Hãng truyền thông Al Jazeera của Qatar đã phỏng vấn hơn 20 nhà bất đồng chính kiến đến từ Trung Quốc hiện đang sống ở nước ngoài và sản xuất một tiết mục truyền hình tiết lộ bàn tay đen của chính quyền Trung Quốc vẫn đang vươn ra nước ngoài như thế nào, “Trung Quốc không chỉ kiểm soát công dân trong nước mà còn muốn kiểm soát cả những người gốc Hoa đang sinh sống ở nước ngoài”.
Với độ dài gần 30 phút, chương trình đã kể về việc các nhà hoạt động, các nhà báo và các nhà phê bình đối với chính quyền và giới lãnh đạo Trung Quốc bị đe dọa và theo dõi ở nước ngoài như thế nào.
Khi nhà bất đồng chính kiến người Trung Quốc tên là Thịnh Tuyết (Sheng Xue) chạy trốn sang Canada, cô nghĩ rằng cuối cùng cô đã thoát khỏi những cặp mắt theo dõi của các nhà chức trách Trung Quốc.
Nhưng cuối một đêm mùa đông, một chiếc xe ô tô dừng lại bên ngoài căn nhà của cô ở Toronto. Nó đánh dấu sự khởi đầu của nhiều chuyến thăm bí mật như thế này của những người mà cô tin rằng họ là đặc vụ Trung Quốc.
Cô Tuyết, người đã được phép tị nạn tại Canada, nói rằng họ liên lạc với cô nhiều lần và cảnh báo họ theo dõi mọi động thái của cô, đổng thời đe dọa sẽ giết cô nếu cô tiếp tục chỉ trích các nhà lãnh đạo Trung Quốc.
Cô Tuyết nói: “Tôi nghĩ rằng tôi đã thoát khỏi sự sợ hãi. Tôi sẽ được hưởng sự tự do, quyền con người, dân chủ và tinh thần thượng tôn pháp luật. Nhưng tôi nhận ra rằng họ đang ở đây, những người của họ, mạng lưới của họ, quyền lực của họ, và mọi thứ đều ở đây”.
Chính quyền Trung Quốc từ lâu đã bị chỉ trích vì bịt miệng các nhà phê bình tại quê nhà, nhưng hiện nay dường như các phương pháp đe dọa theo dõi và kiểm soát đang được mở rộng áp dụng đối với các nhà hoạt động, những người đã chạy chốn đến những nơi được cho là an toàn ở nước ngoài.
Trong cuộc điều tra độc quyền này, nhóm thực chương trình 101 East (thuộc Đài truyền hình Al Jazeera, Qatar) tiết lộ rằng Trung Quốc đang tiến hành những biện pháp cực đoan để bịt miệng bất cứ ai nói lên những gì chống lại chính quyền Bắc Kinh.
Các cuộc phỏng vấn với hơn 20 nhà hoạt động và nhà báo ở các nước như Mỹ, Canada và Úc, đã vẽ ra một bức tranh nhiễu loạn về cách mà Trung Quốc sử dụng sự hăm dọa và sách nhiễu, để kiểm soát các bất đồng chính kiến ở nước ngoài.
Một số người nói rằng họ đã nhận được những lời đe dọa sát hại, và phải đối mặt với các đặc vụ Trung Quốc ở các quốc gia mới nơi họ tị nạn. Những người khác nói rằng họ đã từng là nạn nhân của tống tiền và hăm dọa.
Anh Ôn Vân Siêu (Wen Yunchao), một blogger nổi tiếng người Trung Quốc đã di chuyển gia đình mình tới New York, cho biết: “Chính quyền Trung Quốc đã chụp hình con trai tôi khi nó đang trên đường đến trường. Họ chỉ muốn cho tôi biết rằng bất cứ lúc nào họ có thể làm hại con tôi … buộc tôi phải làm những gì họ muốn”.
Các nhà hoạt động nói rằng việc chỉ trích các nhà lãnh đạo Trung Quốc hoặc ủng hộ các nhóm bị coi là mối đe dọa với quốc gia như Pháp Luân Công, người Tây Tạng hay Duy Ngô Nhĩ, có thể đủ để thu hút sự chú ý của chính quyền Trung Quốc.
Nhà hoạt động nhân quyền Đằng Bưu (Teng Biao) nói rằng ông đã trải qua những nguy hiểm khi lên tiếng công khai quan điểm của mình trong khi làm việc như một luật sư nhân quyền tại Trung Quốc. Ông Đằng đã trốn sang Mỹ vào năm 2014 sau khi bị các nhà chức trách Trung Quốc để ý tới.
“Tôi đã bị công an mật Trung Quốc bắt cóc. Tôi không biết mình bị giam ở đâu, và sau đó tôi bị tra tấn về thể xác”, ông Đằng tố cáo.
>>Trung Quốc: Luật sư mất tích hơn 1000 ngày và hành trình đầy gian nan tìm tung tích chồng
Ông Đằng đã cho hãng truyền thông Al Jazeera (Qatar) xem những lời đe dọa sát hại mà ông nói rằng ông đã nhận được trên mạng kể từ khi chuyển đến Mỹ. Ông tin rằng chúng đã được các đặc vụ Trung Quốc gửi đến. Một lời đe dọa viết: “Đằng Bưu, hãy cẩn thận mạng sống của mày bởi vì mày sẽ bị giết chết”.
Sau khi rời khỏi Trung Quốc, ông Đằng cho biết gia đình ông đã bị chính quyền Trung Quốc cấm không được rời khỏi Trung Quốc, vì vậy ông đã ngấm ngầm dự định một kế hoạch chạy trốn rủi ro để đưa lén họ đến nơi an toàn.
Nhưng nhiều nhà bất đồng chính kiến ở nước ngoài vẫn tiếp tục lo sợ cho người nhà vì họ vẫn còn ở Trung Quốc Đại lục.
Trong một cuộc phỏng vấn hiếm có với một người trong chính phủ Trung Quốc, một cựu ngoại giao cấp cao tiết lộ chiến lược của Trung Quốc là bịt miệng người bất đồng chính kiến ở nước ngoài.
Anh Trần Dụng Lâm (Chen Yonglin), người đã đào thoát đến Úc năm 2005 cho biết: “Nếu như họ tham gia vào bất kỳ một nhóm chống chế độ nào, họ nhất định sẽ bị làm hại. Hầu hết những người nhập cư Trung Quốc vẫn còn sợ hãi vì họ biết rằng chính quyền Trung Quốc có thể sẽ sử dụng những biện pháp cực đoan”.
Nhà quan sát viên về Trung Quốc nổi tiếng thế giới Jerome Cohen nói rằng chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang hướng tới cách tiếp cận này. “Ông Tập Cận Bình nghĩ rằng phải có sự chấp nhận tuyệt đối chính sách của đảng, đảng phải kiểm soát tất cả mọi thứ, và đó là cách duy nhất Trung Quốc sẽ đối mặt với những vấn đề ghê gớm mà họ đối mặt ngày nay.”
Mặc dù các nhà bất đồng chính kiến Trung Quốc lo sợ về sự an toàn của chính họ, mối quan ngại cũng tăng lên trước ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc đối với các tổ chức quan trọng ở các nước như Mỹ, Canada và Úc.
Tại Mỹ, FBI và CIA gần đây cáo buộc Trung Quốc sử dụng một mạng lưới gián điệp toàn cầu và chỉ điểm để hăm dọa và loại bỏ những người chỉ trích họ.
Trong một phiên điều trần tại Nghị viện Mỹ ở Washington hồi tháng 2, Thượng nghị sĩ Marco Rubio cho biết: “Theo quan điểm của tôi, vấn đề lớn nhất của thời đại chúng ta, chính là Trung Quốc và nguy cơ mà họ gây ra. Tôi không chắc trong lịch sử khoảng 240 năm của quốc gia này, chúng ta đã từng phải đối mặt với một đối thủ cạnh tranh và kẻ thù tiềm năng, với quy mô và năng lực này hay chưa?”.
Một trong những mối quan ngại lớn nhất liên quan đến 500 Viện Khổng Tử mà Trung Quốc hoạt động tại các trường đại học trên khắp thế giới. Các trung tâm này cho là dạy văn hóa và tiếng Trung Quốc, nhưng các nhà phê bình nói rằng họ là một công cụ tuyên truyền.
>>Học viện Khổng Tử nhưng không có gì liên quan đến Khổng Tử
Anh Trần Dụng Lâm cho rằng: “Trong khuôn viên trường … họ có thể xây dựng một mạng lưới thân thiện với Trung Quốc, và có thể ảnh hưởng đến các thế hệ tương lai của các nước phương Tây. Các chủ đề nhạy cảm về mặt chính trị đều bị cấm. Các chủ đề như Pháp Luân Công, dân chủ và tự do, quyền con người ở Trung Quốc, tất cả đều bị cấm”.
Nhưng phủ nhận là cánh tay của chính phủ Trung Quốc, ông Beifang Sun, giám đốc Viện Khổng Tử tại Đại học Massachusetts ở thành phố Boston, khăng khăng biện minh: “Mỗi Viện Khổng Tử đang làm việc để trở thành cầu nối giữa Mỹ và Trung Quốc. Chúng tôi không liên quan gì đến sự kiểm duyệt của chính phủ Trung Quốc”.
Khi nói đến những đe dọa được dẫn ra đối với các nhà hoạt động Trung Quốc ở nước ngoài, chính phủ Trung Quốc phủ nhận những cáo buộc.
“Về những cáo buộc vô căn cứ này, chúng tôi thực sự không muốn lãng phí thời gian để trả lời từng người một”, bà Hoa Xuân Oánh (Hua Chunying), người phát ngôn bộ ngoại giao Trung Quốc cho biết vào tháng trước.
“Chúng tôi hy vọng rằng những người có liên quan có thể từ bỏ tâm lý Chiến tranh lạnh, và tư duy trò chơi ‘kẻ thắng người thua’, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển lành mạnh quan hệ của chúng ta, với một thái độ cởi mở và hòa nhập”.
Nhưng các nhà hoạt động như ông Đằng Bưu cho rằng đã đến lúc các quốc gia dân chủ đứng lên và làm nhiều hơn nữa để hỗ trợ những người sống dưới bóng tối của Trung Quốc.
“Luôn luôn có các nhà hoạt động và những người anh hùng sẵn sàng hy sinh bản thân mình để công khai nói lên quan điểm, đấu tranh chống lại những hành động tàn bạo này. Vì vậy, về lâu dài, nền dân chủ và nhân phẩm con người sẽ thắng thế”, ông Đằng nhận định.
Phạm Minh
Xem thêm:
Ba vị đồ đệ trong Tây Du Ký có pháp danh lần lượt là Tôn…
Các sợi lông lỏng lẻo trên bề mặt vải có thể dễ dàng được loại…
Tổng thống đắc cử Donald Trump trong quá trình tranh cử đã nhiều lần chỉ…
Ông Matt Gaetz hôm thứ Năm (21/11) đã tuyên bố rằng ông sẽ rút lui…
Có hơn 1.000 cây guitar acoustic và guitar điện không có chữ ký của ông…
Bệnh tiểu đường có thể gây ra rất nhiều tác hại đối với cơ thể,…