Việt Nam mong Campuchia tiếp tục phối hợp với Việt Nam và các nước trong Ủy hội sông Mekong để chia sẻ thông tin, đánh giá đầy đủ tác động của dự án kênh đào Phù Nam Techo đối với nguồn nước, tài nguyên nước và môi trường sinh thái của khu vực tiểu vùng sông Mekong cùng các biện pháp quản lý phù hợp.
Ngày 5/5, trả lời về phản ứng của Việt Nam trước những phát biểu gần đây của phía Campuchia liên quan việc triển khai dự án kênh đào Phù Nam Techo (Funan Techo), người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng cho hay Việt Nam luôn coi trọng, dành ưu tiên hàng đầu cho mối quan hệ với Campuchia trong chính sách đối ngoại của mình. Việt Nam mong muốn quan hệ hai nước ngày càng phát triển đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả trên các lĩnh vực vì lợi ích của nhân dân hai nước.
Đối với dự án kênh đào Phù Nam Techo, Việt Nam “rất quan tâm và tôn trọng lợi ích chính đáng của Campuchia” theo tinh thần của Hiệp định Mekong năm 1995, phù hợp với các quy định liên quan của Ủy hội sông Mekong và quan hệ láng giềng hữu nghị truyền thống giữa hai nước.
“Chúng tôi mong rằng Campuchia tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Việt Nam và các nước trong Ủy hội sông Mekong để chia sẻ thông tin, đánh giá đầy đủ tác động của dự án này đối với nguồn nước, tài nguyên nước và môi trường sinh thái của khu vực tiểu vùng sông Mekong cùng các biện pháp quản lý phù hợp…”, bà Hằng nói.
Những việc này nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích của các quốc gia ven sông Mekong cũng như quản lý, sử dụng hiệu quả, bền vững nguồn nước và tài nguyên nước con sông, “vì sự phát triển bền vững của lưu vực, tình đoàn kết gắn bó giữa các quốc gia ven sông và tương lai của các thế hệ mai sau”.
Lãnh đạo Campuchia liên tục nhắc đến kênh đào Phù Nam Techo trong những tuần gần đây, khẳng định dự án này sẽ đem lại lợi ích cho người dân và quyết tâm thực hiện.
Gần nhất, hôm 1/5, Thủ tướng Campuchia Hun Manet tuyên bố ông biết một nhóm đối lập có trụ sở tại Mỹ đang âm mưu phá hoại việc xây kênh đào Phù Nam Techo. Tuy nhiên nỗ lực này sẽ không thành công vì người dân Campuchia đồng lòng ủng hộ dự án.
Về dự án này, ông Brian Eyler, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á tại trung tâm Stimson (Mỹ) nhận xét: “Dự án kênh đào này có thể là cây đinh cuối cùng đóng vào quan tài ĐBSCL”. Kênh đào Phù Nam Techo sẽ cần hơn 80 triệu m3 nước và điều này sẽ làm cạn kiệt mực nước sông Cửu Long. Ngoài ra, kênh đào có thể gây rối loạn tình trạng ngập lũ tự nhiên, gia tăng độ mặn và thay đổi dòng chảy trong nông nghiệp và kinh tế ở Đồng bằng Sông Cửu Long. Ông Eyler bộc bạch: “Tôi lo lắng nhất là kênh đào sẽ ảnh hưởng đến vùng ngập lũ và gây ra nhiều hậu quả khó lường…”.
Ông Eyler phân tích theo thiết kế, kênh đào Phù Nam Techo sẽ chia cắt vùng đồng bằng ngập lũ rộng lớn xuyên biên giới giữa hai tỉnh Kandal và Takeo, đồng thời chạy sâu vào ĐBSCL, như vậy sẽ làm thay đổi dòng chảy tự nhiên của vùng ngập lũ vốn mang lại lợi ích kinh tế và xã hội cho người dân ở Campuchia và ở Việt Nam. Vùng ngập lũ này kết nối với các vùng sản xuất nông nghiệp trù phú (một số loại gạo ngon nhất của Campuchia được trồng ở đây) và nghề cá, đồng thời tạo môi trường sống cho các loài có nguy cơ tuyệt chủng. Khi kênh đào chia cắt vùng ngập lũ, dòng nước chảy về hạ lưu bị ngăn lại sẽ hình thành khu vực khô ráo ở phía Nam bao gồm một phần các tỉnh An Giang và Kiên Giang, tạo ra khu vực ẩm hơn ở phía bắc. Khi nước tràn vào kênh đào trong mùa mưa, lũ lụt ở Takeo và thậm chí ở ngoại ô phía nam Phnom Penh cũng có thể trầm trọng thêm.
Campuchia khởi công kênh đào Phù Nam Techo năm nayMột tài liệu Campuchia trình lên Ủy hội sông Mekong vào tháng 8/2023 cho biết kênh đào Phù Nam Techo sẽ bắt đầu hoạt động từ năm 2028. Việc xây dựng dự kiến bắt đầu vào cuối năm 2024, chi phí ước tính khoảng 1,7 tỷ USD. Theo Ủy ban sông Mê Công Việt Nam, Dự án kênh đào Funan Techo của Campuchia sẽ nâng cấp và cải tạo 180km tuyến kênh/sông, bao gồm: Đoạn thứ nhất (chiều dài khoảng 20km) nối sông Mê Công với sông Bassac; Đoạn thứ 2 tiếp tục chạy dọc theo sông Bassac đến điểm kết nối với kênh giao thông thủy từ sông Bassac ra cảng Kẹp (chiều dài khoảng 30km) và Đoạn thứ ba dài 130km nối sông Bassac (tại điểm cách biên giới Việt Nam – Campuchia khoảng 20km) với cảng Kẹp của Campuchia. Phía Campuchia thông báo các đoạn kênh này được thiết kế với kích thước đủ lớn (bề rộng đáy kênh 50m, bề rộng mặt kênh từ 80-120m và chiều sâu mực nước trong kênh 4,7m) để các tàu tải trọng đến 1.000 tấn có thể đi qua. Ủy ban sông Mê Công Việt Nam đã đề nghị Ban Thư ký Ủy hội hỗ trợ các quốc gia triển khai nghiên cứu về đánh giá tác động xuyên biên giới của Dự án. Ban Thư ký Ủy hội đang khẩn trương tiến hành nghiên cứu độc lập về tác động của Dự án, đặc biệt là các tác động xuyên biên giới, đề xuất các biện pháp giảm thiểu và giám sát tác động. Ngày 23/4, Ủy ban sông Mê Công Việt Nam đã phối hợp với Ban Thư ký Ủy hội sông Mê Công quốc tế tổ chức cuộc họp tham vấn về Dự án. Các đại biểu tại cuộc họp tham vấn đã nêu các quan ngại về Dự án, bao gồm các tác động của Dự án đến tài nguyên nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt trong bối cảnh hạn mặn diễn ra ngày càng thường xuyên và khắc nghiệt hơn. Việc kênh Funan Techo sẽ chuyển nước từ sông Bassac, là phân lưu của sông Mê Công ra cảng Kẹp nằm ngoài lưu vực sẽ gây suy giảm tài nguyên nước tới Đồng bằng, có thể gây tác động tiêu cực đến các hoạt động sinh kế, sản xuất của người dân địa phương và các hệ sinh thái tự nhiên. |
Khánh Vy (t/h)
Xinh đẹp là một loại phúc báo, nhưng nhan sắc là yếu tố bên ngoài…
Nhà Hậu Trần giằng co cản bước quân Minh nam tiến sau khi Trương Phụ…
Ba vị đồ đệ trong Tây Du Ký có pháp danh lần lượt là Tôn…
Các sợi lông lỏng lẻo trên bề mặt vải có thể dễ dàng được loại…
Tổng thống đắc cử Donald Trump trong quá trình tranh cử đã nhiều lần chỉ…
Ông Matt Gaetz hôm thứ Năm (21/11) đã tuyên bố rằng ông sẽ rút lui…