Người Trung Quốc chỉ trích 10 tin tức hàng đầu do truyền thông đảng bình chọn
- Bình Minh
- •
Các kênh truyền thông của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã công bố “10 tin tức hàng đầu trong nước năm 2024″. Nhiều cư dân mạng chỉ trích truyền thông chính phủ cố tình tạo ra ảo tưởng về hòa bình và thịnh vượng, cho rằng đó chỉ là “tự đề cao, lừa dối thế giới và lừa dối nhân dân”.
Phần lớn trong số 10 tin tức hàng đầu đó là hoạt động của lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình và các quan chức cấp cao. Tuy nhiên, những thảm họa lớn như vụ va chạm ô tô ở Chu Hải khiến 35 người chết và vụ sập đường cao tốc Mai Châu-Đại Phố gây chấn động mọi tầng lớp xã hội lại không được bình chọn.
Như thường lệ vào ngày 29/12, Tân Hoa Xã của ĐCSTQ công bố top 10 tin tức trong năm. Tương tự như những năm trước, ĐCSTQ và ông Tập Cận Bình vẫn là chủ đề chính của top 10 tin tức, xen kẽ với những đột phá trong lĩnh vực hàng không vũ trụ và các lĩnh vực khoa học công nghệ khác.
“Top 10 tin tức trong nước” này, tập trung vào việc quảng bá “thành tựu chính trị” của ĐCSTQ, cùng “thành tích” và “chiến lược” của ĐCSTQ, như “toàn đảng kiên quyết thực hiện giáo dục kỷ luật đảng”, “người đứng đầu ngoại giao nhà nước viết một chương mới hoành tráng”, v.v.. Ngay cả lễ kỷ niệm 75 năm thành lập ĐCSTQ cũng được coi là một tin tức lớn.
Về sinh kế của người dân, một kế hoạch cải cách hưu trí bị trì hoãn đã được đề xuất. ĐCSTQ cũng triển khai một gói chính sách khuyến khích sinh con.
10 tin tức trong nước hàng đầu năm 2024 do CCTV lựa chọn cũng ca ngợi “thành tựu” của ĐCSTQ và các nhà lãnh đạo.
10 tin tức hàng đầu trong năm của 2 cơ quan ngôn luận lớn của ĐCSTQ đã thu hút sự phàn nàn của cư dân mạng.
Một số người chỉ trích rằng vào năm 2024, vụ hỏa hoạn tại quận Du Thủy, Tp. Tân Dư, tỉnh Giang Tây khiến 39 người thiệt mạng và 9 người bị thương, vụ lở đất trên đường cao tốc Mai Châu-Đại Phố khiến 48 người thiệt mạng và 30 người bị thương, vụ va chạm ô tô ở Trung tâm thể thao Chu Hải khiến 35 người thiệt mạng và 43 người bị thương… đều không được chọn vào top 10 tin tức hàng đầu.
Truyền thông nhà nước bị nghi ngờ cố tình che đậy sự bất mãn của người dân và tạo ra ảo tưởng về hòa bình, thịnh vượng.
Một số cư dân mạng để lại lời nhắn: “Đây có được coi là tin tức không? Chi bằng nói rằng đó là tuyên truyền từ một cơ quan ngôn luận.”
“Không liên quan gì đến nhân dân bách tính. Đảng này đã hoàn toàn tách biệt khỏi nhân dân. Ngay cả Thái Tổ và Cao Tổ cũng thở dài khi họ nhìn thấy nó.”
“Giả dối! Khoác lác! Trống rỗng! Xin lỗi, dưới khán đài đã không còn khán giả nữa rồi.”
“Top 10 tin mờ ám cấp cao hàng đầu.”
“Bán hàng khoe khoang, lừa gạt thiên hạ, lừa gạt người dân.”
“Hầu như đều là tin tức tự đề cao trong nội bộ đảng và nhà nước”.
Cư dân mạng đã cung cấp cho Đài Á Châu Tự do “Top 10 bản tin của người dân“, bao gồm vụ va chạm xe địa hình ở Chu Hải, sự kiện trộn dầu công nghiệp và dầu ăn, việc thay đồng hồ xăng ở nhiều nơi khiến tiền thanh toán tăng đột biến, vụ đạp xe đến Khai Phong vào ban đêm của 100.000 sinh viên đại học Trịnh Châu, vụ sát hại một học sinh Nhật Bản ở Thâm Quyến, vụ án Lý Nghi Tuyết, một phụ nữ Giang Tây bị đưa vào bệnh viện tâm thần vì vạch trần vụ án mờ ám của bệnh viện tâm thần, cảnh sát ở nhiều nơi thực hiện hoạt động “đánh bắt xa bờ” để tạo thu nhập, đóng cửa khoảng 2 triệu nhà hàng ở Trung Quốc, v.v.
Theo báo cáo, những sự kiện nêu trên đã làm nổi bật mối lo ngại rộng rãi của công chúng về an toàn, sức khỏe và áp lực kinh tế. Những lo ngại này không chỉ bộc lộ những lỗ hổng pháp lý và mâu thuẫn giữa chính phủ và công chúng, mà còn làm dấy lên nghi ngờ mạnh mẽ của xã hội về tính minh bạch của việc thực hiện chính sách.
Cuối năm 2024, mười nhà quan sát Trung Quốc được Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) phỏng vấn đã phân tích Trung Quốc Đại Lục năm 2024 từ nhiều khía cạnh như kinh tế, chính trị, xã hội và sinh kế của người dân.
Nhà kinh tế học Hứa Thành Cương (Chenggang Xu) cho biết: “Có những cuộc khủng hoảng ở khắp mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế và xã hội. Những khó khăn nghiêm trọng liên tiếp ập đến với ĐCSTQ.”
Ông Hứa Thành Cương chỉ ra rằng trên thực tế, các cuộc khủng hoảng đã bùng phát trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế tài chính. Cả thế giới đã chứng kiến điều đó.
Khác với nền kinh tế thị trường, những kẻ cầm quyền của ĐCSTQ sử dụng các biện pháp hành chính để kiểm soát và đóng băng thị trường, khiến cuộc khủng hoảng tài chính trở nên trầm trọng hơn một cách chậm rãi và từ từ. Sự suy thoái này chắc chắn đang diễn ra.
Tình trạng dư thừa công suất lớn đã tác động đến thị trường quốc tế, sau đó quay trở lại ảnh hưởng đến xã hội Trung Quốc. Đồng thời, chính quyền cũng hạn chế nghiêm ngặt quyền tự do ngôn luận và các quyền cơ bản của con người, gây ra nhiều cuộc khủng hoảng xã hội.
Ông Ha Kim (Ha Jin), nhà văn kiêm giáo sư người Mỹ gốc Hoa tại Đại học Boston, đã mô tả Trung Quốc vào năm 2024 là một “sự suy bại”.
Theo quan điểm của ông, cách đây vài năm Tập Cận Bình và nhóm của ông ấy đã hồ đồ khi cho “con tàu Trung Quốc” đi vào vùng nguy hiểm, nhưng giờ đây con tàu này rõ ràng đã lao vào một tảng băng trôi. “Con tàu này đã bị va đập và hư hỏng khắp nơi. Nếu không xử lý tốt, cả con tàu có thể bị chìm.“
“Những gì ĐCSTQ đang làm cho thấy vận số của họ đã tận. Nếu không thay thế ông Tập Cận Bình, thì cả nước sẽ nguy khốn, sẽ thực sự suy bại, không chừng sẽ tuột dốc không phanh, không thể ngăn cản.”
Ông ấy nói: “Là một người bình thường, hãy coi trọng cuộc sống và sinh kế hơn. Đừng nghe những lời tuyên truyền (của chính phủ), bởi vì nhiều lời tuyên truyền đều là dối trá.”
Toronto Big Face, một blogger chính trị hiện đang sống ở Canada, nói: “Nếu tôi có thể tóm tắt năm 2024 của Trung Quốc bằng một từ thì tôi nghĩ đó sẽ là ‘cực đoan’”.
Ông cho rằng vào năm 2024, với tình hình kinh tế Trung Quốc suy thoái, các xung đột xã hội sẽ tiếp tục gia tăng và ngày càng có nhiều hành vi cực đoan (đâm chém người bừa bãi) xảy ra trong người dân. Hiện nay nạn nhân bao gồm học sinh, công dân, người nước ngoài và quan chức chính phủ.
Ông Ngô Quốc Quang (Wu Guoguang), nhà khoa học chính trị kiêm nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Thể chế và Kinh tế Trung Quốc tại Đại học Stanford, Hoa Kỳ, sử dụng từ “sụp đổ” để mô tả Trung Quốc vào năm 2024.
Ông nói: “Nền kinh tế Trung Quốc đang suy thoái. Năng lực quản lý của chính phủ ngày càng suy giảm. Niềm tin của người dân Trung Quốc vào tương lai ngày càng suy giảm. Trật tự xã hội và đạo đức xã hội đang sụp đổ.”
“Làm người Trung Quốc không hề dễ dàng.” Theo quan điểm của ông, Trung Quốc vào năm 2024 sẽ “không có mặt trời, không có những điều mới mẻ, chỉ có khói bụi và bóng tối”. Nếu phải dùng một từ để miêu tả thì đó sẽ là “sụp đổ”.
Ông Ngô Quốc Quang chỉ ra rằng sự hỗn loạn hiện nay ở Trung Quốc là hậu quả tích lũy của việc chế độ Tập Cận Bình nắm quyền trong vài năm qua. Sau khi dịch viêm phổi Vũ Hán (phong tỏa COVID-19) kết thúc, ban đầu người dân hy vọng nền kinh tế sẽ phục hồi và xã hội sẽ trở lại quỹ đạo bình thường, nhưng những kỳ vọng đó đã không thành hiện thực.
Không phải chính quyền không muốn cải thiện nền kinh tế, mà họ quan tâm nhiều hơn đến việc giữ quyền lực trong tay. Cơ cấu chính trị và đường lối quản lý không vì lợi ích của người dân.
Ông nói: “Ngày càng có ít hy vọng. Đây là những gì tôi thấy ở Trung Quốc vào năm 2024.”
Janet Tian, một nhà truyền thông từ Trung Quốc Đại Lục, cho biết vào năm 2024, “môi trường vĩ mô, suy thoái kinh tế, môi trường dư luận đặt an ninh quốc gia lên hàng đầu, niềm tin vô hình về khả năng sinh sản và con đường tương lai không chắc chắn của Trung Quốc dường như là những dòng chảy của thời đại mà mỗi cá nhân khó có thể thay đổi. Chúng dường như là một vòng xoáy khổng lồ không thể tránh khỏi.”
Cư dân mạng “free…ha” cho rằng: “Hãy cố gắng sống hết mình. Có những thứ nhất thời không thể thay đổi được. Càng vùng vẫy, càng đau đớn. Hãy liệu cơm gắp mắm và chờ đợi ngày mai tươi sáng sẽ đến.“
Từ khóa Xã hội Trung Quốc Trung Quốc 2024