“Theo quy định của pháp luật hiện hành, mại dâm là hành vi vi phạm pháp luật, tuy nhiên, xét về mặt xã hội, người bán dâm là nhóm người dễ bị tổn thương (bị ngược đãi, bạo lực, bị chà đạp nhân phẩm, bị bóc lột, bị tăng nguy cơ lây nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục, bị phân biệt đối xử, ít cơ hội tiếp cận với các dịch vụ y tế, xã hội).”
Đây là nhận định được đưa ra kèm theo Quyết định số 361 ngày 7/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, quốc gia có số người bán dâm càng cao, càng thể hiện sự bất ổn về mặt đạo đức, việc làm, bất bình đẳng giới, tiếng nói và cơ hội, và sự suy giảm về hiệu quả trong hoạt động của các cơ quan quản lý xã hội.
Theo công bố mới nhất, ngày 25/7, ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội TP.HCM cho biết toàn thành phố có khoảng 3.000 người hoạt động mại dâm.
Trong đó vị thành niên, thanh niên – 16-27 tuổi chiếm tới khoảng 25%; độ tuổi 28-37 chiếm gần 27%; độ tuổi 38-47 chiếm 15%. Có tới hơn 12% đối tượng mại dâm từ 48-64 tuổi. Số mại dâm nam, mại dâm đồng tính, chuyển giới chiếm trên 20%.
Đáng lưu ý, lãnh đạo cơ quan quản lý về việc làm của thành phố cho biết trong 3.000 người nói trên, cơ quan chức năng chỉ có hồ sơ của 180 người có hộ khẩu TP do phường xã nắm; còn lại từ các tỉnh khác đến.
Điều này cho thấy tình trạng quản lý nhân khẩu, việc làm đối với cư dân của cơ quan nhà nước có vấn đề.
Theo công bố của Chính phủ ban hành kèm Quyết định 679/QĐ-TTg ngày 10/5/2011, trong giai đoạn 2006 – 2010, lực lượng công an các cấp đã truy quét, triệt phá 6.109 vụ mại dâm, với 19.443 đối tượng (gồm 4.113 chủ chứa, môi giới; 9.067 gái bán dâm; 6.263 khách mua dâm). TP.HCM đứng trong nhóm đầu các tỉnh thành có nhiều đường dây, ổ nhóm mại dâm quy mô lớn bị triệt phá; các địa phương khác bao gồm Hà Nội, Quảng Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Cần Thơ, Tây Ninh, Đồng Tháp, Đồng Nai,…
Báo cáo của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đưa ra vào đầu năm 2016 cho biết cả nước có 11.240 người bán dâm có hồ sơ quản lý. Đứng đầu là khu vực Đồng bằng sông Hồng với 3.673 người. Đông Nam Bộ đứng thứ hai với 3.200 người. Tiếp đến là ĐBSCL: 1.374 người, Đông Bắc: 913 người; Bắc Trung bộ: 887 người; các khu vực khác là 1.189 người. Báo cáo lưu ý con số thực tế có thể còn cao hơn do tính chất đặc biệt của loại hình này.
Những số liệu báo cáo trên cho thấy TP.HCM là một trong những thành phố đứng đầu cả nước về tệ nạn mại dâm. Việc quản lý phải tốt hơn, thay vì đưa ra công bố Sở Lao động-Thương binh và Xã hội của thành phố chỉ có hồ sơ của 180 người bán dâm, theo báo cáo từ các quận, huyện.
Thực tế cho thấy ngay cả khi nắm được hồ sơ quản lý của hàng nghìn người, thì vẫn còn hàng nghìn người khác bị “bỏ sót”. Năm 2013, Ủy ban quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn mại dâm, ma túy cho biết tổng số người bán dâm trên cả nước ước tính lên tới 32.788 người, tăng 2.788 người so với năm 2012, tương đương tăng 8,5%. Tuy nhiên số có hồ sơ quản lý lại giảm mạnh, chỉ còn hơn 9.100 người.
Ngoài ra, tổng số người bán dâm cũng có sự chênh lệch lớn giữa con số công bố của cơ quan nhà nước và tổ chức quốc tế. Theo báo cáo Lao động tình dục ở Việt Nam – Góc nhìn từ Quyền Lao động của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) được công bố vào tháng 9/2016, ước tính Việt Nam có 101.272 người lao động tình dục, trong đó khoảng 72.000 phụ nữ mại dâm. Con số này lớn gấp 3 lần con số 32.788 người được công bố nói trên, dù chỉ cách nhau 3 năm.
Vì mại dâm là bất hợp pháp ở Việt Nam, nên đây không phải là một nghề. So với con số 1 triệu người thất nghiệp trong năm 2013, con số trên chiếm hơn 10% tổng số người. Đây là điều đáng suy ngẫm từ cả góc độ đạo đức, nhân văn lẫn sự lãng phí về tài sản con người đối với nguồn nhân lực của quốc gia.
ILO Việt Nam cho biết đã tiến hành các cuộc phỏng vấn sâu với 73 nam, nữ, người chuyển giới bán dâm; chủ, 22 chủ hoặc người quản lý cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm, 15 người đại diện chính quyền địa phương, hội đoàn thể và tổ chức xã hội, và 10 cuộc thảo luận nhóm với khoảng 100 lao động tình dục khác.
Kết quả khảo sát cho thấy người hành nghề mại dâm toàn thời gian thường có thời gian “làm việc” khá dài, lên tới 10 đến 12 tiếng mỗi ngày (một lao động hợp pháp được pháp luật bảo hộ có số giờ lao động chính thức không quá 8 giờ trong một ngày hoặc 48 giờ trong một tuần).
Đối với lao động tình dục nữ, số khách từ 6-10 người/ngày, thậm chí lên tới 30 người/ngày. Đối với lao động tình dục nam, con số khoảng 3-10 khách/ngày. Người bán dâm làm việc ngoài đường phố trung bình có 5 khách hoặc ít hơn mỗi ngày. Hầu hết những người lao động trong các cơ sở chỉ có thể nghỉ phép khi được sự đồng ý của chủ. Nếu nghỉ không có sự đồng ý của chủ có thể bị phạt tiền, bị trừ lương, hoặc sa thải.
Đáng lưu ý, hầu hết những người lao động tình dục cho biết đều bị kỳ thị và phân biệt đối xử, từ công an, những chủ thể có trách nhiệm tôn trọng và bảo vệ quyền của người dân, gia đình và cộng đồng. Nhưng những cơ sở cung cấp dịch vụ y tế lại là nơi mà họ hay gặp vấn đề kỳ thị và phân biệt đối xử nhất.
Điều này – một cách không lên tiếng – cho thấy người bán dâm không những không có cơ hội về tiếng nói, chăm sóc y tế, mà còn bị tách khỏi cộng đồng với ngày càng ít cơ hội sửa đổi những tiêu chuẩn đạo đức bị suy đồi, biến dị do môi trường sinh hoạt và làm việc.
Thực tế, theo điều tra của ILO Việt Nam, 72/73 người bán dâm được phỏng vấn và tất cả, trừ một người, tham gia thảo luận nhóm cho rằng họ tự nguyện tham gia công việc bán dâm. Lý do chính liên quan tới trách nhiệm tài chính, đặc biệt với phụ nữ, khi họ thường là người kiếm tiền duy nhất, phải chịu trách nhiệm chăm sóc con cái, cha mẹ, anh chị em và bạn đời không có việc làm. Một số lựa chọn hành nghề mại dâm để kiếm tiền chi trả chi phí y tế của người thân. Một số khác bán dâm để có tiền mua ma túy, hoặc coi đây là một cách để thể hiện xu hướng tình dục, cách để được thụ hưởng cuộc sống…
Đối với xét nghiệm HIV, khoảng một nửa số người trao đổi không cho biết kết quả xét nghiệm, cũng như không quay lại cơ sở y tế lấy kết quả sau xét nghiệm…
Vậy, con số hơn 100.000 người lao động tình dục đang biểu thị điều gì? Hơn 100.000 người lao động tình dục trên cả nước tương đương với việc có hơn 100.000 người đang vi phạm pháp luật, chưa kể một loạt nhóm đối tượng mua dâm, đối tượng chăn dắt, bảo kê, kinh doanh nhà nghỉ, vũ trường… và các tệ nạn kèm theo. Nhìn từ góc độ quyền lao động, hơn 100.000 người không được nhìn nhận dù cả thể xác và tinh thần đều bị tổn hại nghiêm trọng.
Xét về quyền bình đẳng xã hội, hơn 100.000 người lao động tình dục tương đương với việc có hơn 100.000 người trong xã hội có khả năng bị ngược đãi, bị bạo lực, bị chà đạp nhân phẩm, bị bóc lột thể xác và tinh thần, bị tăng nguy cơ lây nhiễm bệnh, bị phân biệt đối xử, bị tước đoạt cơ hội tiếp cận thông tin giáo dục, các hoạt động cộng đồng. Ở chiều ngược lại, tâm lý tự bảo vệ khi bị kỳ thị, hoặc mặc cảm khiến những lao động tình dục tự cô lập, ngày càng lún sâu vào môi trường xã hội bị suy đồi.
Một góc nhìn không kỳ thị, bình đẳng, kèm theo những đánh giá đầy đủ về sự thiếu hụt việc làm, giáo dục, cũng như những tác nhân gây nên sự xuống cấp về các giá trị đạo đức trong xã hội có lẽ là điều mỗi cá nhân cần làm trong dòng chảy thay đổi tư duy, thay vì bó hẹp trong định kiến, khiến hơn 100.000 người trở thành những thực thể vô hình trong cộng đồng.
Lê Trai
Xem thêm:
Các cuộc biểu tình tại Trung Quốc trong quý 3 năm nay đã tăng 27%…
Ngoại trưởng Andrey Sibiga cho biết Ukraine sẽ không chấp thuận nhượng bất kỳ lãnh…
Trong cuốn sách "Dũng tràng tiểu phẩm" của tác giả Chu Quốc Trinh đời nhà…
Đâu đó và ngay đây, vẫn có những người với người vẫn tin và thương…
Đề xuất của Bộ Tư pháp Mỹ yêu cầu Google phải bán trình duyệt Chrome…
Đội hình Phalanx gắn liền với những cuộc chinh phục của Alexander Đại Đế.