Trong cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung, Mỹ cáo buộc Trung Quốc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và đã tấn công toàn diện vào “Made in China 2025”, còn giới chức Trung Quốc muốn kín tiếng về vấn đề này, thậm chí không cho truyền thông tiếp tục nhắc đến “Made in China 2025”. Nhưng động thái này không có nghĩa là đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) từ bỏ kế hoạch thao túng toàn cầu, chiến lược “Tiêu chuẩn Trung Quốc 2035” đang lặng lẽ triển khai là một chỉ dấu.
Vào tháng Ba năm nay, Tổng cục Kiểm tra Chất lượng và Ủy ban Tiêu chuẩn quốc gia Trung Quốc đã tổ chức khởi động dự án “Tiêu chuẩn Trung Quốc 2035” (China Standards 2035). So với chiến lược “Made in China 2025” mà trước đó giới truyền thông và doanh nghiệp Trung Quốc ra sức quảng bá thì có vẻ như “Tiêu chuẩn Trung Quốc 2035” được nhà chức trách Trung Quốc xử lý khá kín đáo.
Tạp chí Thế giới (Cw.com.tw) Đài Loan từng đưa tin, chính quyền ĐCSTQ đang âm thầm triển khai “Tiêu chuẩn Trung Quốc 2035”, trọng tâm của dự án này là để thúc đẩy hệ sinh thái sản xuất công nghiệp từ thị trường nội địa khổng lồ của Trung Quốc, sau đó đưa ra toàn thế giới thông qua “Vành đai và Con đường” (Nhất đới Nhất lộ).
ĐCSTQ cho rằng Trung Quốc có ưu thế về tiêu chuẩn công nghệ, chẳng hạn như các doanh nghiệp hàng đầu của Trung Quốc trong ngành công nghiệp bán dẫn là Huawei, IC nhận dạng vân tay của Goodix, ống kính quang học của Sunny Optical; ba hãng viễn thông khổng lồ là China Mobile, China Unicom và China Telecom… đã vươn tầm quốc tế. Đây chính là nền tảng cho thành công của “Tiêu chuẩn Trung Quốc 2035”.
Theo Cương lĩnh hành động của “Tiêu chuẩn Trung Quốc 2035”, Trung Quốc cần xây dựng tiêu chuẩn quốc gia trong các lĩnh vực bao gồm thiết kế IC, thực tế ảo, dưỡng lão, bảo vệ sức khỏe, trí tuệ, linh kiện then chốt 5G. Trong tương lai, “Tiêu chuẩn Trung Quốc” sẽ được chuyển đổi thành “tiêu chuẩn quốc tế”.
Hãng tin Bloomberg đã phát hiện, các công ty Trung Quốc thông qua các dự án cơ sở hạ tầng của “Vành đai và Con đường” để đưa các tiêu chuẩn kỹ thuật vào các nước tham gia, nhằm thao túng việc áp dụng công nghệ tại các thị trường này.
Đài Á châu Tự do (RFA) đã chỉ ra rằng, nếu một quốc gia đưa được tiêu chuẩn kỹ thuật của mình ra toàn thế giới thì sẽ không chỉ chiếm lợi thế thị trường từ các ngành công nghiệp tiêu chuẩn của quốc gia đó, còn cho thấy sức mạnh cứng có chiều sâu của quốc gia đó.
Thực tế, dù Trung Quốc ý thức mạnh mẽ về đưa ra các tiêu chuẩn công nghiệp riêng của Trung Quốc, nhưng điều này cũng không thể tách rời trao đổi kỹ thuật với các nước phát triển khác.
Nhật báo Phố Wall (WSJ) Mỹ đưa tin, theo một báo cáo nghiên cứu chiến lược mới đây của Viện Chính sách Chiến lược Úc chỉ ra, nhiều nhà khoa học có bối cảnh thuộc quân đội Trung Quốc đang nỗ lực đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu khoa học với các học giả hàng đầu ở Mỹ, nhưng nhiều khi họ che giấu bối cảnh là người của quân đội Trung Quốc.
Lĩnh vực nghiên cứu ở nước ngoài của những nhà khoa học Trung Quốc thuộc biên chế hệ thống quân sự Trung Quốc bao gồm cả vật lý lượng tử, mật mã học, công nghệ xe hơi tự lái… là những lĩnh vực chính trong cuộc cạnh tranh Trung – Mỹ.
Hồi tháng Hai, tờ “Nhà quan sát Washington” (Washington Examiner) đưa tin, Giám đốc Cục liên bang Mỹ (FBI) Christopher Wray đã lên tiếng tại Thượng viện rằng, Trung Quốc đang sử dụng “chiến thuật biển người”, cài cắm người vào các cơ sở giáo dục và nghiên cứu tại Mỹ làm gián điệp thu thập thông tin tình báo, “hầu như trong mọi lĩnh vực khoa học”.
Về vấn đề này, trợ lý giáo sư Hiệp Diệu Nguyên (Xie Yaoyuan) tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế của Đại học Thánh Thomas (St. Thomas University) bang Texas thẳng thắn cho rằng, ĐCSTQ sẽ không bao giờ chấm dứt thủ đoạn này. Dù “Tiêu chuẩn Trung Quốc 2035” là nỗ lực thăm dò táo bạo của Trung Quốc trong độc lập xây dựng lộ trình mới về sáng tạo công nghiệp, nhưng cũng không tránh khỏi đằng sau có thủ đoạn cơ hội.
Gần đây CNN Mỹ đưa tin, Bộ Thương mại Mỹ thông báo rằng, xuất phát từ cân nhắc bảo vệ an ninh quốc gia, Mỹ sẽ đưa Công ty mạch điện tích hợp Kim Hoa tỉnh Phúc Kiến (Fujian Jinhua Integrated Circuit) vào danh sách kiểm soát xuất khẩu, sau 30 ngày lệnh cấm sẽ có hiệu lực.
Nhiều phân tích cho rằng, con chip là lĩnh vực quan trọng của ĐCSTQ trong chương trình “Made in China 2025”, động thái của Mỹ nhắm vào Kim Hoa tỉnh Phúc Kiến nhằm tăng thêm sức ép đối với nhà cầm quyền Trung Quốc.
Huệ Anh
Xem thêm:
Cảnh sát Nhật Bản cho biết đã nộp đơn xin lệnh bắt giữ một thiếu…
Các đại biểu đồng thuận cho rằng máy điều hòa không phải mặt hàng xa…
Tối 20/11 một vụ đâm chém người đã xảy ra tại ký túc xá của…
Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự án nghị quyết của Quốc hội…
Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…
Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…