Nhìn từ sự việc giáo viên TQ bị “điều trị tâm thần” vì có tư tưởng khác biệt
- Minh Nhật
- •
Vào tháng 12/2021, sự việc hai giáo viên Trung Quốc bị phân biệt đối xử vì có tư tưởng khác biệt, trong đó một giáo viên mang thai bị đưa đi “điều trị tâm thần” đã khiến cộng đồng mạng của nước này chú ý.
Ngày 14/12/2021, một ngày sau Ngày Tưởng niệm Nạn nhân vụ Thảm sát Nam Kinh, cô Tống Canh Nhất, một giảng viên tại trường Cao đẳng nghề Thần Đán ở Thượng Hải, đã bày tỏ nghi ngờ của mình về thương vong thực tế của vụ thảm sát Nam Kinh trong một bài giảng. Các học sinh đã ghi âm bài giảng của cô và lưu truyền rộng rãi trên mạng. 2 ngày sau, cô Tống Canh Nhất bị đuổi việc.
Ngày 17/12, cô Lý Điền Điền, một giáo viên ngôn ngữ ở huyện Tương Tây, tỉnh Hồ Nam, đã lên mạng xã hội bày tỏ sự ủng hộ đối với cô Tống. 2 ngày sau, phòng giáo dục địa phương đã đưa cô vào bệnh viện tâm thần, bất chấp việc cô đang mang thai 4 tháng.
Vụ việc của cô Tống và cô Lý đã được lan truyền và thu hút sự chú ý rộng rãi ở Trung Quốc cũng như một số tờ báo nước ngoài.
Một cư dân mạng viết: “Chúng ta không thể im lặng về việc này. Nếu không, những gì xảy ra với Lý Điền Điền cũng có thể xảy ra với bất kỳ ai trong chúng ta.” Một người khác viết tiếp: “Nếu chúng ta không thể giải cứu Lý Điền Điền, nhiều người nữa trong đó có chúng ta hoặc người nhà chúng ta có thể phải đối mặt với hậu quả tương tự.”
Vụ việc này sau đó đã được tờ RFA và một số tờ báo phương Tây khác đăng tải.
Nhiều người Trung Quốc không biết rằng đây vốn là một thủ đoạn đàn áp phổ biến được chính quyền cộng sản nước này sử dụng trong cuộc đàn áp Pháp Luân Công. Trong một báo cáo vào tháng 12, luật sư nhân quyền được đề cử giải Nobel Hòa bình David Matas và nhà làm phim tài liệu Caylan Ford đã nhận xét: “Bộ máy đàn áp được xây dựng để đè bẹp Pháp Luân Công đã ‘di căn’, trở thành một đặc điểm ‘bất trị’ trong bộ máy cai trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc.”
Theo đó, vào năm 1999, do số lượng người tập môn khí công Pháp Luân Công lên tới 70 triệu người, cùng với nhu cầu nắm lấy thực quyền từ bộ máy công an Trung Quốc, lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc bấy giờ là Giang Trạch Dân đã phát động một cuộc đàn áp Pháp Luân Công trên toàn quốc. Với các chính sách liên đới, cuộc bức hại hơn 70 triệu người – 1 phần 13 dân số – đã nhanh chóng lan rộng tới khắp các gia đình và công sở ở Trung Quốc đại lục. Nhiều người tập Pháp Luân Công khỏe mạnh, trong đó có nhiều giáo viên, đã bị đưa vào bệnh viện tâm thần để tẩy não và “chuyển hóa”.
Minghui.org, cổng thông tin của người tập Pháp Luân Công ở bên ngoài Trung Quốc Đại lục, đã đăng tải thông tin về một số trường hợp tương tự.
Phó giáo sư bị tra tấn đến rối loạn tâm thần
Bà Lý Huệ Vân, nhận bằng tiến sỹ tại Đại học Thiên Tân vào tháng 11/1999, là phó giáo sư tại khoa Kỹ thuật Điện thuộc Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Bắc. Bằng sáng chế của bà đã nhận được nhiều giải thưởng trong các cuộc triển lãm ở Đức, Hồng Kông và những nơi khác vào năm 2003.
Tuy nhiên, vì bà Lý tập Pháp Luân Công, các quan chức tại trường học và phòng 610 địa phương đã đưa bà đến trung tâm tẩy não vào năm 2004. Bà bị đánh đập tàn bạo, làm nhục, bị cấm ngủ và không được phép sử dụng nhà vệ sinh. Sau đó bà bị chuyển đến Trại lao động Thạch Gia Trang trong 2 năm. Trong thời gian bị giam giữ ở trại lao động, bà đã 2 lần bị đưa đến khoa tâm thần của Bệnh viện Liên kết Số 1 của Đại học Y Hà Bắc. Cả 2 lần, bà đều bị ép uống quá liều thuốc an thần và ức chế miễn dịch, điều đó không chỉ khiến bà mệt mỏi mà còn khiến bà thường xuyên bị ngất.
Tháng 3/2011, bà Lý lại bị bắt và đưa đến Nhà tù Nữ tỉnh Hà Bắc với thời hạn 4 năm 10 tháng. Do bị ngược đãi, bà trở nên rất yếu với khuôn mặt bị biến dạng. Hơn nữa, bà còn bị rối loạn tâm thần do bị ngược đãi và không được điều trị y tế.
Một giáo viên tiếng Anh bị hủy hoại thần kinh
Bà Cáp Tĩnh Ba là một giáo viên tiếng Anh tại trường Trung học Cơ sở Số 4 huyện Đông Phong, tỉnh Cát Lâm. Sau khi cuộc đàn áp Pháp Luân Công bắt đầu vào tháng 7/1999, bà Cáp đã hai lần bị giam tại Bệnh viện Tâm thần Tứ Bình vì thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công.
Hàng ngày tại bệnh viện bà Cáp đều bị sốc điện ở hai bên thái dương, khiến bà bất tỉnh. Sau khi tỉnh lại, bà bị ép tiêm thuốc hủy hoại thần kinh. Khi việc này tiếp diễn, bà Cáp trở nên thất thần, cổ của bà cứng đơ, bà không thể quay đầu được.
Ngược đãi và tiêm thuốc
Bà Cao Thục Anh, một giáo viên tiếng Anh ở huyện Tháp Hà, tỉnh Hắc Long Giang, từng được trao bằng khen giáo viên gương mẫu trước khi cuộc đàn áp Pháp Luân Công bắt đầu.
Tháng 1/2001, bà Cao đã bị quan chức trường học và nhân viên phòng 610 bắt tại nhà và đưa đến thành phố Bắc An. Trên đường đi, họ đã tiêm cho bà một loại thuốc không rõ nguồn gốc, khiến bà lập tức bất tỉnh.
Khi tỉnh lại, bà Cao thấy mình bị trói vào một chiếc giường kim loại, bị lột hết quần áo. Mãi về sau bà Cao mới biết mình đang ở Bệnh viện Tâm thần Bắc An, và bị nhốt chung với bệnh nhân tâm thần. Các nhân viên y tế tại đây đã đổ một số loại thuốc không rõ nguồn gốc vào miệng bà và tiêm cho bà. Mỗi ngày, bà bị tiêm bảy lọ thuốc qua đường tĩnh mạch. Điều này khiến toàn thân bà vô cùng đau đớn.
Khi bà Cao rơi vào tình trạng thập tử nhất sinh, các quan chức đã liên hệ với gia đình đến đón bà nhằm trốn tránh trách nhiệm. Gia đình bà buộc phải trả 10.000 Nhân dân tệ trước khi đưa bà rời khỏi bệnh viện Bắc An.
Bao nhiêu giáo viên bị bức hại?
Trên đây chỉ là một số trường hợp được báo cáo. Theo thống kê không đầy đủ do khó khăn trong việc thu thập tin tức trong cuộc đàn áp Pháp Luân Công, tính đến ngày 27/12/2021, ít nhất 865 người tập Pháp Luân Công khỏe mạnh từ 29 tỉnh hoặc thành phố cấp tỉnh đã bị đưa đến bệnh viện tâm thần vì không chấp nhận từ bỏ tín ngưỡng.
Ngày 10/9/2021, Minghui.org cũng đăng tải một thống kê không đầy đủ về 101 giáo viên Trung Quốc bị kết án vì tập Pháp Luân Công, tính từ tháng 1/2018 tới tháng 8/2021.
Minghui.org là cổng thông tin thường xuyên đăng tải bằng chứng trực tiếp từ nguồn tin sơ cấp (nhân chứng trực tiếp) tại Đại lục về cuộc đàn áp Pháp Luân Công. Số liệu từ Minghui.org đã được nhiều tổ chức nhân quyền công nhận, trong đó đáng chú ý là được trích dẫn trong các phát biểu và các báo cáo nhân quyền của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.
Dựa theo thông tin đăng tải trên Minghui.org
Minh Nhật biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa cuộc sống sau bức hại đàn áp Pháp Luân Công Dòng sự kiện