Trong ký ức của Trương Diệc Khiết, không khí Bắc Kinh thường xuyên bụi bặm và xám xịt, ngày hôm đó cũng như thế.
Là một trưởng phòng làm việc tại Bộ Thương mại Trung Quốc, cô vừa về nước sau chuyến công tác kéo dài một tháng ở Đức. Bấy giờ đã là buổi chiều và Trương Diệc Khiết không muốn lãng phí thời gian. Ngay khi đặt hành lý xuống, thay vì lấy bữa trưa, cô đi lấy điện thoại. Cô muốn liên hệ ngay với những người bạn vẫn cùng cô học các bài giảng Pháp Luân Công và tập các bài tập khí công hàng ngày.
Không có ai trả lời điện thoại của Diệc Khiết.
Thay vào đó, chồng cô, người cũng làm việc ở Bộ Thương mại, nhận được một cuộc điện thoại khẩn từ Bộ trưởng Thạch Quảng Sinh. Anh chạy nhanh sang phòng khác, đóng sập cửa lại.
Diệc Khiết cảm thấy bất an. Khẽ đi đến cửa, cô nghe được tin một nhóm người tập Pháp Luân Công đã đến Trung Nam Hải, nơi ở của các lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Bộ trưởng yêu cầu chồng Diệc Khiết đi tới Trung Nam Hải và yêu cầu tất cả nhân viên Bộ Thương mại tham dự việc này phải rời đi ngay lập tức.
Đó là ngày 25 tháng 4 năm 1999, khi 10.000 người tập Pháp Luân Công từ khắp Trung Quốc tới bên ngoài Trung Nam Hải, tụ tập dọc theo những bức tường đỏ bao quanh khu phức hợp chính phủ trên phố Phủ Hữu để thỉnh nguyện cho quyền tự do tập luyện Pháp Luân Công, môn khí công còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp.
Được giới thiệu lần đầu tiên ra công chúng vào năm 1992, môn khí công tu luyện này nhanh chóng lan ra khắp Trung Quốc, thu hút khoảng 70 triệu người theo tập tính đến năm 1999. Thời điểm đó vào mỗi buổi sáng tại các công viên trên khắp Trung Quốc, người ta đều có thể bắt gặp những người theo tập Pháp Luân Công đang thực hiện các bài tập khí công chậm rãi của môn này. Tuy nhiên, cộng đồng Pháp Luân Công ngày càng nhận thấy áp lực tới từ phía chính quyền: sách Pháp Luân Công bị cấm phát hành, các chương trình truyền hình nhà nước phát tuyên truyền bôi nhọ, công an xuất hiện và được lệnh điều tra kỹ lưỡng…
Ngay từ năm 1997, Bộ Công an đã được lệnh phải tiến hành một cuộc điều tra nội bộ đối với Pháp Luân Công, để quyết định Pháp Luân Công có phải là một “tà giáo” hay không, cuộc điều tra đã phải tạm dừng vì không có chứng cớ. Ngày 21/7/1998, Văn phòng số 1 của Bộ Công an Trung Quốc phát hành thông tư số 555/1989 với tựa đề “Chú ý về điều tra Pháp Luân Công” cùng lời tuyên bố sẵn Pháp Luân Công là một tà giáo, song lại yêu cầu tất cả các điều tra viên phải tìm ra được bằng chứng nhằm chứng minh lời tuyên bố trên. Thông tư này đã khiến lực lượng công an trên toàn quốc ra quân đàn áp, giải tán các điểm tập luyện dù không có bất kỳ chứng cứ phạm pháp nào.
Tuy nhiên sự ủng hộ đối với Pháp Luân Công trong quần chúng là rất lớn. Nửa cuối năm 1998, một nhóm cán bộ hưu trí do cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Kiều Thạch dẫn đầu đã thực hiện điều tra tìm hiểu về Pháp Luân Công và đi đến kết luận rằng Pháp Luân Công hoàn toàn có lợi cho quốc gia, đồng thời giao báo cáo điều tra cho trung ương. Ông Kiều Thạch viết “Pháp Luân Công đối với đất nước và nhân dân chỉ có trăm điều lợi mà không có một điều hại” vào báo cáo điều tra và còn ghi thêm rằng “được lòng dân là được thiên hạ, mất lòng dân là mất thiên hạ”.
Bấy giờ, vì muốn lấy lý do để triển khai đàn áp Pháp Luân Công, các bài viết bôi nhọ Pháp Luân Công mạnh mẽ đã được đăng tải trên tạp chí của Học viện Giáo dục Thiên Tân. Khi người tập Pháp Luân Công tới tạp chí để phản ánh sự việc, 45 người đã bị bắt giữ, nhiều người khác bị đánh đập.
Thỉnh nguyện về các vấn đề xã hội là một quyền hợp pháp ở Trung Quốc, và có văn phòng thỉnh nguyện tại khắp nơi trên cả nước. Khi người tập Pháp Luân Công tại các nơi thỉnh nguyện yêu cầu Thiên Tân thả người thì công an đã gợi ý cho họ đến Bắc Kinh thỉnh nguyện và nhấn mạnh chỉ có Bắc Kinh mới giải quyết được việc này.
Suốt vài ngày, dòng người tập Pháp Luân Công tự phát từ khắp nơi đổ về trung tâm thành phố Bắc Kinh, sáng ngày 25/4 thì đã có đông đảo người tới nơi. Tuy nhiên, lực lượng cảnh sát và công an lại yêu cầu những người này không đứng ở văn phòng thỉnh nguyện bên ngoài Trung Nam Hải, mà dẫn đường cho họ tiến vào Trung Nam Hải. Cuối cùng bộ máy công an đã tạo nên điều mà sau này bị ĐCSTQ mô tả là “cuộc tổng tấn công Trung Nam Hải” – điều dùng để biện minh cho một chiến dịch đàn áp toàn diện nhắm vào Pháp Luân Công được phát động vào tháng 7 năm 1999 và tiếp tục cho đến ngày nay.
Về phía Trương Diệc Khiết, cô không nghĩ rằng thái độ của những người tập Pháp Luân Công tại Trung Nam Hải ngày hôm đó có gì đáng gọi là “đe dọa” cả. Mang theo niềm tự hào, cô và nhiều người khác từng có mặt ngày hôm đó nhớ lại cảnh những hàng người dài thẳng tắp xếp ngay ngắn dọc đường phố. Nhiều người đọc sách hoặc ngồi thiền định dưới đất. Một số người tập Pháp Luân Công tự cầm túi đi quanh để thu gom rác, đảm bảo nơi họ đứng sạch sẽ và gọn gàng.
Diệc Khiết chỉ đơn giản là cảm thấy yên bình.
“Bạn đã thấy những người thỉnh nguyện ôn hòa như thế bao giờ chưa?” Diệc Khiết nói. “Các lối đi dành cho người đi bộ và đường chính đều thông thoáng. Không có tiếng la hét nào cả, không có một mảnh giấy nào trên mặt đất.”
Một người tập Pháp Luân Công khác có mặt ngày hôm đó là Thạch Thái Đông. Lúc đó anh đang lấy bằng thạc sĩ tại Viện Khoa học Trung Quốc. Thái Đông là một trong 3 đại diện tự phát của nhóm người thỉnh nguyện, anh đã được mời vào Trung Nam Hải để giải thích sự việc ngày hôm đó. Và người “mời” anh, không ai khác, chính là Thủ tướng Trung Quốc bấy giờ, ông Chu Dung Cơ.
Bấy giờ, vào khoảng 8 giờ sáng, Thủ tướng Chu Dung Cơ đã đích thân bước ra đứng trước toàn bộ người tập Pháp Luân Công xếp hàng trước Trung Nam Hải. Điều này cho thấy chính quyền Trung Quốc lúc đó hoàn toàn yên tâm về cuộc thỉnh nguyện của Pháp Luân Công. Ông Chu Dung Cơ dẫn 3 người đi kháng nghị vào trong nói chuyện, từ đó phát hiện ra rằng vấn đề ở Thiên Tân dù có chỉ thị xử lý nhưng phía công an lại không thực hiện.
Ông Chu Dung Cơ tái khẳng định sự ủng hộ của ông đối với quyền tự do tín ngưỡng của cộng đồng Pháp Luân Công và sắp xếp để bốn quan chức gặp họ, bao gồm cả phó tổng bí thư và giám đốc văn phòng thỉnh nguyện nhà nước. 3 người đại diện tự phát của Pháp Luân Công đã đề xuất 3 yêu cầu chính: trả tự do cho hàng chục học viên ở thành phố Thiên Tân đã bị đánh đập và giam giữ 2 ngày trước đó, cho phép xuất bản lại sách Pháp Luân Công và khôi phục môi trường tự do để họ có thể tập luyện công khai mà không sợ hãi.
Các quan chức đã tiếp nhận cuốn sách giảng dạy chính của Pháp Luân Công, cuốn “Chuyển Pháp Luân”, do những người tập tặng và hứa sẽ báo cáo tình hình lên lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Đám đông dần dần giải tán vào buổi tối khi có tin những người tập ở Thiên Tân đã được trả tự do.
“Nếu ‘vụ vây hãm’ là có thật, liệu ông Chu Dung Cơ có tỏ ra điềm tĩnh như vậy khi bước ra không?”, Thạch Thái Đông đặt câu hỏi phản biện.
Khổng Duy Kinh, một trong 3 người đại diện tự phát, kể lại rằng căng thẳng gia tăng vào buổi chiều hôm đó, khi cảnh sát chống bạo động xuất hiện, mang theo súng trường. Mặc dù vậy, không có người thỉnh nguyện nào phản ứng lại hay gây kích động.
Diệc Khiết đã ở lại cho đến tối và lặng lẽ rời đi sau khi hầu hết những người thỉnh nguyện rút lui.
Một số người có nguồn tin nội bộ nói với Diệc Khiết rằng chính quyền đã chuẩn bị để sử dụng bạo lực đối với những người thỉnh nguyện vào tối hôm đó. Cô cho rằng sự ôn hòa và yên tĩnh lạ thường của những người tập Pháp Luân Công đã giúp tránh được một điều tương tự như vụ thảm sát Thiên An Môn – cuộc đàn áp đẫm máu của chế độ đối với những sinh viên biểu tình. Cuộc đàn áp ấy từng diễn ra tại quảng trường Thiên An Môn, gần cuối đường Phủ Hữu nơi những người thỉnh nguyện đang đứng.
“Họ không thể tìm ra bất kỳ lý do nào để ra tay”, Diệc Khiết nói.
Ngày thứ hai sau cuộc thỉnh nguyện, chính quyền yêu cầu các công ty trên toàn quốc thông tin đến người dân về những gì đã xảy ra.
Đó là lần đầu tiên Loan Sảng, giám đốc nhân sự của một công ty vận tải ở thành phố Thâm Quyến, nghe nói đến Pháp Luân Công.
Nhiều năm trước, Loan Sảng đã sốc khi biết được sự thật về cuộc thảm sát Thiên An Môn, về việc chính quyền đã từng xả súng vào những thanh niên tay không tấc sắt trên quảng trường. Ký ức đó đã ăn sâu vào tâm trí Loan Sảng, và khi biết được về cuộc thỉnh nguyện 25 tháng 4, cô rất ấn tượng trước sự dũng cảm của người tập Pháp Luân Công.
Lần này, cũng như các phong trào chính trị khác, Loan Sảng sẽ phải gửi lời hứa bằng văn bản lên cấp trên, nêu rõ bản thân sẽ tránh xa sự việc và tuyên bố việc tổ chức biểu tình hoặc diễu hành ở Bắc Kinh là sai trái.
“Tôi sẽ không đi ngay cả khi có ai cho tiền – chẳng phải điều đó sẽ đặt dấu chấm hết cho sự nghiệp của chính mình sao?”, Loan Sảng đã suy nghĩ như vậy vào thời điểm đó.
Quyết tâm tìm hiểu lý do tại sao có nhiều người lại mạo hiểm như vậy, Loan Sảng đã xin một cuốn sách Pháp Luân Công từ đồng nghiệp. Sau khi đọc một lần, cô đã quyết tâm thực hành theo.
Cô mô tả những giá trị được nhấn mạnh trong cuốn sách như một tia sáng rọi tới vào cuộc đời “lộn xộn” của mình.
“Tôi biết rằng tôi có thể sử dụng tiêu chuẩn ‘Chân, Thiện, Nhẫn’ để đánh giá mọi thứ”, Loan Sảng nói về các nguyên lý của Pháp Luân Công. “Vì vậy, miễn là điều đúng đắn, tôi sẽ kiên trì đến cùng.”
Bất chấp lập trường hòa giải của một số quan chức vào ngày 25 tháng 4, chế độ cộng sản Trung Quốc cuối cùng đã coi sự phổ biến của Pháp Luân Công là một mối đe dọa và phát động một chiến dịch đàn chỉ 3 tháng sau đó, nhằm mục đích xóa bỏ môn tập này. Kể từ đó, hàng triệu học viên đã bị giam giữ vì kiên trì đức tin của mình, và không rõ số lượng người đã bị giết bằng nhiều hình thức tra tấn khác nhau.
Sau cuộc gặp với Thủ tướng Chu Dung Cơ, Thạch Thái Đông đã bị đảng ủy tại nơi làm việc nhắm mục tiêu. Các nhân viên thực thi pháp luật đã xem xét kỹ hồ sơ về anh ngay trong đêm đó, mặc dù họ không tìm thấy bất kỳ vấn đề nào.
Trương Diệc Khiết đã phải trả giá đắt hơn. Trong 7 năm, cô đã trải qua 7 lần bị bắt giữ và phải trải qua 28 tháng trong trại lao động, nơi cô bị đánh đập, bỏ đói, bức thực và cấm ngủ – thời gian dài nhất là 42 ngày liên tục. Sau khi bị bức hại, tóc cô bạc trắng và răng cô lung lay. Nhưng cô cũng nói: “Việc tôi sống sót là bằng chứng cho sự kỳ diệu của Pháp Luân Đại Pháp”.
Cuộc sống trước khi bị bức hại của Trương Diệc Khiết là điều không dễ có được. Cô giữ một chức vụ “béo bở” trong chính phủ và có gia đình hoàn hảo, với một cô con gái và một cậu con trai sắp vào đại học.
“Nhiều người có thể làm việc cả đời mà không đạt được vị trí như tôi”, Diệc Khiết nói. “Lúc đó, nếu tôi đồng ý ngừng tu luyện thì tôi cũng chẳng mất gì cả”.
Loan Sảng, người vừa mới tiếp xúc với Pháp Luân Công, cũng phải đối mặt với một lựa chọn đau khổ. Ở tuổi 34, cô là một người phụ nữ văn phòng thành công, là giấc mơ của nhiều người. Cô mới chuyển đến một biệt thự ven biển rộng 4.300 mét vuông, sẵn sàng tận hưởng thành quả lao động chăm chỉ của mình.
Loan Sảng có thể bí mật luyện tập trong nhà mà không để ai biết. Hoặc cô có thể nói ra suy nghĩ của mình – mạo hiểm tất cả.
Loan Sảng đã chọn làm điều cô cho là đúng đắn.
Năm 2001, giám đốc nhân sự Loan Sảng đã đến Quảng trường Thiên An Môn để bước ra công khai phản đối cuộc đàn áp. Đó là nơi chỉ mới 2 năm trước đó, cô nghĩ rằng cô sẽ không đến “ngay cả khi có được cho tiền”.
Loan Sảng bị tống vào nhiều trại giam khác nhau và phải chịu đựng 3 tháng bức hại. Dù không bị đánh đập nhưng cô đã bị cưỡng bức lao động nhiều giờ không nghỉ để làm những chiếc đèn Giáng sinh – các ngón tay của cô không thể duỗi thẳng sau khi ca làm việc kết thúc.
Loan Sảng đã ra khỏi trại giam gần như nguyên vẹn, nhưng những người khác thì không may mắn như vậy. Một bạn tù đã nói với cô rằng một người tập Pháp Luân Công khác là giáo viên ngoại ngữ ở cùng thành phố đã bị phát điên khi ở đó.
Đảng khai trừ Loan Sảng, cắt bỏ các đặc quyền kinh tế và chính trị liên quan đến việc gia nhập đảng. Công ty của cô đã tổ chức một buổi đấu tố để thông báo về việc này.
Loan Sảng vẫn giữ nụ cười rạng rỡ khi cấp trên công bố quyết định trước hàng chục đồng nghiệp. “Các Đảng tà ác đó không thể dung tha cho người tốt. Ngay cả khi họ không khai trừ, thì tôi cũng thoái khỏi nó”, cô nhớ lại đã tự nhủ với mình vào thời điểm đó.
Công ty của Loan Sảng không sa thải cô mà giao cho cô những công việc thấp kém nhất. Cuối cùng cô đã nộp đơn thôi việc.
Ngày nay, khi đang ở trên đất Mỹ, kể lại những chuyện đời đã qua, những người tập Pháp Luân Công đó toát ra một tâm thái bình thản, khác hẳn với những khổ đau trong quá khứ.
Họ nói rằng họ đã lựa chọn đúng đắn.
“Niềm tin vào sự thật, khi thăng hoa từ cảm xúc lên mức lý trí, sẽ giúp chúng ta vượt qua mọi đau khổ”, Trương Diệc Khiết nói. Cô trốn khỏi Trung Quốc qua Thái Lan vào năm 2006.
Diệc Khiết nhìn lại cuộc đời mình và thấy nó như một câu chuyện “cổ tích”. Cô nói: “Bất chấp những thử thách, tôi đã chứng kiến và đã trải qua tất cả”.
Loan Sảng mỉm cười như 20 năm trước: “Nếu mọi người đều giống như những người trong cuộc thỉnh nguyện ngày 25 tháng 4 năm đó thì xã hội Trung Quốc sẽ tốt đẹp hơn”. “Vì ngày 25 tháng 4… cuối cùng tôi đã trở thành một trong những người tốt đứng lên đấu tranh cho công lý, hình mẫu mà tôi đã khao khát trở thành từ khi còn trẻ.”
Theo “Standing Up to Communist China: A Peaceful Appeal That Made History“
Đăng trên Epoch Times tiếng Anh
Tác giả: Eva Fu
Minh Nhật biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
HĐGSNN vừa công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm…
Ông Vương Đình Huệ có sai phạm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi…
Ông Musk và ông Ramaswamy đã cùng chấp bút một bài xã luận đăng trên…
Quân đội Ukraine thông báo trong sáng Thứ Năm Nga đã tiến hành không kích…
Hai nước Việt Nam-Malaysia vừa nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện,…
UBND TP.HCM vừa đề xuất dùng ngân sách địa phương để xử lý nợ quá…