Sau tình trạng lung lay vài tháng qua, Tập đoàn China Evergrande lần đầu tiên chính thức bị liệt vào danh sách vỡ nợ. Điều này có thể dẫn đến việc tái cơ cấu quy mô lớn đối với nhà phát triển bất động sản nợ nhiều nhất thế giới này. Nối gót Evergrande, Kaisa, công ty bất động sản lớn thứ 27 tại Trung Quốc cũng vỡ nợ. Báo chí nước ngoài chỉ ra rằng thị trường bất động sản đầy nợ của Trung Quốc đang bước vào “thời điểm tính sổ cái”.
Hôm thứ Năm (ngày 9/12), công ty xếp hạng quốc tế Fitch đã hạ xếp hạng tín nhiệm của China Evergrande và các công ty con của tập đoàn này từ “C” xuống “vỡ nợ giới hạn” (restricted default). Đây là lần đầu tiên Evergrande được đưa vào danh sách những công ty vỡ nợ, đồng nghĩa với việc Evergrande chính thức vỡ nợ nhưng chưa nộp đơn phá sản, thanh lý hoặc các thủ tục khác để đình chỉ hoạt động của công ty. Động thái này có thể gây ra tình trạng vỡ nợ chéo khoản nợ 19,2 tỷ đô la của công ty.
Bloomberg báo cáo rằng thời gian gia hạn cho hai trái phiếu đô la Mỹ do công ty con Scenery Journey Ltd., của Evergrande phát hành đã kết thúc vào thứ Hai tuần này, nhưng không có khoản thanh toán nào. Một trong những trái phiếu đến hạn vào năm 2022 có khoản lãi phải trả là 41,9 triệu đô la Mỹ, một khoản lãi khác phải trả cho trái phiếu đến hạn vào năm 2023 là 40,6 triệu đô la Mỹ.
Báo cáo mới nhất của Fitch cho biết, vì lãi suất của hai trái phiếu đô la Mỹ vẫn chưa được thanh toán sau thời gian gia hạn 30 ngày kết thúc, do đó nó đã bị hạ cấp xuống mức “vỡ nợ có giới hạn”.
Theo phân tích của New York Times, việc Fitch hạ xếp hạng của Evergrande không nằm ngoài dự đoán, nhưng điều này không giải quyết được số phận của ‘gã khổng lồ’ bất động sản, mà còn gây ra nhiều vấn đề hơn.
Bước tiếp theo của Evergrande sẽ thế nào? Phá sản, nhanh chóng bán tháo, hay kinh doanh như bình thường? Mọi thứ vẫn là một ẩn số. Ở Mỹ và nhiều nơi khác, các chủ nợ có thể buộc các công ty như vậy phải trải qua một số hình thức tái cơ cấu, thông thường sẽ thực hiện bằng cách phân tách trước tòa. Tuy nhiên, dưới sự cai trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), mọi thứ đều là ẩn số.
Ông Michel Löwy, giám đốc điều hành của công ty đầu tư SC Lowy, nói với New York Times: “Tất cả chúng ta đều biết rằng sẽ không có kỳ tích nào xảy ra với Evergrande.” Công ty SC Lowy nắm giữ một lượng nhỏ trái phiếu của Evergrande.
Trong cùng ngày, Fitch cũng hạ xếp hạng của Kaisa Group xuống “vỡ nợ giới hạn” vì công ty không thanh toán được 400 triệu đô la Mỹ trong kỳ hạn thanh toán vào thứ Ba (ngày 7/12), điều này có thể gây ra vỡ nợ chéo đối với 11,2 tỷ đô la Mỹ nợ chưa trả. Kaisa là công ty bất động sản lớn thứ 27 ở Trung Quốc và cũng là một trong những công ty có nhiều khoản nợ nhất.
Báo chí Trung Quốc đưa tin, ít nhất 8 dự án bất động sản thuộc Tập đoàn Kaisa, một trong những công ty bất động sản hàng đầu ở Thâm Quyến, gặp vấn đề như nợ lương và đình công. Một số chủ sở hữu đã mua dự án Kaisa số 1 Quảng Châu cho biết, mua nhà đến nay đã 5 năm nhưng chưa nhận được nhà, việc đòi đền bù gần như vô vọng. Theo thống kê của giới truyền thông, quy mô phát hành trái phiếu ra nước ngoài của Kaisa chỉ đứng sau Evergrande.
Trước cuộc khủng hoảng nợ, Kaisa Group đã tạm ngừng giao dịch trước khi thị trường Hồng Kông mở cửa vào thứ Tư (ngày 8/12). Hiện chưa rõ lý do của việc tạm ngừng. Theo thống kê của Bloomberg, Kaisa thường xuyên phát hành trái phiếu ở thị trường nước ngoài, với 11,6 tỷ USD đang lưu hành. Bloomberg mô tả công ty là nhà phát hành tín phiếu đô la Mỹ lớn thứ 3 trong số các công ty bất động sản Trung Quốc, nhưng nó chỉ xếp hạng 27 trong số các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc.
Theo truyền thông Trung Quốc đưa tin, trái phiếu nước ngoài của Evergrande là khoảng 19 tỷ đô la Mỹ.
Reuters dẫn nguồn tin cho biết, Lazard, nhóm cố vấn hội đồng chủ nợ của Kaisa, đã ký một thỏa thuận được bảo mật (NDA) với Kaisa, thỏa thuận này sẽ mở đường cho các cuộc đàm phán tài chính tiềm năng. Hiện tại, Lazard đang tìm cách cho phép nhiều trái chủ (người cho nhà phát hành trái phiếu vay tiền) tham gia vào nhóm này của họ.
Tổng số trái phiếu đô la Mỹ của hai công ty Evergrande và Kaisa, chiếm khoảng 15% tổng số trái phiếu đô la Mỹ đang lưu hành chưa trả lãi của các nhà phát triển Trung Quốc.
Tính đến tháng 6 năm nay, tổng nợ phải trả của Evergrande là hơn 300 tỷ đô la Mỹ. Công ty này từ lâu đã bị nhiều nhà đầu tư coi là “lớn đến nỗi không thể sụp đổi”, bởi nếu một công ty khổng lồ như vậy đột ngột giải thể, thì sẽ khiến việc tự xưng “có năng lực xử lý những mối đe dọa mà nền kinh tế phải đối mặt” của Chính phủ Trung Quốc trở thành trò cười.
Theo phân tích của The New York Times, ĐCSTQ đang ở trong tình thế tiến thoái lưỡng nan. Nếu các công ty lớn được phép đột ngột sụp đổ, nó sẽ gây nguy hiểm cho sự ổn định của thị trường bất động sản và hệ thống tài chính của ĐCSTQ, cũng sẽ khiến người mua nhà đã trả tiền nhưng chưa nhận được nhà bị mất tiền; nhưng nếu ra tay giúp đỡ, thì họ có thể gửi một tín hiệu, đó chính là ĐCSTQ sẽ giải cứu các công ty bất động sản với những khoản nợ khổng lồ.
Đối mặt với thị trường chứng khoán toàn cầu đang hoảng sợ, để xoa dịu các nhà đầu tư, ĐCSTQ đã tuyên bố rằng một “ủy ban rủi ro” do ông Hứa Gia Ấn – người sáng lập Evergrande đứng đầu đang giúp Evergrande tiến hành tái cơ cấu. Các quan chức thuộc một số cơ quan chính phủ đã tham gia ủy ban này.
Trí Đạt (t/h)
Xem thêm:
Putin: Nếu Mỹ muốn chiến thì Nga cũng phải theo, và tên lửa bắn vào…
HĐGSNN vừa công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm…
Ông Vương Đình Huệ có sai phạm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi…
Ông Musk và ông Ramaswamy đã cùng chấp bút một bài xã luận đăng trên…
Quân đội Ukraine thông báo trong sáng Thứ Năm Nga đã tiến hành không kích…
Hai nước Việt Nam-Malaysia vừa nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện,…