Trong suốt thời gian hơn ba tháng diễn ra chiến dịch biểu tình phản đối Dự luật dẫn độ của đông đảo người dân Hồng Kông, lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình luôn giữ im lặng, nhưng mới đây ông Tập đã lần đầu phát biểu công khai về vấn đề Hồng Kông. Có quan điểm chỉ ra phát biểu chậm chạp này cũng đầy mơ hồ theo đúng phong cách của quan chức ĐCSTQ.
Theo CCTV (Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc), trong bài phát biểu tại lễ kỷ niệm 70 năm thành lập Chính hiệp ĐCSTQ vào hôm 20/9, ông Tập Cận Bình cho biết: “Cần hướng dẫn các ủy viên Hồng Kông và Macao ủng hộ chính quyền Đặc khu hành chính và Trưởng Đặc khu điều hành theo luật pháp, đồng thời phát triển tăng cường tình yêu nước yêu Hồng Kông và Ma Cao. Phải đẩy mạnh giao lưu quan hệ với đông đảo các giới của đồng bào Đài Loan giúp tăng cường hội nhập giữa hai bờ eo biển. Cần thu hút kiều bào tham gia vào hoạt động của Chính hiệp. Cần tích cực phát triển giao lưu đối ngoại.”
Trong đó, phát biểu “Cần hướng dẫn các ủy viên Hồng Kông và Macao ủng hộ chính quyền Đặc khu hành chính và Trưởng Đặc khu điều hành theo luật pháp, đồng thời phát triển tăng cường tình yêu nước yêu Hồng Kông và Ma Cao” được cho là tuyên bố công khai đầu tiên của ông Tập Cận Bình về vấn đề Hồng Kông.
Chiến dịch biểu tình chống Dự luật dẫn độ của người dân Hồng Kông kéo dài hơn ba tháng qua đã thu hút sự chú ý trên toàn thế giới, đi cùng cơn thịnh nộ của người Hồng Kông không ngừng gia tăng, gần đây Hoàng Chi Phong và ca sĩ Hà Vận Thi của Hồng Kông đã tới Washington thúc đẩy Quốc hội Mỹ thông qua Đạo luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông, động thái được cho là đã gây áp lực đối với Bắc Kinh và Chính phủ Hồng Kông.
Trong ứng xử với cuộc khủng hoảng chính trị diễn biến nhanh chóng này ở Hồng Kông, động thái của Bắc Kinh luôn có vẻ đầy từ tốn và kiềm chế. Hồi tháng Sáu, Bắc Kinh cho phép Trưởng Đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) tạm đình chỉ Dự luật dẫn độ, nhưng từ chối rút lui hoàn toàn. Sự nhượng bộ phản ánh bản năng cứng rắn của chính quyền Bắc Kinh đã kéo theo hoạt động kháng nghị quy mô lớn hơn. Trên thực tế, động thái từ bỏ Dự luật dẫn độ gần đây của bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga đã bị những người kháng nghị xem là quá muộn.
Về phía ĐCSTQ, cho đến ngày 6/9, khi Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và Thủ tướng Đức Merkel tổ chức họp báo chung thì mới thấy quan chức cấp cao Bắc Kinh đưa ra tuyên bố đầu tiên về vấn đề Hồng Kông.
Trong phát biểu tại họp báo, ông Lý Khắc Cường cũng vẫn thể hiện nhất quán với quan điểm của ĐCSTQ khi khẳng định lại “’một quốc gia, hai chế độ’, người Hồng Kông quản trị Hồng Kông, tự trị cao độ” là nguyên tắc bất biến, cũng nhắc lại rằng Bắc Kinh ủng hộ chính phủ Hồng Kông “ngăn chặn bạo lực theo luật pháp”.
Ngày 7/9, tờ New York Times của Mỹ đã công bố bài viết cho rằng, rõ ràng giới lãnh đạo cấp cao của ĐCSTQ không thống nhất trong cách đối phó với vấn đề Hồng Kông.
Bài viết trích dẫn ý kiến của Jean-Pierre Cabestan (giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Baptist Hồng Kông và là chuyên gia về các vấn đề chính trị của Trung Quốc) đặt nghi vấn rằng, dường như có tranh cãi tại Hội nghị Bắc Đới Hà giữa hai phe mềm mỏng nhượng bộ và phe yêu cầu hành động cứng rắn.
Bài viết đề cập minh chứng rõ ràng về chia rẽ quan điểm của giới chức cấp cao ĐCSTQ là phản ứng của Bắc Kinh trong việc bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga từ bỏ Dự luật dẫn độ: Ngày 3/9, quan chức cấp cao của Văn phòng Sự vụ Hồng Kông – Ma Cao của ĐCSTQ vẫn tuyên bố rằng sẽ không có bất cứ nhượng bộ nào đối với người biểu tình Hồng Kông, nhưng một ngày sau đó bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga đã tuyên bố công khai hủy bỏ hoàn toàn Dự luật dẫn độ, đồng thời cho biết quan điểm này cũng đã được Bắc Kinh chấp thuận. Sau tuyên bố của bà Lâm, cả Văn phòng Sự vụ Hồng Kông – Ma Cao cũng như Văn phòng Liên lạc ĐCSTQ cho đến Bộ Ngoại giao đều giữ im lặng không phản ứng gì.
Tờ New York Times cho rằng động thái im lặng của các quan chức hữu quan của ĐCSTQ trước tuyên bố hủy bỏ Dự luật dẫn độ của bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga cho thấy Bắc Kinh muốn hạn chế thảo luận công khai về vấn đề này tại Đại Lục. Điều lo lắng nhất của họ là việc người Hồng Kông đòi hỏi truy cứu trách nhiệm chính trị về Dự luật và thậm chí là đòi quyền bầu cử phổ thông đầu phiếu sẽ phổ biến khắp Đại Lục. Trong bùng phát biểu tình chống Dự luật dẫn độ này, Bắc Kinh đã phát động chiến dịch tuyên truyền với nhiều thông tin giả mạo nhằm chống lại người biểu tình và các nhà lãnh đạo phe đối lập ở Hồng Kông.
Không nghi ngờ gì, cho đến tuyên bố đầu tiên của ông Tập tại Hội nghị Chính hiệp hôm 20/9 vừa qua, chỉ ra “Cần hướng dẫn các ủy viên Hồng Kông và Macao ủng hộ chính quyền Khu hành chính đặc biệt và Trưởng Đặc khu điều hành theo luật pháp, đồng thời phát triển tăng cường tình yêu nước yêu Hồng Kông và Ma Cao” cũng vẫn là thái độ mơ hồ theo khuôn mẫu của quan chức ĐCSTQ.
Ông Ngô Cường, nhà phân tích chính trị Bắc Kinh, chỉ ra, vì không có cách nào tốt hơn để giải quyết cuộc khủng hoảng này, Bắc Kinh đã thực sự áp dụng chiến lược trì hoãn, “Cách nghĩ của Chính phủ là chờ mọi thứ tự thay đổi, chờ tự nó kết thúc”. Nhưng kết quả của trì hoãn là không chỉ không thể hóa giải hoặc kiểm soát được khủng hoảng, còn gây chia rẽ chính trị sâu hơn giữa chính quyền trung ương và nhiều người dân Hồng Kông.
Sự bất ổn ở Hồng Kông có thể gây thêm khó khăn cho Tập Cận Bình, đặc biệt là nếu vấn đề Hồng Kông làm trầm trọng thêm chia rẽ trong nội bộ ĐCSTQ trong những vấn đề khác. Hơn nữa, một khi Dự luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông được thông qua tại Quốc hội Mỹ, sẽ tác động mạnh vào quyền lực của ĐCSTQ trong hy vọng kiềm tỏa Hồng Kông. Có rất nhiều bất mãn trong ĐCSTQ về cách xử lý vấn đề Hồng Kông mơ hồ của ông Tập Cận Bình.
Giới quan sát cũng chú ý đến bài phát biểu của ông Tập Cận Bình vào hôm 3/9 tại Trường Đảng trung ương ĐCSTQ, trong bài phát biểu ông Tập đã hơn mười lần nhấn mạnh từ “đấu tranh”, đặc biệt trong câu hiếm thấy cho biết “Công tác Hồng Kông, Macao và Đài Loan phải đứng trước cuộc đấu tranh nghiêm trọng”.
Về vấn đề này, ông Lưu Mộng Hùng, cựu ủy viên Chính hiệp Trung ương ĐCSTQ khu vực Hồng Kông, đã chỉ ra rằng chính phủ Hồng Kông ra Dự luật dẫn độ, thực tế muốn phá bỏ bức tường “một quốc gia, hai chế độ”, khiến người Hồng Kông cảm giác lo lắng về nguy cơ bị mất tự do. Khi mọi người đều cảm thấy rằng đây là thời điểm nguy hiểm nhất đối với chính sách “một quốc gia, hai chế độ”, buộc họ phải thể hiện ý chí phản kháng mạnh mẽ bằng cách ra đường thị uy.
Từ đây, chiến dịch phản kháng của người Hồng Kông cũng đã ảnh hưởng đến quan hệ giữa Đại Lục – Đài Loan và quan hệ Trung-Mỹ, tầm quan trọng của vấn đề Hồng Kông, Macao và Đài Loan cũng theo đó tăng lên. Hệ quả là vị trí của vấn đề Hồng Kông, Macao và Đài Loan được chú trọng hơn trong công tác ngoại giao và xây dựng Đảng, cho thấy cuộc đấu tranh phản kháng của Hồng Kông đã đi vào chương trình nghị sự của Trung Nam Hải và được đặt ở vị trí trung tâm.
Trong buổi họp ngày 30/8, Bộ Chính trị ĐCSTQ đã quyết định tổ chức Hội nghị toàn thể lần 4 Khóa 19 ĐCSTQ vào tháng 10. Dù vậy giới quan sát có quan điểm cho rằng, do vấn đề Hồng Kông nên việc xác định thời điểm phiên họp này vẫn chưa thể chắc chắn.
Tuyết Mai
Xem thêm:
Theo ĐBQH Dương Minh Ánh, biện pháp tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với vàng…
Do có các sai phạm, khuyết điểm trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm…
Hôm Thứ Năm, ICC tuyên bố bắt các quan chức cao cấp của Israel quy…
Nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml dự kiến phải chịu thuế tiêu…
Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…
Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…