Tại Trung Quốc Đại Lục có ít nhất 5 tỉnh tiếp tục thực hiện các biện pháp hạn chế dùng điện, tạm dừng hoặc giảm sản xuất. Nhiều công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán cũng bị buộc tạm dừng sản xuất, có doanh nghiệp nghỉ đến sau dịp lễ 1/10 mới khôi phục sản xuất. Nhiều doanh nghiệp cho biết, do lệnh hạn chế sử dụng điện của chính quyền nên công ty của họ phải chịu nhiều tổn thất.
Chính sách kiểm soát điện năng của chính quyền Bắc Kinh gần đây rất nghiêm ngặt. Có truyền thông mô tả động thái này của chính quyền là chưa từng có tiền lệ.
Năm nay Trung Quốc tăng cường thực thi chính sách “kiểm soát kép việc tiêu thụ năng lượng” (tức kiểm soát tổng lượng tiêu hao và cường độ tiêu hao năng lượng), hạn chế tiêu thụ than và điện trong các ngành công nghiệp tiêu thụ nhiều năng lượng.
Trung Quốc là một nước tiêu thụ năng lượng lớn và vẫn còn nhiều khả năng để cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng. Kết cấu năng lượng lấy than đá làm chính cần được chuyển đổi. Từ năm 2006 đến năm 2020, tổng mức tiêu thụ năng lượng trên toàn Trung Quốc tăng từ 2,86 tỷ tấn than tiêu chuẩn lên 4,98 tỷ tấn than tiêu chuẩn; tăng 2,12 tỷ tấn than tiêu chuẩn trong 14 năm. Đồng thời, mức tiêu thụ năng lượng của Trung Quốc trên một đơn vị GDP vẫn gấp 1,5 lần mức trung bình của thế giới.
Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia (NDRC) của Trung Quốc đã ban hành “Biểu đồ tình hình hoàn thành các mục tiêu kiểm soát kép mức tiêu thụ năng lượng ở các khu vực trong nửa đầu năm 2021” vào tháng 8, trong đó điểm tên 9 tỉnh (khu vực) bao gồm Giang Tô và Quảng Đông có cường độ sử dụng năng lượng tăng thay vì giảm; 10 tỉnh khác như Chiết Giang, An Huy, v.v, có tỷ lệ giảm cường độ sử dụng năng lượng nhưng không đáp ứng được yêu cầu tiến độ.
Các tỉnh thành bị trung ương Trung Quốc điểm tên trong thời gian gần đây đã liên tiếp đưa ra các biện pháp kiểm soát tiêu hao điện năng, nhiều ngành sản xuất ô nhiễm và tiêu tốn nhiều năng lượng bị hạn chế dùng điện và ngừng sản xuất.
Tờ Tài chính Kinh tế số 1 tại Đại Lục đưa tin, theo lời của người nắm được tình hình, nguyên nhân khiến nguồn cung điện ở Quảng Đông căng thẳng là do thiếu hụt nguồn điện. “Nhà máy nhiệt điện đến nay vẫn chưa hoạt động hết công suất, một tổ máy đã ngừng hoạt động, tổ máy còn lại chỉ cung cấp một nửa lượng điện so với mức thông thường.” Nguyên nhân nằm ở giá than và nguồn cung cấp than hiện nay. “Giá điện cho mỗi kilowatt giờ sản xuất nhiệt điện là hơn 0,4 nhân dân tệ, nhưng chi phí sản xuất điện đã lên tới gần 0,6 nhân dân tệ. Điều này có nghĩa là cứ mỗi kilowatt điện, bạn sẽ mất hơn 0,1 nhân dân tệ.”
Ngày 23/9, Đài Á Châu Tự Do dẫn lời các nhà bình luận thời sự cho rằng việc ngừng sản xuất lần này tương tự như việc tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải hơn 10 năm trước, và các địa phương đều coi đó là nhiệm vụ chính trị: “Khi tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải, cưỡng chế cắt cầu dao. Mỗi tuần, nhà máy nghỉ 3 ngày, làm việc 4 ngày; hoặc nghỉ 2 ngày làm việc 5 ngày. Vào thời điểm đó, việc hạn chế sản xuất là vì cái gọi là bảo vệ môi trường. Nhưng lần này việc ngừng sản xuất có lẽ là vì lợi ích chính trị.”
Một bài viết có tiêu đề “Chưa từng có tiền lệ! Một số lượng lớn các công ty niêm yết cổ phiếu hạng A đã cắt điện và hạn chế sản xuất, cứ thế nghỉ lễ? Còn có nhà máy sản xuất cốt lõi của 3 ông lớn trên thị trường chứng khoán đã ngừng sản xuất hoàn toàn” được đăng trên Sina. Bài viết nói rằng tối 22/9, một số lượng lớn các công ty niêm yết tiết lộ, do lộ ảnh hưởng của việc hạn chế sử dụng điện và hạn chế sản xuất, và một số nhà máy đã cho nghỉ lễ thẳng đến sau kỳ nghỉ lễ dài ngày 1/10 mới khôi phục sản xuất.
Trang tin Sina đưa tin, ông Ngô Đức Quang (hóa danh), chủ một doanh nghiệp sản xuất tại Đông Quản tỉnh Quảng Đông, nói rằng ông nhận được thông thông tin của đơn vị cung cấp điện tại địa phương. Họ thông báo rằng ngày 22 – 26/9 sẽ bị cắt điện sử dụng cho sản xuất của nhà máy. Ông nói rằng đây là đợt hạt chế điện lớn nhất từ đầu năm đến nay. Bộ phận chăm sóc khách hàng của đơn vị cung cấp điện cho biết, doanh nghiệp bình thường sẽ cắt điện 4 ngày trong tuần này, còn doanh nghiệp tiêu tốn nhiều điện thì sẽ cắt điện một tuần.
Nhiều chủ doanh nghiệp cho biết, từ đầu năm đến nay, đánh giá “kiểm soát kép việc tiêu thụ năng lượng” được làm tương đối nghiêm ngặt, kết quả đánh giá sẽ làm căn cứ để đánh giá công việc của chính quyền địa phương.
Truyền thông đưa tin, theo yêu cầu “sắp xếp sử dụng điện có trật tự” ở nhiều nơi, chính quyền sẽ ưu tiên đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện của các doanh nghiệp có lợi ích xã hội tổng thể. Đồng thời, họ cũng sẽ kiểm soát tiêu thụ điện đối với các doanh nghiệp tiêu thụ nhiều năng lượng và ô nhiễm cao. Hầu hết các công ty sử dụng nhiều năng lượng đều bị ảnh hưởng bởi làn sóng hạn chế sử dụng năng lượng lần này.
Tỉnh An Huy có lan truyền một bản “Thông báo khẩn về làm tốt việc sử dụng điện có trật tự” do tiểu ban lãnh đạo công tác đảm bảo năng lượng tỉnh công bố. Trong đó có nhắc đến, gần đây do nhiều nhân tố như điện than tiếp tục căng thẳng, các tổ máy phát điện trong tỉnh liên tiếp bất thường, nên toàn tỉnh xuất hiện lỗ hổng trong cung cầu điện. Phụ tải điện tối đa của tỉnh ước tính là 36 triệu kilowatt vào ngày 22/9, và có một khoảng cách gần 2,5 triệu kilowatt trong cân bằng cung cầu điện. Tình hình cung cấp điện căng thẳng, qua nghiên cứu, đã quyết định từ ngày 22/9 sẽ khởi động phương án sử dụng điện có trật tự trên toàn tỉnh.
Ngoài ra, theo trang Caixin, nhiều doanh nghiệp sản xuất sắt thép, nhôm ở tỉnh Giang Tô cũng bị ảnh hưởng bởi hạn chế sử dụng điện và ngừng sản xuất. Trong đó nhà máy Nhôm Hoa Xương Giang Tô có công suất sản xuất 50.000 tấn mỗi năm, cũng đã nhận được thông báo vào ngày 16/9, thông báo cho biết bắt đầu từ ngày 18/9 – 30/9, nhà máy sẽ tạm ngừng sản xuất; Tập đoàn Gang thép Từ Cương Giang Tô, có công suất sản xuất hàng năm là 3 triệu tấn, cũng nhận được thông báo tạm ngừng sản xuất trong nửa tháng.
Thời báo Chứng khoán tại Đại Lục cũng đưa tin, một số doanh nghiệp ở thành phố (cấp huyện) Hưng Hóa (thuộc thành phố Thái Châu, tỉnh Giang Tô) đã nhận được thông báo ngừng sản xuất khẩn cấp, yêu cầu “không tiếp tục sản xuất và vận hành khi chưa được phép”. Trong số đó, các doanh nghiệp ở thị trấn Đại Nam, thị trấn lớn nhất ở thành phố Hưng Hóa, đã nhận được thông báo rằng sẽ tạm ngừng cho đến ngày 8/10 sẽ hoạt động trở lại.
Tỉnh Chiết Giang cũng có nhiều công ty bị ảnh hưởng bởi lệnh hạn chế sử dụng điện.
Công ty Vật liệu mới Tân Đại Môn hôm 22/9 đã ra “Thông báo về việc tạm ngừng sản xuất do ảnh hưởng bởi hạn chế sử dụng điện”. Thông báo cho biết, dự kiến sẽ tạm ngừng sản xuất cho đến ngày 30/9. Công ty Cổ phần Nghênh Phong (Yingfeng) cũng cho biết, công ty sẽ tạm ngừng sản xuất từ ngày 22 đến 23/9. Công ty Cổ phần Thần Hoa (Chenhua) cũng tuyên bố rằng công ty con 100% vốn của họ – Công ty vật liệu mới Thần Hoa Hoài An, cũng đã bị buộc phải tạm ngừng tất cả các dây chuyền sản xuất.
Trí Đạt (tổng hợp)
Xem thêm:
Việc hiệu trưởng trường THCS Lê Văn Tám (xã Ia Piơr, huyện Chư Prông, tỉnh…
Một tiệm vàng ở huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) huy động tiền gửi tiết…
Ông Trần Quân (John Chen) bị kết án vì cùng đồng phạm hỗ trợ ĐCSTQ…
Các cuộc biểu tình tại Trung Quốc trong quý 3 năm nay đã tăng 27%…
Ngoại trưởng Andrey Sibiga cho biết Ukraine sẽ không chấp thuận nhượng bất kỳ lãnh…
Trong cuốn sách "Dũng tràng tiểu phẩm" của tác giả Chu Quốc Trinh đời nhà…