Trong dịp kỷ niệm 32 năm Thảm sát Thiên An Môn (hay còn gọi sự kiện Lục Tứ) năm 1989, dưới chế độ “một quốc gia, hai chế độ” do Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cai trị, Hồng Kông và Ma Cao bị cấm tụ tập thắp nến tưởng niệm. Tại Hồng Kông, chính quyền thậm chí đã điều động hàng nghìn cảnh sát canh gác toàn thành phố, phong tỏa Công viên Victoria, chặn giao thông, thậm chí đóng cửa tất cả các đường hầm xuyên cảng từ Kowloon đến Công viên Victoria. Đêm đó, rất đông người dân vẫn bước ra đường phố, ngõ hẻm của Hồng Kông, Kowloon và New Territories. Họ thắp nến hoặc bật đèn điện thoại để tưởng niệm, biến cả Hồng Kông thành “Công viên Victoria”.
Cảnh sát cho biết tính đến 10 giờ tối ngày 4/6/2021, ít nhất 6 người đã bị bắt vì “xúi giục người khác tham gia vào một cuộc tụ tập trái phép”, và ít nhất 12 người bị buộc tội vi phạm “lệnh hạn chế”.
Trong sự kiện Lục Tứ đầu tiên sau khi “Luật An ninh Quốc gia phiên bản Hồng Kông” được thực thi, chính quyền Hồng Kông đã sử dụng dịch bệnh như một cái cớ để cấm tụ tập ở Công viên Victoria. “Hội Liên hiệp Người dân Hồng Kông ủng hộ phong trào dân chủ yêu nước” (Chi Liên Hội) bị cảnh sát đưa ra thông báo phản đối tụ họp và kháng cáo không thành công. Đứng trước nguy cơ nghiêm trọng hơn, họ đã tuyên bố hủy buổi tụ họp vào ngày 29/5. Ông Thái Diệu Xương, Thư ký Chi Liên Hội cho biết, ông hy vọng sẽ từng bước giải quyết việc này một cách thận trọng để duy trì hoạt động của Hiệp hội.
Sáng ngày 4/6, bà Trâu Hạnh Đồng, phó chủ tịch của Chi Liên Hội, đã bị cảnh sát bắt giữ gần văn phòng của bà. Cảnh sát đã buộc tội bà vi phạm “Luật An ninh Công cộng”, vì đã đăng tải trên mạng xã hội hoặc công bố tham gia vào một cuộc hội họp trái phép. Một nam thanh niên khác 20 tuổi khác họ Trương cũng bị bắt với tội danh tương tự.
Trong cuộc phỏng vấn với nhiều kênh truyền thông vào ngày 3/6, bà Trâu Hạnh Đồng tuyên bố rằng bà sẽ đến Công viên Victoria để thắp nến tưởng niệm vào ngày 4/6. “Ánh nến ở Công viên Victoria là một sự bền bỉ.” Bà cũng nói rằng những người bảo vệ nhân quyền ở Trung Quốc Đại Lục đã chiến đấu một mình, và ánh nến Lục Tứ tại Công viên Victoria rất quan trọng đối với họ, nó giống như một sự ấm áp.
Sau khi bị bắt, bà Trâu Hạnh Đồng nói thông qua luật sư rằng nếu ngọn nến không thể được thắp sáng hôm nay, bà ấy sẽ nhịn ăn một ngày.
Cảnh sát thông báo đóng cửa Công viên Victoria từ 2 giờ chiều. Tại cuộc họp báo của cảnh sát, một phóng viên đã hỏi liệu việc mặc quần áo đen và thắp nến bên ngoài khu vực bị phong tỏa có vi phạm pháp luật hay không. Ông Liêu Gia Kỳ, cảnh sát cấp cao của Đảo Hồng Kông, đã không trả lời thẳng vào vấn đề.
Ông cho biết “Thật khó có thể trả lời chính xác”, tôi tin rằng người dân sẽ “tự biết” về việc có nên tiếp tục tham gia các cuộc tụ tập bị cấm hay không.
Cảnh sát cũng đang thiết lập các rào chắn ở 3 đường hầm xuyên cảng từ Kowloon đến Đảo Hồng Kông, để ngăn người dân đến Công viên Victoria. Cảnh sát cũng chặn xe cộ đang hướng đến đảo Hồng Kông và đã gây ra một vụ tắc nghẽn giao thông lớn trong đường hầm.
31 năm qua đến ngày kỷ niệm Lục Tứ, sân vận động tại Công viên Victoria luôn đông đúc người Hồng Kông tham dự các cuộc mít tinh. Ngày 4/6 năm nay, cảnh sát đã bố trí cảnh sát cứ cách 1,5m lại “chiếm đóng” một chốt, để phong tỏa Công viên Victoria. Điều này đã gây ra một cuộc thảo luận sôi nổi trên mạng xã hội. “Chính phủ đã tổ chức sự kiện tưởng niệm lớn nhất ở Hồng Kông. Đã bao nhiêu năm qua không phong tỏa như thế này.” “Chính phủ không tưởng niệm theo đường cong, mà là đường thẳng.”
Mặc dù chính quyền luôn từ chối trả lời công khai về việc liệu việc tưởng niệm ngày 4/6 có vi phạm Luật An ninh Quốc gia hay không, nhưng phe thân cộng vẫn liên tục đe dọa người dân bằng Luật An ninh Quốc gia. Ông Thang Gia Hoa (Ronny Tong), Cố vấn cấp cao kiêm thành viên của Hội đồng Điều hành, tuyên bố trong một chương trình truyền hình ngày 3/6 rằng nếu người dân hô hào “Chấm dứt chế độ độc đảng”, họ sẽ bị nghi ngờ vi phạm “Luật An ninh Quốc gia”. Nếu người dân có “chung ý định”, thì dẫu tách ra ở những nơi khác nhau và không mặc đồ đen, họ cũng sẽ bị nghi ngờ là đã vi phạm pháp luật.
Tuy nhiên, những người Cộng sản Hồng Kông đang cạnh tranh để thể hiện lòng trung thành của họ, dường như đang tự chuốc lấy thất bại. Một số nhóm đã sao chép và phóng đại ngôn luận của các tổ chức miệng lưỡi của ĐCSTQ và của ông Lương Chấn Anh trên các tờ báo cách đây 32 năm. Điều này làm nổi bật sự vô lý trong những phát ngôn gần đây của họ.
Vào lúc 4 giờ chiều, người dân thậm chí còn thiết lập một trạm thông tin gần Vịnh Causeway. Ông Hoàng Hạo Minh, Chủ tịch“Mạng kết nối dân chủ xã hội” đã trưng bày báo cáo về cuộc thảm sát ngày 4/6 và 5/6/1989 trên tờ “Wen Wei Po”, cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ. Đồng thời ông chất vấn những người thân cộng sản rằng liệu vụ thảm sát “ngày 4/6” có phải là tin giả không?
Ông Hoàng Hạo Minh cũng trưng bày tuyên bố của ông Lương Chấn Anh cựu Trưởng đặc khu trên báo: “Lên án mạnh mẽ cuộc tàn sát đẫm máu người dân Trung Quốc của ĐCSTQ.” Ông cho biết các nhà chức trách Ma Cao nói rằng thuật ngữ “tàn sát” trong cuộc biểu tình ngày 4/6 là “phỉ báng” ĐCSTQ. Ông hỏi ngược lại ông Lương Chấn Anh phải chăng ông ấy cũng đang “vu khống” ĐCSTQ?
Mặc dù một lượng lớn cảnh sát đã chặn người dân ở bên ngoài Công viên Victoria, nhưng nhiều cư dân vẫn đến Vịnh Causeway để tưởng niệm cuộc Thảm sát Thiên An Môn ngày 4/6/1989. Lúc 8 giờ tối, rất đông người dân đã đi vòng quanh Công viên Victoria. Họ cầm nến trên tay hoặc bật đèn trên điện thoại di động của mình. Một số người hô vang khẩu hiệu “Quang phục Hồng Kông, Cách mạng thời đại”. Rất đông người dân trên chiếc cầu vượt bên ngoài Công viên Victoria đã bật và giơ cao đèn trên điện thoại di động. Tất cả những người có mặt đều tưởng niệm theo những cách khác nhau. Một số trình diễn nghệ thuật, một số tặng hoa, một số hát, cầm nến điện tử hoặc tờ rơi.
Cảnh sát đã nhiều lần giương cao cờ vàng và cờ tím ở Công viên Victoria và Vịnh Causeway gần đó, để cảnh báo người dân đang vi phạm “Luật An ninh Quốc gia” và “Lệnh Tụ tập có Hạn chế.”
Ông Thái, một người đàn ông trung niên, mặc đồ đen và đeo khẩu trang màu vàng, đến bên ngoài Công viên Victoria và mở bài hát “Nền dân chủ chiến thắng trở về”, kỷ niệm Lục Tứ.
Khi trả lời phỏng vấn trên kênh truyền thông, ông nói rằng ông thích bài hát này, bài hát “rất hay”. Hàng năm ông ấy vẫn đến Công viên Victoria để nghe bài hát này.
Khi được hỏi liệu ông có cảm thấy nền dân chủ của Hồng Kông đang ngày càng rời xa hay không, ông nói: “Tôi nghĩ nó đang ngày càng đến gần hơn, và chưa bao giờ lại thấy nó đến gần thế này!” Khi được hỏi hỏi tại sao ông vẫn giữ được hy vọng, ông nhún vai và nói: “Không phá vỡ cái cũ thì chẳng thể lập nên cái mới. Chúng tôi đã phá vỡ trò chơi.”
Ông Thiệu, người mặc quần áo đen và cầm một ngọn nến điện tử, nói: “Nếu điều này (một ánh nến) có thể lật đổ chế độ, điều đó chứng tỏ chế độ này mong manh đến mức nào.”
Một người phụ nữ chụp ảnh dưới ánh nến bên ngoài Công viên Victoria nói rằng chính quyền có thể ngăn cản cô ấy vào Công viên Victoria, nhưng điều đó không thể kìm nén trái tim cô ấy. Cô ấy thẳng thắn tuyên bố rằng chế độ “làm sai nên dối trá, càng dối trá càng sợ hãi.”
Một luật sư người Mỹ gốc Hoa nói rằng đã từng trưởng thành trong chính phủ trung ương Bắc Kinh, hiện đang làm việc tại Hồng Kông, cho biết khi xảy ra sự kiện Lục Tứ ông mới 9 tuổi, đang học tập tại Bắc Kinh, trường tiểu học cách Thiên An Môn chỉ khoảng 1 km. Ông nhớ lại khi đó “mọi người tại Bắc Kinh đều rất ủng hộ những sinh viên thỉnh nguyện hòa bình đó”, bố mẹ cũng từng dẫn tôi đến Quảng trường Thiên An Môn, giáo viên trong trường cũng tổ chức đi đến đó lên tiếng ủng hộ. Ông hình dung, thời điểm Lục Tứ và phong trào “chiếm trung tâm” ở Hồng Kông không có sự khác biệt.
Về tuyên bố công khai của phe kiến chế rằng “không có người chết trong Lục Tứ”, ông hình dung là những người đó là “con rối chính trị”. Ông cho rằng “do người phe phản đối đã biến mất, người của phe kiến chế còn có tác dụng gì?” Từ góc độ của Bắc Kinh, trực tiếp phái người đến Hồng Kông hoặc ra lệnh là được, cơ bản không cần đến phe kiến chế.
Về việc Công viên Victoria bị phong tỏa, ông cho biết “Nếu chính phủ cấm (vào Công viên Victoria), mọi người sẽ không đến đó đó nữa, vậy thì Hồng Kông thực sự đã chết.” Ông nói, “Còn có rất nhiều người ở đây (Công viên Victoria) có hơn 1000 cảnh sát ở đây, điều này cho thấy (cuộc tập trung tưởng niệm) vẫn ở đây.” Ông còn cười nói “từ công chúng gác đêm biến thành cảnh sát gác đêm”, “họ (cảnh sát) mặc dù không cầm nến, nhưng trên người họ có biển hiệu có thể cũng đang sáng.” Ông nói thẳng “Họ làm như thế này ngược lại khiến mọi người chú ý đến sự kiện này và nhớ sự kiện này”, ông hình dung là “việc sẽ đưa vào sử sách”.
Ngoài ra, cũng có người dân đến nhà thờ để tưởng niệm nạn nhân đã chết trong sự kiện Lục Tứ. Đức Hồng Y Trần Nhật Quân, Giám mục danh dự của Giáo phận Công giáo Hồng Kông, đã chủ trì Thánh lễ tại Nhà thờ Saint Andrew ở Hang Hau. Đức Hồng Y Trần Nhật Quân đã nói trong bài giảng của mình, “Chúng ta sẽ không quên, chúng ta sẽ không thất vọng.”
Trước đó, Ủy ban Công lý và Hòa bình Công giáo đã thông báo rằng “Thánh lễ Misa tưởng nhớ người đã mất” sẽ được tổ chức vào lúc 8 giờ tối ngày 4/6 tại 7 nhà thờ. Tuy nhiên, vào ngày 3/6, các biểu ngữ vu khống và đe dọa đã được treo bên ngoài các nhà thờ nơi sẽ tổ chức Thánh lễ để ngăn mọi người đến tham dự.
Tuy nhiên những hành động đe dọa này không ngăn được mọi người đến nhà thờ tham dự, ngược lại còn có vẻ như đã có tác dụng tuyên truyền miễn phí để mọi người đến.
Nhà thờ Saint Andrew bắt đầu tổ chức buổi lễ lúc 8 giờ, nhưng 7 giờ thì đã kín chỗ. Bên ngoài có nhiều cảnh sát canh gác, từng có thời điểm xông vào công viên khu vực gần nhà thờ để xua đuổi người dân.
Cựu thành viên Hội đồng lập pháp Hồng Kông và cũng là cựu Chủ tịch Đảng Dân chủ, bà Lưu Tuệ Liễu cũng đến nhà thờ để tưởng niệm. Bà cho biết, chính quyền cho rằng mặc áo đen cầm nến là không được. Bà than thở chính quyền “vừa đáng cười, vừa đáng thương, rốt cuộc họ sợ gì chứ?”
Ngoài tập trung tại Công viên Victoria ra, sinh viên Hồng Kông lau rửa tượng trụ cột hy sinh vì nước cũng là một truyền thống tưởng niệm Lục Tứ đã duy trì nhiều năm. Tượng trụ cột hy sinh vì nước được dựng lên vào ngày 4/6/1997, trước khi chủ quyền Hồng Kông trao lại cho Trung Quốc. Tượng được đặt trong khuôn viên trường Đại học Hồng Kông, khắc họa nhiều người với thân thể vặn vẹo, khuôn mặt đau khổ, tượng trưng cho người tử nạn do bị đàn áp đẫm máu.
Hoạt động này được tổ chức chiều ngày 4/6, không bị cảnh sát can thiệp và được tiến hành bình thường. Hội trưởng Hội sinh viên Đại học Hồng Kông Quách Vĩnh Hạo cho biết, hiện nay không gian tự do ngày càng ít đi, sự thật cũng bị làm mờ nhạt, nên càng cần phải nhắc lại sự kiện Lục Tứ, giữ chắc sự thật lịch sử.
Chiều tối ngày 4/6, tổ chức sinh viên “Hiền học tư chính” đã tổ chức buổi chiếu phim tài liệu Lục Tứ ở khu vực trống trên phố Mongkok, nhưng đã bị cảnh sát bao vây và giải tán, khoảng 8 giờ tối người triệu tập của tổ chức này là Vương Dật Chiến bị bắt. Tổ chức này cũng nhận được thư điện tử thông báo của cơ quan chức năng cho biết, nếu tiếp tục chiếu phim thì có thể sẽ vi phạm luật, bị phạt 200.000 đô la Hồng Kông.
Nhiều người dân ở Mongkok cùng giơ đèn pin trên điện thoại để “dạo phố”, và và đặt nến điện tưởng niệm ở bên đường, dán các tờ giấy có nội dung như “Tự do”, v.v. Có người dân hô khẩu hiệu “Quang phục Hồng Kông, Cách mạng thời đại”, v.v. Cảnh sát giơ cờ màu tím cảnh báo người dân có thể vi phạm “Luật An ninh Quốc gia”.
Cùng với việc người dân khắp Hồng Kông cùng giơ ánh nến, ánh đèn, Tổng lãnh sự quán Mỹ tại Hồng Kông cũng thắp hàng trăm nến điện vào buổi tối ở khắp các cửa sổ trên tòa nhà lãnh sự quán.
Trên Facebook, tổng lãnh sự quán Liên minh châu Âu, Anh và Úc tại Hồng Kông, cũng đều đăng tải hình ảnh ánh nến để tưởng niệm Lục Tứ. Tổng lãnh sự quán Đức tại Hồng Kông còn đăng tiếng Đức “Erinnerung” (ký ức), để biểu thị sự thật Lục Tứ sẽ mãi mãi được ghi trong lòng người dân.
Buổi tập trung tại Công viên Victoria tại Hồng Kông đã duy trì 31 năm. Trước thời điểm kỷ niệm Lục Tứ vào năm ngoái, chính quyền lần đầu tiên cấm tụ tập tưởng niệm với lý do phòng chống dịch. Tuy nhiên, trong ngày đó, vẫn có hàng nghìn người vào trong công viên, cảnh sát không ngăn cản. Về sau, chính quyền đã cáo buộc 26 nhân sĩ phe dân chủ tội danh như “tham dự tập trung chưa được phê chuẩn”. Bốn người trong đó có Hoàng Chi Phong trước đó đã chấp nhận cáo buộc này, ngày 6/5 vừa qua đã bị xử tù từ 4 tháng đến 10 tháng.
Trước thời điểm kỷ niệm Lục Tứ năm nay, nhiều nhân sĩ dân chủ cũng bị kết án nặng chưa từng có do tuần hành vào ngày 1/10 năm ngoái. Chủ tịch “Hội Liên hiệp Người dân Hồng Kông ủng hộ phong trào dân chủ yêu nước” (Chi Liên Hội) Lý Trác Nhân và Phó chủ tịch Hà Tuấn Nhân đều bị kết án 18 tháng tù.
Trang Facebook của ông Lý Trác Nhân hôm 3/6 đã đăng bài viết mà ông viết từ trong tù, trong đó có nhắc đến: “Người Hồng Kông và Lục Tứ, chưa bao giờ gần gũi như thế này.” Ông Lý Trác Nhân kêu gọi người dân thắp sáng ánh nến ở nơi mà mọi người có thể nhìn thấy được để tiếp tục tưởng niệm Lục Tứ. Trước đó ông còn cho biết, năm nay sẽ ở trong tù châm thuốc lá để thay thế ánh nến tưởng niệm người tử nạn Lục Tứ.
Trên mạng xã hội, ông Hà Tuấn Nhân cũng đăng video kỷ niệm Lục Tứ đã quay trước đó, biểu thị không hối hận khi phải ngồi tù vì đấu tranh cho tự do, mặc dù không cách nào thắp nến, nhưng trong lòng ông có ánh nến.
Theo Liên Thư Hoa, Epoch Times
Xem thêm:
Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…
Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Tiểu bang Iowa đã phát hiện ra rằng,…
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Năm (21/11) tuyên bố Moskva có quyền tấn…
Tổng thống đắc cử Donald Trump vào tối thứ Năm (21/11) đã công bố rằng…
Việc hiệu trưởng trường THCS Lê Văn Tám (xã Ia Piơr, huyện Chư Prông, tỉnh…