Tóm tắt nội dung:
Hàng nghìn người biểu tình tại Hồng Kông đã phong tỏa trụ sở cảnh sát Đặc khu vào hôm thứ Sáu (21/6), tiếp nối các cuộc biểu tình của họ được kích hoạt bởi dự luật dẫn độ.
Với hy vọng các cuộc biểu tình sẽ tự xì hơi, cảnh sát Hồng Kông hôm 21/6 đã không có bất kỳ hành động gì để giải tán đám đông. Tuy nhiên, các cuộc biểu tình lớn hơn đã được lên kế hoạch diễn ra cả cuối tuần.
Dự luật dẫn độ sẽ cho phép chính quyền Hồng Kông dẫn độ bất cứ ai tại Hồng Kông – công dân, thương nhân, cũng như khách du lịch – sang Trung Quốc để bị ‘những tên côn đồ’ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) xét xử tại các tòa án của chế độ Bắc Kinh. Dự luật này cũng sẽ cho phép các tòa án Trung Quốc Đại lục được yêu cầu các tòa án Hồng Kông đóng băng và tịch thu tài sản liên quan tới những tội phạm phạm tội trên lãnh thổ Đại lục và trao quyền kiểm soát những tài sản đó cho ĐCSTQ tại Bắc Kinh.
Các quan chức Hồng Kông và Bắc Kinh vào tuần trước đã bị sốc với quy mô của các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ tại Hồng Kông. Khoảng 2 triệu người biểu tình – tương đương hơn 1/4 toàn dân số Hồng Kông đã lấp kín các tuyến phố.
Với cuộc biểu tình thứ ba đưa 1/4 dân số Hồng Kông xuống đường để yêu cầu Trưởng Đặc khu do Bắc Kinh chọn Carrie Lam (Lâm Trịnh Nguyệt Nga) từ chức, các nhà hoạt động ủng hộ dân chủ tại Hồng Kông và Đài Loan đã được tiếp thêm động lực. Đối với ĐCSTQ, câu hỏi đặt ra với họ là phải thực hiện hành động gì, chứ không phải có nên hành động hay không.
Khi Anh Quốc trao trả Hồng Kông cho Trung Quốc vào năm 1997, hai bên đã ký thỏa thuận “một đất nước, hai chế độ” sẽ cho phép Hồng Kông duy trì các hệ thống chính trị và pháp luật xã hội độc lập. Dự luật dẫn độ nếu được thông qua sẽ phá vỡ một bức tường mạnh mẽ trong thỏa thuận nêu trên giữa Hồng Kông và Bắc Kinh.
Bà Carrie Lam đã xin lỗi “chân thành” người dân Hồng Kông và thông báo đình chỉ xem xét thông qua dự luật dẫn độ. Hướng tới những nhà hoạt động lên kế hoạch biểu tình ủng hộ dân chủ vào Chủ Nhật (16/6), hôm thứ Bảy (15/6), bà Carrie Lam thông báo rằng: “Sau nhiều lần cân nhắc nội bộ trong hai ngày qua, tôi bây giờ thông báo rằng chính quyền đã quyết định đình chỉ thực hiện sửa đổi luật, khởi động lại thông tin của chúng tôi với tất cả các thành phần xã hội, thực hiện thêm công việc giải thích và lắng nghe các quan điểm khác nhau của xã hội.”
Các nhà hoạt động yêu cầu chính quyền phải hủy bỏ hoàn toàn luật dẫn độ, do đó việc đình chỉ tạm thời sẽ không làm họ thỏa mãn. Khi lập trường của các bên cứng nhắc, vấn đề này đã trở thành một biểu tượng vượt ra khỏi phạm vi Hồng Kông.
Cho dù lời xin lỗi của bà Lam có mùi mẫn thế nào, thì bà đang có rất ít tín nhiệm trong những người biểu tình vì bà đã không thông báo rút hoàn toàn luật dẫn độ. Việc không rút lại này là dấu hiệu cho thấy nó sẽ được hồi sinh vào một thời điểm khác mà ĐCSTQ lựa chọn.
Sự xuống thang của bà Lam là một nỗi sỉ nhục lớn đối với ĐCSTQ, và Hồng Kông là danh chứng của ông Tập Cận Bình, vì vậy những người có quan điểm cứng rắn tại Bắc Kinh đang đổ lỗi cho ông Tập về các vấn đề tại Hồng Kông. Ông Tập cũng bị đổ lỗi vì sự thất bại trong các cuộc đàm phán thương mại Mỹ – Trung cho tới nay. Do đó, ông Tập đang gặp phải hai cuộc khủng hoảng đồng thời, ngay trước các cuộc đàm phán tại G-20. Điều này khiến ông Tập suy yếu vào thời điểm khi mà có những người cứng rắn tại Bắc Kinh chỉ chực chờ ông thất bại để họ có thể tiếp quản quyền lực. Vị thế “độc tài trọn đời” của ông Tập không đảm bảo chắc chắn 100% và một cuộc đảo chính tại Trung Nam Hải chắc chắn sẽ mang lại quyền lực cho ai đó trẻ hơn và thậm chí hiếu chiến hơn.
Những người cứng rắn tại Đài Loan cũng sẽ được tiếp sức. Trung Quốc đã đang sử dụng cách tiếp cận quả cà rốt và cây gậy đối với Đài Loan. Một mặt, các quan chức Trung Quốc nói rằng bất kỳ động thái hướng tới độc lập nào của Đài Loan sẽ đều phải hứng chịu sự đáp trả quân sự. Mặt khác, Trung Quốc đã liên tục tấn công quyến rũ để thuyết phục người dân Đài Loan rằng cuộc sống của họ sẽ trở nên tốt đẹp hơn như thế nào khi là một tỉnh của Trung Quốc. Một phần của cách thức tấn công quyến rũ đó là tuyên bố rằng Đài Loan có thể hưởng quy chế “một đất nước, hai chế độ” như Hồng Kông đang có. Nhưng các cuộc biểu tình tại Hồng Kông đã tăng thêm động lực cho phe ủng hộ Đài Loan độc lập.
Các cuộc biểu tình tuần trước là lớn nhất tại Hồng Kông kể từ tháng 6/1989, thời điểm hòn đảo này vẫn là thuộc địa của Anh Quốc và hàng triệu người Hồng Kông đã biểu tình chống lại Trung Quốc, ủng hộ hàng triệu sinh viên trong các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ tại Quảng trường Thiên An Môn, nơi mà ĐCSTQ đã thảm sát hàng nghìn sinh viên vào ngày 4/6/1989.
Bởi vì sự tương đồng giữa các cuộc biểu tình Hồng Kông tuần trước với các cuộc biểu tình Quảng trường Thiên An Môn 1989, nên nếu quý vị muốn biết kết quả có thể nhất của các cuộc biểu tình Hồng Kông, hãy nhìn vào lịch sử vụ thảm sát Quảng trường Thiên An Môn và đánh giá những điểm tương đồng và khác biệt.
Các cuộc biểu tình Quảng trường Thiên An Môn 1989 không phải bắt đầu vào ngày 4/6. Những cuộc biểu tình này đã bắt đầu từ đầu tháng Năm, thời điểm kỷ niệm 70 năm các cuộc biểu tình Quảng trường Thiên An Môn khởi phát “Phong trào Ngũ Tứ” vào ngày 4/5/1919. Trong suốt tháng 5/1989, ĐCSTQ đã quan sát Quảng trường Thiên An Môn với sự hốt hoảng ngày càng tăng lên bởi vì những cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ này thực chất là sự bác bỏ hệ tư tưởng Chủ nghĩa Xã hội, Chủ nghĩa Mác, và Chủ nghĩa Cộng sản.
Với tư duy sai lầm, ảo tưởng của ĐCSTQ, họ coi dân chủ là ý thức hệ, không phải là một hình thức chính phủ. Hơn nữa, ĐCSTQ coi dân chủ là một ý thức hệ xung đột với chủ nghĩa cộng sản. Do đó vào đầu tháng Sáu, ĐCSTQ đã hoảng hốt tới mức mà họ đã phải nghiền nát các cuộc biểu tình này để ngăn chặn dân chủ đạt được chiến thắng về ý thức hệ.
Những cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ tại Hồng Kông cho tới nay đang đi trên con đường tương tự. Những cuộc biểu tình này đang tưởng niệm 30 năm cuộc biểu tình Thiên An Môn 1989. Khi số lượng người biểu tình tăng lên tới hàng triệu, ĐCSTQ tại Bắc Kinh đang xem tất cả là sự lặp lại của năm 1989. Và các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ, một lần nữa, là sự bác bỏ ý thức hệ “cộng sản chủ nghĩa” mà ĐCSTQ truyền bá.
Theo các nguồn tin giấu tên từ nội bộ ĐCSTQ nói với trang tin Boxun.com, ông Tập Cận Bình đã khẳng định rằng “tình huống hiện nay tại Hồng Kông đang có nguy cơ vượt ngoài tầm kiểm soát” và rằng ông sẽ ra lệnh đáp trả quân sự nếu tình hình trở nên xấu hơn.
Những nguồn tin giấu tên này nói rằng Bộ Chỉ huy miền Nam của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) và Lực lượng PLA đồn trú tại Hồng Kông đang đợi lệnh và đã chuẩn bị để phản ứng đầy đủ trước tất cả các kịch bản có thể xảy ra tại Hồng Kông.
Từ năm 1997, Lực lượng PLA đồn trú tại Hồng Kông là một nhóm hàng nghìn quân nhân PLA đóng quân tại hòn đảo này nhưng ở dạng “vô hình”. Binh lính PLA này bị giới hạn trong các doanh trại, nơi họ mặc quân phục của họ, nhưng không được phép mặc quân phục này ở nơi công cộng. Những binh lính này chưa bao giờ mặc quân phục rời khỏi doanh trại trong 22 năm qua, nhưng họ đã chuẩn bị để xuất hiện và thực hiện hành động quân sự nếu được lệnh làm vậy.
Chúng ta đã trình bày những điểm tương đồng với tình hình Quảng trường Thiên An Môn 1989. Tuy nhiên, cũng có những khác biệt đáng kể.
Thảm sát Quảng trường Thiên An Môn 1989 xảy ra tại Bắc Kinh, khu vực mà ĐCSTQ kiểm soát chặt chẽ và truyền thông quốc tế cũng bị giám sát toàn diện và có thể bị đóng cửa nhanh chóng.
Tuy nhiên, truyền thông quốc tế tại Hồng Kông hầu như không bị kiểm soát. ĐCSTQ đã từng hủy thị thực và trục xuất các nhà báo của nhiều kênh truyền thông, nhưng những sự kiện diễn ra hai tuần qua minh chứng rằng bất kỳ bạo lực nào xảy ra tại Hồng Kông sẽ lập tức được biết đến và phát sóng trên toàn thế giới.
Nhưng, có một sự khác biệt quan trọng hơn: Thảm sát Quảng trường Thiên An Môn xảy ra tại Bắc Kinh, miền bắc Trung Quốc, trong khi Hồng Kông thuộc khu vực miền nam Trung Quốc.
Đông nam Trung Quốc là điểm khởi phát của hai cuộc nổi dậy quần chúng gần đây nhất tại Trung Quốc. Cuộc Trường Chinh của Mao Trạch Đông dẫn tới chiến tranh cách mạng Cộng sản (1934-1949) bắt đầu tại miền nam. Khởi nghĩa Thái Bình Thiên Quốc (1852-1864) do một tín đồ Công giáo, người coi mình là con của Chúa và là em của Jesus lãnh đạo, khởi phát tại miền nam và lan rộng tới miền bắc.
Hầu hết những người phương Tây không để ý tới những kết nối nêu trên, nhưng quý vị có thể chắc chắn rằng những quan chức hoang tưởng tại Bắc Kinh nhận thức rất rõ về các nguy cơ của một cuộc nổi dậy từ miền nam mà có thể dẫn tới mất kiểm soát và lan rộng tới miền bắc nuốt chửng Bắc Kinh.
Dựa theo “bản đồ đình công Trung Quốc”, nếu chúng ta chọn 2011, 2012… 2018, chúng ta sẽ thấy rằng số lượng các cuộc đình công của công nhân đang tăng dần, từ 184 vụ năm 2011 lên 1702 vụ năm 2018. Hơn nữa, hầu hết các vụ đình công này diễn ra ở đông nam Trung Quốc, nơi đã từng là điểm bùng phát của sự bất ổn dẫn tới hai cuộc khởi nghĩa quần chúng tại Trung Quốc gần đây.
Điều này cho thấy rằng có một mức độ bất ổn nhất định ở đông nam Trung Quốc và nó đang tăng lên đều đặn, không ngừng trong những năm qua. Ông Tập Cận Bình cũng nhận thức được điều này.
Trong suốt lịch sử hàng nghìn năm của Trung Quốc, đã có các cuộc nổi dậy chống chính quyền quy mô lớn và diễn ra đều đặn. Trong vòng 200 năm gần đây, đã có Khởi nghĩa Bạch Liên giáo (1796-1805), Khởi nghĩa Thái Bình Thiên Quốc (1852-1864) và Cách mạng Cộng sản của Mao Trạch Đông (1934-1949), khoảng trên dưới 50 năm lại diễn ra một cuộc nổi dậy quần chúng. Tới nay, Trung Quốc đã vượt quá mốc diễn ra các cuộc nổi dậy chống chính quyền đều đặn, và ông Tập Cận Bình nhận thức được rằng các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ tại Hồng Kông có thể là khởi phát cho một cuộc nổi dậy quần chúng lật đổ ĐCSTQ.
Ông Tập Cận Bình còn có một lo lắng khác. Không có một cách chắc chắn nào để kích hoạt nổi dậy quần chúng tại Trung Quốc hơn là từ một nền kinh tế thất bại. Nền kinh tế Trung Quốc đã bị đánh phá mạnh trong thương chiến với Mỹ khi mà nhiều doanh nghiệp đã rút từ Trung Quốc sang các nước láng giềng.
Hồng Kông luôn là trung tâm thông tin của Trung Quốc đối với hệ thống tài chính thế giới, và nếu Hồng Kông trở nên hỗn loạn tới mức mà trung tâm thông tin này phải đóng cửa, thì nó sẽ gây ra thất bại kinh tế, từ đó sẽ kích hoạt một cuộc nổi dậy như dự kiến.
Do đó ông Tập Cận Bình đã bị ‘đóng hộp’, không còn lựa chọn tốt nữa.
Thật khó để có thể ước tính cú sốc mà giới chức Hồng Kông và Bắc Kinh cảm nhận được về quy mô của các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ trong hai tuần qua và sự tương đồng của chúng so với các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ 1989 tại Quảng trường Thiên An Môn.
Trung Quốc sắp hết thời gian tại Hồng Kông và Đài Loan và họ biết điều đó. Những người sống sót từ Cách mạng Cộng sản của Mao Trạch Đông bây giờ đã qua đời gần hết, và các thế hệ trẻ hơn đang ngày càng có tâm lý chống cộng sản, và ủng hộ dân chủ, ủng hộ độc lập. Đồng thời nền kinh tế Trung Quốc đang rất bất ổn và chịu áp lực lớn từ cuộc chiến thuế quan với Mỹ. Toàn bộ mô hình kinh tế của Trung Quốc, trong đó bao gồm đánh cắp sở hữu trí tuệ từ phương Tây, cũng đang bị tấn công.
Trung Quốc không thể chịu đựng được tình huống này lâu hơn nữa. Trong 30 năm qua, Trung Quốc đã tiến hành một chiến dịch thù hận với Nhật Bản và đã lên kế hoạch chiến tranh để sáp nhập Đài Loan và tiêu diệt người Nhật. Người Trung Quốc không muốn chiến tranh với Mỹ, nhưng họ cũng đã chuẩn bị cho cuộc chiến đó.
Lời xin lỗi đầy nước mắt của bà Carrie Lam chắc chắn không phải là một hành động hối lỗi hay hòa giải chân thành, vì đó không phải là điều mà ĐCSTQ từng làm. Thực tế, đó là hành động tuyệt vọng hoàn toàn, một nỗ lực chống lại điều tồi tệ nhất. Trong vòng vài tuần hoặc vài tháng tiếp theo, chúng ta sẽ được thấy liệu bà Lam có thành công hay không.
Tác giả: John J. Xenakis của trang GenerationalDynamics.com
Tài liệu tham khảo:
1. Cảnh sát Hồng Kông không hành động khi những người biểu tình chống luật dẫn độ bao vây trụ sở có Cảnh sát trưởng Stephen Lo bên trong. (Hong Kong police take no action as anti-extradition bill protesters blockade headquarters with chief Stephen Lo inside)
2. Bản đồ đình công Trung Quốc – https://maps.clb.org.hk/strikes/en
3. Cúi đầu trước áp lực, lãnh đạo Hồng Kông đình chỉ luật dẫn độ (Bowing to pressure, Hong Kong leader suspends extradition bill)
4. Bất ổn tại Hồng Kông cảnh báo Đài Loan hướng mắt cảnh giác với Trung Quốc (Hong Kong unrest alarms Taiwan with wary eye on China)
5. Đường lối cứng rắn của Trung Quốc tại Hồng Kông thúc đẩy các nhà phê bình Bắc Kinh tại Đài Loan (China’s Hard Line in Hong Kong Boosts Beijing Critics in Taiwan)
6. Trò chơi đường dài nằm trong tay Trung Quốc bất chấp chiến thắng cho người biểu tình Hồng Kông (The Long Game Is China’s Despite Win for Hong Kong’s Protesters)
7. Các cuộc biểu tình Hồng Kông là thất bại hiếm hoi đối với Tập Cận Bình và Đảng Cộng sản Trung Quốc, chuyên gia nói. (Hong Kong protests rare defeat for China’s Xi Jinping and the Communist Party, say analysts)
8. Binh lính PLA tại Hồng Kông đang đợi lệnh của ông Tập (PLA troops in Hong Kong awaiting orders from Xi: Boxun)
9. https://boxun.com/news/gb/china/2019/06/201906111556.shtml
10. Binh lính Trung Quốc tại Hồng Kông sắp mặc đồng phục xuất quân (Chinese troops in Hong Kong mull coming out – in uniform)
Xuân Thành biên dịch
Tiêu đề bài viết do người dịch đặt lại
Xem thêm:
Theo ĐBQH Dương Minh Ánh, biện pháp tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với vàng…
Do có các sai phạm, khuyết điểm trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm…
Hôm Thứ Năm, ICC tuyên bố bắt các quan chức cao cấp của Israel quy…
Nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml dự kiến phải chịu thuế tiêu…
Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…
Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…