Nguyên nhân nào khiến 10 ngành công nghiệp hàng đầu Trung Quốc bị thu hẹp?
- RFA
- •
Theo một cuộc khảo sát, giới truyền thông Trung Quốc gần đây đã liệt kê 10 ngành công nghiệp hàng đầu đang thu hẹp trong năm nay. Trong đó có ngành sản xuất nhiệt điện, điện ảnh và truyền hình, trang trí nội thất, làm vườn và chăn nuôi… Một số nhà bình luận cho rằng dịch viêm phổi Vũ Hán không phải là nguyên nhân chính dẫn đến sự suy giảm ngành. Mối quan hệ quốc tế xấu đi và mô hình kinh tế của Trung Quốc mới là mấu chốt của vấn đề.
Năm 2021 sắp trôi qua, giới truyền thông Trung Quốc đã thống kê những thiệt hại đối với 10 ngành công nghiệp hàng đầu trong năm nay. Dựa trên phân tích mẫu, bên khảo sát nhận thấy ngành du lịch bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh đã thu hẹp 84%, nhưng đây không phải là điều đáng lo nhất. Sử dụng dữ liệu của 3 quý đầu năm nay làm tài liệu tham khảo, “Caijng 11 người” (Chuyên mục được tạo bởi 11 phóng viên tài chính chuyên nghiệp của tạp chí Caijing) đã chọn ra 10 ngành hàng đầu bị thu hẹp so với năm 2019, trước đại dịch.
Cuộc khảo sát cho thấy tổng doanh thu của 52 công ty mẫu trong ngành trang trí nội thất và làm vườn giảm 4,4%, tổng lợi nhuận kinh doanh giảm 56%. Năm 2019 trước khi đại dịch xảy ra, có 5 công ty thua lỗ, với tổng số tiền lỗ là 1,32 tỷ nhân dân tệ (NDT, khoảng 207,3 triệu USD). Năm 2021 có 18 công ty làm ăn thua lỗ, chiếm 34,6% số công ty thất thu, với tổng mức lỗ là 2,2 tỷ NDT (khoảng 345,5 triệu USD). Một nhà nghiên cứu trong lĩnh vực liên quan đến các công ty chứng khoán, dự đoán do những khó khăn của ngành bất động sản trong tương lai, ngành trang trí nội thất và làm vườn sẽ tiếp tục thu hẹp vào năm 2022.
Có 19 công ty mẫu trong ngành nhiệt điện. Tổng doanh thu trước dịch là 501,7 tỷ NDT (khoảng 78,799 tỷ USD) và tổng lợi nhuận kinh doanh là 38,6 tỷ NDT (khoảng 6,062 tỷ USD). Tổng doanh thu trong 3 quý đầu năm nay tăng 19,8%, nhưng tổng lợi nhuận lại giảm 93,8%. Trong 3 quý đầu năm nay, tổng mức lỗ của 11 công ty là 8,7 tỷ NDT (khoảng 1,366 tỷ USD). Tổn thất đã mở rộng gấp 22 lần.
Hôm thứ Hai (ngày 6/12), ông Trương Kiến Bình, nhà bình luận về các vấn đề thời sự của thành phố Nghi Hưng, tỉnh Giang Tô, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Đài Á Châu Tự do, rằng sự thu hẹp của nhiều ngành công nghiệp ở Trung Quốc không hẳn đều liên quan đến dịch bệnh.
Ông nói: “Nó liên quan nhiều đến mối quan hệ quốc tế và mô hình phát triển của Trung Quốc, chẳng hạn như bất động sản. Trước tình hình kinh tế hiện nay, điều khiến người ta phải lo lắng là các công ty tư nhân, đặc biệt là các công ty Internet. Nếu bị siết chặt do chính sách thì hơi khó giải thích. Diễn biến tiếp theo rất đáng quan sát. Nếu không có đại dịch, thì với mối quan hệ quốc tế và các chính sách trong nước như hiện nay, điều đó cũng sẽ xảy ra.”
Công ty Điện lực Jingneng Power chuyển từ lãi thành lỗ
Trong số tất cả các công ty mẫu, Điện lực Kinh Năng (Jingneng Power) là công ty thua lỗ nhiều nhất trong 3 quý đầu năm nay, với khoản lỗ 2 tỷ NDT (khoảng 314 triệu USD). Năm 2019, công ty này lãi 1,3 tỷ NDT (khoảng 204 triệu USD).
Nhà bình luận các vấn đề thời sự Thái Thận Khôn tin rằng dịch bệnh không chỉ gây ra các vấn đề trong nền kinh tế Trung Quốc, mà còn có cả các vấn đề của nền kinh tế thế giới. Nhưng vấn đề của Trung Quốc còn phức tạp hơn.
Ông nói rằng dịch bệnh không những không ảnh hưởng đến xuất khẩu của Trung Quốc, mà ngành này còn có sự gia tăng đáng kể: “Đó là vì lý do chính sách, hoặc hệ thống kinh tế hiện tại đã trải qua một số điều chỉnh cơ bản, và đã xuất hiện sự suy thoái. Chúng tôi thấy rằng xếp hạng thứ 10 là sự sụt giảm đáng kể trong ngành trang trí nội thất và làm vườn. Hai ngành này có liên quan đến bất động sản hiện tại.”
Ông Thái Thận Khôn cho biết, khi có vấn đề lớn về bất động sản, ngành trang trí nội thất và làm vườn cũng bị ảnh hưởng. Hơn nữa sự sụt giảm lợi nhuận của các công ty nhiệt điện cũng liên quan đến việc tăng giá nguyên liệu thô như than nhiệt điện: “Lợi nhuận của nhiệt điện sẽ giảm đi đáng kể. Các công ty phát điện không còn sự nhiệt tình và các công ty nhiệt điện cũng không muốn đầu tư thêm nữa. Động lực để mở rộng và xây dựng đã không còn.”
Gần 50% công ty trong ngành điện ảnh và truyền hình thua lỗ
Có 27 công ty mẫu trong lĩnh vực điện ảnh và truyền hình được thu thập lần này. Năm 2019 tổng doanh thu của ngành là 44,7 tỷ NDT (khoảng 7,02 tỷ USD) và tổng lợi nhuận kinh doanh là 6,2 tỷ NDT (khoảng 973,7 triệu USD).
Tổng doanh thu trong 3 quý đầu năm nay giảm 22,2%, tổng lợi nhuận giảm 61,5%. Trong số đó, những doanh nghiệp thua lỗ tăng từ 7 công ty tại 3 năm trước lên 10 công ty, với tổng tiền lỗ trị giá 1,14 tỷ NDT (khoảng 179 triệu USD).
Ông Thái Thận Khôn cho rằng dịch bệnh có ảnh hưởng lớn hơn đến ngành điện ảnh và truyền hình Trung Quốc. Mặt khác, việc chính quyền chấn chỉnh ngành này, đặc biệt là các cuộc điều tra về thuế đối với người nổi tiếng, đã gây ra nhiều tác động.
“Quan trọng hơn, Tôi nghĩ ngành điện ảnh và truyền hình ở nước ta có liên quan đến lĩnh vực hệ tư tưởng. Dù là từ khâu chọn đề tài, lập dự án, đến kịch bản, diễn viên… đều phải chịu sự kiểm soát, xét duyệt và các thủ tục khác. Cho nên với các nhà đầu tư truyền hình mà nói, độ khó sẽ ngày càng lớn,” ông nói.
Ông Thái Thận Khôn tin rằng trong tương lai, với sự siết chặt hơn nữa của lĩnh vực tư tưởng, tỷ suất lợi nhuận của ngành điện ảnh và truyền hình sẽ tiếp tục giảm.
Lợi nhuận của ngành chăn nuôi lợn, gà và dịch vụ ăn uống giảm mạnh
Cuộc khảo sát còn đề cập rằng tổng lợi nhuận kinh doanh của ngành chăn nuôi lợn, gà đã giảm 160%. Tổng lợi nhuận kinh doanh của ngành dịch vụ ăn uống và khách sạn giảm 88%. Các trung tâm mua sắm và siêu thị chịu áp lực kép từ dịch bệnh và sự thay đổi trong phương thức tiêu dùng. Lợi nhuận của họ giảm 67%.
Ngoài ra, tổng lợi nhuận kinh doanh của 25 công ty mẫu trong ngành du lịch và khu danh lam thắng cảnh giảm 107%. Tổng lợi nhuận của 12 công ty mẫu trong ngành hàng không và sân bay giảm 229%.
Bản quyền thuộc © 2006, RFA. Vision Times tái bản với sự cho phép của Đài Á Châu Tự Do, 2025 MSt.NW, Suite 300, Washington DC 20036. http://www.rfa.org.
Xem thêm:
Từ khóa Ngành điện ảnh Kinh tế Trung Quốc 2021 Ngành công nghiệp ngành chăn nuôi Dòng sự kiện