Trung Quốc “đau đầu” với tỷ lệ ly hôn tăng chóng mặt trong giới trẻ
- Hoài Anh
- •
Nhà chức trách Trung Quốc mạnh tay can thiệp trước tình trạng giới trẻ nước này ngày càng “bốc đồng” trong hôn nhân.
Luật hôn nhân mới có hiệu lực của Trung Quốc yêu cầu các cặp vợ chồng muốn ly hôn phải trải qua 30 ngày “nghĩ lại”, dùng thời gian này xem xét lại mối quan hệ và phải nộp đơn ly hôn lần thứ hai nếu vẫn không thay đổi quyết định.
Đây được xem là động thái khẩn cấp của giới chức Trung Quốc trước tình trạng số lượng đơn ly hôn tăng chóng mặt khiến hệ thống tư pháp quá tải và lo ngại về bất ổn xã hội, theo SCMP.
Tỷ lệ ly hôn của Trung Quốc tăng đột biến, đặc biệt trong giai đoạn dịch viêm phổi Vũ Hán lan tràn. Năm 2019, 4,7 triệu cặp vợ chồng đã ly hôn, trong khi con số này vào năm 2003 chỉ là 1,3 triệu cặp.
Tại Quảng Châu nhu cầu tham vấn với các luật sư ly hôn tăng cao bất chấp đại dịch khiến các văn phòng luật phải sử dụng thêm hình thức trực tuyến tính phí giá cao để giúp đỡ các cặp vợ chồng.
Nhà chức trách do đó tin rằng cần phải hành động và luật này sẽ làm giảm tỷ lệ ly hôn ở Trung Quốc đồng thời ngăn chặn những cuộc “ly hôn bốc đồng” trong giới trẻ.
Ran Keping – giáo sư luật tại Đại học Vũ Hán – nhận định: “Mặc dù ly hôn là quyền tự do của mỗi cá nhân, nhưng tỷ lệ ly hôn cao sẽ ảnh hưởng đến sự ổn định của đất nước.”
Ông nhấn mạnh ngay cả trước khi luật “30 ngày nghĩ lại” được đưa ra, đã có khá nhiều trường hợp “một bên thay đổi ý định”. Giờ đây, với luật mới, quá trình ly hôn sẽ phức tạp hơn và nhiều cặp đôi sẽ có thể xem xét hàn gắn.
Tuy nhiên, mọi việc cũng có thể không như dự đoán của các nhà làm luật vì vấn đề này có thiên hướng quan điểm sống, trào lưu thay vì chế tài pháp luật.
Xã hội Trung Quốc hiện đại đề cao quyền tự do cá nhân nên không bất ngờ khi các nền tảng mạng xã hội tại nước này tràn ngập với hơn 600 triệu bình luận trực tuyến với hashtag “phản đối luật 30 ngày nghĩ lại”. Nhiều người dùng Internet cũng đặt ra câu hỏi: Liệu có phải người Trung Quốc không còn quyền tự do ly hôn nữa hay không?
Một luật sư ly hôn tại tỉnh Tứ Xuyên cho biết, ông đã nhận được rất nhiều cuộc điện thoại từ khách hàng – đa phần bày tỏ sự lo ngại luật mới làm phức tạp thêm các thủ tục ly hôn của họ và ảnh hưởng đến quyền tự do chia tay của vợ chồng. Điều luật mới này quy định, nếu một bên rút khỏi thỏa thuận ly hôn trước 30 ngày, đơn đó sẽ bị hủy bỏ, bên kia phải nộp đơn lại và bắt đầu chờ đợi tiếp 30 ngày hoặc khởi kiện ly hôn – một quá trình rất tốn kém và kéo dài.
Các luật sư chuyên về ly hôn của Trung Quốc cho biết, họ đã nhận được rất nhiều đơn yêu cầu từ các cặp vợ chồng đã nộp đơn lần 1 sau khi hết hạn 30 ngày và trong ngắn hạn, quy định mới dường như không đem lại hiệu quả đáng kể.
Trong cuộc sống hiện đại, nhiều tiện nghi vật chất được tăng cường nhưng các giá trị truyền thống sớm bị mai một, các cặp đôi mãi luẩn quẩn trên hành trình thỏa mãn cái tôi của bản thân. Thời xưa, vợ chồng đối đãi với nhau coi trọng lễ nghĩa và ân tình. Người vợ nhu mềm, quản lý việc nhà cửa, cha mẹ con cái. Người chồng mạnh mẽ, làm trụ cột gia đình, lo lắng cho xã hội. Vì lấy ân nghĩa làm nền tảng, cho nên tình cảm vợ chồng bền chặt, kiên cường như sắt thép, mãi mãi không đổi thay.
Những người vợ, người chồng lưu danh sử sách đều hiểu lễ nghĩa, tiếp thụ những quy phạm đạo đức của văn hóa truyền thống. Suy ngẫm một chút, trong đa số các gia đình trẻ ngày nay đều khuyết thiếu một điều: “Giữa vợ chồng phải có cung kính, trọng đạo, trọng nghĩa và có cả sự biết ơn”. Quan hệ vợ chồng thời nay không sâu đậm, cũng không có sự hy sinh nhiều như xưa. Đó chính là vì không còn coi trọng lễ giáo và đạo đức truyền thống.
Hoài Anh
Xem thêm:
Từ khóa Vợ chồng duyên phận vợ chồng đạo nghĩa vợ chồng Đời sống vợ chồng Ly hôn hôn nhân