Một quan chức trong Quốc hội Trung Quốc đang chuẩn bị giới thiệu dự luật mới tại phiên khai mạc kỳ họp Lưỡng hội của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trong tuần này, trong đó yêu cầu các cặp vợ chồng phải tham gia các lớp “đào tạo” về hôn nhân do chính phủ điều hành trước khi tổ chức đám cưới.
Hiện tại tỷ lệ ly hôn ở Trung Quốc không ngừng gia tăng, đặc biệt sau nhiều lần thực thi chính sách phong tỏa trong đại dịch COVID-19 từ năm 2020 đến nay. Số người đăng ký kết hôn cũng giảm mạnh.
Chính quyền ĐCSTQ cũng bày tỏ quan ngại nghiêm trọng khi tỷ lệ sinh ở nước này không hề tăng lên, bất chấp việc ông Tập Cận Bình đã hợp pháp hóa việc sinh hai con từ năm 2015. Trong suốt nhiều thập kỷ, ĐCSTQ chỉ cho phép các cặp vợ chồng sinh một con, ép buộc phụ nữ phải phá thai, triệt sản và thậm chí giết chết trẻ sơ sinh khi phát hiện họ mang thai lần thứ hai.
Hai cuộc họp chính trị thường niên quan trọng trong năm của Trung Quốc, thường được gọi là “Lưỡng hội” sẽ diễn ra từ ngày 4/3 đến ngày 10/3, trong đó sẽ các cuộc họp của Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (NPC) và Hội nghị hiệp thương chính trị nhân dân Trung Quốc (CPPCC).
Theo Hiến pháp Trung Quốc, NPC được cấu trúc như một cơ quan lập pháp đơn viện, với quyền lập pháp, quyền giám sát hoạt động của chính phủ, và quyền bầu cử các viên chức quan trọng của nhà nước. Cơ quan này thường thông qua các luật ủng hộ cộng sản mà không có nhiều tranh luận hoặc bất đồng. Trong khi đó, CPPCC là một cơ quan cố vấn nhằm phát tán thông điệp và chính sách của Đảng Cộng sản đến các quan chức địa phương và khu vực.
Đón đầu Lưỡng hội, Thời báo Hoàn cầu, một cơ quan tuyên truyền của nhà nước, đang nêu bật một số đề xuất chính mà các nhà lập pháp mong đợi sẽ thảo luận với các đồng nghiệp của họ. Trong số đó, có bà Chen Aizhu ở Chiết Giang, một đại biểu NPC, muốn đề xuất chính phủ tiến hành “đào tạo” bắt buộc cho công dân cách duy trì một cuộc hôn nhân lành mạnh trước khi tiến đến kết hôn.
Theo Thời báo Hoàn cầu, “Bà Chen cho rằng, việc thực hiện các khóa đào tạo về tiền hôn nhân là nhằm giúp nâng cao ý thức trách nhiệm của mọi người đối với gia đình, khuyến khích các cặp vợ chồng mới trung thành trong hôn nhân và trân trọng gia đình của họ. Bà cũng đề nghị các hiệp hội hôn nhân và gia đình tổ chức các khóa đào tạo cho những người trẻ tuổi trước khi tiến đến hôn nhân.”
Bà Chen nhận thấy rằng giới trẻ Trung Quốc ngày càng “cởi mở hơn” trong thái độ đối với các mối quan hệ, điều này khiến họ nghĩ rất thoáng trong việc ly hôn, và chính quyền Bắc Kinh có trách nhiệm đảo ngược xu thế đó.
Trên thực tế, chính quyền Trung Quốc đặt ra khá nhiều quy định nghiêm ngặt đối với hôn nhân nói chung. Thời báo Hoàn cầu đã kể ra một trong số các quy định đó như các cặp vợ chồng phải đợi 30 ngày để suy nghĩ sau khi đệ đơn đăng ký, sau đó mới được chính thức kết hôn; hay các cặp vợ chồng chỉ được có tối đa hai con. Thậm chí hồi tháng 12 năm ngoái, các đại biểu quốc hội còn soạn thảo một dự luật hạn chế lượng thức ăn mà các cặp đôi có thể sử dụng trong đám cưới, một phần trong chiến dịch chống lãng phí thực phẩm “Đĩa ăn sạch” của ông Tập Cận Bình.
Một số cư dân mạng và chuyên gia bình luận rằng, việc chính phủ tiến hành khóa “đào tạo” bắt buộc cho công dân trước khi kết hôn có thể dẫn đến tỷ lệ kết hôn giảm thấp hơn nữa.
“Trung Quốc đã liên tục chứng kiến tỷ lệ kết hôn giảm mạnh và tỷ lệ ly hôn gia tăng trong 8 năm qua,” Thời báo Hoàn cầu lưu ý. “Từ năm 2013 đến năm 2020, số lượng đăng ký kết hôn đã giảm từ mức cao kỷ lục 13,47 triệu xuống còn 8,13 triệu cặp vợ chồng, theo một báo cáo của Viện Nghiên cứu Evergrande của Đại học Thanh Hoa.”
Đặc biệt, tỷ lệ ly hôn ở Trung Quốc đã tăng vọt sau khi các biện pháp phong tỏa hà khắc của chính quyền được đẩy lên đỉnh điểm ở nhiều thành phố như Vũ Hán, nơi bắt nguồn của virus Trung Cộng. Nguyên nhân của tình trạng này là do các cặp vợ chồng đã bị trói buộc trong nhà suốt cả tháng trong thời gian phong tỏa, dẫn đến nhiều mâu thuẫn nảy sinh và không thể cứu vãn.
Hồi tháng 3/2020, Thời báo Hoàn cầu đã quan sát thấy sự gia tăng các vụ ly hôn ở Tây An, tỉnh Thiểm Tây. Xu thế này bắt đầu gần như ngay lập tức sau khi các văn phòng đăng ký kết hôn trong thành phố mở cửa trở lại. Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại Thượng Hải và Thâm Quyến.
Tháng 12 năm ngoái, nhiều tòa án Trung Quốc bắt đầu từ chối các vụ yêu cầu ly hôn. Trong một vụ án khét tiếng, một tòa án ở Thiểm Tây đã bác bỏ yêu cầu ly hôn của một người phụ nữ “bất chấp việc cô ấy tuyên bố thường xuyên bị chồng đánh đập và mắng nhiếc trong suốt 40 năm qua”.
“Tòa án nói với cô ấy rằng cô ấy nên trân trọng những năm tháng tuổi xế chiều của họ và vẫn có thể là một gia đình hạnh phúc nếu như biết tha thứ và giao tiếp tốt hơn.” Thời báo Hoàn cầu đưa tin, người chồng được cho là đã tuyên bố để bào chữa cho những hành vi lạm dụng của mình rằng “việc các cặp vợ chồng già đùa giỡn với nhau là chuyện bình thường”.
Các đợt phong tỏa trên toàn quốc nhằm ứng phó với đại dịch COVID-19 dường như còn dẫn đến sự sụt giảm tỷ lệ sinh hơn nữa. Các quan chức chính phủ đã ghi nhận 10 triệu ca sinh đẻ vào năm 2020, giảm 15% so với năm 2019. Trong khi đó năm 2016, ngay sau khi chính quyền hợp pháp hóa chính sách sinh hai con, có tới 17,86 triệu trẻ em được sinh ra.
Minh Ngọc
Xem thêm:
Cảnh sát Nhật Bản cho biết đã nộp đơn xin lệnh bắt giữ một thiếu…
Các đại biểu đồng thuận cho rằng máy điều hòa không phải mặt hàng xa…
Tối 20/11 một vụ đâm chém người đã xảy ra tại ký túc xá của…
Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự án nghị quyết của Quốc hội…
Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…
Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…