Ngày 7/11, báo chí nhà nước cho biết HĐND TP. Quảng Ngãi đã thông qua việc xây dựng trung tâm hành chính TP.
Dự kiến, trung tâm hành chính TP. Quảng Ngãi sẽ được xây dựng tại xã Tịnh An với diện tích 7,9ha, phía Bắc giáp với QL24B, phía Nam giáp với đường Hoàng Sa.
Dự án trung tâm hành chính vừa thông qua thuộc nhóm B, có tổng mức đầu tư 780 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách tỉnh hỗ trợ 375 tỷ, ngân sách TP 405 tỷ, thời gian thực hiện dự án trong vòng 4 năm. UBND TP. Quảng Ngãi là chủ đầu tư và trực tiếp quản lý dự án.
UBND TP. Quảng Ngãi cho rằng việc đầu tư Khu hành chính tập trung “là cần thiết”. Bởi hiện nay, trụ sở làm việc của các cơ quan trong hệ thống chính trị, hành chính của TP nằm rải rác, phân tán nhiều nơi.
Cùng với đó, nhiều phòng ban sử dụng nhà cũ xây dựng lâu năm, một số công trình xuống cấp trầm trong, không đảm bảo an toàn và yêu cầu để làm trụ sở làm việc.
“Khu trung tâm hành chính tập trung các cơ quan hành chính sẽ tạo thuận lợi cho việc điều hành, giảm chi phí hành chính, thuận tiện cho các tổ chức, công dân giao dịch, đáp ứng mục tiêu hiện đại hoá công sở”, giới chức TP cho biết.
Tờ Zing hồi tháng 4/2021 cho biết nhiều khu dân cư, đô thị ở Quảng Ngãi bị bỏ hoang kéo dài do vướng cơ chế đất công, hết hạn bố trí vốn đầu tư, doanh nghiệp yếu kém năng lực tài chính…
Cụ thể, công viên Thiên Bút và Khu đô thị mới Thiên Tân được tỉnh phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi vào tháng 6/2017, có diện tích khoảng 51 ha với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 779 tỷ đồng, nhưng sau hơn 3 năm, nhiều khu đất nơi đây vẫn còn bỏ hoang.
Quá trình triển khai Khu đô thị mới Thiên Tân, chủ đầu tư gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, trong đó có việc sử dụng tài sản công để thanh toán nên dự án bị đình trệ.
Dự án khu dân cư Đập Ban ở xã Bình Nguyên (huyện Bình Sơn) khoảng 10,3 ha, dự kiến đầu tư với tổng vốn 131 tỷ đồng, cũng bị bỏ hoang nhiều tháng, vì gần 50% diện tích đất chưa được bổ sung vào quy hoạch.
Tương tự, dự án khu dân cư Nam Bàu Giang, huyện Tư Nghĩa, thành bãi chăn thả trâu bò. Lãnh đạo huyện Tư Nghĩa cho hay tiến độ xây dựng khu dân cư này chậm kéo dài do vướng mắc trong khâu giải tỏa, đền bù nghĩa địa.
Trang Pháp Luật Môi Trường dẫn lời ông Phạm Hồng Phương, ở phường Trần Phú bức xúc nói: “Không hiểu các doanh nghiệp làm ăn thế nào, dự án vướng mắc ở đâu mà trong thành phố có quá nhiều dự án đầu tư dở dang, bị bỏ hoang, nhếch nhác, ảnh hưởng đến đời sống của người dân”.
Cũng theo ông Phương, người dân sống gần các khu “đất vàng” bỏ hoang lâu nay phải chịu cảnh nước đọng thành ao, rồi mùi hôi thối từ rác, súc vật vứt bừa bãi. Đường sá thì xuống cấp do xe tải chở đất san lấp mặt bằng dự án trước đó nay bỏ nham nhở. Đáng nói, nhiều nhà, đất của dân nằm trong vùng quy hoạch dự án chưa được đền bù nên vẫn còn ở tạm bợ “đi thì dở, ở không yên”. Cứ mỗi đợt mưa kéo dài, nhiều nhà dân trong khu vực dự án bị ngập nước, đi lại trở ngại, đời sống bấp bênh…
Ban Kinh tế – Ngân sách HĐND tỉnh Quảng Ngãi cho hay đến nay địa phương đã cấp chủ trương đầu tư cho 103 dự án (tương đương 44.800 lô đất); cấp chấp thuận cho 247 dự án khu dân cư, khu đô thị (tương đương hơn 4.678 ha đất) cho các nhà đầu tư.
“Quảng Ngãi kêu gọi đầu tư phát triển thương mại, dịch vụ, phục vụ sản xuất kinh doanh để tạo nguồn thu ổn định nhưng tất cả quỹ đất đều cho chủ trương đầu tư hoặc chấp thuận để phát triển các khu dân cư, khu đô thị. Đây là một vấn đề không bình thường”, ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, cho biết trên Zing.
Hồi năm 2020, nhiều tờ báo trong nước cho biết thực hiện Nghị quyết 867 ngày 10/1 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã thuộc tỉnh Quảng Ngãi, từ ngày 1/4, huyện Tây Trà sáp nhập huyện Trà Bồng.
Việc này kéo theo hàng chục trụ sở tại huyện Tây Trà (cũ) của Quảng Ngãi như trụ sở UBND huyện Tây Trà, Trung tâm Y tế, Phòng Văn hóa Thông tin, UBND xã Trà Phong… trong tình trạng bị bỏ hoang, gây lãng phí tài sản công…
Ông Trần Văn Sương, Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng, xác nhận theo yêu cầu của tỉnh, toàn bộ tài sản của huyện Tây Trà và huyện Trà Bồng (cũ) được điều chuyển sang huyện Trà Bồng (mới), gồm hàng chục khu nhà công vụ với tổng diện tích đất sử dụng gần 600.000 m2 và nhiều tài sản khác như ôtô, máy móc trang thiết bị… với tổng giá trị hơn 516 tỷ đồng.
“Những vật dụng như ô tô, máy móc, thiết bị… có thể di chuyển được còn trụ sở thì đành đóng cửa. Trong khi nhiều trụ sở đang bị bỏ không thì nơi làm việc mới ở huyện Trà Bồng lại đông đúc, khó khăn trong bố trí phòng ốc” – ông Sương nói.
Một lãnh đạo Phòng Quản lý giá và tài sản công (Sở Tài chính tỉnh Quảng Ngãi), nhìn nhận việc sử dụng các trụ sở ở huyện Tây Trà (cũ) sau khi sáp nhập như thế nào để tránh lãng phí là vấn đề “khá nan giải”.
Hoàng Minh (t/h)
Xem thêm:
Nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml dự kiến phải chịu thuế tiêu…
Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…
Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…
Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM - ông Huỳnh Nguyễn Lộc bị…
Vào ngày 28/7, mẹ của Hoàng Diên Thu phát hiện con trai mất tích, cả…
Ông Kim Jong Un đã cáo buộc Hoa Kỳ gia tăng căng thẳng và khiêu…