Sau khi chủ tịch và phó chủ tịch của tổ chức “Hội Liên hiệp Người dân Hồng Kông ủng hộ phong trào dân chủ yêu nước” (Chi Liên Hội) bị buộc tội “kích động lật đổ chính quyền quốc gia” vào tuần trước, cảnh sát Hồng Kông tiếp tục viện dẫn “Luật An ninh Quốc gia tại Hồng Kông” yêu cầu xóa nền tảng điện tử của Chi Liên Hội, một số lượng lớn các tư liệu lịch sử quý giá đã biến mất chỉ sau một đêm. Rốt cuộc thì những chứng cớ lịch sử nào đang khiến Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sợ hãi và phải ráo riết truy quét tận gốc?
Chủ tịch Chi Liên Hội Lý Trác Nhân (Li Zhuoren), Phó Chủ tịch Trâu Hạnh Đồng (Zou Xingtong), và cựu Phó Chủ tịch Hà Tuấn Nhân (He Junren) bị Chính quyền Hồng Kông buộc tội “kích động lật đổ chính quyền quốc gia” vào tuần trước. Sau đó, ngày 16/9, Chi Liên Hội cho biết họ đã nhận được một lá thư từ cảnh sát, viện dẫn Điều 43 và Điều 7(2) của Phụ lục 4 trong “Luật An ninh Quốc gia tại Hồng Kông”, yêu cầu Chi Liên Hội xóa tin tức trên các nền tảng điện tử được chỉ định trong vòng 7 ngày. Vào lúc 10 giờ tối ngày 16/9, Chi Liên Hội đã gỡ bỏ tất cả nội dung của trang web, Facebook, kênh YouTube, Twitter và Instagram của mình, đồng thời kể từ lúc đó sẽ chuyển sang trang Facebook mới https://www.facebook.com/hkalliance để phát hành thông tin.
Tuần trước, cảnh sát Hồng Kông đã khám xét Nhà tưởng niệm Sự kiện Lục Tứ (Thảm sát Thiên An Môn 1989) và thu giữ một số lượng lớn ảnh triển lãm, di vật văn hóa, hơn 20 rương sách, báo và các vật dụng khác. “Bà mẹ Thiên An Môn” Trương Tiên Linh (Zhang Xianling), một người mẹ đã mất đi con trai trong sự kiện Lục Tứ, đã tặng di vật của con trai mình là Vương Nam (Wang Nan) cho đài tưởng niệm cách đây 8 năm. Bà đặt nghi vấn liệu động thái của cảnh sát Hồng Kông có phải nhằm xóa bỏ lịch sử và che giấu sự thật? Bây giờ các cơ quan chức năng thậm chí còn muốn “xóa sổ” thông tin và hồ sơ trên mạng, rốt cuộc họ sợ những sự thật nào bị phanh phui ra ánh sáng?
Theo báo cáo của tờ Stance News, vào năm 1989 khi thành lập Chi Liên Hội, một lượng lớn thông tin Sự kiện Lục Tứ đã được lưu lại trên trang web của Hội, bao gồm các hình ảnh về phong trào dân chủ Trung Quốc năm 1989, ghi chép từ các sinh viên để tang Tổng Bí thư ĐCSTQ Hồ Diệu Bang, hoạt động phát động một cuộc tuyệt thực vô thời hạn, việc Thủ tướng Lý Bằng ban bố thiết quân luật, người dân ngăn cản quân lính vào thành phố, việc quân đội tiến hành đàn áp sau ngày 3/6 và quá trình nổ súng càn quét. Trong đó bao gồm một số lượng lớn các bức ảnh về những người bị thương, người chết khắp người đẫm máu…
ĐCSTQ đã tàn sát những sinh viên trẻ cũng như những người dân Bắc Kinh đòi dân chủ và chống tham nhũng. Lịch sử này đã bị che đậy và xuyên tạc ở Trung Quốc. Nhiều người Trung Quốc có thể biết sự thật về Thảm sát Lục Tứ chỉ sau khi họ vượt tường lửa của ĐCSTQ để xem thông tin. Những bằng chứng lịch sử này đã trở thành một trong những tài liệu để người dân hiểu được sự tà ác của ĐCSTQ
Trang web của Chi Liên Hội cũng ghi lại cách Hồng Kông đã ủng hộ phong trào dân chủ Trung Quốc kể từ năm 1989, bao gồm cuộc biểu tình ngày 17/5 năm đó, tình đoàn kết với sinh viên Bắc Kinh dưới cơn bão số 8 và số 9, thành lập Chi Liên Hội, Biểu diễn “Tiếng hát Dân chủ tặng Trung Hoa”, tĩnh tọa ngày 4/6, v.v. Ngoài ra còn có chủ đề của cuộc mít-tinh dưới ánh nến ngày 4/6 hàng năm, lời kể của gia đình các nạn nhân ngày 4/6 và các mốc thời gian của phong trào dân chủ Trung Quốc năm 1989.
Các tin tức cho hay, kênh YouTube của Chi Liên Hội có hơn một nghìn video các bài phát biểu tại buổi mít-tinh dưới ánh nến ngày 4/6 trong nhiều năm, bao gồm lời kể của “các bà mẹ Thiên An Môn”, các nhà lãnh đạo của Phong trào ngày 4/6 đang sống lưu vong, những người sống sót sau vụ thảm sát, tiếng nói từ người thân của nhà đối lập Lý Vượng Dương (Li Wangyang), người thân của các luật sư trong Sự kiện 709… Một đoạn video về việc “bà mẹ Thiên An Môn” Lý Tuyết Văn (Li Xuewen), đã đích thân kể chuyện con trai Viên Lực (Yuan Li) của bà đã bị quân thiết quân luật ở Mộc Tê Địa bắn chết vào đêm muộn ngày 3/6 năm đó. Viên đạn bắn từ yết hầu, xuyên ra xương lưng, người nhà phải mất nửa tháng mới tìm thấy anh trong nhà xác bệnh viện, lúc đó mắt anh còn trợn to cho đến khi trước khi hỏa táng, gia đình mới vuốt mắt được cho anh.
Tuy nhiên, liệu chế độ này có thể thành công trong việc cố gắng xóa bỏ hoàn toàn các chứng cứ lịch sử? Chi Liên Hội đã thành lập phòng triển lãm ảo “Ký ức ngày 4/6. Bảo tàng Nhân quyền” vào năm ngoái bằng vốn huy động từ cộng đồng. Bảo tàng mở cửa vào tháng 8 năm nay và hoạt động độc lập với Chi Liên Hội. Khi trả lời các câu hỏi của giới truyền thông, bảo tàng cho biết trang web của bảo tàng được thành lập bên ngoài Hồng Kông và không có mối quan hệ hay liên hệ nào với Chi Liên Hội, vì vậy trang web của bảo tàng sẽ không bị xóa.
Về việc cảnh sát Hồng Kông buộc Chi Liên Hội xóa trang web của mình, bảo tàng đã lên án: Việc “thủ tiêu ký ức lịch sử là hành động đáng xấu hổ” và nhấn mạnh rằng “thông qua tất cả nỗ lực chống lại sự phản kháng lại chế độ toàn trị, ký ức lịch sử sẽ được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác và sẽ vĩnh viễn tồn tại trong lòng người dân.” Bảo tàng hy vọng sẽ mở rộng không gian và kế thừa ký ức về cuộc đấu tranh của con người trong thời đại kỹ thuật số.
Theo báo cáo của Đài Á Châu Tự Do, vào ngày 16/9, 61 tổ chức nhân quyền quốc tế, bao gồm Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, Trung Quốc Nhân đạo, Hiệp hội Nhân quyền Đài Loan… đã ra tuyên bố chung lên án Bắc Kinh tìm cách thủ tiêu ký ức về Vụ thảm sát ngày 4/6, yêu cầu Chính phủ Hồng Kông thả những người của Chi Liên Hội bị bắt giữ và kêu gọi cộng đồng quốc tế trừng phạt các quan chức chính quyền Hồng Kông có liên quan.
Tiến sĩ Sophie Richardson, Giám đốc Cục Giám sát Nhân quyền Trung Quốc, người dẫn đầu hành động chung này, nói rằng bằng cách bắt giữ những người tổ chức mít-tinh dưới ánh nến tưởng niệm ngày 4/6, chính quyền Bắc Kinh và Hồng Kông đang cho thế giới thấy rằng họ không chỉ sợ các cuộc biểu tình ôn hòa, mà còn sợ lịch sử tàn khốc của chính họ. Bà yêu cầu ĐCSTQ phải chấm dứt cuộc đàn áp chính trị này, ngay lập tức hủy bỏ mọi cáo buộc, và trả tự do cho các người phụ trách Chi Liên Hội.
Ông Bào Đồng, nguyên thư ký của cựu Tổng Bí thư ĐCSTQ Triệu Tử Dương đã đăng Twitter, tố cáo chính quyền Hồng Kông chính là bù nhìn của ĐCSTQ, “Thay vì yêu cầu kẻ độc tài Đặng Tiểu Bình và Quân ủy Trung ương ĐCSTQ lúc đó phải giao ra thông tin về vụ thảm sát, ngược lại họ lại khủng bố tàn nhẫn Chi Liên Hội, tổ chức đã kiên trì bảo vệ chính nghĩa trong 32 năm – hành động [của chính quyền Hồng Kông] là quá ngang ngược, không hơn không kém!”
Ngày 2/6: Cục Vệ sinh Thực phẩm và Môi trường Hồng Kông (FEHD) cưỡng ép đóng cửa “Nhà tưởng niệm sự kiện Lục Tứ” của Chi Liên Hội.
Ngày 4/6: Cảnh sát phong tỏa Công viên Victoria, ngăn cản mít-tinh tưởng niệm, viện tội danh “xúi giục hội họp trái phép” để bắt giữ Phó Chủ tịch Trâu Hạnh Đồng.
Tháng 7: Dưới sự đàn áp của chính quyền Hồng Kông, Chi Liên Hội buộc phải cắt giảm thành viên.
Ngày 25/8: Cảnh sát Hồng Kông lên án Chi Liên Hội là “Đại lý nước ngoài”, yêu cầu cung cấp danh sách thành viên và các ghi chép tài chính, v.v.
Ngày 8/9: Chi Liên Hội từ chối cung cấp thông tin, ngày hôm sau, cảnh sát Hồng Kông đã bắt giữ Phó Chủ tịch Trâu Hạnh Đồng và một số thành viên khác.
Ngày 9/9: Cảnh sát đột kích “Nhà tưởng niệm ngày 4/6” và loại bỏ một số lượng lớn tang vật như Nữ thần Dân chủ…
Ngày 10/9: Cảnh sát phong tỏa tài sản của Chi Liên Hội; Bộ trưởng An ninh tuyên bố rằng tổ chức đã bị hủy đăng ký.
Ngày 16/9: Chi Liên Hội phải xóa nền tảng điện tử theo yêu cầu của cảnh sát.
Lý Gia Hoành, Vision Times
Xem thêm:
Cảnh sát Nhật Bản cho biết đã nộp đơn xin lệnh bắt giữ một thiếu…
Các đại biểu đồng thuận cho rằng máy điều hòa không phải mặt hàng xa…
Tối 20/11 một vụ đâm chém người đã xảy ra tại ký túc xá của…
Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự án nghị quyết của Quốc hội…
Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…
Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…