Chuyện đời nhà hoạt động nhân quyền vạch trần đại dịch tại Vũ Hán
- Minh Nhật
- •
Hội trường bệnh viện đông đúc, các bác sĩ và y tá điên cuồng trong bộ đồ bảo hộ, bệnh nhân nằm trên hành lang, túi đựng thi thể chất đống trong xe tang bên ngoài bệnh viện… Đó là những gì mà doanh nhân 57 tuổi Fang Bin đã ghi lại được vào đầu tháng 2 năm 2020, khi lái xe quanh 5 bệnh viện ở Vũ Hán. Những đoạn video ngắn mà anh đăng lên mạng xã hội đã cung cấp một cái nhìn thoáng qua hiếm hoi về những gì đang xảy ra ở tâm chấn của đại dịch COVID-19 tại Trung Quốc.
Sau khi bị cảnh sát tạm giữ một thời gian ngắn vào ngày 1 tháng 2 năm 2020, Fang Bin trở nên quyết liệt hơn. Các video được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội, trong đó anh nhận xét rằng “sự chuyên chế là gốc rễ của loại virus này”, ám chỉ rằng đại dịch COVID-19 đã bộc lộ cho toàn thế giới thấy bản chất của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Ngày 9 tháng 2 năm 2020, Fang Bin biến mất sau khi kêu gọi “tất cả công dân chống lại” chế độ chuyên chế và kêu gọi chính phủ “trả lại quyền lực cho người dân” trên YouTube – một nền tảng mạng xã hội bị cấm ở Trung Quốc.
Việc Fang Bin, Zhang Zhan và ít nhất hai nhà báo công dân khác bị mất tích đã thu hút sự chú ý của truyền thông thế giới.
Mặc dù Fang Bin và vợ anh là Feng Yunqing được biết đến như hai nhà hoạt động kỳ cựu và cũng là hai người tập Pháp Luân Công, nhưng những người kêu gọi trả tự do cho anh đã ngần ngại khi đề cập đến đức tin này. Cuộc đàn áp Pháp Luân Công vẫn đang tiếp diễn, và họ e sợ rằng anh có thể bị bỏ tù không phải vì những phát biểu trên mạng xã hội, mà vì đức tin của mình, hoặc anh cũng có thể phải đối mặt với những ngược đãi và tra tấn từ phía cảnh sát – điều mà cô Feng Yunqing đã phải trải qua.
Cô Feng từng làm những video về các cuộc đàn áp Pháp Luân Công, Kitô giáo, và những nhà hoạt động nhân quyền, rồi đăng tải chúng lên mạng. Một số video cô làm đã gây ảnh hưởng rộng rãi trên mạng xã hội WeChat của Trung Quốc. Vào tháng 5 năm 2017, cô Feng bị công an bắt giữ. Cô bị bỏ tù 7 năm 6 tháng và vẫn đang bị giam trong Nhà tù Nữ Vũ Hán cho đến nay.
Người ta biết rất ít về hoàn cảnh của Fang Bin cho đến khi anh ra tù vào ngày 30 tháng 4 năm 2023. Anh đã bị bỏ tù 3 năm vì tội “gây gổ và gây rắc rối”. Chính nhờ sự quan tâm liên tục của quốc tế đối với vụ án mà Fang Bin đã không bị chính quyền tuyên án nặng hơn nhiều bằng tội “kích động lật đổ”.
Fang Bin và Feng Yunqing không phải là 2 cá nhân quá xa lạ gì đối với chính quyền cộng sản Trung Quốc. Họ đều là nạn nhân trong cuộc đàn áp Pháp Luân Công vẫn tiếp diễn kể từ năm 1999 tại quốc gia này.
Tháng 7 năm 1999, khi hai vợ chồng với thu nhập cao đang sống yên ổn cùng cậu con trai nhỏ tại một ngôi làng mang tên “Hạnh phúc” ở Bắc Kinh thì cuộc đàn áp Pháp Luân Công chính thức bắt đầu, lấy đi tất cả hạnh phúc gia đình họ.
Vào tháng 8 năm 1999, khi con trai mới lên 3 tuổi, cô Feng bị bắt giữ vì đức tin lần đầu. Cô được thả sau 15 ngày, nhưng kể từ đó gia đình đã bị cưỡng bức trục xuất, quấy rối, và ly tán.
Fang Bin bị kết án lao động cải tạo 2 lần vào năm 2000 và 2004, tổng cộng 5 năm.
Trước khi bị giam giữ vào năm 2017, cô Feng đã bị kết án lao động cải tạo 3 lần năm 2001, 2003 và 2007, tổng cộng l8 năm.
Điều gì đã khiến họ gặp rắc rối này? Gặp gỡ những người tập Pháp Luân Công khác; sở hữu hoặc chia sẻ tư liệu Pháp Luân Công; viết bài cho báo chí nước ngoài…
Con trai Liangliang của hai vợ chồng cũng bị tước đoạt mất tuổi thơ. Một người bạn của hai vợ chồng nhớ lại:
“Khi mẹ cậu ấy bị bắt đi năm 2003, Liangliang, mới 7 tuổi, đã chứng kiến cảnh tượng kinh hoàng. Cậu bé chặn cửa không cho cảnh sát vào. Cậu la hét và cầu xin những người đàn ông đừng bắt mẹ đi. Khi còn nhỏ như vậy, cậu đã chứng kiến hiện thực tàn khốc về việc cha và mẹ bị bắt đi rất nhiều lần, khiến trái tim bé nhỏ đó bị tổn thương rất lớn”.
Cho đến hôm nay, cha, mẹ và con trai vẫn sống ở ba nơi, ít có khả năng đoàn tụ. Fang Bin vẫn bị giám sát chặt chẽ kể từ khi ra tù. Cô Feng đã bị chính quyền từ chối thăm thân. Liangliang được người thân nuôi nấng.
“Đây là cuộc sống gia đình hạnh phúc của chúng tôi khi ở Bắc Kinh. Bây giờ chúng tôi buộc phải xa nhau. Giờ đây gặp được nhau đã là một việc khó khăn rồi”.
Fang Bin, 27 tháng 8 năm 2023
Câu chuyện của Fang Bin và gia đình anh là một câu chuyện điển hình về việc phản kháng áp bức dưới sự chuyên chế của một chế độ độc tài. Fang Bin và vợ không phải là những nhà hoạt động duy nhất bị trừng phạt vì bảo vệ một cách ôn hòa các quyền cơ bản của con người, bao gồm cả quyền tự do tín ngưỡng. Nghệ sĩ Xu Na và 10 người bạn của cô đã bị bỏ tù sau khi đưa lên mạng những bức ảnh chụp cảnh ở Bắc Kinh trong chính sách Zero-Covid kể từ tháng 7 năm 2020. (Xem bài: Nữ nghệ sĩ Bắc Kinh bị tra tấn trong tù: “Tôi thà bị giam bởi phát-xít”)
Nhiều người tập Pháp Luân Công bị chế độ bắt giam đã bị từ chối tiếp cận cố vấn pháp lý.
Các luật sư nhân quyền dám đại diện cho họ cũng bị tước bỏ giấy phép hành nghề (Xem thêm: Cuộc đời luật sư Cao Trí Thịnh: Dũng khí vượt qua sợ hãi).
Đã có nhiều báo cáo về việc người tập Pháp Luân Công chết vì bị tra tấn trong tù hoặc sau khi ra tù (Xem thêm: Khuôn mặt Cao Dung Dung và mặt thật của một cuộc bức hại tại TQ).
Thậm chí người thân của họ cũng bị liên lụy trong cuộc đàn áp (Xem thêm: TQ: Vợ tù nhân lương tâm bị bức hại đến chết vì muốn tìm kiếm công lý).
Theo CSW (forbinfull.org)
Minh Nhật biên tập
Xem thêm:
- Lá thư của con gái tìm kiếm công lý cho cha bị tù và mẹ đã khuất
- Bé gái 6 tuổi mồ côi, là nạn nhân bị đàn áp từ trong bụng mẹ
Mời xem video:
Từ khóa Dòng sự kiện cuộc sống sau bức hại