Năm 2015, nguồn nước tại 37 “làng ung thư” bị phát hiện đều ô nhiễm nặng. Cùng lúc, nguồn nước ngầm tại Hà Nội, TP.HCM cũng bị cảnh báo ô nhiễm ở mức đáng báo động, song còn vấp phải nhiều thờ ơ…
Trung bình mỗi năm, Việt Nam có khoảng 9.000 người tử vong vì nguồn nước và điều kiện vệ sinh kém; gần 200.000 trường hợp ung thư mới phát hiện, trong đó một trong những nguyên nhân chính là sử dụng nguồn nước ô nhiễm, theo một số liệu công bố vào năm 2014 của Bộ Y tế và Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT).
Sang đầu năm 2015, cuộc điều tra của Bộ TN-MT đối với 37 “làng ung thư” cho biết trong 814 mẫu nước được phân tích, 80% mẫu có số lượng vi sinh vật cao hơn tiêu chuẩn, 65% mẫu bị ô nhiễm so với quy định, và 30% mẫu có hàm lượng sắt vượt quá tiêu chuẩn. Trong số 814 mẫu, có 50 mẫu có chứa nhôm, cadmium, benzen, bentazone, phenol, asen, mangan vượt tiêu chuẩn cho phép.
Tại thời điểm khảo sát, 37 thôn/làng mang tên “làng ung thư” đã có 1.136 người chết vì các bệnh ung thư. Ngoài ra, 380 người ở các xã lân cận cũng chết bởi ung thư.
Tuy nhiên, những thông tin báo cáo rời rạc vẫn đang tiếp tục vẽ nên một bức tranh rộng hơn, khi nguồn nước ngầm vẫn là nguồn nước được sử dụng phổ biến, có chỉ số ô nhiễm cao hàng nghìn lần mức cho phép.
Trong một nghiên cứu xuất bản năm 2017 (1), TS Trần Lê Lựu (trường ĐH Việt Đức) dẫn số liệu cho hay ở Việt Nam, nước ngầm đang ở trong tình trạng ô nhiễm bởi asen, sắt, mangan và amoni rất cao. Ở những khu vực tiến hành thử nghiệm như Hà Nội và TP.HCM, nồng độ asen trong nước ngầm dao động trong khoảng 0,1- 3.050 μg/l, vượt đáng kể so với tiêu chuẩn 10 μg/l do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thiết lập.
Tại Hà Nội, trong buổi hội thảo về quy hoạch cấp nước (tháng 8/2018), đại diện Công ty CP nước và môi trường Việt Nam (đơn vị tư vấn lập đồ án điều chỉnh Quy hoạch cấp nước Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050) thừa nhận nguồn cấp nước cho đô thị Hà Nội chủ yếu là nguồn nước ngầm. Nhiều giếng có hàm lượng sắt cao (tại các quận Hai Bà Trưng, Ba Đình, Hà Đông, Thanh Xuân, Tây Hồ, Hoàng Mai, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm); có hàm lượng mangan cao (tại các quận Hai Bà Trưng, Ba Đình, Thanh Xuân, Long Biên).
Các giếng tại các quận ở phía Nam và Đông Nam TP bị ô nhiễm nặng, hàm lượng amoni rất cao như nhà máy nước Pháp Vân, Hạ Đình, Tương Mai và có dấu hiệu bị nhiễm bẩn bởi nước thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp.
Tháng 4/2019, Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM đưa ra cảnh báo nước giếng khoan không thể dùng cho ăn uống. Bác sĩ Ngô Cao Lẵm, Trưởng Khoa Sức khỏe-Môi trường-Trường học cho hay theo kết quả xét nghiệm năm 2018, 58% nước giếng khoan tại quận 12, Bình Tân, Tân Bình, Tân Phú, Thủ Đức, Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn có độ PH thấp, có 13,5% hàm lượng amoni cao. Khoảng 5% trong số đó có chỉ tiêu vi sinh không đạt.
Asen vô cơ (hay còn gọi là thạch tín) được coi là chất độc đối với con người. Theo QCVN 01:2009/BYT, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước ăn uống, hàm lượng asen cho phép trong nước ăn uống không được vượt quá 0,01 mg/l (= 10 μg/l). Ăn uống thực phẩm, nước nhiễm asen làm tăng nguy cơ ung thư gan, thận, bàng quang, tuyến tiền liệt và phổi. Nước nhiễm sắt có nhiều các tác hại khác nhau. Nếu hàm lượng sắt trong nước chỉ ở một mức độ nhẹ, sẽ không gây hại nhiều cho sức khỏe của con người; nếu mức độ sắt trong nước quá cao, sẽ dẫn đến tình trạng thừa sắt. Lượng sắt thừa tích tụ trong các cơ quan như tim, gan, tụy, khớp và tuyến yên; nếu không được loại bỏ sẽ gây tổn thương cho các cơ quan này. Đối với nước nhiễm mangan, theo Cục Quản lý Tài nguyên nước (Bộ TN-MT), khi các liên kết của mangan tập trung cao trong não sẽ gây ra những rối loạn thần kinh tương tự như bệnh Parkinson, nếu mức độ cao ở trẻ em có thể ảnh hưởng xấu đến sự phát triển thần kinh và nhận thức của trẻ. Theo Quy chuẩn Việt Nam, amoni trong nước là một chất ô nhiễm do chất thải động vật, nước cống và khả năng nhiễm khuẩn. Khi hàm lượng amoni trong nước ăn uống cao hơn tiêu chuẩn điều đó có nghĩa là nguồn nước bạn đang sử dụng đã bị ô nhiễm bởi chất thải động vật, nước cống và có khả năng xuất hiện các loại vi khuẩn, kể cả vi khuẩn gây bệnh. Amoni không quá độc với con người và động vật. Tuy nhiên, nếu nồng độ amoni trong nước cao, rất dễ tạo thành các nitrat (NO2-), nitrit (NO3-). Trong cơ thể động vật, nitrit và nitrat có thể biến thành N – nitroso – là chất tiền ung thư. Ngoài ra, nitrit đặc biệt nguy hiểm cho trẻ mới sinh dưới sáu tháng. |
Theo báo cáo “Vietnam: Toward a Safe, Clean, and Resilient Water System” (Việt Nam: Hướng tới một hệ thống nước có tính thích ứng, sạch và an toàn) (2) công bố hồi tháng 5/2019, Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định sự cạn kiệt và ô nhiễm nguồn cung cấp nước ở Việt Nam hiện đang làm tổn thương đất nước và có thể gây thiệt hại kinh tế lên tới 6% vào năm 2035.
WB cảnh báo hạn hán, lũ lụt và các mối nguy hiểm khác liên quan đến nước gây nên các mối đe dọa chồng chất cho Việt Nam, do nước “quá ít, quá nhiều và quá bẩn”. Ước tính đến năm 2035, thiệt hại về kinh tế dao động từ 0,2-3,5% tổng GDP. WB lưu ý số liệu tính toán là số liệu của năm 2016, dao động từ 400 triệu và 7 tỷ USD cho mỗi đe dọa/ảnh hưởng. Khi kết hợp tất cả các đe dọa (chưa bao gồm yếu tố lũ lụt do biến đổi khí hậu trên lưu vực sông Hồng), tác động tổng thể lên GDP ước tính lên tới gần 6% GDP hàng năm.
Nông nghiệp của Việt Nam sử dụng 81% lượng nước của quốc gia, nuôi trồng thủy sản sử dụng 11%. Abedalrazq F. Khalil, Chuyên gia cao cấp Quản lý Tài nguyên Nước (WB) dẫn Báo cáo năm 2017 của tổ chức này cho biết nông nghiệp sản xuất của Việt Nam đang tạo ra một lượng lớn chất thải từ phân bón, thuốc trừ sâu, mầm bệnh và dược phẩm được cung cấp cho động vật. Khoảng 95% chất thải chăn nuôi được tạo ra mỗi năm xâm nhập vào môi trường không được xử lý, mang theo chất dinh dưỡng, mầm bệnh và các hợp chất dễ bay hơi gây ô nhiễm nước và không khí và làm hỏng đất. Chỉ khoảng một nửa phân bón được sử dụng có hiệu quả; phần còn lại được rửa tan trong dòng nước chảy. 85% thuốc trừ sâu được sử dụng tại Đồng bằng sông Hồng được xếp vào loại ‘‘Nguy hiểm’’ hoặc “Nguy hiểm rất cao” theo tiêu chuẩn của WHO.
Đối với nuôi trồng thủy sản, theo WB, bất chấp thực tế là một ngành xuất khẩu quan trọng của Việt Nam, đây cũng là ngành gây ô nhiễm cao. Báo cáo nhận định khung pháp lý cũng như các quy định về an toàn thực phẩm hiện có của Việt Nam dường như chưa đủ để ngăn chặn các chất thải có hại xả ra từ các hồ/lồng bè nuôi cá.
Nước thải công nghiệp và đô thị làm gia tăng tình trạng ô nhiễm nguồn nước. Theo thống kê của Bộ Xây dựng (2019), chỉ 46% hộ gia đình đô thị có kết nối với hệ thống thoát nước và chỉ 12,5% nước thải đô thị được xử lý trước khi xả vào các nguồn nước.
Theo Bộ TN-MT (2016), phần lớn nước thải từ hơn 5.000 làng nghề và làng có nghề chưa qua xử lý, cùng nước thải sinh hoạt được xả vào hệ thống thoát nước. Trong tổng số 587 cụm công nghiệp theo quy hoạch đã đi vào hoạt động, chỉ 55 cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải chung
(chiếm 9,4%).
Chất thải rắn từ các đô thị đặt ra một mối đe dọa khác đối với nguồn nước, khi phổ biến việc đổ rác bừa bãi, các vị trí bãi thải không được vệ sinh và bãi rác gần các tuyến sông ngòi…
Theo WB, ước tính Việt Nam sẽ tiêu tốn khoảng 12,4 – 18,6 triệu USD mỗi ngày cho chi phí xử lý do ô nhiễm vào năm 2030 nếu không có các biện pháp xử lý kịp thời.
Tại hội thảo công bố báo cáo độc lập của WB (ngày 30/5/2019), ông Trần Hồng Hà – Bộ trưởng Bộ TN-MT xác nhận áp lực từ sự gia tăng dân số, tăng trưởng kinh tế và nhu cầu sử dụng nước ngày càng cao đã khiến tài nguyên nước tại Việt Nam có nguy cơ cạn kiệt.
Bên cạnh tình trạng lãng phí nguồn nước (mỗi đơn vị m3 nước Việt Nam sử dụng chỉ tạo ra 2,37 USD cho GDP, bằng khoảng 1/10 so với trung bình thế giới là 19,42 USD), là các khoảng trống về xử lý nước thải công nghiệp và đô thị, giảm ô nhiễm nguồn nước do phân bón, chất hóa học, nước thải chăn nuôi trong nông nghiệp…
Bộ TN-MT xác định đến năm 2030, áp lực nguồn nước sẽ xảy ra tại hầu hết các lưu vực sông tại Việt Nam.
Minh Tâm – Nguyễn Quân (T/h)
Chú thích:
Xem thêm:
Có hơn 1.000 cây guitar acoustic và guitar điện không có chữ ký của ông…
Bệnh tiểu đường có thể gây ra rất nhiều tác hại đối với cơ thể,…
Trước tình hình căng thẳng, Hungary đang lên kế hoạch triển khai hệ thống phòng…
Chuẩn Đô đốc Thomas Buchanan tuyên bố rằng Mỹ sẵn sàng sử dụng vũ khí…
Putin: Nếu Mỹ muốn chiến thì Nga cũng phải theo, và tên lửa bắn vào…
HĐGSNN vừa công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm…