Thứ Sáu (19/8), Tòa án cấp Trung số 1 Thượng Hải đã tuyên phạt tỷ phú người Canada gốc Hoa, ông Tiêu Kiến Hoa 13 năm tù giam, đồng thời phạt Công ty TNHH Tomorrow Holdings của ông số tiền kỷ lục 55,03 tỷ nhân dân tệ (NDT, 8,18 tỷ USD).
Theo bản án của tòa, ông Tiêu Kiến Hoa và Tomorrow Holdings đã phạm “tội hấp thụ trái phép tiền gửi của công chúng, tội sử dụng tài sản ủy thác vi phạm tín nhiệm, tội sử dụng trái phép quỹ và tội nhận hối lộ của đơn vị.”
Tomorrow Holdings cũng bị phạt số tiền lên tới 55,03 tỷ NDT. Ông Tiêu Kiến Hoa bị kết án 13 năm tù và phải nộp phạt 6,5 triệu NDT (0,52 triệu USD).
Tòa án cho rằng Tiêu Kiến Hoa và Tomorrow Holdings đã “phá vỡ nghiêm trọng trật tự quản lý tài chính” và “gây nguy hiểm nghiêm trọng đến an ninh tài chính của đất nước.”
Tòa án cũng tuyên bố rằng từ năm 2001 – 2021, ông Tiêu và Tomorrow Holdings đã cung cấp tổng cộng hơn 680 triệu NDT cổ phiếu, bất động sản, tiền mặt và các tài sản khác cho các quan chức chính phủ, nhằm trốn tránh sự giám sát tài chính và trục lợi bất hợp pháp.
Phiên tòa này đánh dấu việc Tiêu Kiến Hoa lần đầu tiên xuất hiện công khai sau 5 năm. Kể từ khi bị dẫn về Trung Quốc Đại Lục từ Hồng Kông vào tháng 1/2017, Tiêu Kiến Hoa đã bị cách ly giam giữ, đầu tiên là ở tỉnh Giang Tô và gần đây nhất là ở Thượng Hải.
Năm 1993, Tiêu Kiến Hoa thành lập Công ty TNHH Công nghệ Tài nguyên Ngày mai (Tomorrow) Đại học Bắc Kinh. Tháng 9/1999, Công ty TNHH Tomorrow Holdings được thành lập và vợ ông, bà Chu Hồng Văn, là người đại diện theo pháp luật.
Trước đó, báo chí nói rằng Tiêu Kiến Hoa, người được coi là “găng tay trắng” rửa tiền của gia tộc đỏ, bị nghi ngờ thao túng sự sụp đổ của thị trường chứng khoán Trung Quốc năm 2015 và phát động một cuộc đảo chính tài chính chống lại ông Tập Cận Bình.
Tờ “Apple Daily” của Hồng Kông từng đưa tin, ngoài các tội danh “thao túng thị trường chứng khoán và thị trường kỳ hạn” và “hối lộ”, Tiêu Kiến Hoa còn dính vào 3 tội danh chính trị, gồm “găng tay trắng của các chính trị gia”, “tài phiệt can thiệp vào chính trị ” và ” cuộc đảo chính tài chính”.
Tờ “New York Times” từng đưa tin Tiêu Kiến Hoa và Tomorrow Holdings đứng sau các công ty tập đoàn, liên quan đến nhiều gia tộc quyền lực hàng đầu của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Ví dụ, ông Tiêu Kiến Hoa có quan hệ mật thiết với các “thái tử đảng” như Tăng Vĩ – con trai của Tăng Khánh Hồng, Xa Phong – con rể ông Đới Tương Long (Dai Xianglong) – cựu Thống đốc Ngân hàng Trung ương, và Lý Bạch Đàm – con rể của Giả Khánh Lâm.
“Tomorrow” của Tiêu Kiến Hoa được cho là tổ chức đầu tiên kiếm tiền và rửa tiền cho nhóm lợi ích của Giang Trạch Dân, và liên quan đến các gia tộc cấp cao của phe Giang, gồm Giang Trạch Dân, Tăng Khánh Hồng, Giả Khánh Lâm, Lưu Vân Sơn, Trương Đức Giang, Lý Lam Thanh.
Sau khi Tiêu Kiến Hoa “biến mất” vào năm 2017, ĐCSTQ cũng từng bước phá bỏ đế chế tài chính khổng lồ này. Ở thời kỳ đỉnh cao, Tập đoàn “Tomorrow” của Tiêu Kiến Hoa nắm giữ cổ phần tại 44 tổ chức tài chính, với tổng giá trị ước tính khoảng 3.000 tỷ NDT (440 tỷ USD).
Ngày 17/7/2020, 9 tổ chức tài chính cốt lõi trực thuộc “Tomorrow” gồm Công ty Bảo hiểm Tài sản & Thương vong Thiên An, Bảo hiểm Nhân thọ Hoa Hạ, Bảo hiểm Nhân thọ Thiên An, Bảo hiểm Tài sản & Thương vong Dịch An, Quỹ Tín thác Tân Thời đại, Quỹ Tín thác Tân Hoa Tín, Chứng khoán Tân Thời đại, Chứng khoán Quốc Thịnh, Nền tảng Hợp đồng tương lai Quốc Thịnh, lần lượt được Ủy ban Quản lý Ngân hàng & Bảo hiểm Trung Quốc và Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc tiếp quản.
Thời hạn là một năm. Nếu công tác tiếp quản không đạt kết quả như mong đợi, thì thời gian tiếp quản được gia hạn theo quy định của pháp luật.
Cùng năm đó, Ngân hàng Bao Thương trực thuộc “Tomorrow” cũng bị chính phủ tuyên bố phá sản; Ngân hàng Hằng Phong và Ngân hàng Cẩm Châu, 2 tổ chức tài chính khác của “Tomorrow”, cũng bị tuyên bố phá sản. Tờ “Nam Hoa Tảo Báo” cho biết, việc tháo dỡ các tài sản tài chính khác của “Tomorrow” vẫn đang diễn ra.
Trước Đại hội toàn quốc lần thứ 20 của ĐCSTQ, chính quyền Bắc Kinh đã công khai bỏ tù Tiêu Kiến Hoa. Các chuyên gia cho rằng đó là lời cảnh báo của ông Tập Cận Bình đối với giới tinh hoa của các phe phái khác nhau.
Ông Lý Lâm Nhất, nhà bình luận về các vấn đề Trung Quốc, tin rằng: “Bản án của Tiêu Kiến Hoa trước Đại hội toàn quốc lần thứ 20, có thể được coi là một sự trấn áp và răn đe đối với các phe phái khác nhau do phe Giang thống trị, và là hậu quả của cuộc đấu tranh chính trị. Bởi vì bản thân Tiêu Kiến Hoa có mối quan hệ sâu sắc, và có mối quan hệ với những người thuộc các phe phái khác. Vì vậy, việc Tiêu Kiến Hoa đã bị kết án sau kỳ nghỉ ở Bắc Đới Hà và trước Đại hội Toàn quốc lần thứ 20, mang ý nghĩa chính trị mạnh mẽ.”
“Đặc biệt, bản án của Tiêu Kiến Hoa không thể coi là vụ án đã được giải quyết một cách triệt để. Vì theo chỉ đạo của nhà chức trách, ông Tiêu có thể tiết lộ một số ‘nội gián’ bất cứ lúc nào, ngay cả khi ở trong tù, có dính líu đến những kẻ thù chính trị của ông Tập. Vậy nên, những gì chính quyền ông Tập làm là một sự răn đe.”
Vào tháng Bảy năm nay, ông Hồ Bình, tổng biên tập tạp chí “Mùa xuân Bắc Kinh”, hiện đang sống ở Hoa Kỳ, nói với Đài Á Châu Tự do ở nước ngoài, rằng ông Tập Cận Bình đã nắm quyền kiểm soát Tiêu Kiến Hoa. Điều này khiến 5 năm qua, tất cả các phe phái không dám manh động một cách hấp tấp. Nếu không, thì bất cứ lúc nào phe ông Tập cũng có thể lôi ra những tài liệu bất lợi với họ.
Ông nói: “Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ 20 của ĐCSTQ rất quan trọng đối với ông Tập Cận Bình. Việc xét xử Tiêu Kiến Hoa vào thời điểm này tất nhiên là một mối đe dọa đối với những người đó (các chức sắc cấp cao của ĐCSTQ). Nếu bất cứ ai muốn làm gì, thì chúng tôi sẽ thông qua vụ án của Tiêu Kiến Hoa và lôi những vấn đề tham nhũng của các người ra.”
Trong một cuộc phỏng vấn với Epoch Times, luật gia sống tại Úc, ông Viên Hồng Băng (Yuan Hongbing), nói rằng phạm vi làm “găng tay trắng” rửa tiền của Tiêu Kiến Hoa là xuyên các phe phái của ĐCSTQ. Trên thực tế, chính quyền Tập xét xử Tiêu Kiến Hoa là lời cảnh báo của ông Tập gửi đến các gia tộc quyền lực cũ và mới của ĐCSTQ, rằng không được ngăn cản ông tái đắc cử tại Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ 20.
Tiêu Kiến Hoa cũng có quốc tịch Canada. Khi bị xét xử vào tháng 7 năm nay, các nhà ngoại giao Canada tại Trung Quốc đã yêu cầu được tham dự, nhưng bị từ chối. Chính phủ Trung Quốc cho biết, họ không công nhận 2 quốc tịch.
Các sợi lông lỏng lẻo trên bề mặt vải có thể dễ dàng được loại…
Tổng thống đắc cử Donald Trump trong quá trình tranh cử đã nhiều lần chỉ…
Ông Matt Gaetz hôm thứ Năm (21/11) đã tuyên bố rằng ông sẽ rút lui…
Có hơn 1.000 cây guitar acoustic và guitar điện không có chữ ký của ông…
Bệnh tiểu đường có thể gây ra rất nhiều tác hại đối với cơ thể,…
Trước tình hình căng thẳng, Hungary đang lên kế hoạch triển khai hệ thống phòng…