Trung Quốc năm 2024 nổi bật với nhiều vấn đề xã hội tồi tệ như: số lượng lớn nhà máy đóng cửa, nạn thất nghiệp bùng nổ, số lượng các cuộc biểu tình phản kháng tăng kỷ lục, nhiều loại virus đồng thời lây lan, tai nạn cháy nổ, chém người bừa bãi, lái xe đâm vào đám đông người (trả thù xã hội) tăng mạnh… Cùng Vision Times và Trí Thức VN điểm lại 10 sự kiện nổi bật của Trung Quốc trong năm qua.
Ngày 28/8, một nữ tài xế 38 tuổi ở Thanh Đảo – Sơn Đông đã lái xe địa hình Land Rover chạy ngược chiều và tông vào xe buýt. Sau vụ đụng xe, nữ tài xế điên cuồng chửi bới anh lái xe buýt 26 tuổi, thậm chí còn tát anh này hơn 10 cái khiến mũi và miệng anh chảy máu. Người phụ nữ còn hét lên, “Tao ngược chiều thì sao? Tao đánh mày thì sao?” “Mày gọi cảnh sát đi!” Tuy nhiên, tài xế tên Lâm (Lin, là quân nhân giải ngũ) đã không đánh trả.
Cảnh sát Thanh Đảo thông báo vào ngày 29/8 rằng nữ tài xế tên Vương (Wang) đã bị giam giữ hành chính trong 10 ngày và bị phạt 1000 nhân dân tệ (khoảng 3,6 triệu Việt Nam). Mức phạt này đã gây làn sóng giận dữ của công chúng, mọi người cho rằng hình phạt quá nhẹ này là vì Vương có quan hệ quyền lực lớn, sau đó cộng đồng mạng phanh phui cô ta là công chức và là người tình của lãnh đạo công an địa phương.
Sau đó liên tục có tin tức trên mạng rằng một số lượng lớn quân nhân từ khắp Trung Quốc đã đến Thanh Đảo để “đòi công lý cho đồng chí Tiểu Lâm!” Ông Khổng, một cư dân Thanh Đảo, nói với Đài RFA rằng bản thân ông cũng từng bị đánh đập, những người bình thường như họ bị đánh cũng không dám đánh trả vì sẽ bị bắt. Ông nói, “luật pháp Trung Quốc ứng xử với kẻ có thế lực khác với người dân thường”.
Sáng ngày 18/9, một học sinh tiểu học 10 tuổi của trường Nhật Bản ở Thâm Quyến tỉnh Quảng Đông được mẹ đưa đến trường, khi còn cách trường 200 mét bị một người đàn ông 44 tuổi đâm nhiều nhát dao, ngày hôm sau cậu bé qua đời. Lúc xảy ra vụ việc, hai tay của người mẹ dính đầy máu, cô than khóc “con tôi rốt cuộc đã làm gì sai”, “cứu tôi với” (cha của cậu bé là người Nhật, mẹ là người Trung Quốc).
Một nhân chứng cho biết, cậu bé nằm bất động trong một vũng máu lớn với đôi mắt mở to, một người phụ nữ nghi là mẹ của cậu đang than khóc bên cạnh, một số người qua đường đã hô hấp nhân tạo cho cậu bé. Con gái của nhân chứng lúc đó nghe nhân viên hiện trường than thở rằng cậu bé bị thương nặng, bụng bị dao đâm lộ ruột ra ngoài.
Thông báo của cảnh sát sau đó không hề đề cập đến việc cậu bé bị hại là học sinh của trường Nhật Bản ở Thâm Quyến, cũng không đề cập quốc tịch Nhật Bản của cậu bé, họ tuyên bố đã bắt được thủ phạm. Nhưng tin tức này khiến người dân Nhật Bản và các chính trị gia Nhật Bản bị sốc, họ đã ngay lập tức phản ứng, thúc giục nhà chức trách Trung Quốc đảm bảo an toàn cho người Nhật tại Trung Quốc.
Bởi vì ngày xảy ra vụ án là 18/9 (ngày Nhật Bản xâm lược Trung Quốc năm 1931) nên dư luận nghi ngờ rằng vụ việc là do tâm lý thù địch. Mặc dù truyền thông chính thức của Trung Quốc đã chặn các tin tức liên quan, nhưng nhiều người dân Thâm Quyến vẫn tự phát đến hiện trường đặt hoa viếng. Một số người thẳng thắn lên án giáo dục thù hận của ĐCSTQ trong thời gian dài đã dẫn đến hậu quả xấu xa này. Nhưng cơ quan chức năng vẫn tuyên bố như mọi khi rằng vụ việc là “trường hợp cá biệt”.
Halloween (gốc ở phương Tây) năm 2024 được giới trẻ Trung Quốc biến thành lễ hội hóa trang bày tỏ sự bất mãn với ĐCSTQ. Hoạt động Halloween đáng chú ý ban đầu tại Thượng Hải, sau đó là những nơi khác như Quảng Châu, Hàng Châu…
Mặc dù chính quyền Thượng Hải vào hôm 25/10 bắt đầu kiểm soát chặt chẽ và bắt giữ hàng loạt người, nhưng vẫn không thể ngăn cản mong muốn được thể hiện tự do của người dân. Tại địa điểm tổ chức sự kiện Halloween ở Thượng Hải, các hóa trang từ “Đức Phật”, “Hoàng đế” đến “Trump”… đều bị cảnh sát đưa đi, công viên cũng tuyên bố đóng cửa trước. Nhưng khi công viên đóng cửa thì giới trẻ hóa trang lại đi ra phố và đến ga tàu điện ngầm.
Vào tối ngày 26/10 ở công viên Trung Sơn, Thượng Hải, rất đông người đến chơi Halloween, trong đám đông có một phụ nữ hét lên “tự do” và được đông đảo người dân tại hiện trường hưởng ứng. Người phụ nữ này sau đó đã bị cảnh sát bắt đi.
Giới trẻ ở Hàng Châu và Quảng Châu cũng tổ chức Halloween, cộng đồng mạng cho biết nhiều người hóa trang đã bị cảnh sát bắt giữ. Đáng chú ý là sự kiện mô phỏng “mổ cướp nội tạng sống”, có hơn chục nam nữ thanh niên biểu diễn dưới hình thức nhảy múa, thu hút lượng lớn người xem.
Đạp xe ban đêm đến Khai Phong đã trở thành trào lưu từ tháng 6 năm nay, ban đầu 4 nữ sinh đại học ở Trịnh Châu – Hà Nam đã đạp xe 5 tiếng từ Trịnh Châu đến Khai Phong (hơn 50 km) để “trải nghiệm Khai Phong”. Sau đó, họ chia sẻ lên nền tảng video ngắn, gây chú ý và được nhiều người bắt chước. Số lượng người tham gia ngày càng tăng lên.
Chính quyền Khai Phong từng thông báo rằng một số khu vực danh lam thắng cảnh mở cửa miễn phí cho sinh viên đại học vào ban đêm.
Sau khi tin tức về “đạp xe đêm đến Khai Phong” được lan truyền, nhiều sinh viên đại học ở Bắc Kinh, Tây An, Hợp Phì, Nam Dương và Hứa Xương (Hà Nam)… đã đến Trịnh Châu bằng máy bay, đi tàu cao tốc để “đạp xe đêm đến Khai Phong”. Rất nhiều nhân vật xã hội, người nổi tiếng trên mạng, cựu chiến binh cũng tham gia. Quy mô đoàn xe đêm ngày càng lớn, hôm 2/11 có hàng chục ngàn người đạp xe đêm, ngày 8/11 đạt đến đỉnh điểm khoảng hơn 200.000 người, đội quân đạp xe liên tục hàng chục km. Ngày 10/11, các ngã tư ở Trịnh Châu bắt đầu có cảnh sát canh gác, cấm xe không có động cơ đi trên đường, sau đó sinh viên đại học chuyển sang “đi bộ đến Khai Phong”.
Phong trào chỉ trong một thời gian ngắn đã lan rộng khắp, sinh viên ở Trịnh Châu không chỉ đạp xe đêm đến Khai Phong, họ còn treo cờ “tự do”. Sinh viên đại học ở những nơi khác như Thiên Tân, Vũ Hán, Nam Kinh, Hợp Phì, Thành Đô… cũng phát động phong trào “cưỡi xe đêm”, từng có 6 sinh viên đại học Thiên Tân chạy xe đạp 109 km đến Thiên An Môn ở Bắc Kinh.
Hoạt động đạp xe đêm đến Khai Phong của hàng trăm ngàn sinh viên đại học ở Trịnh Châu (được dân gian gọi là “cuộc cách mạng đi xe đạp”) đã khiến ĐCSTQ lo ngại. Sau đó họ tiến hành kiểm soát giao thông, các trường đại học ở Hà Nam vội vàng tuyên bố đóng cửa, một loạt biện pháp kiểm soát được công luận ví là lệnh cấm hoàn toàn của cấp cao ĐCSTQ, thậm chí còn được coi là “sự kiện chính trị”.
Có bình luận cho rằng làn sóng này còn sôi sục và lôi cuốn hơn “Phong trào Giấy trắng”.
Tối 11/11 xảy ra vụ tai nạn lái xe nghiêm trọng tại Trung tâm thể thao quận Hương Châu thành phố Chu Hải, tỉnh Quảng Đông. Thủ phạm 62 tuổi họ Phàn (Fan) đã lái một chiếc xe địa hình màu đen lao vào trung tâm thể thao và đâm bừa bãi vào nhiều người dân đang tập thể dục. Theo thông báo chính thức, 35 người đã chết sau khi cứu chữa không thành, và 43 người bị thương.
Thảm họa đau đớn này đã làm dấy lên thảo luận rộng rãi trong và ngoài Trung Quốc.
Theo mô tả của các nhân chứng, vào tối hôm đó có 6 đội đi bộ tập trung tại sân vận động của trung tâm thể thao, khoảng 300 người xếp hàng để tập thể dục, những người đi bộ này chủ yếu là cư dân gần đó trong độ tuổi từ 40 – 70. Bất ngờ một chiếc xe địa hình lao vào trung tâm thể thao và đâm người đi bộ từ phía sau, hiện trường trong phút chốc vô cùng hỗn loạn…
Cảnh sát Chu Hải kết luận rằng hung phạm hành động vì không hài lòng với việc phân chia tài sản ly hôn. Nhưng nhiều cư dân mạng chất vấn, trong khi hung thủ tự tử không thành đang nằm viện không thể lấy lời khai, thì tại sao cảnh sát lại nhanh chóng đưa ra kết luận như vậy? Đối với tuyên bố của cảnh sát rằng 35 người đã chết, tính xác thực của con số này cũng bị nhiều người đặt câu hỏi.
Trong bối cảnh nhà chức trách kiểm soát chặt chẽ tin tức, phóng viên BBC đến hiện trường để phỏng vấn nhưng bị những công dân không rõ danh tính ngăn chặn. Phóng viên của TBS Nhật Bản cũng cho biết khi quay phim tại hiện trường đã bị bao vây bởi những người tự xưng là cư dân địa phương, sau đó anh bị đưa đến đồn cảnh sát và phải xóa tất cả tư liệu.
Reuters đưa tin, cơ quan chức năng Trung Quốc đã cố gắng ngăn chặn người dân tự phát đến viếng bày tỏ thương tiếc nạn nhân, chính quyền thành phố Chu Hải đã dọn dẹp nến và hoa mà người dân mang đến tưởng niệm người đã chết. Ngày thứ 3 sau thảm họa, vẫn còn có một số người đi xe máy đến bên ngoài sân vận động để đặt hoa, nhưng vừa đặt xuống thì bị lấy đi ngay lập tức, một số thậm chí còn chưa kịp đặt xuống đã bị nhân viên an ninh lấy đi.
Ngày 27/12, cơ quan chức năng tuyên án tử hình đối với thủ phạm Phàn Duy Thu (Fan Weiqiu).
Lý Mộc Tử, Vision Times
Xem thêm:
Nhiều người đã bị mất tiền khi chuyển tiền cọc mua vé máy bay giá…
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chưa có thông tin chính thức và phía…
Tờ Globe & Mail của Canada đưa tin vào Chủ Nhật (5/12), trích dẫn ba…
Những người mắc chứng ngưng thở khi ngủ có xu hướng bị lão hóa nhanh…
6 triệu giàn pháo hoa sẽ được Nhà máy Z121 (Tổng cục Công nghiệp Quốc…
Đường dây này đã làm giả hàng nghìn giấy tờ, tài liệu các loại cho…