Trong những năm gần đây, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã có cách thức mới kiếm tiền là “thu hoạch” tài sản của quan chức: Từ việc giảm lương và phúc lợi đến bắt giữ một số lượng lớn những quan to sở hữu nhiều tài sản, buộc họ phải giao nộp tài sản để được an toàn – một thủ đoạn vừa thu được nhiều tiền, vừa được lòng dân, nên đã được thực hiện mạnh mẽ và thuần thục, đánh dấu mục tiêu moi tiền tập trung từ dân thường sang quan chức.
Gọi là “thủ đoạn mới”, vì trong quá khứ ĐCSTQ đã áp dụng thủ đoạn vơ vét của cải từ những người dân giàu có để giải quyết những vấn đề kinh tế nội bộ. Sau khi lấy được quyền lực từ Quốc Dân Đảng và kiểm soát Đại Lục, ĐCSTQ đã giết giới địa chủ, tư bản và cả trí thức để “thu hoạch” tài sản. Thập niên qua, Đảng này đã dùng nhiều thủ đoạn chiếm đoạt tài sản của người dân nói chung như tái cơ cấu chính sách, tăng các hình phạt tiền, gian lận tài chính như tiền dưỡng lão, phát hành công trái, phát triển và kiểm soát các ngành công nghiệp đen như mại dâm và cờ bạc…
Trang web của Ủy ban Giám sát Nhà nước – Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương ĐCSTQ mới đây đưa tin, ông La Bảo Minh – cựu Bí thư Tỉnh ủy Hải Nam, và là Phó Chủ tịch Ủy ban Hoa kiều tại Nhân đại Trung Quốc khóa 13 – đã tự nguyện ra đầu thú và hiện đang được xem xét, điều tra.
Tự nguyện đầu thú là gì? Một số nhà bình luận cho rằng ám chỉ việc ĐCSTQ tạo cơ hội để được ‘đối xử khoan hồng’, ẩn ý có thể là lấy công chuộc tội, được bỏ qua hoặc rút ngắn thời hạn tù, nhưng điều kiện tiên quyết là giao nộp tài sản, thể hiện lòng trung thành, và vạch trần những người không thích nhà cầm quyền, để trở thành bằng chứng tiếp theo cho nhà cầm quyền thu hoạch của cải. Thủ đoạn cho thấy động cơ mô hình “chống tham nhũng” của ĐCSTQ đã chuyển từ chính trị sang kinh tế.
Về vấn đề này, ông Đỗ Văn (Du Wen) – cựu Chủ nhiệm Văn phòng Cố vấn Pháp luật của Chính quyền Khu tự trị Nội Mông – hiện sống ở Bỉ, cho biết:
“Toàn bộ máy ĐCSTQ từ trên xuống dưới đang khan hiếm tiền. Của cải thực sự của xã hội nằm ở số lượng lớn các quan chức cấp cao, bắt bất cứ kẻ nào cũng có thể thu về được một số tiền lớn.”
Theo lý lịch, ông La Bảo Minh sinh năm 1952, từng là Ủy viên Thường vụ Thành ủy Thiên Tân và Trưởng Ban Tuyên giáo Thiên Tân, năm 2001 được điều động làm Phó bí thư tỉnh Hải Nam, tháng 2/2007 được bổ nhiệm làm quyền Tỉnh trưởng Hải Nam, tháng 2/2011 được bổ nhiệm làm Bí thư Tỉnh ủy Hải Nam, tháng 2/2017 được điều động làm Phó Chủ tịch Ủy ban Hoa kiều của Nhân đại Trung Quốc, nghỉ hưu vào tháng 2/2023.
Theo lý thì tỉnh Hải Nam nằm ở biên giới và có ảnh hưởng chính trị hạn chế đối với Trung ương cũng như cho ông Tập Cận Bình. Hơn nữa ông La đã nghỉ hưu, có ít ảnh hưởng và không phải là mối đe dọa đối với ông Tập. Công luận thường bàn tán rằng chiến dịch chống tham nhũng là có chọn lọc, nhưng không phải trường hợp nào cũng vậy. Tuy nhiên, với các quan chức cấp cao về hưu đã tích lũy được khối tài sản lớn, đặc biệt là Hải Nam là nơi quan chức thường sở hữu nhiều đất đai và tài nguyên du lịch, thì nói rằng “chống tham nhũng” mang tính lựa chọn tập trung vào nguồn kinh tế là đúng, dù gì việc điều tra và trừng phạt những cán bộ tầm cỡ như ông La Bảo Minh có thể tiết kiệm được cho ĐCSTQ rất nhiều chi phí lương hưu và y tế, điều này rất hữu ích cho nhà cầm quyền vốn đang ngày càng khan hiếm tài chính.
Theo kết quả kiểm tra giám sát nửa đầu năm nay do cơ quan kiểm tra kỷ luật của ĐCSTQ công bố hôm 25/7, hơn 330.000 cán bộ đã bị kỷ luật vì nhiều lý do, trong đó có 25 quan chức cấp tỉnh và cấp bộ. Trong tháng 5 năm nay Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương đã điều tra và xử lý hơn 17.000 vụ vi phạm Điều 8 [Hiến pháp Trung Quốc] (gần gấp đôi so với 9.755 vụ trong tháng 4), đã xử phạt hơn 16.000 người. Trong các tài liệu truy tố hoặc xét xử của ĐCSTQ, chúng ta thường thấy thu được con số “khổng lồ” tiền tham nhũng. Không lạ khi ĐCSTQ tuyên bố rằng sẽ điều tra ngược về thời gian trong 10 – 20 năm.
Số lượng quan chức cấp cao ở tỉnh Hải Nam bị điều tra và trừng phạt trong 2 năm qua cũng đáng kinh ngạc. Theo thống kê, vào năm 2022 có tổng cộng 48 quan chức cấp sở ở Hải Nam bị cách chức, và con số này tăng lên 53 vào năm 2023. Quan trường tỉnh này tiếp tục rung chuyển năm 2024, chỉ tính riêng tháng 6 có ít nhất 30 quan chức đã bị điều tra.
Ông Đỗ Văn cũng tiết lộ rằng trước Phiên họp toàn thể lần III của Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ khóa 20, nhiều quan chức cấp tỉnh và cấp bộ đã biến mất, dù mọi người đều biết rằng họ đang bị điều tra nhưng chính quyền ĐCSTQ không công bố.
Ông La Bảo Minh được coi là thân tín và là nhân vật cốt cán của cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân.
Vào ngày 3/1/2015, một số cổng thông tin Trung Quốc trích dẫn tài khoản WeChat của Hải Nam Đông Sơn Lĩnh, đưa tin rằng 3 thế hệ trong gia đình ông Giang Trạch Dân đang đi du lịch ở Đông Sơn Lĩnh tỉnh Hải Nam. Các bức ảnh cho thấy, ông Giang Trạch Dân cùng với vợ là bà Vương Dã Bình được Bí thư Tỉnh ủy Hải Nam lúc đó là ông La Bảo Minh tháp tùng. Họ đi trên một chiếc xe golf leo lên núi, để chứng tỏ tình hình sức khỏe của Giang. Khi đó cuộc đấu tranh giữa phe Tập và Giang rất khốc liệt, các thành viên quan trọng của phe Giang đang bị Tập xử lý. Giới quan sát có phân tích việc ông Giang Trạch Dân lên núi như một động thái khích lệ tinh thần cho những thân tín như La.
Các trang thông tin điện tử lớn của Trung Quốc đã đăng lại tin tức về chuyến du ngoạn lên núi này của ông Giang Trạch Dân. Nhưng sau đó không lâu, toàn bộ các thông tin liên quan đều bị xóa.
Trước sự kiện này, hôm 29/7/2014, ông Chu Vĩnh Khang (phe Giang) – cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị và cựu Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật ĐCSTQ – đã bị điều tra. Khi đó, tất cả 31 tỉnh, khu tự trị, thành phố trực thuộc đều bày tỏ “duy trì mức độ nhất quán cao với Trung ương Đảng”, nhưng chính quyền tỉnh Hải Nam không đề cập đến điều này.
Ngoài ra, hai thân tín của ông Chu Vĩnh Khang là những người từng làm trong Thường vụ Tỉnh ủy Hải Nam, là 2 Phó Tỉnh trưởng gồm Đàm Lực và Ký Văn Lâm lần lượt bị điều tra vào tháng 7/2013 và tháng 2/2014. Đàm Lực là thành viên của “băng Tứ Xuyên” do Chu đề bạt, trong khi Ký Văn Lâm đã theo Chu từ lâu.
Trong tình hình này, nhiều quan chức cấp cao đã tránh xa ông Giang Trạch Dân vì sợ liên lụy bản thân, do đó việc La tháp tùng Giang đã gây ra chú ý.
Được biết trước năm 2015, hàng năm ông Giang Trạch Dân đều bay tới Tam Á – Hải Nam để tránh rét. Đặc biệt vào thời Hồ – Ôn, Tam Á thậm chí còn có đường dây nóng trực tiếp tới Trung Nam Hải. Đối với Giang, đảo Hải Nam trở thành nơi ông “điều khiển từ xa” Trung Nam Hải.
Một năm sau khi Chu Vĩnh Khang bị cách chức, La Bảo Minh công khai tuyên bố sẽ duy trì “mức độ nhất quán cao” với chính quyền Tập Cận Bình và “ủng hộ quyền lực của chính quyền trung ương”. Giới phân tích có quan điểm cho rằng cử chỉ thiện chí của ông La đối với ông Tập có thể là một nỗ lực của phe Giang nhằm tự cứu họ trong tình thế đã suy bại.
Tuy nhiên, cuối cùng hành động đó cũng không giúp ông La Bảo Minh tránh khỏi số phận sau này “bị thu hoạch”, một khi đã vỗ béo xong thì người ta chỉ chờ thời cơ chín muồi là có thể “thu hoạch”, sau Phiên họp toàn thể lần III của Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ khóa 20 là lúc “bung lưới”.
Một người khác cũng sập lưới cùng thời gian là ông Chu Á Vĩ – Ủy viên Thường vụ thành phố Quảng Châu tỉnh Quảng Đông. Quan chức này là thân tín của cựu Phó Chủ tịch Nhân Đại Quảng Châu Trương Xuân Hiền.
Tối 26/7, Ủy ban Kiểm tra Giám sát Kỷ luật tỉnh Quảng Đông ra thông báo: Chu Á Vĩ – nguyên Ủy viên Thường vụ Thành ủy Quảng Châu – bị “nghi ngờ vi phạm nghiêm trọng kỷ luật, pháp luật” và hiện đang bị điều tra. Được biết, trong nhiệm kỳ, ông Chu Á Vĩ đã thông đồng cùng doanh nghiệp, dẫn đến tổn thất đầu tư nghiêm trọng.
Thông tin công khai cho thấy, Chu Á Vĩ sinh năm 1963, từ năm 1992 giữ chức vụ Tổng giám đốc Chi nhánh Hải Nam của Tổng công ty Máy móc Thực phẩm và Bao bì Trung Quốc, từ năm 2004 giữ chức Phó Bí thư Thành ủy Quảng Châu, Phó Thị trưởng Quảng Châu, Ủy viên Thường vụ Thành ủy Quảng Châu. Từ tháng 1/2017, Chu Á Vĩ là Ủy viên Thường vụ Thành phố Quảng Châu, đồng thời giữ chức Bí thư Quận ủy Hoàng Phố và Bí thư Ban Công tác Đảng của Khu Phát triển Quảng Châu.
Theo thông tin, ông Chu Á Vĩ có quan hệ mật thiết với nhiều doanh nghiệp tư nhân nổi tiếng. Nhà bình luận độc lập Thái Thận Khôn (Cai Shenkun) đã phân tích trên X vào ngày 27/7 rằng doanh nghiệp tư nhân nổi tiếng nhất mà ông Chu Á Vĩ đã hỗ trợ là Cedar Holdings – được biết đến là doanh nghiệp tư nhân số một tại Quảng Châu và là công ty trong xếp hạng Fortune 500, đã được cung cấp hơn 20 tỷ nhân dân tệ thông qua doanh nghiệp nhà nước trong Khu Phát triển Quảng Châu. Ngoài ra, trong nhiệm kỳ của Chu Á Vĩ, Khu Phát triển Quảng Châu đã đầu tư chiến lược 12 tỷ nhân dân tệ vào xe năng lượng mới Baoneng, cùng với các khoản đầu tư lỗ khác, Khu Phát triển Quảng Châu đã lỗ hơn 20 tỷ nhân dân tệ khi hợp tác với Baoneng. Nhưng khoản đầu tư lớn không phải là quyết định của riêng Chu Á Vĩ mà thực tế còn rất nhiều quan chức khác ở hậu trường, trong đó có Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị đương nhiệm Lý Hy và Ủy viên Bộ Chính trị đương nhiệm Mã Hưng Thụy.
Nhà bình luận Thái Thận Khôn kể rằng vào dịp Tết Nguyên đán năm 1993, Chu Á Vĩ khi đó làm việc tại Tập đoàn Zhongdao ở tỉnh Hải Nam đã gặp Trương Xuân Hiền, nhờ tài ăn nói khéo léo nên được Trương Xuân Hiền rất quý mến. Sau đó với việc Trương Xuân Hiền thăng tiến quan lộ lên chức Thứ trưởng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Nam và gia nhập Bộ Chính trị, thì Chu Á Vĩ cũng lên chức theo, tháng 10/2004 về làm lãnh đạo Quảng Châu, quan lộ đầy béo bở. Nhưng quan lộ Trương Xuân Hiền dần dần xuống cấp bậc, vào tháng 3/2018 nhậm chức phó chủ tịch Nhân đại Quảng Châu, tháng 8/2021 Chu Á Vĩ bị mất chức Bí thư Quận ủy Hoàng Phố và sau đó được chuyển đến Chính hiệp Quảng Châu với tư cách là một thành viên tổ đảng.
Quan chức cấp cao ở những thành phố kinh tế phát triển như vậy thường tham nhũng qua thông đồng với doanh nghiệp, sau khi được “vỗ béo” lại bị tóm thì nhà cầm quyền sẽ thu được khoản tiền lớn. Nhưng thực chất thì tiền của các quan chức tham nhũng cũng đến từ dân, việc ĐCSTQ thu tiền của các quan chức tham nhũng chẳng qua cũng là gián tiếp vơ vét của dân.
Trịnh Khải Nghĩa, Vision Times
Mỹ sẽ xem xét việc điều chỉnh chiến lược răn đe hạt nhân của nước…
Thượng nghị sĩ Lindsey Graham cho biết Ukraine có khoáng sản đất hiếm trị giá…
Quỹ Bảo tồn di sản văn hóa được thành lập để tiếp nhận nguồn viện…
Chứng khoán có dấu hiệu hồi phục nhưng thanh khoản vẫn duy trì ở mức…
Bắc Kinh đang chuẩn bị trở thành nước nhập khẩu nhiên liệu hạt nhân uranium…
Vì đại diện và biện hộ cho nhiều người tập Pháp Luân Công, ông Vương…