TQ: Vợ tù nhân lương tâm bị bức hại đến chết vì muốn tìm kiếm công lý

Trong một “cuộc chiến” trực tiếp với chế độ cộng sản Trung Quốc nhằm giành lại công lý cho chồng, một người phụ nữ tại Hà Bắc đã bị bắt, bị ngược đãi và cuối cùng bị bức hại đến chết vì những nỗ lực của bà.

Sau khi chịu đựng hành hạ thể xác trong tù và nhiều lần bị cảnh sát quấy rối khi được tại ngoại, bà Chu Tú Trân ở thành phố Đường Sơn, tỉnh Hà Bắc đã qua đời vào ngày 19/4/2020 ở tuổi 56. Vào thời điểm khi bà qua đời, chồng bà, ông Biện Lệ Triều, vẫn đang phải chịu án 12 năm tù vì tu luyện Pháp Luân Công. Bản thân bà Chu Tú Trân không tập Pháp Luân Công, nhưng đã dũng cảm cùng con gái đứng ra bảo vệ chồng khi ông bị chế độ bức hại.

Ông Biện Lệ Triều và bà Chu Tú Trân. (Ảnh: Minghui.org)

Bà Chu gặp ông Biện vào năm 1985 khi đang học đại học. Cả hai định cư tại thành phố Đường Sơn sau khi tốt nghiệp. Bà Chu sinh con gái là cô Biện Hiểu Huy vào năm 1990.

Ông Biện là giáo viên dạy cấp hai, từng bị bệnh tim và cao huyết áp, và các bác sĩ đã không thể chữa khỏi cho ông. Sau khi ông Biện bắt đầu tập Pháp Luân Công vào năm 1996, sức khỏe của ông đã được cải thiện rõ ràng. Cũng vì vậy, bà Chu rất ủng hộ chồng mặc dù bà không tập Pháp Luân Công. Ông Biện Lệ Triều sau đó đã trở thành nhân viên gương mẫu của trường Trung học Khai Loan số 10, thành phố Đường Sơn.

Chồng bị kết án 12 năm

Ngày 25/2/2012, trong một đợt đàn áp người tập Pháp Luân Công trên diện rộng tại Hà Bắc và Sơn Đông, cảnh sát đã ập tới bắt giữ phi pháp ông Biện, khám xét nhà, cướp đi nhiều tài sản của hai vợ chồng và số tiền 100.000 Nhân dân tệ dù không đưa ra được giấy tờ hợp pháp. Cảnh sát cũng bắt giữ bà Chu với lý do bà là “đồng phạm” của chồng.

Cảnh sát sau đó đã uy hiếp ông Biện bằng các bằng chứng giả, đồng thời dọa sẽ hãm hại bà Chu cùng cô Biện Hiểu Huy nếu ông Biện từ chối nhận tội. Dưới áp lực làm liên lụy tới vợ và con gái, ông Biện đã đồng ý nhận tội.

Bà Chu được thả sau 10 ngày tạm giữ. Ông Biện bị kết án 12 năm tù giam vào ngày 26/7/2012.

Ông Biện bị chuyển đến nhà tù Bảo Định vào tháng 10/2012. Vào ngày 11/1/2013, ông Biện bị chuyển đến nhà tù Thạch Gia Trang. Gần như hàng tháng, bà Chu và con gái đều đi tàu gần 8 tiếng đến nhà tù để thăm ông Biện. Tuy nhiên, yêu cầu của họ không phải lúc nào cũng được chấp thuận, ngay cả khi họ có luật sư đi cùng.

Bảo vệ chồng bất chấp áp lực

Lo lắng về tình trạng của chồng, bà Chu cùng con gái đã đặt mục tiêu giải cứu ông Biện khỏi sự bức hại. Bấy giờ cô Biện Hiểu Huy mới 23 tuổi, vừa tốt nghiệp đại học.

Trong những tháng sau khi chồng bị bắt, bà Chu đã tự mình nghiên cứu luật pháp và nhận ra rằng chồng bà không phạm pháp và không phạm bất cứ tội gì. Do đó, bà đã tìm kiếm và thuê một luật sư bào chữa để đại diện cho ông Biện.

Khi biết được điều này, trường Trung học số 11 Đường Sơn nơi bà Chu làm việc đã bắt đầu gây áp lực, cố gắng buộc bà sa thải luật sư và ly hôn với chồng. Nhà trường nói rằng bà cần “đứng về phía Đảng để chống lại Pháp Luân Công”. Bất chấp áp lực từ công sở, bà Chu đã làm theo lương tâm và viết thư ngỏ cho các cơ quan chính phủ để đòi công lý cho chồng, và thường xuyên đến đồn cảnh sát địa phương cùng con gái.

Vào ngày 22/4/2013, sau nhiều lần thất bại, bà Chu đã có thể đến thăm chồng tại nhà tù Thạch Gia Trang. Chồng bà đã bị 3 người bảo vệ khiêng đến nơi gặp vì ông hầu như không thể đi lại. Điều đầu tiên ông Biện nói với bà là: “Mỗi lần gặp nhau đều có thể là lần cuối”. Tra tấn đã khiến ông Biện gầy gò và bị huyết áp cao. Bệnh tim của ông đã tái phát và ông có thể chết bất cứ lúc nào.

Hai mẹ con cùng đối mặt với chế độ

Khi mạng xã hội trở nên phổ biến vào năm 2012 và 2013, bà Chu bắt đầu sử dụng mạng xã hội để đăng tải tin tức về cuộc bức hại. Khi tài khoản của bà bị khóa, bà sẽ mở một tài khoản mới. Bà thường gửi tin nhắn riêng để động viên mọi người sau khi đọc những câu chuyện đau khổ của họ.

Năm 2013, khi luật sư của ông Biện, ông Vương Tinh Giang bị bắt, bà Chu đã xin nghỉ làm và đi mất một ngày để thăm luật sư. Luật sư rất cảm động trước nỗ lực của bà.

Dù đã có nhiều kinh nghiệm đối phó với cảnh sát nhưng bà Chu vẫn gặp nhiều trở ngại mỗi khi yêu cầu được gặp chồng. Mỗi lần không thể gặp chồng, bà lại đăng trải nghiệm của mình lên mạng, điều này khiến lãnh đạo nhà tù Thạch Gia Trang hết sức tức giận.

Trong một lần bà Chu cùng con gái đến thăm ông Biện vào ngày 16/7/2013, nhà tù đã đe dọa sẽ bắt giữ bà.

Đến ngày 12/3/2014, vì không được cho phép vào thăm ông Biện, cô Biện Hiểu Huy đã đứng trước nhà tù với biểu ngữ “Tôi muốn được gặp cha”. Cô bị bắt giữ và tạm giam tại Trung tâm Giam giữ số 2 Thạch Gia Trang. Cô bị giam trong một căn phòng không có giường ngủ trong 26 ngày.

Cô Biện Hiểu Huy cầm biểu ngữ. (Ảnh: NTDTV)

Ngay sau khi cô Biện bị bắt, bà Chu cũng bị bắt tại nhà vào ngày 13/3/2014. Đến ngày 5/8/2014, bà Chu bị xét xử vì công bố thông tin liên quan đến chồng lên trên mạng. Bà bị kết án 4 năm vào tháng 8/2014, trong khi cô Biện bị kết án 3,5 năm vào tháng 4/2015. Cả hai mẹ con bà Chu đều bị đưa tới nhà tù nữ tỉnh Hà Bắc.

Bà Chu Tú Trân trước khi bị bắt giữ. (Ảnh: Minghui.org)

Sức khỏe suy sụp trong tù

Bà Chu đã trải qua nhiều ngược đãi trong tù. Vào ngày 7/11/2016, bà Chu bắt đầu nôn ra máu và có máu trong phân. Bà được đưa tới bệnh viện Hứa Bình trong 5 ngày và sau đó được chẩn đoán mắc bệnh xơ gan. 5 ngày sau, bà được chuyển đến bệnh viện của nhà tù. Nhà tù buộc bà Chu phải gọi điện cho người thân và yêu cầu họ trả viện phí cho bà.

Bà Chu trở lại khu giam giữ vào ngày 21/11/2016. Mặc dù sức khỏe yếu và cần nghỉ ngơi, bà vẫn bị bắt phải chép một bản cam kết hàng ngày, hứa sẽ không lên tiếng vì Pháp Luân Công nữa, nếu không bà sẽ không được phép ngủ.

Bà Chu lại nôn ra máu vào ngày 25/4/2017 và nhanh chóng được đưa đến một bệnh viện tư nhân. Bà đã nôn ra 900ml máu vào đêm đó và đi vệ sinh không kiểm soát được. Nhịp tim và huyết áp của bà rất thấp. Ngày hôm sau, một y tá đến và hỏi bà Chu, người đang cận kề cái chết, liệu bà có phải là người có đức tin hay không. Bà Chu hỏi liệu điều này có liên quan gì đến việc nhập viện không. Sau đó, bà nộp đơn xin xuất viện.

Nhà tù đã ba lần nộp đơn xin tại ngoại chữa bệnh cho bà Chu và gửi đến Phòng Tư pháp thành phố Đường Sơn, nhưng lần nào cũng bị từ chối. Họ nộp đơn đến thành phố Bá Châu và cũng bị từ chối. Điều này kéo dài trong nửa năm. Sau đó, nhà tù yêu cầu chị gái của bà Chu làm người bảo lãnh và nộp đơn xin ân xá đến thành phố Lang Phường. Bà Chu cuối cùng đã được thả, nhưng bà đã bỏ lỡ thời điểm tốt nhất để điều trị bệnh gan của mình.

Bị quấy rối liên tục sau khi được trả tự do

Sau khi được tại ngoại chữa bệnh, bà Chu đã ở tại nhà của chị gái mình ở thành phố Lang Phường. Cảnh sát từ Đường Sơn cách đó 150 km đã tiếp tục tới theo dõi, quấy rối và đe dọa bà. Tình trạng của bà Chu tiếp tục xấu đi, nhiều lần bà phải cấp cứu hồi sức. Vì không đủ sức khỏe để phẫu thuật, bà phải phụ thuộc vào việc uống thuốc và truyền dịch qua đường tĩnh mạch.

Con gái bà, cô Biện Hiểu Huy, bị cảnh sát Đường Sơn quấy rối liên tục sau khi được thả. Dù cô Biện đã kết hôn và chuyển đến tỉnh Sơn Tây, cảnh sát Đường Sơn xác định được vị trí của cô, đi hơn 800 km đến để buộc chủ nhà chấm dứt hợp đồng thuê nhà của cô Biện.

Cảnh sát tiếp tục sách nhiễu bà Chu sau khi bà mãn hạn tù vào ngày 12/3/2018. Bà Chu trở về nhà của mình ở Đường Sơn vào tháng 6/2018, và bị quấy rối vào ngày thứ 2 sau khi bà quay lại.

Vào tháng 7/2018, cô Biện đã sắp xếp một chuyến đi để đưa bà Chu đến Bắc Kinh nhằm tìm kiếm sự điều trị tốt hơn, nhưng họ đã bị chặn lại ở ga tàu và bị tịch thu giấy tờ tùy thân. Trong cùng tháng, cô Biện đã cố gắng đưa bà Chu đến nơi ở mới. Nhưng cảnh sát đã dừng xe của họ và lại tịch thu giấy tờ tùy thân của bà Chu tại một ngã tư đường cao tốc.

Bà Chu Tú Trân trước và sau khi bị bức hại. (Ảnh: Minghui.org)

Bà Chu, con gái và con rể đã đến thăm ông Biện vào đầu năm 2019. Họ bị cản trở và nhà tù liên tục hỏi về thông tin cá nhân của con rể bà. Trong những tháng tiếp theo, nhà tù còn nhiều lần quấy rối con rể bà qua điện thoại.

Vào tháng 9/2019, con gái bà Chu sinh con. Cảnh sát địa phương đã đe dọa chủ nhà, buộc gia đình phải chuyển đi một lần nữa. Sau khi tìm được nơi ở mới, cảnh sát đã thẩm vấn người quản lý nơi ở mới, khiến họ đối xử lạnh nhạt với gia đình.

Việc gia đình tiếp tục bị ngược đãi khiến bà Chu luôn trong tình trạng đau khổ. Điều này khiến bà không thể hồi phục và qua đời vào ngày 19/4/2020.

Sau khi qua đời, cảnh sát tiếp tục tạo khó khăn khi cấp giấy chứng tử cho bà. Vào ngày tang lễ, họ cử người đến nhà tang lễ để xác minh việc hỏa táng. Nửa tháng sau, cảnh sát gọi điện đến nhà tang lễ để hỏi xem bà Chu đã thực sự chết chưa.

Vào thời điểm bà Chu qua đời, ông Biện Lệ Triều vẫn đang thi hành bản án 12 năm tù vì tu luyện Pháp Luân Công tại nhà tù Thạch Gia Trang.

Theo Faluninfo.net, Minghui.org
Minh Nhật biên tập

Xem thêm:

Mời xem video:

Minh Nhật

Published by
Minh Nhật

Recent Posts

Sáu điều cần biết về bà Kristi Noem, ứng viên Bộ trưởng An ninh Nội địa của ông Trump

Tổng thống đắc cử Donald Trump đã đề cử bà Kristi Noem, Thống đốc tiểu…

19 phút ago

Ukraine nghiên cứu mảnh vỡ từ tên lửa đạn đạo mới của Nga

Các nhà điều tra Ukraine đang nghiên cứu mảnh vỡ của một tên lửa đạn…

1 giờ ago

Islamabad bị phong tỏa trước cuộc biểu tình đòi trả tự do cho cựu Thủ tướng Khan

Hôm Chủ nhật (24/11), thủ đô Islamabad của Pakistan đã bị phong tỏa vì lý…

1 giờ ago

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đưa ra cam kết mới với Tổng thống Nga Putin

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã cam kết tăng cường lưu lượng…

2 giờ ago

VKS: Bà Trương Mỹ Lan nộp 280.000 tỷ đồng mới có cơ sở xem xét giảm án tử hình

Theo VKS, bản án quy kết bị cáo Trương Mỹ Lan tham ô 304.000 tỷ…

2 giờ ago

Ông Trump xóa sổ băng đảng Venezuela ở Mỹ như thế nào sau khi nhậm chức?

Theo thống kê, hơn 800.000 người nhập cư Venezuela đã đổ vào Mỹ trong 4…

2 giờ ago