Bà Phạm Chi Lan: ‘Cần làm rõ cho dân tiền tăng thuế xăng dầu đi đâu’
- Minh Sơn
- •
Tại buổi công bố Báo cáo kinh tế vĩ mô quý 1/2018 của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), bà Phạm Chi Lan cho biết nếu Nhà nước chứng minh được việc tăng thuế môi trường đối với xăng dầu là để phục vụ lại cho người dân và đảm bảo được sự minh bạch trong thu chi ngân sách, thì tăng bao nhiêu người dân cũng sẵn sàng đóng thuế.
Mặc dù đề xuất tăng thuế môi trường đối với xăng dầu lên kịch trần 4.000 đồng/lít trong thời gian qua đã vấp phải làn sóng phản đối mạnh mẽ từ dư luận, nhưng nhiều khả năng nó sẽ được thông qua.
Tại cuộc họp báo Chính phủ quý 1/2018 vừa qua, Bộ Tài chính cho biết dự thảo sửa đổi Luật thuế bảo vệ môi trường có khả năng được thông qua trong kỳ họp Quốc hội tới. Theo đó, có đến 40/60 ý kiến hoàn toàn nhất trí với đề xuất tăng thuế.
Dự kiến, mức thuế mới 4.000 đồng trên một lít xăng sẽ bắt đầu áp dụng vào ngày 1/7/2018.
Về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng tính minh bạch trong việc tăng thuế môi trường đối với xăng dầu đang không rõ ràng, điều này khiến nhiều người dân bức xúc và phản đối đề xuất tăng thuế.
Cần làm rõ cho dân
Theo bà Lan, thông thường các cơ quan Nhà nước không đưa ra được lý do thuyết phục cho việc tăng thu thuế để làm gì và số tiền thuế đó sẽ được dùng đi đâu. Nếu tăng thuế môi trường đối với xăng dầu là để bảo vệ môi trường thì cần chứng minh được số tiền thuế đó được sử dụng để bảo vệ môi trường như thế nào, môi trường được cải thiện ra sao sau khi tăng thuế.
Còn nếu vì bí ngân sách mà tăng thêm thuế thì cũng cần làm rõ cho người dân biết được bao nhiêu phần trăm trong tiền thuế đó được chi cho bảo vệ môi trường, bao nhiêu dùng cho bù đắp cho các khoản thiếu hụt ngân sách. Có như vậy, người dân mới yên tâm đóng thuế.
>> Thấy gì từ đề xuất tăng thuế môi trường đối với xăng dầu lên kịch trần của Bộ Tài chính?
Tất cả các yếu tố đó cần phải được giải thích rõ ràng, công khai, minh bạch cho người dân hiểu. Nếu Nhà nước chứng minh được việc tăng thuế là để phục vụ lại cho người dân và đảm bảo tính minh bạch trong chi ngân sách thì tăng bao nhiêu người dân cũng sẵn sàng đóng thuế.
Bên cạnh đó, bà Lan cũng nhấn mạnh Nhà nước cần có các biện pháp giảm chi hiệu quả, chứ không thể cứ đẩy gánh nặng thuế phí về phía người dân.
Tăng thuế sẽ gây thiệt hại lớn đến Kinh tế – Xã hội
Đồng quan điểm về vấn đề này, TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng viện VEPR cho rằng lý do người dân phản ứng trước các đề xuất tăng thuế của Bộ Tài chính là Nhà nước chưa minh bạch trong các khoản chi thường xuyên.
Chi thường xuyên chiếm tỷ trọng rất lớn, khoảng gần 90% trong tổng chi ngân sách những ngày đầu năm 2018 và luôn tăng đều qua các năm, nhưng người dân lại không được cho biết về các khoản tiền thuế của mình đã được sử dụng như thế nào.
Ông Thành nhận định việc tăng thuế môi trường lên xăng dầu sẽ gây ra những thiệt hại rất lớn đối với Kinh tế – Xã hội, chẳng hạn như làm tăng chi phí nguyên vật liệu, phí vận tải, kéo theo việc tăng giá nhiều mặt hàng gây ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân và doanh nghiệp.
Trong khi đó, mục tiêu bảo vệ môi trường như tên gọi của sắc thuế này lại bị lu mờ so với mục đích thu để bù đắp thiếu hụt ngân sách.
Cũng theo Viện trưởng viện VEPR, người dân và doanh nghiệp trong nước đang phải chịu áp lực tăng thuế trong khi khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) được hưởng nhiều ưu đãi đầu tư, miễn giảm thuế, phí.
Trong diễn biến gần đây vào cuối tuần trước (7/4), giá xăng dầu trong nước đã đồng loạt được điều chỉnh tăng thêm gần 600 đồng/lít. Nếu đề xuất tăng thuế thông qua thì giá xăng được dự báo sẽ còn tăng tiếp trong thời gian tới.
Minh Sơn
Xem thêm:
Từ khóa thuế môi trường Chính sách thuế tăng giá xăng tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu giá xăng dầu