báo cáo cho người dân và ai cũng có quyền bày tỏ ý kiến của mình. Các nghị sĩ Quốc hội sẽ phải lắng nghe các ý kiến đó, điều chỉnh cho hợp lý bởi vì người dân có thể dễ dàng thay thế các vị trí nghị sĩ này trong các cuộc bầu cử 2 năm một lần. Trong khi đó, ngân sách của chúng ta càng ngày càng rỗng ruột vì phải bỏ ra trả nợ cho những Vinashin, Vinalines, xây những con đường đắt nhất hành tinh (vì lại quả tới 40% bằng tiền tươi), xây tượng đài nghìn tỷ và những dự án chỉ “đào lên bán mà cũng lỗ” (như Bô-xít Tây Nguyên). Phải chăng đã đến lúc người dân cởi bỏ lốt vịt, sử dụng quyền lợi chính đáng với tư cách là ông chủ chính đáng của bộ máy công quyền? Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đã khẳng định: “Nếu Nhà nước chứng minh được việc tăng thuế là để phục vụ lại cho người dân và đảm bảo tính minh bạch trong chi ngân sách thì tăng bao nhiêu người dân cũng sẵn sàng đóng thuế”.

Xét riêng về thuế nhà đất, nhiều người Việt tại Mỹ cũng bày tỏ rằng người dân Việt Nam quá sung sướng vì có thể sở hữu nhiều nhà đất mà mỗi năm chỉ đóng phí vài trăm ngàn đồng, trong khi họ phải nộp một khoản thuế hằng năm với mỗi căn nhà họ sở hữu. Nhưng ở Mỹ một người bỏ tiền ra mua nhà đất, là anh ta có quyền sở hữu hoàn toàn đối với khu đất và căn nhà đó. Quyền tư hữu ở Mỹ được bảo vệ bằng cả hiến pháp, pháp luật và thậm chí là họng súng.

Người La Mã có câu nói nổi tiếng “2 thứ của một người đàn ông đừng bao giờ động vào là người phụ nữ và tiền của anh ta”. Người Mỹ cũng coi quyền tư hữu là thiêng liêng tới mức dành hẳn một Tu chánh án trong Hiến Pháp chỉ để đảm bảo được sở hữu súng ống – công cụ để chống lại nhà nước một khi chính phủ có biểu hiện xâm phạm quyền tư hữu của người dân. Trái lại chúng ta chỉ có quyền “sử dụng”, đất đai bị quy về một khái niệm mơ hồ là “sở hữu toàn dân”, tức là theo lý thuyết, có thể bị lấy mất bất cứ lúc nào. Chỉ lợi dụng một vế của thông lệ “quốc tế” về thuế nhà đất, mà không áp dụng nốt vế bên kia là “quyền tư hữu đất đai” rõ ràng là không được hợp lý cho lắm.

Nhà lập quốc Hoa Kỳ Benjamin Franklin cũng từng nói: “Những ai từ bỏ tự do để đổi lấy chút ít an toàn tạm thời thì không xứng đáng có được cả tự do lẫn an toàn”. Tự do để quyết định số phận của mình không bao giờ là miễn phí. Số phận của những con vịt là không bao giờ phải lo về thức ăn và chỗ trú ẩn an toàn nhưng chúng không quyết định được khi nào bị nhổ lông và lông của chúng dùng vào mục đích gì. Chọn tự do hay an toàn, bạn hãy tự quyết định?

Trọng Đạt

Bộ ảnh minh họa: Nhiếp ảnh gia Lê Thế Thắng

Xem thêm:

Trọng Đạt

Published by
Trọng Đạt

Recent Posts

Đội hình Phalanx huyền thoại chinh phục khắp thế giới

Đội hình Phalanx gắn liền với những cuộc chinh phục của Alexander Đại Đế.

6 phút ago

Maria Zakharova: ‘Cánh NATO cực đoan’ thúc đẩy chiến tranh với Nga

Phát biểu của bà Zakharova vào thứ Năm (21/11) mô tả Estonia và các quốc…

8 phút ago

5 kiểu phụ nữ dù không xinh đẹp xuất chúng vẫn khiến người khác dễ chịu

Xinh đẹp là một loại phúc báo, nhưng nhan sắc là yếu tố bên ngoài…

17 phút ago

Nhà Hậu Trần – P5: Giằng co cản bước quân Minh nam tiến

Nhà Hậu Trần giằng co cản bước quân Minh nam tiến sau khi Trương Phụ…

27 phút ago

Chút tản mạn về tên ba vị đồ đệ trong Tây Du Ký

Ba vị đồ đệ trong Tây Du Ký có pháp danh lần lượt là Tôn…

36 phút ago

Có cách nào cải thiện tình trạng quần áo bị xù lông?

Các sợi lông lỏng lẻo trên bề mặt vải có thể dễ dàng được loại…

44 phút ago