Jewher Ilham – con gái của học giả Duy Ngô Nhĩ Ilham Tohti đang bị chính quyền Trung Quốc phạt tù chung thân – đã được mời tới tham dự Hội nghị Quốc tế cấp Bộ trưởng về thúc đẩy Tự do Tôn giáo do Bộ Ngoại giao Mỹ tổ chức tại Washington trong ba ngày từ 16/7 tới 18/7. Trong bài phát biểu tại Hội nghị này, Jewher Ilham đã kể về cha cô và qua đó tiết lộ sự thật Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thu hoạch nội tạng tù nhân lương tâm.
Trong bài phát biểu tại Hội nghị Quốc tế cấp Bộ trưởng về thúc đẩy Tự do Tôn giáo hôm 16/7, cô Jewher Ilham nói: “Việc Bộ Ngoại giao Mỹ đang ưu tiên [thúc đẩy] tự do tôn giáo có rất nhiều ý nghĩa với tôi và gia đình tôi. Cha tôi Ilham Tohti đang thụ án chung thân trong nhà tù Trung Quốc vì ông lựa chọn nói về những gì ông tin là quyền cơ bản và thiết yếu – quyền được tin vào điều bạn tin; quyền được thờ phụng theo cách bạn muốn thờ phụng; quyền được nghĩ những gì bạn muốn nghĩ.”
Jewher Ilham nói tội của cha cô là “đã nói công khai về những gì đang xảy ra với người Duy Ngô Nhĩ tại Trung Quốc” – hơn 1 triệu người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ đã bị bắt ép vào cái mà chế độ cộng sản Trung Quốc gọi là “các trung tâm dạy nghề”.
Nhưng sự thật, theo Jewher Ilham, là chế độ Trung Quốc đang giam giữ người Duy Ngô Nhĩ trong các trại tập trung, nơi một số người bị tra tấn và bị giết hại. Những người khác là nạn nhân của thu hoạch nội tạng.
“Họ [ĐCSTQ] thu hoạch nội tạng của tù nhân để bán,” cô Jewher Ilham nói và tiết lộ thêm rằng: “Tại sân bay, bây giờ có cả đường kiểm soát an ninh nhanh để cho việc đưa nội tạng đi qua”. “Đó là hoạt động rất phổ biến,” Jewher Ilham nhấn mạnh.
Trong bài phát biểu của mình, cô Jewher Ilham đã nhắc lại thời điểm năm 2013 khi cô cùng với cha có mặt tại sân bay Bắc Kinh để chuẩn bị tới Đại học Indiana, ở Bloomington, bang Indiana, Mỹ. Ông Ilham Tohti đã từng có một năm làm học giả thỉnh giảng tại Đại học Indiana. Học giả người Duy Ngô Nhĩ này cũng từng được đề cử giải Nobel Hòa Bình vì ông có công trình học thuật xây cầu nối văn hóa giữa người Duy Ngô Nhĩ với người Hán.
Tuy nhiên, thay vì được cùng nhau tới Mỹ, cha của Jewher Ilham đã bị giới chức Trung Quốc bắt giữ ngay tại sân bay và Jewher phải một mình tới Indiana.
Jewher Ilham cho biết cô đã không được nói chuyện với cha cô kể từ năm 2014. Jewher nhớ lại thời điểm 2014, cha cô đã cảm thấy rất hạnh phúc khi biết cô đang sống tại Mỹ nơi cô có thể thực hành đức tin Hồi giáo mà “không lo sợ bị theo dõi hoặc bị bỏ tù”.
Từ năm 2017, cô Jewher Ilham không được biết thông tin gì về tình hình của cha. Tuy vậy, Jewher vẫn dành nhiều thời gian để kêu gọi chính quyền Trung Quốc thả tự do cho cha mình.
Jewher Ilham cũng đã từng khai chứng trước Quốc hội Mỹ về việc chế độ Trung Quốc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ. Người phụ nữ Duy Ngô Nhĩ trẻ tuổi này cũng sử dụng quyền tự do ngôn luận tại Mỹ để vận động kêu gọi thả tự do cho cha cô và những người Duy Ngô Nhĩ khác đã bị chính quyền Trung Quốc bắt giam chỉ vì tôn giáo và văn hóa của họ.
“Không có tự do như này cho người Duy Ngô Nhĩ tại Trung Quốc – không có tự do tại trường học nơi cha tôi là giáo sư, không có tự do tại nơi công cộng, và thậm chí không có tự do tại nhà riêng,” cô Jewher Ilham nói. “Thay vào đó, trên phố có những biển báo nhắc nhở người Duy Ngô Nhĩ rằng họ không được phép thực hành đức tin Hồi giáo.”
Jewher Ilham nói rằng những biển báo có vòng tròn màu đỏ với hình chữ X chéo qua mặt hình ảnh phụ nữ đeo khăn chùm đầu và đàn ông để râu.
“Đối với người Duy Ngô Nhĩ, giáo dục, ngôn ngữ và văn hóa gắn chặt với niềm tin tôn giáo của chúng tôi, vì vậy khi tôn giáo của chúng tôi bị coi là bất hợp pháp, chúng tôi – những người Duy Ngô Nhĩ, cũng là bất hợp pháp,” cô Jewher Ilham nói.
Theo đoạn tiểu sử về Jewher Ilham đăng trên trang web của Hội nghị Quốc tế cấp Bộ trưởng về thúc đẩy Tự do Tôn giáo, Jewher Ilham có nhiều hoạt động nhân quyền, trong đó năm 2015 cô đã từng xuất bản một cuốn sách có tựa: “Jewher Ilham – cuộc chiến của một người Duy Ngô Nhĩ để giải thoát cha mình”.
Jewher Ilham đã tốt nghiệp Đại học Indiana vào tháng Năm vừa qua và bây giờ cô đang giữ vị trí giám đốc quan hệ công chúng của ‘Chiến dịch vì Người Duy Ngô Nhĩ’ – một tổ chức phi lợi nhuận làm việc thúc đẩy nhân quyền và tự do dân chủ cho người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm sắc tộc thiểu số người Turk khác tại Trung Quốc.
Trong phần kết luận bài phát biểu của mình, Jewher Ilham đã kêu gọi cộng đồng quốc tế hãy yêu cầu chế độ Trung Quốc phải thả ngay lập tức những người Duy Ngô Nhĩ và gắn yêu cầu này với vị trí của Trung Quốc trên trường quốc tế.
“Trung Quốc có thực sự đủ tiêu chuẩn tổ chức Thế vận hội mùa Đông 2022 trước khi tất cả người Duy Ngô Nhĩ được giải thoát khỏi các trại tập trung?” Jewher Ilham đặt câu hỏi.
“[Chế độ] Trung Quốc thân mến. Quý vị rất mạnh mẽ. Vậy thì tại sao quý vị lại lo sợ đến việc để cho người dân thực hành đức tin của họ hoặc thậm chí sợ họ biết về thế giới bên ngoài?” Jewher Ilham nói. “Điều này thực sự là về chủ nghĩa cực đoan hay nó thực sự là về kiểm soát và quyền lực?”
Đảng Cộng sản Trung Quốc trước nay vẫn cố gắng biện minh cho cách hành xử của họ với người Duy Ngô Nhĩ bằng việc cáo buộc nhóm sắc tộc này thực hành Hồi giáo “cực đoan”. Jewher Ilham gọi luận điệu này của ĐCSTQ là “lố bịch”.
Trả lời phỏng vấn trong một bài báo của trường Đại học Indiana viết về tiểu sử của mình, cô Jewher Ilham đã nói: “Mục đích mới trong cuộc đời tôi là giải thoát cho cha tôi.”
Bài báo của Đại học Indiana viết: “Cô [Jewher] nhớ cha mình mỗi ngày. Mọi thứ đều kích hoạt nỗi nhớ của cô về cha, và hàng ngày cô muốn được nói chuyện với ông về những gì đang xảy ra với cuộc sống của cô. Cô thích nấu ăn cho ông. Ông sẽ rất tự hào về món cơm trộn của cô… Cô chỉ muốn ngồi cạnh ông. Họ thậm chí không cần làm gì, có lẽ chỉ cần cùng uống một tách trà.”
“Chúng tôi có thể không cần nói gì. Hoặc có thể chúng tôi nói mọi thứ,” Jewher Ilham nói trên bài báo của Đại học Indiana.
Chế độ Bắc Kinh cho đến nay vẫn phủ nhận bất cứ vi phạm nhân quyền nào đối với người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương bất chấp việc họ bị Mỹ và nhiều quốc gia phương Tây cáo buộc đang giam giữ hơn 1 triệu người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ trong các trại tập trung.
Hôm 8/7, Đại sứ Nhân quyền của hơn 22 nước đã ký vào một bức thư gửi Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (LHQ) chỉ trích chính sách của chế độ Bắc Kinh đang áp đặt tại Tân Cương.
Bức thư “chưa có tiền lệ” đề ngày 8/7, gửi tới Chủ tịch Nhân quyền LHQ, được ký bởi đại diện của 22 nước, gồm có Anh, Pháp, Đức, Thụy Sĩ, Úc, Canada, Nhật Bản, v.v. Bức thư không có chữ ký của Mỹ vì Mỹ đã rút khỏi Hội đồng này từ năm 2018, viện dẫn sự bất lực của Hội đồng và việc tổ chức này kết nạp cả những nước đàn áp nhân quyền tệ hại nhất thế giới như Trung Quốc, Cuba…
Bức thư của 22 nước đề nghị Trung Quốc, với tư cách là thành viên của Hội đồng Nhân quyền, phải có nghĩa vụ duy trì các tiêu chuẩn cao nhất.
Bức thư bày tỏ quan ngại trước những thông tin về việc giam giữ bất hợp pháp tại “các nơi giam giữ quy mô lớn, cũng như sự giám sát và những hạn chế rộng lớn, đặc biệt nhắm vào người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm thiểu số khác ở Tân Cương.”
Tuy nhiên bức thư này không phải là một tuyên bố chính thức của Hội đồng Nhân quyền LHQ hoặc là một nghị quyết được Hội đồng thông qua, vốn có giá trị hơn nhiều. Lý do của điều này, theo các nhà ngoại giao nói với Reuters rằng là bởi các nước thành viên Hội đồng Nhân quyền lo ngại Trung Quốc sẽ trả đũa về chính trị và kinh tế.
Xuân Thành
Xem thêm:
Cảnh sát Nhật Bản cho biết đã nộp đơn xin lệnh bắt giữ một thiếu…
Các đại biểu đồng thuận cho rằng máy điều hòa không phải mặt hàng xa…
Tối 20/11 một vụ đâm chém người đã xảy ra tại ký túc xá của…
Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự án nghị quyết của Quốc hội…
Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…
Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…