“Bởi vì tôi không thể sống sót ở Trung Quốc được nữa, tôi cũng không thể xin thị thực vào Hoa Kỳ, vì vậy tôi đã vượt biên đến đây,” bà Trương Duy Sở đến từ Trung Quốc Đại Lục, người vừa được thả khỏi nhà tù di cư vào ngày 15/6, nói với phóng viên của Vision Times.
Bà Trương Duy Sở gần 50 tuổi, từng là bác sĩ ở Trung Quốc Đại Lục, cho biết: “Chính phủ trong nước không cho phép tôi nói hay làm việc, vì vậy tôi phải ra ngoài.”
“Đã nhiều năm tôi không được phép làm việc ở Trung Quốc vì vấn đề tự do ngôn luận, chỉ trích chính phủ trên Internet. Tôi đã bàn luận rất nhiều, sau đó họ (chính phủ) không hài lòng, và làm vậy, không vâng lời, thì sẽ không được ăn cơm.”
Hầu hết những người vượt biên đều phải băng qua một số quốc gia ở Trung và Nam Mỹ, trải qua nhiều nguy hiểm, cuối cùng mới vào được Hoa Kỳ từ biên giới Hoa Kỳ-Mexico.
Trương Duy Sở nói: “Tôi đã vượt biên khỏi Trung Quốc vào năm 2020, và ở lại Myanmar hơn 2 năm do dịch bệnh.”
“Tôi đi từ Vân Nam đến Myanmar, rồi từ Myanmar đến Thái Lan, từ Thái Lan đến Lào, và kích hoạt hộ chiếu ở Lào. Sau đó tôi bay đến Ecuador và đi bộ xuyên rừng nhiệt đới, đi qua các quốc gia Colombia, Panama, Costa Rica, Nicaragua, Honduras, Guatemala, Mexico. Từ Ecuador đến Mexico mất hơn 2 tháng.”
Nói về trải nghiệm vượt biên, bà Trương cho biết: “Tôi đến đây cùng gia đình. Trong quá trình vượt biên, khu rừng nhiệt đới ấy đã xảy ra một trận lũ quét. Tôi buộc phải đứng vào một cái hố nông, tức là một cái hố cạn trên vách đá, chưa đủ chỗ cho 3, 4 người đứng. Sau đó nhìn nước lũ từ từ dâng lên, nước ngập đến chân, rồi tràn vào tất”.
Trong hoàn cảnh này, bà nói rằng mình không hối hận vì đã vượt biên, cũng không nghĩ rằng mình có thể sẽ không ra khỏi rừng nhiệt đới.
“Tôi chỉ nghĩ xem có cách nào giải quyết vấn đề này không, xem xem có thể bám vào cây được không, hay leo lên cây. May là lũ ngập đến chân rồi rút từ từ”.
Về việc ai đã dẫn đường đưa họ đến Hoa Kỳ, bà Trương nói: “Chúng tôi đã đi bộ suốt chặng đường, và cũng tìm người dẫn đường suốt hành trình. Đi một chặng đường thì trả một số tiền nhất định, sau đó lại tìm người dẫn đường ở địa điểm mới.”
Trong quá trình vượt biên, bà Trương cũng gặp phải vấn đề về sức khỏe: “Khi ở trong rừng nhiệt đới tôi lại bị sốt. Tôi đã sống sót nhờ uống thuốc hạ sốt.”
Bà nói rằng họ bắt đầu đi bộ lúc 7 hoặc 8h sáng và dừng lại lúc 5h chiều. “Đi mòn cả chân, một số bạn đồng hành của tôi đã bị mất vài cái móng chân trong rừng nhiệt đới.”
Khi nói về việc giải quyết vấn đề ăn uống lúc vượt biên, bà Trương Duy Sở trả lời: “Nếu muốn uống nước, bạn chỉ có thể uống nước bẩn từ trận lũ trên sông. Bình thường thì uống nước trong dòng sông đó. Người dẫn đường sẽ cho bạn biết chỗ nào có thể uống được, sau đó uống ở đó.”
Bà giải thích, không cần bộ lọc nước, chi phí quá cao và cũng không mua được. Nhưng trên đường đi, nếu có người mang theo một bộ lọc trên đường, thì có thể mượn bộ lọc của họ và uống nước lọc vào buổi tối. Nhưng ban ngày vẫn phải uống nước sông.
“Ăn thì ăn lương khô, sô cô la, trái cây sấy khô các loại, trong rừng nhiệt đới không có người bán hàng.”
Bà Trương cũng từng bị kẻ buôn lậu người giam giữ và đòi tiền: “Sau khi đi qua khu rừng nhiệt đới, có thể mua nước uống. Nhưng có lần khi kẻ buôn lậu người kiểm soát ngôi nhà, họ không cho chúng tôi ra ngoài, nói rằng sợ công an bên ngoài sẽ bắt chúng tôi. Họ cũng không cho chúng tôi nước uống.
Sau đó chúng tôi muốn tự ra ngoài mua nước, nhưng họ không cho. Nếu để họ đi mua, giá sẽ tăng gấp đôi, còn phải trả gấp đôi tiền boa cho họ. Chúng tôi đã bị nhốt rất lâu, cũng đổi nhiều kẻ buôn lậu người khác nhau. Chúng tôi cũng muốn cho họ nhiều tiền hơn, nhưng rốt cuộc cũng không có tiền. Vì vậy họ đã để chúng tôi đi.”
Nói về việc có bao nhiêu người Trung Quốc cùng vượt biên, bà Trương cho biết: “Khi tôi đi thuyền ở Colombia, tôi đã đi bộ một lúc. Có lẽ có 50 hoặc 60 người (hoặc 70 người Trung Quốc) trên thuyền của chúng tôi. Còn có một số người mang theo con cái, và một người Trung Quốc đã mang thai hơn 3 tháng dẫn theo một đứa trẻ tuổi.”
Sau khi đến Hoa Kỳ, bà Trương đã trải qua hơn 4 tháng trong nhà tù di cư, và hiện đã là một người tự do. Khi được hỏi có mong muốn gì cho tương lai, bà nói, trước tiên bà sẽ tìm một công việc, sau đó học tiếng Anh thật tốt, hoặc bà sẽ làm kinh doanh riêng.
“Kinh doanh ở Trung Quốc Đại Lục thực sự không dễ. Nếu bạn có bất kỳ ý tưởng sáng tạo nào, có thể sẽ bị người khác cướp mất. Những quan chức, cả việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của họ, đều không phải là thật. Có thể bạn đã nghĩ đến chuyện gì đó.
Những công ty lớn sẽ cướp thứ của bạn và mở rộng sản xuất trước, chiếm thời cơ của bạn. Sau đó nếu bạn muốn đi kiện về quyền sở hữu trí tuệ với họ, bạn cũng không có sức mà theo đuổi.”
Bà Trương đã bắt đầu cuộc sống mới ở Hoa Kỳ, có thể bà sẽ bắt đầu công việc kinh doanh của riêng mình trong tương lai gần. Bởi vì Hoa Kỳ coi trọng quyền sở hữu trí tuệ, và những ý tưởng sáng tạo của bà sẽ được bảo vệ.
Ngày 20/6 là Ngày Tị nạn Thế giới. Chủ đề của năm nay là “Hy vọng khi rời bỏ quê hương, tổ quốc”.
Những năm gần đây, người giàu và người nghèo ở Trung Quốc đều muốn di cư ra nước ngoài. Người giàu di cư thông qua đầu tư, du học; người nghèo thì vượt biên. Vì sao lại như vậy? Mỗi người lại có một câu trả lời khác nhau, nhưng giữa họ đều có một điểm chung là cùng tìm kiếm hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn.
Theo báo cáo chính thức của Hoa Kỳ, số lượng công dân Trung Quốc xin tị nạn vào Hoa Kỳ qua biên giới Hoa Kỳ-Mexico đã tăng lên trong vài tháng qua.
Ông Trần Quân (John Chen) bị kết án vì cùng đồng phạm hỗ trợ ĐCSTQ…
Các cuộc biểu tình tại Trung Quốc trong quý 3 năm nay đã tăng 27%…
Ngoại trưởng Andrey Sibiga cho biết Ukraine sẽ không chấp thuận nhượng bất kỳ lãnh…
Trong cuốn sách "Dũng tràng tiểu phẩm" của tác giả Chu Quốc Trinh đời nhà…
Đâu đó và ngay đây, vẫn có những người với người vẫn tin và thương…
Đề xuất của Bộ Tư pháp Mỹ yêu cầu Google phải bán trình duyệt Chrome…