Tại phiên bế mạc Hội nghị Quốc tế cấp Bộ trưởng về Tự do Tôn giáo, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo – chủ tọa Hội nghị đã thông báo hai biện pháp bảo vệ tự do tôn giáo toàn cầu, trong đó có việc thành lập Liên minh Quốc tế Bảo vệ Tự do Tôn giáo.

Pompeo_ministerial
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo phát biểu tại Hội nghị quốc tế cấp Bộ trưởng về Tự do Tôn giáo hôm 18/7/2019. (Ảnh: (Lynn Lin/Epoch Times)

Hội nghị Quốc tế cấp Bộ trưởng về Tự do Tôn giáo là sự kiện thường niên do Bộ Ngoại giao Mỹ tổ chức, bắt đầu từ năm ngoái. Hội nghị năm nay diễn ra trong thời gian ba ngày từ 16/7 đến 18/7 tại thủ đô Washington DC, Mỹ với sự tham dự của hơn 1.000 người là các bộ trưởng, lãnh đạo tôn giáo và các giới khác tới từ 106 quốc gia.

Phát biểu tại phiên khai mạc hôm 16/7, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, đồng thời là chủ tọa Hội nghị nói: “Tôi muốn gửi lời cảm ơn tới tất cả mọi người có mặt ở đây đã cống hiến một phần cuộc sống của mình để giúp đỡ những người bị bức hại và bảo vệ quyền không thể thay đổi của họ về tự do tôn giáo, tín ngưỡng và chăm sóc tâm hồn của họ.

Tại phiên bế mạc hôm 18/7, Ngoại trưởng Pompeo chúc mừng sự phát triển của hội nghị năm nay so với sự kiện lần đầu. “Tôi muốn lưu ý đến sự tăng trưởng đáng kể về số lượng người tham dự hội nghị năm nay so với sự kiện lần một. Tôi hy vọng chúng ta có thể giữ được xu hướng phát triển này. Có thêm hàng trăm người tham dự và chúng tôi cảm ơn tất cả quý vị đã bớt chút lịch trình làm việc bận rộn của mình để tới tham gia sự kiện này,” ông Pompeo nói.

Ngoại trưởng Mỹ khẳng định: “Đây là sự kiện về nhân quyền cấp bộ trưởng lớn nhất mà Bộ Ngoại giao Mỹ từng tổ chức. Đây cũng là sự kiện lớn nhất trong lịch sử hơn 200 năm của nước Mỹ do một Ngoại trưởng Mỹ làm chủ tọa. Đây là sự kiện rất đáng chú ý.

Những hành động cụ thể

Trong các bài phát biểu phiên bế mạc, cả Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence và Ngoại trưởng Mike Pompeo đều lưu ý rằng 83% người dân trên thế giới đang phải sống trong các quốc gia mà quyền tự do tôn giáo của họ hoặc là bị đe dọa hoặc là bị tước đoạt hoàn toàn. Ông Pence và ông Pompeo nhấn mạnh rằng tình hình vi phạm quyền tự do tôn giáo là rất cấp bách và không nên lãng phí bất kỳ phút giây nào để hành động.

Ngoại trưởng Pompeo nói rằng đã đến lúc phải “biến những cam kết của chúng ta thành hành động” và ông đã thông báo hai sáng kiến để bảo vệ tự do tôn giáo toàn cầu.

Thứ nhất, thành lập quỹ tự do tôn giáo để rót tiền nhanh chóng vào hoạt động hỗ trợ những nạn nhân bị bức hại do thực hành tôn giáo, tín ngưỡng.

Ông Pompeo cho biết Bộ Ngoại giao Mỹ đã thành lập Quỹ Tự do Tôn giáo Quốc tế – một quỹ đa tài trợ cung cấp sự trợ giúp nhanh chóng cho các nạn nhân bị bức hại trên toàn thế giới. “Quỹ này đang hoạt động tốt rồi và Quỹ đang tiếp tục mở rộng phạm vi hoạt động trên toàn thế giới,” ông Pompeo nói.

Ngoại trưởng Mỹ thông tin rằng từ năm 2017, Mỹ đã cung cấp hơn 340 triệu USD cho các cộng đồng tôn giáo và sắc tộc dễ bị tổn thương tại Iraq, đặc biệt là những cộng đồng bị nhóm khủng bố IS nhắm mục tiêu thực hiện hành vi diệt chủng.

Ngay tại Hội nghị, ông Pompeo nói: “Và hôm nay, tôi được phép thông báo rằng USAID sẽ cung cấp 27 triệu USD vào chương trình hỗ trợ nhân đạo mới để duy trì tiến trình này.

Sáng kiến thứ hai được ông Pompeo đưa ra là thành lập Liên minh Bảo vệ Tự do Tôn giáo Quốc tế.

Ngoại trưởng Mỹ nói: “Chúng tôi hy vọng rằng tổ chức mới này – cơ quan quốc tế đầu tiên dành riêng cho lĩnh vực bảo vệ tự do tôn giáo – sẽ hình thành dựa trên những nỗ lực bảo vệ tự do tôn giáo từ trước đến nay và tập hợp các quốc gia có cùng chí hướng cùng nhau đương đầu với những thách thức về tự do tôn giáo quốc tế.

Ông Pompeo cũng nói rằng thêm nhiều quốc gia hơn đã có hoặc đang có kế hoạch tổ chức những sự kiện tương tự như Hội nghị tại Washington lần này để thúc đẩy tự do tôn giáo. Ngoại trưởng Mỹ tiết lộ những nước sẽ tổ chức các hội nghị tương tự gồm Anh Quốc, UAE, Albania, Colombia, Ma-rốc và Tòa thánh Vatican.

Ngoại trưởng Pompeo nói thêm rằng: “Chúng ta cũng cần đạt được bước tiến trong các thể chế đa phương của thế giới. Nhờ những nỗ lực của Ba Lan, Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc đã đặt tên ngày 22/8 hàng năm là ngày đặc biệt tưởng nhớ các nạn bị đàn áp tôn giáo. Hãy kỷ niệm ngày này ở đất nước của quý vị.

Đặc biệt lên án chế độ Trung Quốc

Pence-ministerial
Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence phát biểu tại Hội nghị Quốc tế cấp Bộ trưởng về Tự do tôn giáo hôm 18/7/2019. (Ảnh: Lynn Lin/Epoch Times)

Cả Phó Tổng thống Pence và Ngoại trưởng Pompeo đều gọi tên Trung Quốc là “đất nước của một trong những cuộc khủng hoảng nhân quyền tồi tệ nhất trong thời đại của chúng ta.” Ông Pompeo nói: “Đó thực sự là vết nhơ thế kỷ.

Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh: “Đảng Cộng sản Trung Quốc đòi kiểm soát hoàn toàn cuộc sống và linh hồn của người dân Trung Quốc. Các quan chức chính quyền Trung Quốc thậm chí đã không khuyến khích các nước khác tới tham dự buổi họp mặt này.

Nếu quý vị ở đây hôm nay và quý vị tới từ một nước đã bất chấp áp lực của Trung Quốc để đến đây, chúng tôi hoan nghênh quý vị và chúng tôi cảm ơn quý vị. Và nếu quý vị nào đã từ chối tham dự [cuộc gặp này] vì lý do tương tự, chúng tôi đã ghi sổ,” ông Pompeo nói.

Trong phát biểu lên án chế độ Trung Quốc của mình, Ngoại trưởng Mỹ đã dẫn các trường hợp của học viên Pháp Luân Công Chen Huixia và Mục sư Wang Yi là các ví dụ điển hình về cuộc bức hại tôn giáo ở Trung Quốc.

Vào tháng Chín năm ngoái, Chen Huixia, một thành viên của Pháp Luân Công, đã bị kết án 3,5 năm tù giam chỉ vì thực hành đức tin của mình. Tháng 5/2018, các nhà chức trách [Trung Quốc] đã bắt ông Wang Yi, Mục sư của Giáo hội Giao ước mưa sớm – một giáo hội lớn tại Thành Đô không đăng ký với chính quyền, vì ông đã công khai chỉ trích chính quyền kiểm soát tự do tôn giáo. Cho tới hôm nay, ông ấy vẫn đang ở trong tù,” ông Pompeo nói.

Trong khi đó, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence lưu ý rằng mặc dù đức tin Công giáo bị nhắm mục tiêu đàn áp tại Trung Quốc, “nhưng một trong những điều trớ trêu nhất của lịch sử Công giáo, đó là tại chế độ Trung Quốc Cộng sản ngày nay, chúng ta đang được chứng kiến sự phát nhanh nhất của đức tin Công giáo so với bất kỳ nơi đâu trong 2000 năm qua.

Chỉ 70 năm trước, khi Đảng Cộng sản lên cầm quyền, mới có ít hơn một nửa triệu tín đồ Công giáo Trung Quốc, nhưng ngày nay, chỉ hai thế hệ sau, Trung Quốc đã có 130 triệu tín đồ Công giáo.

Chế tài những kẻ đàn áp tôn giáo

Phó Tổng thống Pence cũng lưu ý tới hồ sơ đàn áp tôn giáo của chế độ Iran cả ở trong và ngoài nước. Ông Pence thông tin rằng Mỹ đã áp đặt chế tài lên hai lãnh đạo của phiến quân do Iran hậu thuẫn. “Mỹ sẽ không ngồi im trong khi phiến quân do Iran hỗ trợ lan rộng hoạt động khủng bố,” ông Pence nói.

Phó Tổng thống Mỹ cũng nói thêm rằng, tuần này, Mỹ đã áp đặt chế tài thị thực lên Tổng tư lệnh quân đội Myanmar và cấp phó của ông này, cùng với hai chỉ huy quân đội cấp cao khác vì chiến dịch thanh trừng tàn bạo người thiểu số Hồi giáo Rohingya hồi năm 2017. Cuộc thanh trừng này của quân đội Myanmar đã khiến hơn 700.000 người Hồi giáo Rohingya phải vượt biên sang nước láng giềng Bangladesh.

Mỹ chế tài các tướng lĩnh Myanmar là dựa trên Đạo luật Nhân quyền Magnitsky Toàn cầu được Quốc hội Mỹ đã thông qua vào cuối năm 2016. Đạo luật này cho phép Tổng thống Hoa Kỳ trừng phạt bằng cách cấm nhập cảnh hay đóng băng tài sản trên đất Mỹ của bất cứ cá nhân hay thực thể pháp lý nào ở nước ngoài vi phạm nhân quyền.

Hồi tháng Năm vừa qua, giới chức Chính phủ Mỹ đã chia sẻ với một số nhóm tôn giáo và tín ngưỡng rằng, họ có ý định xem xét nghiêm ngặt hơn đối với các đơn xin thị thực, sẽ từ chối cấp thị thực cho những kẻ đàn áp nhân quyền và tôn giáo, bao gồm thị thực di cư và thị thực ngoài di cư (như du lịch, thăm gia đình, kinh doanh), người đã lấy được thị thực (bao gồm cả những người có thẻ xanh) cũng có thể bị từ chối nhập cảnh.

Giới chức Chính phủ Mỹ cũng nói với nhóm Pháp Luân Công tại Mỹ rằng, họ có thể đệ trình danh sách những kẻ bức hại cho Chính phủ. Theo đó, đoàn thể Pháp Luân Công tại Mỹ sẽ dựa theo luật nhập cư Mỹ và Thông cáo của Tổng thống để đưa vào danh sách những kẻ bức hại với nguồn thông tin đáng tin cậy và chính xác, nộp cho Chính phủ Mỹ để đề nghị không cấp thị thực cho nhập cảnh. Những kẻ bức hại không chỉ giới hạn ở những kẻ bắt bớ đàn áp trực tiếp, mà còn bao gồm kẻ xây dựng các chính sách đàn áp, ra mệnh lệnh và kẻ cộng tác.

Như Ngọc

Xem thêm: