Liên quan tới sự việc khoảng 1.000 công nhân Công ty TNHH may mặc Onewoo (cụm công nghiệp Hà Lam – Chợ Được, huyện Thăng Bình, Quảng Nam) đình công để phản đối bất cập về chế độ làm việc, các cơ quan chức năng phía Việt Nam yêu cầu công ty tạm dừng việc thay đổi mức trợ cấp.
Ngày 10/2, đoàn kiểm tra gồm đại diện Liên đoàn lao động tỉnh Quảng Nam, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Nam, công an đã làm việc với lãnh đạo công ty về sự việc.
Đến chiều, ông Lưu Văn Thương, Phó chủ tịch liên đoàn lao động Quảng Nam cho biết đoàn yêu cầu công ty ra thông báo tạm dừng thực hiện nội dung thay đổi tiền thưởng, phụ cấp đã thông báo trước đó, sau đó tổ chức việc thương lượng ba bên giữa người lao động, công ty, công đoàn để đưa ra ý kiến thống nhất.
Đại diện công ty cho biết đã liên lạc về tập đoàn ở Hàn Quốc để xin ý kiến.
Trước đó, chiều 9/2, khoảng 1.000 công nhân của công ty đã ngừng việc tập thể trước nhiều vấn đề bất cập về chế độ làm việc, lương, thưởng và trợ cấp.
Các công nhân cho hay chế độ nghỉ phép của công ty là không thỏa đáng. Công nhân có việc đột xuất hay đau ốm phải nghỉ thì bị trừ lương gần gấp 3 lần so với một ngày công, trong khi rất khó để xin được nghỉ trong những trường hợp trên. Trong những ngày không có hàng, công nhân phải nghỉ làm thì công ty tự động trừ vào ngày nghỉ phép, ngày mất điện cũng trừ vào ngày nghỉ phép. Nhưng khi công nhân không sử dụng hết ngày phép thì không được cộng thêm tiền.
Việc tính tiền lương tháng 13 cũng khắt khe. Chỉ những người làm đủ 12 tháng mới được hưởng đủ tiền lương tháng 13, một số người thiếu vài ngày cũng không được hưởng đủ mà chuyển sáng chế độ của người làm đủ 6 tháng (hưởng nửa tháng lương). Đối với những người làm việc dưới 6 tháng, mức thưởng từ 100.000 đến 200.000 đồng/người.
Về thời gian làm việc, công nhân cho hay thời gian làm việc bắt đầu từ 7h30 nhưng công ty yêu cầu trước 7h20 phải có mặt, nếu đi trễ không được vào cổng. Trong quá trình làm việc, việc đi lại, vệ sinh gặp khó khăn.
Đỉnh điểm là ngày 9/2, công ty thông báo hạ mức trợ cấp xuống 200.000 đồng đối với mỗi cấp bậc.
Về mức trợ cấp này, các công nhân cho hay công ty chia 5 cấp bậc xếp loại hàng tháng, công nhân làm tốt sẽ được hưởng mức cao nhất 600.000 đồng, thấp nhất 300.000 đồng. Theo cách tính mới, mức cao nhất 600.000 đồng/tháng sẽ bị hạ xuống còn 400.000 đồng/tháng, mức thấp nhất 300.000 đồng/tháng chỉ còn 100.000 đồng/tháng.
Khoảng 1.000 công nhân đã cùng ngừng việc tập thể để đòi quyền lợi trước các vấn đề nêu trên.
Vào sáng 10/2, khi công nhân đến công ty thì được thông báo rằng việc hạ mức trợ cấp xuống 200.000 đồng/cấp bậc vẫn giữ nguyên, không thay đổi. Công ty thông báo ai đồng ý thì ở lại làm, ai không đồng ý thì nghỉ làm. Do đó, các công nhân tiếp tục ngừng việc, yêu cầu công ty giữ nguyên mức trợ cấp hoặc giải quyết chế độ chính sách trước khi họ nghỉ làm.
Ngoài ra, rất đông các phóng viên báo chí đến liên hệ làm việc để nắm thông tin 2 chiều nhưng tiếp tục bị ngăn cản.
Năm ngoái, vào ngày 9/7, tại Khu công nghiệp Tam Thăng, TP.Tam Kỳ, Quảng Nam hơn 1.000 công nhân của Công ty Dệt may Panko Tam Thăng cũng đình công tập thể để đòi quyền lợi. Các công nhân yêu cầu lãnh đạo công ty phải trả lương đúng như mức lương thông báo khi tuyển dụng.
Cụ thể, khi tuyển dụng Công ty Panko đã thông báo mức lương bình quân 4 triệu đồng/tháng, nhưng trong tháng đầu tiên thử việc, họ chỉ nhận được 2,7 triệu đồng, khi ký hợp đồng chính thức họ nhận mức lương 3,1 triệu đồng/tháng. Sau khi trừ bảo hiểm xã hội, công nhân chỉ nhận được 2,9 triệu đồng/tháng – thấp hơn nhiều so với mức lương đưa ra khi tuyển dụng.
Thanh Vân
Xem thêm:
Moskva đã bổ sung căn cứ phòng thủ tên lửa mới mở của Hoa Kỳ…
Cảnh sát Nhật Bản cho biết đã nộp đơn xin lệnh bắt giữ một thiếu…
Các đại biểu đồng thuận cho rằng máy điều hòa không phải mặt hàng xa…
Tối 20/11 một vụ đâm chém người đã xảy ra tại ký túc xá của…
Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự án nghị quyết của Quốc hội…
Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…