Người Hồng Kông ‘trăm phương ngàn kế’ cứu sinh viên mắc kẹt trong trường

Hàng trăm sinh viên kháng nghị bị bao vây bên trong Đại học Bách khoa Hồng Kông, bị cắt nước và không được tiếp tế lương thực, không có đường để chạy thoát ra, đồng thời cũng phải đối mặt với đe dọa bạo lực của cảnh sát. Người dân Hồng Kông đã thông qua ‘trăm phương ngàn kế’ để giải cứu sinh viên.

(Ảnh: cắt từ video)

Tối ngày 18/11, hàng ngàn người dân Hồng Kông tràn ra đường, đi đến Đại học Bách khoa Hồng Kông – nơi đang bị cảnh sát bao vây, để giúp đỡ những người kháng nghị đang bị mắc kẹt bên trong trường. Từ video có thể thấy, rất nhiều người cầm ô đi về Đại học Bách khoa Hồng Kông, còn cảnh sát liên tiếp bắn lựu đạn hơi cay, đạn cao su, đồng thời dùng xe phun nước ngăn cản họ tiến về phía trước.

Mọi người còn tạo thành “dây người” để truyền nhau ô, nước, mũ nồi, và truyền nhau đến tuyến đầu đang đối mặt với cảnh sát.

Hình ảnh tại hiện trường ở Tsim Sha Tsui cho thấy người dân tạo thành dây người rất dài:

Dây người tại Tsim Sha Tsui
Dây người tại Tsim Sha Tsui

Cũng có người thông qua xe điện, xe máy để triển khai hành động giải cứu. Nhiều người biểu tình trong Đại học Bách khoa Hồng Kông thả dây từ trên cầu vượt để trèo xuống và được người bên dưới dùng xe điện đón đi. Trong thời gian này, cảnh sát cũng đến nơi và nhiều lần ném lựu đạn hơi cay, nguy hiểm liên tiếp xảy ra.

Nam Hoa Tảo báo dẫn lời một người kháng nghị cho biết, hàng chục người kháng nghị được giải cứu ra ngoài bằng phương pháp này.

Sinh viên bỏ trốn khỏi Đại học Bách khoa Hồng Kông (Ảnh: internet)

Tuy nhiên, sau đó có thông tin trên Twitter cho thấy, trên đường cao tốc có xe điện bị bỏ lại, và xe bus của cảnh sát kế bên, theo suy đoán có thể có người lái xe điện và người được giải cứu đã bị cảnh sát bắt đi.

Xe điện bị bỏ lại nghi là người chạy trốn đã bị bắt (Ảnh: internet)

Vào thời điểm ban ngày, hàng ngàn người dân đã đặt các chướng ngại vật ở nhiều nơi như đường Jordan, Tsim Sha Tsui, v.v, dùng hình thức này để phân tán lực lượng cảnh sát với hy vọng “vây Ngụy cứu Triệu”, cảnh sát cũng nhiều lần bắn lựu đạn hơi cay để xua đuổi người biểu tình.

Sinh viên đăng video: Xin hãy cứu chúng tôi

Hoàng Chi Phong chia sẻ trên Facebook nói, “một sinh viên đang ở trong Đại học Bách khoa Hồng Kông” nhờ anh đưa tiếng nói của cậu đến với cộng đồng quốc tế. Hoàng Chi Phong nhấn mạnh: “Thời gian không còn nhiều, bởi nghe thấy những tiếng kêu khẩn thiết của người biểu tình bên trong trường đại học! Người biểu tình chịu đói rét sắp phải đối mặt với thiếu lương thực, thuốc và điều trị y tế, thế giới liệu sẽ tiếp tục nhìn thấy chính quyền tàn nhẫn này không dừng lại việc trấn áp tanh mùi máu chăng?”

Một nữ sinh viên Đại học Bách khoa Hồng Kông nói trong video rằng: “Cảm tạ mọi người đã quan tâm đến sự việc đã xảy ra tại Hồng Kông, nhất là những gì đang xảy ra tại Đại học Bách khoa Hồng Kông, những sinh viên chúng tôi tại đây chỉ là đang bảo vệ trường của chúng tôi, nhưng cảnh sát lại bao vây chúng tôi, còn sử dụng các thủ đoạn vũ lực và bắt bớ chúng tôi, thậm chí không cho chúng tôi rời khỏi trường, chúng tôi không có đồ ăn, nước uống, tất cả đều bị cắt đứt nguồn cung.”

Nữ sinh này cho biết: “Chúng tôi không có đường ra, cảnh sát ở bên ngoài trường đốt lựu đạn hơi cay, bắn đạn cao su, chúng tôi chỉ có thể tay không bảo vệ chính mình và đối kháng với họ, chúng tôi chỉ có mặt nạ, kính bảo vệ mắt và ô, hiện tại chúng tôi chỉ có những thứ này, xin hãy cứu chúng tôi, chúng tôi thực sự không có biện pháp nào, thực sự cần mọi người giúp đỡ đưa chúng tôi rời khỏi trường, giúp chúng tôi tránh phải đối mặt với hậu quả tàn nhẫn này.”

Phụ huynh lo lắng

Đến giờ tan tầm chiều hôm qua (18/11), nhiều cha mẹ, bạn bè cùng trường của các sinh viên Đại học Bách khoa Hồng Kông đang bị vây trong trường đã tổ chức tĩnh tọa bên ngoài Vườn hoa Cục Thị chính (Urban Council Centenary Garden), với hy vọng dùng phương thức “hòa bình, lý tính, phi bạo lực” để chi viện cho người đang bị kẹt bên trong trường, trên tay họ cầm biểu ngữ “Cứu các con”. Được biết, không ít người bị mắc kẹt bên trong Đại học Bách Khoa, phụ huynh rất lo lắng.

Theo Minh Báo đưa tin, có hàng chục phụ huynh đã đến khu vực Vườn hoa Cục Thị chính ở Tsim Sha Tsui East ngồi tĩnh tọa ở lối lên cầu vượt nối với Đại học Bách khoa, còn có hàng chục người khác cũng đến để lên tiếng ủng hộ. Có phụ huynh tâm tình kích động đã quỳ xuống mắng cảnh sát, “Nếu con gái tôi chết, tôi sẽ nhảy lầu cho các người xem!”

Tờ Stand News đưa tin, có người mẹ muốn truyền đạt thông tin đến con mình đang bị kẹt bên trong trường rằng: “Con là con trai mẹ yêu quý nhất, con nhất định phải ngoan, nhất định phải mạnh mẽ phấn chấn, tự chăm sóc cho mình, và chăm sóc cho các bạn khác.”

Có phụ huynh cho biết, con trai cả của bà bị bao vây trong trường, hôm trước từng về nhà ăn cơm rồi lại vội vã đi. Bà nhấn mạnh, con trai bà chỉ vì lên tiếng “thị phi trắng đen”, bà từng nói chuyện qua điện thoại với con, con bà nói rằng bên trong trường rất hỗn loạn, cho nên đã ở lại giúp đỡ thu dọn đồ đạc trong nhà ăn của trường, nhưng vì thế mà đối mặt với cáo buộc bạo động.

Có phụ huynh đơn thân từng xúc động vừa nói vừa rơi nước mắt, 2 người con gái bị Chính phủ ép phải ra đường biểu tình, chỉ mong con gái được bình an trở về nhà, nhưng hiện tại chúng đều đang bị bao vây trong trường. Mặc dù con gái có thể thỉnh thoảng báo tin bình an, nhưng cũng không nắm được tình hình thực tế ra sao, chỉ hy vọng có thể tập trung sức mạnh của các phụ huynh để thỉnh cầu cảnh sát cho mọi người cùng vào trong trường, đồng thời nhấn mạnh “Dù bị thương hay thậm chí là mất mạng vì con gái thì bà cũng không để tâm, cũng không để tâm đến việc con gái có tiền án sau vụ việc này không, chỉ cầu mong con được bình an.” 

51 người bị cảnh sát bắt có thể là phóng viên và nhân viên y tế

Hôm thứ Hai (18/11), cảnh sát Hồng Kông cho biết họ đã bắt giữ 51 người “tự xưng là bác sĩ hoặc người làm công tác đưa tin”, làm tăng thêm sự lo lắng của công chúng đối với việc cảnh sát bắt giữ người bừa bãi bên trong Đại học Bách khoa.

Cảnh sát cho biết, từ khi hoạt động kháng nghị bùng nổ đến nay, đã có 4491 người bị bắt, độ tuổi từ 11 đến 83 tuổi.

Theo HKFP đưa tin, ông Trác Hiếu Nghiệp (Michael Cheuk) – quan chức chỉ huy ở Tây Cửu Long nói rằng có 12 bác sĩ không có tư cách cấp cứu. Ông nói, 3 người mặc áo phóng viên cũng không đưa ra được giấy tờ chứng minh. Tất cả những người này đều bị nghi là bạo đồ nên đã bị bắt.

Từ thứ Sáu tuần trước, người biểu tình mặc áo đen đã đối đầu với cảnh sát, hàng trăm người kiên trì ở trong trường Đại học Bách khoa Hồng Kông. Đến tối Chủ Nhật, cảnh sát đã tiếp quản tất cả các lối vào của trường, người bên trong bị bao vây, nguồn cung cấp nước và thức ăn không đủ.

Một bức ảnh được lan truyền tối Chủ Nhật cho thấy, có hơn 10 người ngồi trên mặt đất, hai tay bị trói ra sau, họ đều mặc mặc áo phản quang có nhận dạng là nhân viên y tế.

Được biết, thành viên của nhóm hỗ trợ trị y tế ủng hộ dân chủ Médecins Inspirés cũng bị bắt vì tham gia biểu tình, cảnh sát chưa xác nhận cáo buộc chính thức nào đối với họ.

Phóng viên bản địa và quốc tế cũng bị ngăn cản, bị lục soát trên đường rời khỏi Đại học Bách khoa Hồng Kông. Mặc dù cảnh sát cam kết giới báo chí có thể “trao đổi” nhân viên công tác trong khu vực cấm, nhưng một số phóng viên hôm thứ Hai đã bị từ chối không cho vào trong trường để thay thế đồng nghiệp.

Chiều thứ Hai (18/11), Đại học Bách khoa Hồng Kông phát biểu tuyên bố nói, đã gặp mặt với đại diện cảnh sát và yêu cầu cảnh sát tạm thời không tiến công vào trong khuôn viên trường; đồng thời kêu gọi cảnh sát bố trí để cho người bị thương được điều trị, “dùng phương thức công bằng và nhân đạo để đối đãi với tất cả người bị bắt”.

Khoảng 14:30 hôm thứ Hai, một nhóm nhân viên y tế Chữ thập đỏ gồm 14 người được phép vào bên trong. Tổng Thư ký Hội Chữ thập đỏ Bonnie So sau đó cho biết, sau khi tiếp xúc với khoảng 50 người bị thương, xác nhận phần lớn là bị gẫy xương.

Bên cạnh đó, theo Đài BBC đưa tin, Cục Quản lý Bệnh viện Hồng Kông cho biết có 116 người bị thương đã được đưa đến bệnh viện.

Ông Đàm Văn Cơ, người đứng đầu chi nhánh Hồng Kông của Tổ chức Ân xá Quốc tế đã chỉ trích cảnh sát Hồng Kông: “Họ không những không hóa giải tình hình, ngược lại còn tiếp tục gây ra bạo lực.”

Ông nói: “Trách nhiệm của cảnh sát là hòa hoãn tình hình, nhưng họ không những không trợ giúp người biểu tình bị thương đang bị mắc kẹt bên trong trường, mà lại bắt bớ phi pháp những nhân viên y tế đang cố gắng trị thương cho người biểu tình.”

Ông còn chỉ ra, tối hôm Chủ Nhật khi cảnh sát cảnh cáo bắn đạn thật, đó là một “hành động mang tính xâm lược”, làm tăng thêm rủi ro xảy ra thảm kịch.

Người biểu tình bị bắt, sẽ bị buộc tội?

Có thông tin nói, mặc dù người biểu tình tự nguyện rời khỏi trường theo lời kêu gọi của cảnh sát, nhưng vẫn bị bắt vì liên quan đến “tội tham gia bạo động”.

Về việc này, ông Hứa Trí Sùng (Hui Chi-fung), nghị viên Hội đồng Lập pháp kêu gọi người biểu tình, dù dùng phương thức nào để rời khỏi trường, trong bất cứ tình huống nào thì cũng mong không biểu đạt “đầu hàng” hoặc “tự thú” với bất cứ ai, bởi vì làm thế có khả năng sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi trước pháp luật về sau này. Có người có kinh nghiệm về trinh sát hình sự tiết lộ, người bị bắt khi tự nguyện rời khỏi trường sẽ được ghi vào hồ sơ, một khi bị buộc tội, việc tự nguyện rời trường có thể là lý do được xin giảm nhẹ hình phạt.

Theo tờ Headline Daily đưa tin, ông Trương Đạt Minh (Eric Cheung), giảng viên Học viện Luật thuộc Đại học Hồng Kông kêu gọi, tất cả những người bên trong Đại học Bách khoa Hồng Kông bị bắt trong hòa bình, đừng làm vật hy sinh một cách vô vị. Ông Trương nói, tin rằng có nhiều người vì nhiều nguyên nhân hợp lý hợp pháp khác nhau mà đi vào và ở bên trong phạm vi Đại học Bách khoa Hồng Kông, ví dụ như cứu trợ người bị thương, biểu tình hòa bình và bảo vệ trường không bị cảnh sát xâm phạm, v.v, không thể cáo buộc tất cả họ đều là tham gia vào bạo động.

Ông cho rằng, nếu họ đồng ý rời trường một cách trật tự và hòa bình, hoặc tập trung hòa bình bên trong trường và hát lớn “Nguyện vinh quang quy Hương Cảng”, dù cuối cùng có bị cảnh sát bắt giữ, cũng không có nghĩa là cảnh sát có đầy đủ chứng cứ để sau này cáo buộc họ tội bạo động hoặc tội danh khác.

Trí Đạt tổng hợp

Xem thêm

Trí Đạt

Published by
Trí Đạt

Recent Posts

Bà Chủ Xuyên Việt Oil bị đề nghị mức án 30 năm tù

Bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh - Giám đốc kiêm Chủ tịch Công ty Xuyên…

1 giờ ago

Biểu tình ôn hòa chống NATO biến thành bạo động tại Montreal, Canada

Các cuộc biểu tình chống NATO và ủng hộ Palestine đã nhanh chóng bùng phát…

1 giờ ago

Quảng Nam: Một điểm trường vừa khánh thành bị sập do đồi sạt lở

35 trẻ mẫu giáo và tiểu học hiện phải quay về điểm trường cũ đã…

2 giờ ago

Iran công bố động thái hạt nhân mới

Iran đã hiện thực cam kết mở rộng chương trình hạt nhân nhằm đáp trả…

2 giờ ago

Mưa lũ, sạt lở, nhiều nơi ở Quảng Ngãi, Bình Định bị chia cắt

Mưa lớn khiến một số nơi ở hai tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định bị…

3 giờ ago

Đi tiểu nhiều, ù tai là triệu chứng thận hư, xoa bóp có thể cải thiện triệu chứng

Y học cổ truyền Trung Hoa thường nói rằng “nuôi thận là nuôi dưỡng sự…

3 giờ ago