Chuyên gia: Cần cho người dân biết tình trạng nguy hiểm của đập Tam Hiệp
- Trí Đạt
- •
Gần đây, chương trình “Mọi người luận thời sự” của Đài VOA (Mỹ) đã phỏng vấn bà Hoàng Tiêu Lộ (Huang Xiaolu) là Giám đốc Quỹ nghiên cứu Hoàng Vạn Lý (Huang Wanli), và Tiến sĩ Vương Duy Lạc (Wang Weiluo) là chuyên gia môi trường về vấn đề Đập Tam Hiệp của Trung Quốc. Các chuyên gia này cho rằng luận điểm “biến dạng thuộc trạng thái co giãn” của cơ quan chức năng Trung Quốc là không đúng bản chất và người dân cần được biết về tình trạng nguy hiểm của con đập này.
Trước đó vào ngày 1/7, ông Lãnh Sơn, một học giả kinh tế độc lập người Hoa, đã đăng tải bức ảnh biến dạng của đập Tam Hiệp ở Trung Quốc được ghép bởi các hình ảnh chụp từ Google Maps và bày tỏ lo lắng một khi con đập bị vỡ sẽ khiến một nửa Trung Quốc chìm trong nước. Bức ảnh này sau đó được các chuyên gia chỉ ra là không chính xác do việc sai lệch khi ghép các hình ảnh chụp từ Google Maps.
Để trấn an dư luận, tờ Thông tin Bắc Kinh (The Beijing News) đã chia sẻ ý kiến chuyên gia, thừa nhận chuyện đập Tam Hiệp bị biến dạng, nhưng cho rằng đây là “vấn đề trạng thái co giãn”. Sau đó, tờ ThePaper cũng cho biết chuyện “đập Tam Hiệp biến dạng” là tin giả mạo. Thời báo Hoàn Cầu Trung Quốc dẫn ý kiến Công ty Tam Hiệp rằng, “con đập này vận hành đáng tin cậy và an toàn”; Công ty Tam Hiệp thanh minh “mặt nước đập di chuyển” chưa đến 3 centimet…
Tuy nhiên, một nguồn tin từ Hãng thông tấn Pháp AFP dẫn lời một kỹ sư của công trình Tam Hiệp cho biết, vấn đề về chất lượng của đập Tam Hiệp luôn hiện hữu, bao gồm các vết nứt và bê tông xây dựng không hợp tiêu chuẩn. Rốt cuộc thì tình trạng biến dạng của đập Tam Hiệp là thế nào? Tại sao con đập luôn gây tranh cãi?
Ông Vương Duy Lạc: Không cần có hình ảnh vệ tinh cũng biết
Trong chương trình thảo luận trên VOA, ông Vương Duy Lạc trình bày trước cách nhìn của ông về đập Tam Hiệp, cho rằng không cần quan sát qua hình ảnh cũng biết đập Tam Hiệp bị biến dạng. Đập Tam Hiệp có trọng lực lớn, hàng chục lớp xi măng trải trên nền đá, con đập giữ được ổn định nhờ trọng lực của nó, do đó chắc chắn sẽ xảy ra vấn đề dịch chuyển vị trí.
Cuộc thảo luận bắt đầu với hình ảnh đập Tam Hiệp và lời nhận định mà ông Lãnh Sơn chia sẻ trên Twitter.
Ông Lãnh Sơn nhận định đập Tam Hiệp đã bị biến dạng, nếu bị vỡ sẽ là thảm họa nghiêm trọng. Câu đầu tiên là câu tường thuật, ông Vương Duy Lạc cho biết rằng ông đồng ý với câu tường thuật này; câu thứ hai là câu điều kiện, vấn đề này cũng đã có trong báo cáo về tính khả thi của đập Tam Hiệp. Theo đó chuyên gia Chu Gia Hoa (Zhou Jiahua) nhận định “không thể xảy ra hậu quả mang tính chất thảm họa”, với nhận định này thì điều kiện phải là trong đập Tam Hiệp hầu như không có nước.
Bà Hoàng Tiêu Lộ: Lý giải “biến dạng mang tính co giãn” là không khoa học
Bà Hoàng Tiêu Lộ cho biết đã nhiều lần bà xem lại bức ảnh do cơ quan chức năng Trung Quốc công bố, nhưng nếu chỉ từ hình ảnh thì không thể kết luận được. Bà không tin tưởng vào những tin tức do truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa ra. Hai bức ảnh được chụp khác nhau về thời điểm, luồng không khí không tương đồng, khác nhau về góc độ chụp. Ba khác biệt này khiến không thể sử dụng hình ảnh để đối chiếu, độ chính xác cũng khác nhau. Nhưng bất kể có bị biến dạng hay không, vấn đề của đập Tam Hiệp sớm muộn sẽ xảy ra, sẽ nổ ra thảm họa đặc biệt lớn.
Về lý giải “biến dạng mang tính co giãn” của cơ quan chức năng Trung Quốc, bà Hoàng Tiêu Lộ cho rằng đây không phải lời giải thích khoa học.
Tư liệu mà bà dẫn ra trong chuyện phản đối xây dựng đập Tam Hiệp phải kể là 6 lá thư mà người cha bà là ông Hoàng Vạn Lý khi còn sống đã gửi lãnh đạo trung ương thể hiện quan điểm phản đối xây dựng đập Tam Hiệp vì những vấn đề như thảm họa tài chính quốc gia, sinh thái môi trường, hiệu quả ngăn lũ lụt cùng vấn đề quốc phòng, chỉ là chuyện sớm muộn.
Quan trọng hơn, “vấn đề biến động lòng sông và các điều kiện khách quan hiện có về kinh tế không cho phép một chính phủ tôn trọng khoa học và dân chủ được phép triển khai một công trình tiềm ẩn thảm họa cho đất nước và người dân”. Thời điểm đó, Viện Thủy lợi Hoa Đông và Đại học Hà Hải (Hohai University) cũng đã công bố nghiên cứu và nhắc đến quan điểm này.
Đã đóng cửa khu thắng cảnh Thác Tam Hiệp
Khi bàn về dấu hiệu biến dạng của đập Tam Hiệp, mọi người cũng phát hiện ra khu thắng cảnh Thác Tam Hiệp (nay đổi tên là thác Bạch Quả Thụ/Bai Guo Shu) đã bị đóng cửa. Tờ ThePaper của nhà nước Trung Quốc cho biết, thông tin “thực trạng biến dạng” của đập Tam Hiệp là tin giả; Thời báo Hoàn cầu thì dẫn tuyên bố của Công ty Tam Hiệp rằng con đập “vận hành đáng tin cậy và an toàn”; tuy nhiên nguồn tin cho thấy điểm thắng cảnh Thác Tam Hiệp gần đây đã đóng cửa, trong khi người phụ trách im lặng trước những chất vấn khi nào mở cửa trở lại.
Ông Vương Duy Lạc chia sẻ, ông không thể chỉ rõ quan hệ trực tiếp giữa điểm thắng cảnh và công trình Tam Hiệp. Nhưng ông đã giải thích về quan điểm “tính co giãn” mà chính quyền trung ương nhận định. Ông lấy ra một vòng thép và ví von là bê tông cốt thép của đập Tam Hiệp, ông dùng lực ép xuống làm vòng thép biến dạng, giải thích cho khán giả rằng biến dạng là liên tục, và rồi trở lại hình dạng ban đầu, đó gọi là biến dạng có tính co giãn.
Biến dạng tổng thể của đập không phải là biến dạng đàn hồi
Ông Vương Duy Lạc nhấn mạnh, đập Tam Hiệp không phải là một khối bê tông cốt thép, mà là hàng chục “vòng thép”, mối liên kết giữa các “vòng thép” này không liền mạch, như vậy liệu biến dạng mang tính co giãn của “vòng thép” có thể liên tục, không bị ngắt quãng? Biến dạng khối đập hiện nay của đập Tam Hiệp là biến dạng co giãn, nhưng biến dạng về tổng thể của đập Tam Hiệp thì không phải biến dạng co giãn.
Ông Vương Duy Lạc cho rằng khi đập Tam Hiệp được xây dựng theo thiết kế ban đầu, bê tông cốt thép không thể bị nén quá chặt. Họ hy vọng đến khi chìm dưới nước, các khối bê tông sẽ ngày càng chặt hơn. Nhưng như ông Hoàng Vạn Lý đã chỉ ra, tình hình địa chất ở đó rất kém, ở đây chỉ có khu duy nhất tìm thấy có lớp đá hoa cương là khu Tam Đẩu Bình (Sandouping).
Nhưng theo quan điểm hiện nay, dù lớp đáy là cứng thì cũng không có nghĩa là an toàn. Dễ thấy trong dữ liệu dịch chuyển mà Công ty Tam Hiệp công bố chỉ có góc độ nước, bỏ qua vấn đề nước rò rỉ. Thực tế là có nước rò rỉ tại khu xưởng nhà máy điện nằm bên dưới và bên bờ phải đập Tam Hiệp. Nếu có nước rò rỉ sẽ gây bào mòn dần dần, khiến con đập ngày càng mất ổn định.
Cần cho người dân biết nguy cơ đập Tam Hiệp
Bà Hoàng Tiêu Lộ chỉ thêm rằng, trong bài viết “Tôi biết quá trình khởi công đập Tam Hiệp” của cố nhà văn và nhà sử học Lý Nhuệ (Li Rui), ông đã nhắc chuyện gần nhất có hai hội thảo về đập lớn trên thế giới, trong đó có một hội thảo liệt kê 10 con đập nguy hiểm nhất thế giới, đã xếp vị trí đứng đầu là đập Tam Hiệp.
Do đó việc người dân Trung Quốc xem hình ảnh Google và lo ngại là hiển nhiên. Chúng ta nên cho người dân sống ở khu vực hồ đập và vùng hạ lưu biết vấn đề nguy hiểm của đập Tam Hiệp đã hiện hữu từ khi mới xây dựng, và nguy cơ có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Số người bị ảnh hưởng có thể đến 600 triệu người, và lưu ý rằng đây là một trong những khu vực phát triển kinh tế nhất Trung Quốc.
Bà Hoàng Tiêu Lộ cho rằng mọi người có thể tự cứu lấy mình. Ngày nay là thời đại internet, dù người dân không có “quyền biết chi tiết”, nhưng dù sao mọi người luôn có thể vượt tường lửa để có thông tin, có cư dân mạng chia sẻ rằng tổ chức mọi người tự cứu lấy mình, đây là điều rất quan trọng.
Bà Hoàng Tiêu Lộ kể rằng bình sinh cha bà luôn viết thư gửi cho lãnh đạo trung ương bàn về lý do phản đối đập Tam Hiệp, ông luôn hy vọng tổ chức một buổi trò chuyện dù chỉ khoảng nửa giờ để cảnh tỉnh giới lãnh đạo, nhưng đã không thể có được cơ hội này. Hiện giờ chúng tôi cũng biết chuyện viết thư cho giới chức lãnh đạo chỉ vô ích. Dù cho chưa xảy ra chuyện hệ trọng thì sau khi hoàn thiện đập Tam Hiệp, những thay đổi sinh thái trong toàn bộ lưu vực sông Trường Giang cũng rất nghiêm trọng.
Bình sinh ông Lý Nhuệ cũng là người phản đối công trình này, ông cũng là người có cơ hội gặp gỡ giới chức lãnh đạo cao nhất, nhưng bà Hoàng Tiêu Lộ chỉ ra rằng giới lãnh đạo khi đó “không muốn tiếp thu”, vì họ chỉ nghĩ cho lợi ích của một số rất ít nhóm lợi ích.
Tồn tại nhiều vấn đề tự mâu thuẫn
Ông Vương Duy Lạc cho biết, trong câu chuyện này tồn tại nhiều vấn đề tự mâu thuẫn. Sau chia sẻ của Lãnh Sơn xuất hiện, ngay lập tức Chính phủ Trung Quốc đã phản hồi rằng không có chuyện biến dạng, nhưng sau đó không lâu lại thừa nhận có biến dạng thông qua trang WeChat của Tập đoàn Tam Hiệp, nhưng gọi là “biến dạng mang tính co giãn”, như vậy là tự mâu thuẫn, chắc chắn có vấn đề. Lập luận tính khả thi và trong quá trình khởi công của công trình Tam Hiệp cũng mâu thuẫn nhau.
Ông Vương Duy Lạc phát hiện mâu thuẫn trong báo cáo tường trình của 14 tổ chuyên gia. Chẳng hạn như ở tổ kiểm soát lũ và tổ trầm tích. Tổ kiểm soát lũ cho biết hồ chứa rất lớn, có thể lưu trữ nước khi có lũ. Tổ trầm tích thì chỉ ra do dòng nước lớn, có thể nhờ sức nước cuốn trầm tích trôi đi… Như vậy thì không biết theo nhu cầu nào, mượn sức nước hay hay chống lũ?
Khác biệt quan điểm giữa ông Hoàng Vạn Lý và giới chức Trung Quốc
Bà Hoàng Tiêu Lộ liệt kê một số khác biệt giữa quan điểm của người cha bà là ông Hoàng Vạn Lý và giới lãnh đạo Trung Quốc, đầu tiên là lợi ích sản xuất điện. “Báo cáo nghiên cứu tính khả thi trọng điểm thủy lợi Tam Hiệp của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa” cho biết, công suất của Trạm thủy điện Tam Hiệp là 17,68 triệu kW (kilowatt), lượng điện cung hàng năm là 84 tỷ kWh… Đây là nguồn cung cấp năng lượng đáng tin cậy, giá rẻ, sạch sẽ lại có thể tái tạo cho miền Trung và miền Đông Trung Quốc, đóng vai trò quan trọng giúp giảm căng thẳng về cung ứng năng lượng cùng vấn đề áp lực lớn trong vận chuyển than, cũng giúp giảm ô nhiễm môi trường cho ở cả hai khu vực này.
Trong “Ba lá thư gửi Tổng Bí thư Giang Trạch Dân”, ông Hoàng Vạn Lý cho biết “Tính khả thi về kinh tế của đập Tam Hiệp là không đảm bảo, nó đắt gấp hai hoặc ba lần so với đầu tư vào mỗi kW của loại nhà máy điện cỡ lớn và trung bình ở khu vực miền núi”, “Về lợi ích kinh tế, chi phí cho mỗi kW tại đập này cao hơn ba đến bốn lần so với các đập cỡ lớn và trung bình thông thường, như vậy tính khả thi về kinh tế là sai lầm”. “Trong vòng 20 năm, nhà máy điện Tam Hiệp chỉ có chi ra chi phí lao động chứ không có thu vào từ tiền điện, nguồn lực đất nước không kham nổi.”
Về năng lực lưu thông tàu bè, báo cáo trung ương cho biết “Năng lực lưu thông hiện tại của sông Xuyên (thượng du sông Trường Giang) chỉ khoảng 10 triệu tấn. Lý do chính là đường sông đoạn này độ dốc cao và tốc độ dòng chảy lớn, đoạn sông từ Trùng Khánh đến Nghi Xương kéo dài 660 km có rất nhiều điểm lưu thông gặp trở ngại. Sau khi hoàn thành công trình Tam Hiệp, điều kiện vận chuyển sẽ cải thiện đáng kể, đội tàu 10.000 tấn có thể trực tiếp đến Trùng Khánh, chi phí vận chuyển có thể giảm từ 35% đến 37%.”
Tuy nhiên, quan điểm của ông Hoàng Vạn Lý là “Sau khi hoàn thành con đập ngăn nước, đá cuội và bộ phận cát trong dòng sông chảy từ sông Kim Sa và lưu vực Tứ Xuyên sẽ gây tích tụ ở Trùng Khánh, tạo thành một đập đá dưới nước, làm tắc nghẽn cảng Trùng Khánh, nước tắc nghẽn sẽ tràn ngập các đô thị như Hợp Xuyên, Giang Tân, gây thảm họa ngập lụt cho hàng trăm ngàn người dân.”
Về việc kiểm soát lũ lụt, báo cáo trung ương khẳng định: “Hiện tại, số lượng cư dân bị lũ lụt đe dọa ở vùng trung lưu là khoảng 10 triệu người, dự kiến số người bị ảnh hưởng sẽ tăng lên 14,5 trệu người. Đập Tam Hiệp giúp tạo khu chống lũ với dung tích lưu trữ 31 tỷ mét khối nước sẽ mang lại hiệu quả kiểm soát lũ lớn lâu dài, giúp vùng bình nguyên trung du không còn bị lũ lụt.”
Còn ông Hoàng Vạn Lý lại cho rằng, “Việc kiểm soát lũ ở các vùng hạ, trung và thượng du sông Trường Giang mà phụ thuộc vào hồ lưu trữ nước để điều tiết dòng chảy không thể mang lại hiệu quả cao, kém xa các phương pháp khác như làm đê, nạo vét khơi thông dòng sông. Lý do chính là lũ sông Trường Giang vừa lớn lại đỉnh bằng, trữ nước lũ khó phát huy hiệu quả.”
Bà Hoàng Tiêu Lộ cho biết, chuyện trung ương không thích lắng nghe quan điểm phản đối đã tồn tại từ lâu. Ông Hoàng Vạn Lý đã phải mượn hình thức tiểu thuyết 3.000 chữ mang tên “Hoa tùng tiểu ngữ” (Khóm hoa thì thầm) để diễn tả rõ hiện tượng này. Trong tiểu thuyết, ông Hoàng Vạn Lý ví giới tinh hoa trí thức là phe Dante (nhà thơ lớn người Ý giai đoạn Hậu kỳ Trung Cổ) và Goethe (gương mặt điển hình của văn chương Đức cuối thế kỷ 18). Hiện nay trong Đảng đa số là hiện tượng phối hợp lẫn nhau Goethe và Dante. Đây là cảnh tượng kỳ lạ của chính phủ. Bà cũng chỉ ra, công trình thủy lợi khổng lồ này là dự án chính trị.
Xảy ra nhiều trận động đất lớn sau khi khởi công đập
Sau khi khởi công xây đập, hàng loạt trận động đất đã xảy ra, có thể kể đến động đất lớn ở Vấn Xuyên năm 2008, ở Nha An năm 2013, và ở Cửu Trại Câu năm 2017. Một số nhà phân tích cho rằng nguyên nhân xảy ra các trận động đất là do sự thay đổi áp lực lớp vỏ trái đất khu vực này.
Ông Vương Duy Lạc cho rằng giới khoa học có thể giải thích được một số hiện tượng, nhưng còn nhiều hiện tượng khác không thể giải thích được. Có nhiều lý thuyết khác nhau khi người ta giải thích các trận động đất khác nhau. Trận động đất ở Vấn Xuyên thực sự liên quan đến đập nước lớn chứa nước, nhưng trực tiếp liên quan là đập lớn Tử Bình Phô (Zipingpu). Theo giải thích của một số nhà khoa học Trung Quốc, sau trận động đất ở Vấn Xuyên thì năng lượng đã được giải phóng hoàn toàn nên sẽ không còn xảy ra địa chấn lớn nữa, nhưng cuối cùng vẫn thấy xảy ra một số trận động đất lớn.
Trí Đạt
Xem thêm:
Từ khóa Đập Tam Hiệp đạp tam hiệp biến dạng