Chuyên gia: Đập Tam Hiệp là giao dịch giữa Giang Trạch Dân và Lý Bằng

Có nhận định rằng, trong chiến dịch đàn áp phong trào dân chủ tại Thiên An Môn Trung Quốc ngày 04/06/1989, cựu Thủ tướng Trung Quốc Lý Bằng là nhân vật tích cực nhất. Sau khi ông Giang Trạch Dân nhậm chức Tổng Bí thư cũng ngầm hiểu quan điểm “trả công” cho họ Lý của ông Đặng Tiểu Bình, đã thúc đẩy Công trình Tam Hiệp bất chấp xu thế phản đối áp đảo trong Đảng…

Trong chiến dịch đàn áp dân chủ Thiên An Môn tại Trung Quốc ngày 04/06/1989, ông Lý Bằng là nhân vật tích cực nhất, đã xông pha đi đầu. Hình ảnh lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Il Sung thăm Bắc Kinh tháng 10/1991. Trong ảnh từ phải qua, Thủ tướng Trung Quốc Lý Bằng, Tổng Bí thư ĐCSTQ Giang Trạch Dân, lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Il Sung, Chủ tịch Trung Quốc Dương Thượng Côn. (Ảnh: AFP/Getty Images)

Gần đây, thông tin về tình trạng đập Tam Hiệp Trung Quốc biến dạng đã khiến dư luận trong và ngoài Trung Quốc Đại lục đặc biệt chú ý. Nhiều lo lắng giả sử đập bị vỡ sẽ gây ngập lụt một khu vực rộng lớn làm hàng trăm triệu người Trung Quốc khốn đốn. Sau sự kiện, đài VOA Mỹ đã tổ chức buổi trao đổi với chuyên gia nổi tiếng Trung Quốc về đập Tam Hiệp là tiến sĩ Vương Duy Lạc (Wang Weiluo) cùng bà Hoàng Tiêu Lục (Huang Xiaolu) là người phụ trách Quỹ nghiên cứu Hoàng Vạn Lý (Huang Wanli), quỹ mang tên người cha quá cố của bà cũng là người nhiều lần viết kiến nghị đề nghị không xây dựng công trình Tam Hiệp. Họ đều khẳng định về những tai họa tất yếu sẽ xảy ra do công trình này gây ra.

Mới đây, tờ Vision Times tại Mỹ đã đăng tải bài tiết lộ thêm nhiều ý kiến liên quan. Theo đó, ông Vương Duy Lạc chỉ ra rằng cấu trúc của đập Tam Hiệp đã định trước tình trạng biến dạng này, còn bà Hoàng Tiêu Lục nhận định bất kể con đập này có biến dạng hay không thì việc xây dựng đập vẫn sẽ kéo theo những hiểm họa nghiêm trọng, chí ít là về biến động môi trường sinh thái.

Nhắc lại lũ lụt vào đầu mùa hè năm 2016, trên nhiều tỉnh vùng trung và hạ lưu sông Trường Giang, gây nhiều tranh cãi về khả năng kiểm soát lũ của đập Tam Hiệp. Chuyên gia thủy lợi Vương Duy Lạc cho biết, với loại lũ lụt như vậy, đập Tam Hiệp hoàn toàn không có tác dụng phòng chống. Ông thẳng thắn tố cáo việc xây dựng Công trình Tam Hiệp là một giao dịch chính trị giữa ông Giang Trạch Dân (sau khi lên nắm quyền) và ông Lý Bằng. Ông nói: “Trước ngày 04/06/1989 có lẽ ông Giang Trạch Dân còn chưa rõ Tam Hiệp là thứ gì, nhưng sau ngày đó, công trình đầu tiên trong nước mà ông Giang đi khảo sát chính là Công trình Tam Hiệp, ông Giang đã đến đó để bày tỏ quan điểm ủng hộ dự án.”, “Việc xây dựng Công trình Tam Hiệp là một giao dịch chính trị giữa Giang Trạch Dân và Lý Bằng. Nếu không có thúc đẩy từ ông Giang Trạch Dân thì công trình không thể thông qua, ông Lý Bằng chỉ là phụ thuộc.

Bài viết cho biết, khi mới triển khai Công trình Tam Hiệp, rất nhiều người đã phản đối, trong đó người lên tiếng mạnh mẽ nhất phải kể là giáo sư thủy lợi nổi tiếng Hoàng Vạn Lý của Đại học Thanh Hoa, thậm chí trước khi lâm chung ông vẫn không quên nhắc không nên xây dựng công trình Tam Hiệp. Ngày 08/07/2016 trang tin tức tài chính CaiXin tại Đại Lục đã công bố bài viết “Ký họa: ngài Hoàng Vạn Lý”, bài viết kể lại rằng trước khi khởi công Công trình Tam Hiệp, ông đã ba lần (bao gồm ngày 14/11/1992, ngày 14/2/1993, ngày 14/6/1993) gửi kiến nghị cho lãnh đạo trung ương nêu lý do vì sao không nên duyệt dự án này. Sau khi Công trình Tam Hiệp được duyệt, ông cũng ba lần gửi kiến nghị lãnh đạo trung ương, nhưng đều bặt vô âm tín.

Ông Lý Nhuệ – cựu Thư ký của ông Mao Trạch Đông, từng nói rằng, cuối đời ông Đặng Tiểu Bình đã làm 2 chuyện sai lầm, một là sự kiện Lục Tứ, hai là công trình Tam Hiệp. Nhìn lại quá trình quyết sách của Đặng Tiểu Bình sau Cách mạng Văn hoá, chủ yếu là dựa vào nghe báo cáo để đưa ra quyết sách. Quyết sách về công trình Tam Hiệp là như vậy, quyết sách đàn áp phong trào sinh viên Lục Tứ cũng là như vậy. Do nguồn thông tin của Đặng Tiểu Bình vô cùng hẹp, không muốn lắng nghe ý kiến từ nhiều phía, bản thân ông ta lại không có năng lực phán đoán và phân tích thông tin thật giả, kết quả thường dẫn đến quyết sách sai lầm. Trong hai sự việc trên, người cung cấp thông tin sai cho Đặng Tiểu Bình đều là Lý Bằng. Trong đàn áp phong trào sinh viên, Lý Bằng xông lên tuyến đầu, bỏ công sức ra nhiều nhất, nhưng trước sự kiện Lục Tứ, Lý Bằng chỉ là người số hai, sau sự kiện Lục Tứ Lý Bằng vẫn là người số hai, hầu như không có được bất cứ lợi ích chính trị nào. 

Thực tế, ông Đặng Tiểu Bình là có sự sắp xếp, đồng ý để cho ông Lý Bằng xây dựng công trình Tam Hiệp coi như là báo đáp Lý. Khi đó, ông Giang Trạch Dân vừa mới lên làm Tổng bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), lập tức thị sát khu Tam Hiệp, biểu đạt thái độ về công trình Tam Hiệp. Giang cho rằng, xây dựng công trình Tam Hiệp là cần thiết.

Lý Bằng (phải) và Đặng Tiểu Bình. (Ảnh từ internet)

Thông qua đàn áp bạo lực phong trào Lục Tứ, Lý Bằng đã có được “thượng phương bảo kiếm” xây dựng công trình Tam Hiệp, có cơ hội để thực hiện mộng tưởng của ông ta, có lẽ nên nói, Lý Bằng cũng là kẻ nhận được lợi ích lớn. Đặc biệt, khi Giang Trạch Dân liên kết công trình Tam Hiệp với lòng trung thành tận tâm vì nước lại với nhau, khiến Lý Bằng nghe mà thấy khoan khoái. Điều này khiến cho kẻ buồn bực giả bệnh trốn trong bệnh viện như Lý Bằng cũng mau chóng khỏi bệnh, lập tức xuất viện để ủng hộ các công việc của Giang.

Giang Trạch Dân dùng kỷ luật Đảng để bảo vệ Dự án

Theo thông tin chia sẻ, vì không ai muốn gánh trách nhiệm mang tính lịch sử này nên vấn đề thông qua Công trình Tam Hiệp phải thông qua cái gọi là Nhân đại (Quốc hội) bỏ phiếu. Vào ngày 03/04/1992, Phiên họp thứ năm của Nhân đại toàn quốc khóa 7 Trung Quốc đã thông qua “Nghị quyết về xây dựng công trình Tam Hiệp”, nhưng nghị quyết có số bỏ phiếu tán đồng thấp nhất trong lịch sử của ĐCSTQ.

Ông Vương Duy Lạc tiết lộ cách ông Giang ép buộc các đảng viên bỏ phiếu ủng hộ. Ông nói: “Trước khi Nhân đại toàn quốc bỏ phiếu, Bộ Chính trị đã lo ngại sẽ có quá  nửa số đại biểu không ủng hộ Công trình Tam Hiệp. Sau đó, ông Giang đã mở Đại hội Đảng viên Nhân Đại toàn quốc, dùng kỷ luật Đảng để ra điều kiện cho các đại biểu Nhân đại là Đảng viên phải bỏ phiếu ủng hộ. Vì vậy mà cuối cùng về cơ bản là tỷ lệ phiếu tán đồng tương ứng với tỷ lệ Đảng viên trong giới đại biểu Nhân đại.

Đẩy mạnh tuyên truyền lũ lụt không ngừng thuyên giảm

Bàn về mối liên hệ giữa Công trình Tam Hiệp và lũ lụt vùng trung và hạ lưu sông Trường Giang hồi năm 2016, chuyên gia thủy lợi Vương Duy Lạc cho rằng phải nhìn lại việc ĐCSTQ tuyên truyền như thế nào về năng lực kiểm soát lũ của dự án trước khi thông qua dự án. Ông nói: “Vào giai đoạn năm 1991 khi mới thông qua Công trình Tam Hiệp, ông Giang Trạch Dân tuyên bố phải đẩy mạnh quảng bá cho Công trình Tam Hiệp, sau đó toàn bộ cỗ máy tuyên truyền bắt đầu rầm rộ ca ngợi những lợi ích tuyệt vời mà Công trình Tam Hiệp mang lại.

Khi đó hệ thống tuyên truyền nhà nước đã áp dụng một phương pháp: “Dùng dữ liệu lịch sử để chứng minh lũ sông Trường Giang khủng khiếp đến mức nào. Điều đó có nghĩa là sau khi có Công trình Tam Hiệp thì tình hình lũ lụt sẽ được hạn chế ngăn chặn. Bởi vì ông Mao Trạch Đông đã chỉ ra rằng việc xây dựng Tam Hiệp là để chặn nước lũ tại Tam Hiệp khiến vùng hạ du không còn bị lũ lụt.”

Khi mới thông qua, nhiều quan chức Đại Lục tuyên bố Công trình Tam Hiệp là giấc mơ thế kỷ của người Trung Quốc, bao gồm thực hiện năm mục tiêu lớn: kiểm soát lũ lụt, sản xuất điện, vận chuyển, dẫn nước từ phía Nam qua phía Bắc, và phát triển khu vực, trong đó ngừa lũ là quan trọng nhất. Nhưng chuyên gia thủy lợi Vương Duy Lạc chỉ ra rằng, những mục tiêu này mâu thuẫn nhau, vấn đề thực tế nhất của Công trình Tam Hiệp chỉ là sản xuất điện, nhưng chi phí bỏ ra vượt xa lợi ích sản xuất điện.

Ngoài ra, qua tình trạng bất nhất của cơ quan chức năng trong tuyên truyền ngăn ngừa lũ lụt của đập Tam Hiệp cũng cho thấy vấn đề không bình thường. Việc tuyên truyền ngăn ngừa lũ lụt của đập Tam Hiệp luôn thay đổi thất thường.

  • Tháng 06/2003, cơ quan chức năng tuyên bố rằng “Đập Tam Hiệp đặc biệt kiên cố, có thể ngăn được trận lụt vạn năm mới gặp một lần”;
  • Tháng 05/2007, cơ quan chức năng tuyên bố “Đập Tam Hiệp năm nay có thể ngăn chặn được trận lụt ngàn năm mới gặp”;
  • Đến tháng 10/2008, cơ quan chức năng lại đổi giọng điệu rằng “Đập Tam Hiệp có thể chống được trận lũ lụt trăm năm mới gặp”;
  • Vào tháng 07/2010, cơ quan chức năng lại xuống giọng rằng “Thử thách đập Tam Hiệp với trận lụt 20 năm mới gặp gây kinh động toàn lưu vực sông Trường Giang”;
  • Tháng 06/2016, truyền thông nhà nước bắt đầu thay đổi dùng quan điểm của giáo sư Thanh Hoa: khả năng ngăn ngừa lũ lụt không mạnh như dự tính.

ĐCSTQ ý thức kém về tự nhiên

Ông Vương Duy Lạc cũng tiết lộ: “Năm 1998 xảy ra một trận lụt, lượng nước lũ không nhiều, nhưng mực nước dâng lên rất cao. Điều quan trọng nhất là Trung ương ĐCSTQ đã vi phạm kế hoạch kiểm soát lũ sông Trường Giang, không sử dụng dự án kiểm soát lũ lụt ở sông Kinh (ngạn phía nam Trường Giang thuộc tỉnh Hồ Bắc), làm mực nước dâng cao, đây là quyết định sai lầm.”

Trong cuộc phỏng vấn, ông Vương Duy Lạc kể chi tiết rằng lũ lụt trong lưu vực sông Trường Giang được chia thành ba loại, công trình Tam Hiệp chỉ đóng chút ít vai trò trong nước lũ của toàn lưu vực, nhưng vì khả năng lưu trữ nước nhỏ và thời gian ngăn chặn kéo dài nên hiệu quả không cao, về cơ bản đối với dạng lũ ở trung và hạ du của đập Tam Hiệp này, công trình không có tác dụng gì, còn với lũ lụt ở thượng nguồn, đập Tam Hiệp chỉ có gây hại. Ông nhận định: “Mấu chốt là ĐCSTQ hoàn toàn không tôn trọng tự nhiên, họ nhấn mạnh rằng dùng khoa học kỹ thuật hoặc thứ gì đó có thể chiến thắng thiên nhiên, nhưng điều này là không thể. Là con người, chúng ta phải hiểu về tự nhiên, chúng ta phải nương theo lũ lụt và tự nhiên chứ không phải ra sức chống lại đối đầu với nó.

Trí Đạt

Xem thêm:

Trí Đạt

Published by
Trí Đạt

Recent Posts

Đề xuất tiếp tục giảm 2% thuế giá trị gia tăng trong 6 tháng đầu năm 2025

Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự án nghị quyết của Quốc hội…

2 phút ago

BBC: Chuyên gia cảnh báo chiến tuyến Ukraine có thể sụp đổ

Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…

58 phút ago

Hà Nội: 150 bộ hài cốt được phát hiện khi cải tạo hệ thống thoát nước

Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…

1 giờ ago

Nghiên cứu: Kẽm giúp chống lại tình trạng kháng kháng sinh ở vi khuẩn

Các nhà nghiên cứu từ Đại học Tiểu bang Iowa đã phát hiện ra rằng,…

2 giờ ago

Tổng thống Putin cảnh báo sẽ trả đũa các quốc gia cung cấp vũ khí tấn công Nga

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Năm (21/11) tuyên bố Moskva có quyền tấn…

2 giờ ago

Ông Trump chọn bà Pam Bondi là ứng cử viên mới cho chức tổng chưởng lý Hoa Kỳ

Tổng thống đắc cử Donald Trump vào tối thứ Năm (21/11) đã công bố rằng…

3 giờ ago