Trước tình hình chính trị, kinh tế và ngoại giao gần đây mà ông Tập Cận Bình phải đối mặt là phức tạp chưa từng có, liệu ông có thể thoát khỏi các khủng hoảng này và thuận lợi tái nhiệm hay không cũng là chủ đề thu hút nhiều thảo luận.
Theo Tân Hoa xã, cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ, ngày 7/4, Thủ tướng Lý Khắc Cường khi chủ trì hội nghị tọa đàm chuyên đề gồm các chuyên gia về tình hình kinh tế và doanh nhân, đã đề cập rằng tình hình thế giới hiện nay đang diễn biến rất phức tạp, dịch bệnh trong Trung Quốc gần đây thường xuyên bùng phát và một số yếu tố bất ngờ vượt quá dự kiến, dẫn đến bất ổn và thách thức lớn hơn đối với sự vận hành bình ổn của nền kinh tế.
Trong hội nghị, ông Lý cũng nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng của “sự ổn định”. Ông cho rằng việc giữ cho nền kinh tế hoạt động trong phạm vi hợp lý chủ yếu là ổn định việc làm và ổn định giá cả.
Tuy nhiên, ông Lý Khắc Cường cũng làm nhẹ mức độ nghiêm trọng của vấn đề kinh tế, ông nói rằng chính quyền Trung Quốc (Đảng Cộng sản Trung Quốc – ĐCSTQ) có lòng tin trong việc ứng phó.
Bình luận viên thời sự Chung Nguyên có bài viết nói rằng tại hội nghị, ông Lý đã nói về vấn đề khó khăn kinh tế, nhưng tuyên truyền của chính quyền Bắc Kinh luôn là đưa tin tốt thay vì tin xấu, hiện nay lại trong và ngoài Trung Quốc đều là tin xấu, nên chính quyền Bắc Kinh chỉ đành tự tạo ra những tin tức tốt để che đậy vấn đề. Điều có thể chắc chắn là tuyên truyền của chính quyền ĐCSTQ không có bất cứ tác dụng giúp đỡ gì đối với việc giải quyết hoàn cảnh khó khăn thực tế của xã hội Trung Quốc và giảm bớt hoàn cảnh khó khăn của người dân bình thường.
Giới quan sát đặc biệt chú ý đến lời ông Lý Khắc Cường đã nói trong một cuộc họp báo sau khi bế mạc Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc vào tháng Ba năm nay. Ông Lý nói rằng đây là năm cuối cùng của ông trên cương vị thủ tướng, đồng thời chỉ ra rằng tình hình kinh tế hiện nay vẫn còn phức tạp và trầm trọng, nhưng dưới sự lãnh đạo của ông Tập Cận Bình, nền kinh tế Trung Quốc sẽ có thể vượt qua khó khăn một cách thuận lợi.
Đài Á Châu Tự Do (RFA) cho rằng những nhận xét này cho thấy ông Lý Khắc Cường sẽ theo thông lệ trước đây, sẽ rời ghế sau khi làm đủ 2 nhiệm kỳ, nhưng ông Tập Cận Bình sẽ không rời ghế sau Đại hội 20 của ĐCSTQ, mà sẽ tiếp tục tại vị.
Tại một cuộc hội thảo được tổ chức bởi Quỹ Di sản (Heritage Foundation, một tổ chức tư tưởng bảo thủ ở Mỹ) vào ngày 7/4, ông Lâm Hòa Lập, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Quỹ Jamestown ở Mỹ và là giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Trung văn Hồng Kông, cho biết rằng ông Tập Cận Bình hiển nhiên sẽ tiếp tục giữ chức chủ tịch nước sau Đại hội 20 của ĐCSTQ, và rất có thể sẽ tiếp tục làm trong 10 năm nữa.
Ông Lâm Hòa Lập phân tích, những năm gần đây, ông Tập Cận Bình đã tăng cường đàn áp các “thái tử đảng” thuộc thế hệ sau của các nguyên lão ĐCSTQ cùng con cái của các cựu ủy viên Bộ Chính trị. Ví dụ, cuộc tấn công gần đây của chính quyền Bắc Kinh vào Tập đoàn hàng không Hải Hàng (HNA) và Tập đoàn bất động sản Hằng Đại (Evergrande) là để thanh trừng các thế lực khác trong đảng như phe của cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân. Nhiều kẻ thù chính trị của ông Tập Cận Bình đã bị đánh tan. Ông Tập hiện là thành viên duy nhất trong Ban Thường vụ Bộ Chính trị có toàn quyền kiểm soát “báng súng” và “cán dao” của ĐCSTQ. Không ai có thể lay chuyển được địa vị của ông.
Tuy nhiên, ông Lâm Hòa Lập dự đoán rằng ông Tập Cận Bình cũng sẽ có một số nhượng bộ sau Đại hội 20 của ĐCSTQ, phân một số ghế như thường ủy Bộ Chính trị, ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Trung ương cho cái gọi là “thế lực phản đối” trong nội bộ đảng. Phe ông Tập sẽ nắm giữ 3 trong số 7 ghế Thường vụ Bộ Chính trị, và không gian hoạt động của các phe phái khác ở cao tầng trong đảng sẽ bị giảm hơn nữa.
Tại hội thảo, ông Phó Sĩ Trác (Fu Shizhuo), giáo sư quan hệ quốc tế và chính trị học tại Đại học Boston cho rằng hiện vẫn chưa có bất cứ dấu hiệu nào cho thấy ông Tập Cận Bình sẽ đưa ra tín hiệu về người kế nhiệm tại Đại hội 20 của ĐCSTQ, do đó ông Tập sẽ tiếp tục hướng tới việc tái nhiệm.
Truyền thông Hồng Kông, tờ Minh Báo (Ming Pao) đã đăng một bài viết vào ngày 5/4, cho rằng vẫn chưa chắc chắn liệu ông Tập có tái đắc cử tại Đại hội 20 hay không. Bài viết cho rằng đến nay, chính quyền Bắc Kinh vẫn chưa biểu thị rõ hoặc ám thị về thông tin này.
Khủng hoảng ngoại giao nổ ra trong cuộc chiến Nga – Ukraine, cùng với sự bùng phát trở lại của đại dịch COVID-19 ở Trung Quốc, đã gây ra những thảm họa thứ cấp sau khi Thượng Hải bị đóng cửa, và ngày càng có nhiều người dân phẫn nộ. Tất cả những điều này được cho là sẽ gây nguy hiểm cho kế hoạch tái nhiệm của ông Tập Cận Bình. Nhưng đối với ông Tập, chiến lược “zero COVID động” là nguyên tắc phòng chống dịch bệnh do đích thân ông quyết định, nếu kế hoạch này bị chứng minh có thể bị thay thế, thì quyền thế của ông Tập nhất định bị ảnh hưởng. Vì vậy, ông Tập Cận Bình, người tích cực đưa ra chủ trương “chính sách zero COVID”, “biết rằng không thể thực hiện được nhưng vẫn cố làm”.
Bloomberg đưa tin, sự giận dữ ngày càng tăng của dân chúng có nguy cơ trở thành một trong những thách thức lớn nhất mà nhà lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc, ông Tập Cận Bình, phải đối mặt kể từ khi ông lên nắm quyền vào năm 2012. Hơn nữa, hiện giờ cũng chỉ còn vài tháng nữa là đến kỳ đại hội đảng 5 năm một lần được tổ chức vào mùa thu tới, tại đại hội này ông sẽ phá lệ khi có được nhiệm kỳ thứ 3.
Tiến sĩ Lâm Hiểu Húc nói với RFA rằng: “Nếu việc ngăn chặn dịch bệnh ở Thượng Hải thực sự ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế Trung Quốc, các phe phái khác nhau trong ĐCSTQ sẽ lấy điều này làm cái cớ để chỉ trích chính sách “zero COVID”, sẽ làm cho đấu đá trong nội bộ thêm kịch liệt hơn, làm tăng rủi ro cho việc tái nhiệm của ông Tập Cận Bình.”
Nhà bình luận thời sự Đường Tĩnh Viễn cho rằng trước Đại hội 20 của ĐCSTQ, đấu đá trong nội bộ ĐCSTQ vẫn còn kịch liệt. Gần đây trên mạng internet lan truyền một bài viết lấy danh nghĩa “cư dân mạng Trung Quốc”, phê bình ông Tập Cận Bình trong thời gian cầm quyền đã khiến kinh tế đi xuống, quan hệ quốc tế xấu đi v.v. Bài viết như thế này thực tế là do phe phái nào đó trong nội bộ đảng làm ra. Ông Đường cho biết, trong nội bộ đảng có một số phe phái chỉ muốn lật đổ ông Tập, để cho ĐCSTQ có được cơ hội sinh tồn “ve sầu thoát xác“, từ đó khiến lợi ích của những người có đặc quyền đặc lợi được bảo toàn.
Ông Hồ Bình, tổng biên tập danh dự của Tạp chí Mùa Xuân Bắc Kinh cho biết, khủng hoảng hiện nay có ảnh hưởng lớn đến Đại hội 20 của ĐCSTQ, nhưng nó không hẳn có thể đe dọa được ông Tập Cận Bình. Trước Đại hội 20, ông Tập liên tục mắc sai lầm và liên tiếp điều chỉnh, đối thủ càng có lý do để phản đối. Tuy nhiên, ĐCSTQ là một thể chế chuyên quyền độc đảng và độc tài cá nhân, trừ khi những người phản đối có thể phá vỡ sự bó buộc của chế độ, thì họ mới có thể đạt được mục đích của mình.
Quỹ Bảo tồn di sản văn hóa được thành lập để tiếp nhận nguồn viện…
Chứng khoán có dấu hiệu hồi phục nhưng thanh khoản vẫn duy trì ở mức…
Bắc Kinh đang chuẩn bị trở thành nước nhập khẩu nhiên liệu hạt nhân uranium…
Vì đại diện và biện hộ cho nhiều người tập Pháp Luân Công, ông Vương…
Ông Medvedev tuyên bố cuộc xung đột giữa Moskva và Kiev có thể nhanh chóng…
Mình bỗng nhận ra rằng không cần phải làm thuyết khách thuyết phục bất cứ…